Mướp hương
Mướp hương là cây thuốc quý trong đông y sử dụng cả hạt, thân, rễ, lá, xơ và quả làm dược liệu. Dưới đây là đặc điểm về tính vị, tác dụng của cây thuốc và cách sử dụng chữa bệnh.
- Tên gọi khác: Mướp gối, cây mướp, mướp ta
- Tên khoa học: Luffa cylindrica (L.)
- Họ: Bầu bí (Cucurbitaceae )
Mô tả về cây mướp hương
Đặc điểm thực vật
Mướp hương là cây thân thảo, thuộc dạng dây leo. Thần dài, nhỏ, hình tiết diện đa giác, màu xanh lục nhạt, có năm đường gân chạy dọc. Bên ngoài thân có nhiều lông trắng mọc rải rác. Dọc theo thân phát triển nhiều tua cuốn bám vào thân cây khác, bụi rậm hay giàn được người dân dựng sẵn để phát triển.
Lá cây mướp hương mọc so le, hình trái tim, mặt trên và dưới đều có nhiều lông tơ, chứa 5 – 7 thùy, bên ngoài mép có răng. Hoa thường ra vào tháng 8 – tháng 10 hàng năm,. Cùng một cây có cả hoa đực lẫn hoa cái. Hoa đực thường mọc thành chùm còn hoa cái thì phát triển đơn độc từng hoa. Quả mướp hình trụ thuôn, khi còn xanh chất xốp, mềm, chứa nhiều nước, màu xanh đậm hoặc xanh nhạt, dài khoảng 25 – 30 cm, vỏ thô ráp. Khi quả già chuyển sang màu nâu, bên trong có nhiều xơ và khá dai. Trong quả có nhiều hạt dẹp, hình trứng.
Phân bố
Cây mướp hương là loài bản địa của Bắc Phi, lần đầu tiên được khoa học mô tả vào năm 1846. Ở nước ta, cây được trồng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu để lấy quả làm thực phẩm.
Bộ phận dùng
Tất cả các bộ phận của cây mướp hương đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Bao gồm lá, quả, xơ, hạt, rễ, thân (dây). Trong đó xơ và quả tươi được Đông y sử dụng với các tên gọi như sau:
- Xơ mướp (Retinervus Luffae Fructus): Ty qua lạc
- Quả tươi ( Fructus Luffae): Sinh ty qua
Thu hái- sơ chế
Mướp hương được thu hái quanh năm. Tùy theo mục đích sử dụng mà mỗi bộ phận sẽ được thu hoạch về phân loại, rửa sạch, dùng tươi hay sấy khô bảo quản dùng dần
Bảo quản
Dược liệu tươi sau khi thu hái về nên dùng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh sử dụng trong vòng 2- 3 ngày. Với dược liệu khô, bạn nên để nơi khô thoáng, tốt nhất là trong điều kiện nhiệt độ phòng. Tránh để thuốc dính nước sẽ bị ẩm mốc gây độc cho cơ thể.
Thành phần hóa học
– Quả mướp hương chứa:
- Saponin
- Chất xơ
- Chất nhầy
- Protein
- Lysin
- Arginin
- Mannan
- Acid aspartic
- Lignin
- Glycin
- Threonin
- Mỡ
- Acid glutamic
- Leucin
- Sắt
- Đồng
- Mangan
- Vitamin A, C, E
- Kali
– Hạt chứa:
- Cucurbitacin B
- Saponin
- Acid oleonolic thủy phân từ saponin
- Sapogenin trung tính
Vị thuốc mướp hương
Tính vị
- Quả mướp hương: Tính mát, vị ngọt
- Xơ mướp: Tính bình, vị ngọt
- Lá: Tính chua, hàn nhẹ, vị đắng
- Thân dây: Tính bình, vị ngọt
- Hạt: Tính bình, hơi ngọt
- Rễ: Tính bình, vị ngọt
Quy kinh
Chưa có thông tin đầy đủ về khả năng quy kinh của mướp hương
Mướp hương có tác dụng gì? Chủ trị
– Theo Đông y:
- Quả: Giải nhiệt, lương huyết, tiêu độc, làm tan đờm. Chủ trị tiểu tiện, đại tiện ra máu, viêm đường tiết niệu, bệnh trĩ nội, tắc tuyến sữa, mụn nhọt, đau lưng, ho nhiều đờm, viêm phế quản.
