Mẫu lệ
Mẫu lệ là vỏ phơi khô/ nung đỏ của con hàu. Dược liệu này có vị mặn, tính hàn, tác dụng cố tinh, trừ thấp, tiềm dương , ức chế chất chua và thanh nhiệt. Vì vậy thường được dùng để chữa chứng ra mồ hôi trộm, di mộng tinh, són tiểu và viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên mẫu lệ có tính hàn nên không dùng cho các trường hợp bệnh hư do lạnh.
- Tên gọi khác: Vỏ hàu, Vỏ hà, Lệ phòng, Lệ cáp, Tả sác, Hải lệ tử sác, Hà sông, Hầu cồn,…
- Tên khoa học: Ostrea spp
- Tên dược: Concha Ostreae
- Họ: Mẫu lệ (danh pháp khoa học: Ostreidae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm
Mẫu lệ là vỏ phơi khô của các loại hàu. Vỏ thường có hình tròn hoặc hình trứng, dày và chắc. Hàu sống nhiều năm thì lớp vỏ càng có nhiều vẩy và dày cứng như đá. Mặt ngoài vỏ có màu nâu, tía, xanh hoặc xám tro, mặt trong có màu vàng nhạt hoặc màu trắng.
Hàu sống ở vùng nước mặn, thường bám chặt vào mỏm đá và không có khả năng di chuyển. Vỏ hàu thường mở để thở và săn bắt mồi. Hàu là động vật ăn tạp, thức ăn bao gồm thực vật nhỏ, động vật và một số loài thù du. Hàu sinh đẻ vào tháng 7 – 10 nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 8 – 9 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Thịt hàu được dùng để chế biến thành món ăn giàu dinh dưỡng. Trong khi đó vỏ hàu được phơi khô, nung và tán bột để làm thuốc.
3. Phân bố
Hàu sống ở nhiều vùng nước mặn. Ở nước ta, loài động vật này tập trung nhiều ở biển Lạch Trường (Thanh Hóa), Sông Chanh (Quảng Bình), Sông Bạch Đằng (Hải Phòng), Diêm Điền (Thái Bình) và Tiên Yên (Quảng Ninh).
4. Thu bắt – sơ chế
Tháng 10 – tháng 3 hằng năm là thời điểm tốt nhất để khai thác vì lúc này hàu có nhiều thức ăn nên thường béo và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu chỉ dùng vỏ để làm thuốc có thể thu nhặt quanh năm.
Sau khi thu nhặt vỏ hàu, đem rửa sạch, phơi khô. Sau đó có thể bào chế dược liệu theo những cách sau:
- Cho vỏ vào nồi đất, dùng đất trét kín và nung đến khi vỏ chín đỏ là được. Cuối cùng đem tán thành bột mịn và bảo quản dùng dần.
- Nếu số lượng không nhiều, có thể nung trực tiếp lên than hồng cho đến khi đỏ, đem tán bột mịn là dùng được.
- Xếp gạch lên 3 phía, đem trải than củi lẫn trấu, sau đó cho 1 lớp dược liệu lên. Làm liên tục cho đến khi hết dược liệu, tuy nhiên cần để 1 lỗ ở giữa để thông hơi. Lớp trên cùng phải là lớp trấu và than để mẫu lệ được nướng chín hoàn toàn. Sau đó đốt từ dưới lên để làm chín dược liệu. Khi vỏ hàu chín thì lấy ra và tán thành bột mịn.
- Giã vụn nếu dùng sống hoặc có thể nung chín rồi tán thành bột mịn.
- Dùng bột mẫu lệ tẩm với giấm theo tỷ lệ 1kg bột với 100ml giấm.
5. Bảo quản
Để nơi khô ráo.
6. Thành phần hóa học
Vỏ hàu có chứa từ 80 – 95% canxi carbonat, canxi sunfat và canxi phosphate. Bên cạnh đó, dược liệu còn chứa một số chất hữu cơ, sắt oxit, nhôm, magie và một số khoáng chất khác.
Vị thuốc Mẫu lệ
1. Tính vị
Vị mặn, sáp và tính hàn.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Thận, Đởm, Can.
3. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Có thể làm thuốc cản quang ở liều 150 – 200g.
- Canxi carbonat trong dược liệu có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm viêm loét và cải thiện các triệu chứng như đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua,…
– Theo Đông Y:
- Công dụng: Thanh nhiệt, chỉ thống, hóa đờm, nhuyễn kiên, trừ thấp, ích âm, tán kết, tiềm dương, trừ nhiệt lưu ở khớp, ức chế chất chua và cố sáp hạ tiêu.
