Mộc thông
Mộc thông là thực vật dây leo phân bố chủ yếu ở các tỉnh thành của Trung Quốc. Dược liệu có tác dụng lợi tiểu tiện, hoạt huyết, chỉ thống và thanh phế nhiệt, thường được nhân dân sử dụng để chữa chứng thấp nhiệt ở bàng quang, tia sữa không thông và kinh nguyệt bế tắc.
- Tên gọi khác: Dây khố rách, Thông thảo, Đinh phụ, Phụ chi, Hoạt huyết đằng, Biển đằng, Vạn niên.
- Tên khoa học: Akebia trifoliata
- Họ: Mộc hương (danh pháp khoa học: Aristolochiaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Dược liệu mộc thông được thu hái từ nhiều loại thực vật khác nhau, thuộc họ Mộc hương và Hoàng liên. Bài viết đề cập đến cây mộc thông (Akebia trifoliate), thuộc họ Mộc hương.
Mộc thông là cây thân leo, dài khoảng 7 – 10m. Thân nhỏ, lá mọc đối xứng, gân lá lông chim và có cuống. Phiến lá rộng từ 3 – 6cm và dài từ 6 – 9cm. Hoa nhỏ, mọc ở kẽ lá, cây có hoa đực và hoa cái mọc ở khác gốc. Quả thịt, rộng 12mm và dài 17mm. Quả có chứa 1 hạt nhỏ.
2. Bộ phận dùng
Thân cây được dùng để làm thuốc. Thường chọn thân xốp, bên ngoài vàng nhạt và bên trong vàng đậm hơn. Không dùng thân cây đen, nhỏ và bị mối mọt.
3. Phân bố
Loài thực vật này phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Hiện tại, mộc thông chưa được di thực và trồng tại Việt Nam.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái cây vào tháng 7 – 8 hằng năm. Sau khi hái về đem bỏ các cành già, lá héo, sau đó cắt thành từng khúc dài khoảng 40cm. Tiến hành cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài và đem phơi khô hoàn toàn.
Sau đó, có thể bào chế dược liệu theo những cách sau đây:
- Cạo vỏ, thái thành lát mỏng và đem phơi khô. Có thể tán bột và làm thành hoàn.
- Đem dược liệu ngâm nước, sau đó thái lát và phơi trong râm. Tuyệt đối không phơi nắng vì có thể làm mất tác dụng dược lý.
5. Bảo quản
Thân cây xốp nên rất dễ ẩm mốc. Sau khi phơi khô nên bảo quản ở nơi khô ráo và kín. Đồng thời nên dùng dược liệu trong thời gian ngắn nhất. Mộc thông để lâu có thể ra sắc đen và mất tác dụng trị bệnh.
6. Thành phần hóa học
Dược liệu có chứa các thành phần hóa học sau: Stigmasterol, Akeboside, Betulin, Oleanic acid, Cyanidin-3-p-coumaroyglucoside, Hederagenin, Inositol, Beta sitoterol,…
Vị thuốc Mộc thông
1. Tính vị
Vị cay, ngọt, tính bình và không độc. Tuy nhiên theo ghi chép của Dược tính luận, mộc thông có tính hơi hàn.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tâm, Phế, Bàng quang và Tiểu trường.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
- Công dụng: Thông lợi cửu khiếu, chủ khứ ác trùng, chỉ hãn, lợi tiểu tiện, an tâm, thoái nhiệt, chỉ khát, trừ phiền, minh mục, hoạt huyết, thông mạch.
- Chủ trị: Thủy thũng, phiền nhiệt, phụ nữ bế kinh, kinh nguyệt không đều, trị nghẹt mũi, mụn nhọt, thống kinh, đau nhức do phong thấp, miệng lưỡi lở loét, cổ họng sưng đau, tắc sữa,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Thực nghiệm trên thỏ cho thấy, dược liệu có tác dụng lợi tiểu rõ rệt.
- Nước sắc dược liệu có tác dụng tăng sức co bóp của tim nhưng khi dùng liều cao lại có tác dụng ức chế nhịp tim.