- Xơ mướp hương: Chỉ huyết, giải nhiệt, tiêu độc, tan đờm nhầy. Chủ trị hen, sởi, trĩ ra máu, tắc tia sữa, rong kinh, băng huyết.
- Lá mướp: Giải nhiệt, bài trừ độc tố cho cơ thể, chỉ huyết, tiêu đờm. Chủ trị viêm họng, ho, hen kéo dài, phù thũng, mẩn ngứa, lở đầu…
- Hạt: Nhuận táo, sát khuẩn, tiêu đờm, làm mát cơ thể, bổ gân xương. Chủ trị ho nhiệt có đờm, giun sán, tê mỏi tay chân, phù thũng các chi, ít sữa.
- Thân (dây ): Tiêu đờm, thông kinh hoạt lạc. Chủ trị viêm mũi mãn tính, ho gà, viêm da thần kinh, máu mủ chân răng.
- Rễ: Giải nhiệt, tiêu độc. Chủ trị mụn chốc lở, ghẻ nước, vàng da, vàng mắt.
– Theo nghiên cứu hiện đại:
- Thành phần vitamin A, E, C dồi dào trong mướp hương giúp cải thiện thị lực, làm sáng mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
- Mướp hương cung cấp mangan làm tăng khả năng sản xuất insulin, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
- Kali trong mướp có khả năng chống co thắt các cơ, ngăn ngừa đau cơ và cân bằng chất lỏng trong cơ thể
- Ăn mướp hương thường xuyên cũng giúp chống viêm, giảm đau sưng và cứng khớp nhờ thành phần chất đồng dồi dào trong quả.
- Vitamin C trong mướp giúp làm đẹp, chống lão hóa da, làm tổn thương nhanh lành.
- Ngoài ra, mướp hương còn bổ sung lượng chất xơ dồi dào giúp thúc đẩy tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, bệnh trĩ.
Cách sử dụng – Liều lượng
Có thể dùng mướp hương theo dạng sắc uống, cô đặc thành cao, tán bột mịn hoặc làm thuốc đắp ngoài. Liều lượng tùy theo từng chứng bệnh.
Bài thuốc chữa bệnh có mướp hương
1. Chữa ra nhiều mồ hôi chân
Dùng vài lá mướp già đốt cháy thành tro. Hàng ngày, lấy một ít bột tro rắc vào dưới đế giày và xỏ chân vào, không cần mang tất. Áp dụng trong 15 ngày liên tục.
2. Điều trị bệnh viêm mũi mãn tính có biểu hiện chảy dịch đục vàng, suy giảm khướu giác
- Cách 1: Chuẩn bị thang thuốc gồm: 15g dây mướp hương, 30g cuống cắt từ quả dưa hấu, 0,6 g băng phiến. Dây mướp và cuống dưa hấu đem đốt cháy thành than, tán bột rồi trộn chung với bột băng phiến cho đều. Mỗi ngày lấy một ít bột thuốc hít vào mũi.
- Cách 2: Cắt đoạn dây mướp 1 mét từ gốc lên, đem đốt tồn tính, tán bột mịn. Mỗi ngày lấy 5g uống chung với một ly nhỏ rượu ấm cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
3. Điều trị viêm xoang
Quả mướp hương đem phơi khô, sao vàng cho teo lại rồi tán thành bột mịn. Để điều trị viêm xoang, mỗi ngày lấy 6g pha với nước ấm uống vào buổi sáng ngay sau khi vừa ngủ dậy. Chờ ít nhất nửa tiếng sau mới được ăn sáng.
Áp dụng bài thuốc này liên tục trong 8 ngày các triệu chứng bệnh viêm xoang sẽ thuyên giảm rõ rệt.
4. Điều trị bệnh ho gà
Cắt một đoạn dây ép lấy nước cốt. Thêm 2 thìa mật ong nguyên chất hoặc đường phèn vào hấp cách thủy uống lúc ấm.