- Chủ trị: Kinh sợ, mạch lươn, sốt rét nhiều ngày, thương hàn nóng lạnh, tiểu đỏ đục, trưng hà, kết hạch, kiết lỵ, tích khối, di tinh, băng huyết, tiêu chảy, đau dạ dày, đới hạ, phiền táo, âm hư dương cang, thiếu canxi, lao phổi,…
4. Cách dùng – liều lượng
Dùng ở dạng thuốc bột là chủ yếu. Bên cạnh đó, mẫu lệ cũng có thể được dùng ở dạng sắc uống. Ngày dùng từ 12 – 40g.
Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu lệ
1. Bài thuốc trị khí hư kiệt và băng huyết ra không ngừng
- Chuẩn bị: Miết giáp và mẫu lệ mỗi vị 90g.
- Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 3 lần.
2. Bài thuốc trị tân dịch không bền chặt, cơ thể hư yếu, người tự ra mồ hôi – đặc biệt là ban đêm, gầy yếu, hơi thở ngắn, phiền muộn
- Chuẩn bị: Rễ ma hoàng, mẫu lệ (tẩm nước gạo và nung đỏ), hoàng kỳ mỗi vị 30g.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng khoảng 9g sắc với 100 hạt tiểu mạch và 450ml nước, còn lại 300ml. Vớt bỏ bã, dùng nước chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
3. Bài thuốc trị khó tiểu, tiết buốt và không bớt khi dùng thuốc về huyết
- Chuẩn bị: Hoàng bá và mẫu lệ bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g uống với nước hồi hương.
4. Bài thuốc trị mộng tinh, di tinh, đi phân sệt
- Chuẩn bị: Mẫu lệ tán bột và giấm.
- Thực hiện: Trộn đều làm thành hoàn to bằng hạt bắp. Mỗi lần dùng 30 viên, uống ngày 2 lần.
5. Bài thuốc trị xay xẩm và chóng mặt
- Chuẩn bị: Cúc hoa 9g, hà thủ ô và cây kỷ 12g, long cốt và mẫu lệ mỗi vị 18g.
- Thực hiện: Đem sắc uống trong ngày.
6. Bài thuốc trị bệnh bách hợp, khát nhiều ngày không hết
- Chuẩn bị: Qua lâu căn và mẫu lệ sao, bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 3 lần.
7. Bài thuốc trị phong hư đầu đau, ra mồ hôi trộm khi năm
- Chuẩn bị: Phòng phong, mẫu lệ và bạch truật mỗi vị 90g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 lần.
8. Bài thuốc trị tiểu nhiều
- Chuẩn bị: Đồng tiện 3 thăng và mẫu lệ (sao cho bốc khói).
- Thực hiện: Đem sắc còn lại 2 thăng, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
9. Bài thuốc trị hoạt thoát
- Chuẩn bị: Xích thạch chi nung và mẫu lệ nung.
- Thực hiện: Nghiền thành bột mịn, trộn đều hai vị lại. Cho bột gạo vào rượu, nấu thành hồ và trộn với bột thuốc làm viên. Dùng uống nước muối khi bụng đói.
10. Bài thuốc trị chứng chảy máu mũi khi làm việc nặng nhọc và người vừa mới khỏi bệnh nặng
- Chuẩn bị: Thạch cao 5 phần và mẫu lệ 10 phần.
- Thực hiện: Đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 4g uống với rượu, ngày dùng từ 3 – 4 lần.
11. Bài thuốc trị chứng ra mồ hôi trộm do lao phổi
- Chuẩn bị: Mẫu lệ 15g.
- Thực hiện: Đem sắc với 500ml, còn lại 200ml và chia thành 2 lần uống. Dùng bài thuốc liên tục trong vài ngày để mồ hôi ngừng ra. Nếu tái phát, nên uống thêm 2 – 3 ngày.
12. Bài thuốc giúp giảm mồ hôi và bồi bổ sức khỏe
- Chuẩn bị: Hoàng kỳ và ma hoàng căn mỗi vị 4g, cám 10g và mẫu lệ 10g.
- Thực hiện: Sắc với 600ml nước, còn lại 200ml và chia thành nhiều lần dùng.