- Tác dụng ức chế tử cung trong trường hợp mang thai lẫn không mang thai.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu được dùng chủ yếu ở dạng sắc uống, liều dùng tham khảo: 4 – 12g/ ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc mộc thông
1. Bài thuốc trị tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu đỏ, miệng lưỡi nổi mụn
- Chuẩn bị: Sinh thảo tiêm, đạm trúc diệp, mộc thông và sinh địa, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem sắc uống dùng hằng ngày.
2. Bài thuốc trị tai sưng điếc, sườn đau nhức, miệng đắng, hạ bộ nóng ngứa, ướt át, cơ gân suy yếu, tiểu ra máu, bạch trọc và sưng vùng kín
- Chuẩn bị: Hoàng cầm, trạch tả, xa tiền tử, sài hồ, cam thảo, long đởm thảo, chi tử, mộc thông, đương quy, sinh địa, mỗi vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống hằng ngày.
3. Bài thuốc trị thiếu sữa
- Chuẩn bị: Xuyên sơn giáp, vương bất lưu hành và mộc thông.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
4. Bài thuốc trị chứng đầy trướng vùng bụng, sinh xong nhau thai không ra
- Chuẩn bị: Cù mạch, hoạt thạch, ngưu tất, đường quy, đông quỳ tử và mộc thông, bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem sắc uống.
5. Bài thuốc trị thấp nhiệt ở bàng quang gây tiểu tiện đau bốt, đầy bụng, tiểu ít, mệt mỏi, tiểu ra máu và loét miệng lưỡi
- Chuẩn bị: Sinh địa hoàng, cam thảo, mộc thông và trúc diệp.
- Thực hiện: Sắc uống.
6. Bài thuốc trị tiểu tiện không thông, phù thũng 1 bên người, thấp nhiệt, hen suyễn, khó chịu và tức thở
- Chuẩn bị: Xích phục linh, vỏ rễ dâu, gừng tươi, hành ta, mộc thông, trư linh và hạt cau mỗi vị 12g, tía tô 8g.
- Thực hiện: Đem sắc uống mỗi ngày.
7. Bài thuốc trị nóng trong ngày gây lở loét miệng và khó tiểu
- Chuẩn bị: Ngọn cành cam thảo 4g, sinh địa 20g, hoàng cầm 12g và mộc thông 10g.
- Thực hiện: Nghiền thành bột mịn và uống đều đặn hàng ngày.
8. Bài thuốc chữa chứng tiểu tiện ra huyết
- Chuẩn bị: Cam thảo, thiên môn, ngưu tất, hoàng bá, sinh địa và mộc thông, mỗi vị 4g.
- Thực hiện: Sắc uống trong ngày.
9. Bài thuốc trị phụ nữ có kinh nguyệt bế tắc
- Chuẩn bị: Sinh địa 20g, hồng hoa 8g, mộc thông, diên hồ sách và ngưu tất mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
10. Bài thuốc trị đau co rút khắp người và khó cử động
- Chuẩn bị: Mộc thông 12g.
- Thực hiện: Sắc uống và dùng khi thuốc còn nóng.
11. Bài thuốc trị đau vùng tâm vị, khó nuốt, đại tiện không thông, khó nuốt, ăn hay bị nghẹn, đau tức vùng gan, hơi thở hôi
- Chuẩn bị: Thảo quyết minh, mộc thông và bách bộ mỗi vị 16g, ngưu tất, chỉ xác, mạch môn và nga truật mỗi vị 10g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
12. Bài thuốc trị tắc sữa ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: Móng giò lợn 2 cái và mộc thông 12g.
- Thực hiện: Ninh cho nhừ, nêm nếm gia vị và dùng ăn cả nước lẫn cái.
Những lưu ý khi dùng dược liệu mộc thông
- Không dùng dược liệu cho phụ nữ mang thai.
- Cấm dùng mộc thông cho người mệt mỏi, không có thấp nhiệt và hoạt tinh.
Hầu hết các bài thuốc từ mộc thông đều được lưu truyền trong dân gian. Do đó một số bài thuốc chưa được xác thực về tính hiệu quả và mức độ an toàn khi sử dụng. Để tránh các rủi ro khi áp dụng những bài thuốc này, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.