5. Chữa tê mỏi tay chân, bồi bổ gân xương
Chuẩn bị: Hạt mướp hương ( 1 nắm ), gạo tẻ (2 nắm ), 3 – 4 cặp chân gà ta to. Tất cả đem hầm nhừ thành cháo ăn mỗi tuần 2 lần để chữa tê mỏi tay chân, làm mạnh gân xương cho người già. Trẻ nhỏ chân yếu đi lại không vững cũng có thể dùng được món ăn bài thuốc này.
6. Điều trị bệnh trĩ đi ngoài ra máu
Đi ngoài ra máu là triệu chứng có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh trĩ. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể dùng quả mướp nấu canh ăn hoặc hái 30g hoa mướp hương nấu nước uống hàng ngày nhằm kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, làm mềm phân, qua đó chống chảy máu khi đi cầu.
7. Chữa ho nhiệt có biểu hiện nhiều đờm đặc, khó khạc
Lấy 10 hạt mướp ( giã nát ) và 16g lá mướp. Cả hai đem nấu nước uống làm 3 – 4 lần trong ngày.
8. Điều trị bệnh viêm họng
Dùng một nắm lá mướp hương rửa sạch, giã nát. Vắt nước cốt rồi thêm vào vài hạt muối ăn uống một lần mỗi ngày để chữa viêm họng và cải thiện các triệu chứng bệnh.
9. Điều trị bệnh ho, lên cơn hen kéo dài
- Cách 1: Nấu 15g lá mướp hương lấy nước đặc uống
- Cách 2: Sắc vài tiếng cho nước lá cô đặc thành một loại cao lỏng. Bảo quản trong hũ kín dùng dầ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 0,5ml.
10. Diệt giun sán
Lấy nhân hạt ăn lúc đói bụng hoặc giã nhỏ pha với nước uống. Người trưởng thành mỗi ngày dùng 40 – 50 hạt, trẻ em 30 hạt. Ăn trong 2 ngày liên tục rồi ngưng.
11. Điều trị bệnh cao huyết áp
Kết hợp 30g quả mướp tươi với 200g táo ta, 50g chanh tươi và đường phèn. Trước tiên gọt vỏ táo và mướp, cho vào máy ép lấy nước, hòa chung với nước cốt chanh và lượng đường phèn vừa đủ tạo độ ngọt. Uống thuốc hàng ngày trong 10 ngày liên tục.
12. Điều trị ít sữa cho sản phụ sau sinh
Dùng 20g hạt mướp hương kết hợp với thông thảo và mộc thông mỗi vị 8g. Các vị trên cho vào nồi đất nấu với khúc dưới chân phía trước của lợn đen. Chia 1 – 2 lần dùng trong ngày. Ăn móng giò và uống cả nước khi còn ấm.
13. Điều trị viêm da thần kinh trong các trường hợp bị huyết nhiệt phong thịnh
Lấy 10g tua cây mướp hương đem nấu canh chung với 30g thịt chai và 15g rau kim châm. Ăn hàng ngày trong 7 ngày liên tục.
14. Chữa viêm mũi, nổi mụn nhọt, đổ máu cam do phế nhiệt
Hái 10g hoa dùng tươi đem hãm với nước sôi uống thay trà. Khi dùng có thể cho thêm một chút mật ong hay đường phèn vào sẽ dễ uống hơn. Bã hoa vớt ra đắp ngoài nếu bị mụn nhọt.
15. Chữa đau nhức thần kinh
- Cách 1: Nấu lá mướp hương lấy nước uống mỗi ngày 100ml. Dùng khi còn ấm
- Cách 2: Xay nhuyễn lá mướp, bôi trực tiếp lên khu vực ảnh hưởng mỗi ngày 2 lần và mát xa nhẹ nhàng sẽ thấy cơn đau được xoa dịu nhanh chóng.
16. Chữa đàm trệ, khí huyết hư, làm mạnh gân xương cho người già
Quả mướp gọt lấy 20g vỏ, hắc dược, đường mộc qua, mao đương quy mỗi vị 8g. Nấu nước uống vài lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
17. Hạ sốt, giảm đau đầu
Chuẩn bị 20g hoa mướp hương và 100g đỗ xanh. Đỗ xanh để cả vỏ, đem sắc kỹ với 700ml nước cho cạn còn 400ml. Lọc nước cốt đỗ cho trở lại nồi đun sôi rồi thả hoa mướp thái nhỏ vào, nấu thêm 10 phút nữa. Chờ cho hỗn hợp nguội chắt nước chia làm 3 phần uống hết trong ngày.
18. Trị rôm sảy, bỏng da, dị ứng, bệnh giời leo, bệnh nước ăn chân, da nổi mụn trứng cá
Lấy lá mướp hương tươi rửa sạch với nước muối. Giã lấy nước cốt bôi ngoài khu vực bị bệnh kết hợp nếu uống trong để nhanh thấy kết quả.
19. Chữa da bị nổi mề đay
Dùng 1 nắm lá mướp hương xay nhuyễn, chắt nước cốt. Hòa thêm vào một ít băng phiến cho tan rồi dùng bông gòn bôi thuốc lên vùng da bị nổi mề đay.
20. Làm mờ nếp nhăn trên mặt
Dùng dây tươi ép lấy 10ml nước cốt. Sau đó trộn chung với 1 cái lòng trắng trứng gà và 2 thìa mật ong nguyên chất, đánh cho hỗn hợp bông đều. Thoa hỗn hợp này lên mặt 30 phút rồi rửa lại cho sạch. Thực hiện mỗi tuần 3 lần có tác dụng chống lão hóa, xóa mờ nếp nhăn trên da mặt.
21. Chữa phù chi, phù thũng mặt
Lấy một nắm nhân hạt cây mướp hương giã nhỏ, đốt cháy, tán thành bột. Uống thuốc cùng với một ít rượu.
22. Điều trị bệnh chốc lở, ghẻ nước
Nấu rễ của những cây mướp hương già đem ngâm rửa chỗ bị chốc lở, ghẻ nước mỗi ngày 2 lần.
23. Chữa phế nhiệt ho đờm, mụn ung nhọt, đau tức ở reo lưng hoặc ở mỏ ác, sưng đau tinh hoàn
- Cách 1: Lấy 8 – 10g xơ mướp hương sắc nước đặc uống
- Cách 2: Cũng dùng xơ mướp với liều lượng trên nhưng đem đốt tồn tính, tán bột mịn pha chung với ít rượu uống. Kết hợp lấy bột thoa vào khu vực cần điều trị.
24. Thông tắc tia sữa
Lấy quả mướp hương để cả hạt, phơi khô, đốt cháy tồn tính, nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy 8g uống chung với một ít rượu ấm hoặc pha với rượu rồi xoa bóp bên ngoài vú để chữa thông tuyến sữa, giảm sưng đau vú do tắc tia sữa.
25. Chữa chân răng chảy máu mủ
Dùng dây và tua mướp phơi khô, đốt cháy thành than, nghiền bột mịn. Khi sử dụng lấy một ít bột thuốc nhét vào chân răng bị tổn thương. Ngậm một lúc mới nhổ ra.
26. Chữa vàng da, vàng mắt ( bệnh hoàng đản )
Cắt 5 đoạn rễ mướp giã nát, cho vào nồi nấu với 1 bát nước đến khi cạn còn 8 phần. Lọc lấy nước thuốc hòa chung với 10 ml rượu gạo uống.
27. Trị nóng trong, giải nhiệt ngày hè, tiêu viêm, chỉ khát, hóa đàm
Lấy 50g quả mướp hương ép lấy nước, hòa thêm chút đường trắng cho đủ ngọt vào uống.
Lưu ý khi dùng cây mướp hương
- Không dùng mướp hương cho các trường hợp tỳ vị kém, nam giới mắc bệnh liệt dương, người hay bị đau bụng, tiêu phân lỏng nát nhiều lần trong ngày, người bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của mướp hương.
- Trường hợp dùng làm thuốc đắp ngoài hoặc uống tươi nên rửa sạch dược liệu, ngâm với nước muối pha loãng trước khi điều chế thuốc.
- Dùng dược liệu đúng hàm lượng quy định
- Người có cơ địa dị ứng nếu lần đầu sử dụng mướp hương nên bôi thử một ít ra cổ tay. Chờ sau vài tiếng nếu không có phản ứng nào lạ thì mới bắt đầu tiến hành dùng thuốc.
Tham khảo thêm
- Cây Khổ Sâm – Đặc điểm, dược tính và công dụng
- Giun Đất – Đặc điểm, Tác dụng của giun đất & cách dùng