13. Bài thuốc chữa chứng bạch đới và khí hư
- Chuẩn bị: Mẫu lệ (nung rồi tán nhỏ) và hoa hòe mỗi vị 40g.
- Thực hiện: Đem các vị sấy khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng 12g thuốc bột.
14. Bài thuốc chữa chứng mụn nhọt mới nổi chưa hiện mủ
- Chuẩn bị: 1 ít bột mẫu lệ.
- Thực hiện: Hòa với nước, sau đó trộn đều và bôi lên da.
15. Bài thuốc chữa di mộng tinh
- Chuẩn bị: Lộc giác sương 50g và mẫu lệ 10g.
- Thực hiện: Đem dược nghiền thành bột, rây cho kỹ và trộn đều. Mỗi lần ngày dùng từ 8 – 16g uống với nước sắc dây tơ hồng 30g.
16. Bài thuốc chữa chứng són tiểu và tiểu rắt
- Chuẩn bị: Cao da trâu, tang phiêu tiêu (sao với rượu), lộc nhung và mẫu lệ nung đỏ, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó rây cho kĩ và trộn với hồ nếp làm thành viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 25 viên chiêu với nước muối pha rượu, dùng khi đói. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.
17. Món ăn từ mẫu lệ chữa bệnh són tiểu
- Chuẩn bị: Bong bóng lớn và bột mẫu lệ 40g.
- Thực hiện: Cho thuốc bột nhồi vào bong bóng lợn rồi nấu nhừ. Để nguội, đem bỏ thuốc bột và thái nhỏ, ăn hết trong ngày.
18. Bài thuốc chữa sưng ngọc hành ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Đào nhân giã nát và mẫu lệ nung đỏ, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Trộn đều dược liệu, sau đó cho thêm nước vào cho nhão và đắp lên vùng sưng đau.
19. Bài thuốc trị chứng sốt về chiều và dương hư
- Chuẩn bị: Bạch thược, gừng sống và phụ tử chế mỗi vị 10g, đại táo 3 quả, mẫu lệ 12g và cam thảo 3g.
- Thực hiện: Đem dược liệu thái nhỏ, phơi cho khô hoàn toàn và sắc với 400ml lấy 100ml nước cốt. Chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
20. Bài thuốc chữa chứng ra mồ hôi trộm
- Chuẩn bị: Đỗ trọng và mẫu lệ bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem phơi khô, nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa bột uống với rượu. Ngày dùng từ 2 – 3 lần cho đến khi khỏi.
21. Bài thuốc trị chứng cao huyết áp
- Chuẩn bị: Xuyên ngưu tất, sinh mẫu lệ, sinh long cốt, thiên môn đông, sinh mạch nha, đương quy, nhân trần và sinh quy bản mỗi vị 12g, sinh giả thạch 20g, sinh bạch thược 20g, cam thảo 4g, huyền sâm 16g.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày.
22. Bài thuốc trị chứng di tinh ở nam giới
- Chuẩn bị: Liên nhục, khiếm thực, liên tu, mẫu lệ, kim anh tử, long cốt và sa uyển tật lê, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị sao và tán thành bột mịn. Dùng sắc uống hoặc tán bột làm hoàn.
23. Bài thuốc trị xích bạch đới
- Chuẩn bị: Đại giá thạch 10g, xích thạch chỉ, a giao, quy thân, mẫu lệ, lộc giác giao và tục đoạn mỗi vị 12g, can khương 4g.
- Thực hiện: Tán bột làm hoàn, ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng từ 6 – 8g.
24. Bài thuốc trị lao hạch
- Chuẩn bị: Cam thảo sống 10g, gạo nếp thứ tốt (sao vàng) 240g, huyền sâm, hải tảo và mẫu lệ mỗi vị 120g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, làm thành viên hoàn nhỏ. Mỗi lần dùng 4g uống với rượu ấm hoặc dùng với nước lọc.
25. Bài thuốc trị gan lách to
- Chuẩn bị: Một dược, nhũ hương và xuyên sơn giáp mỗi vị 6g, quy vĩ, đơn bì, đào nhân, mẫu lệ và trạch lan mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Sắc uống dùng trong ngày.
26. Bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng
- Chuẩn bị: Long cốt sống và mẫu lệ nung, mỗi vị 30 – 50g. Nếu ngủ kém gia thêm dạ giao đằng 15g, đau thượng vị nhiều gia thêm diên hồ sách 10g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày, chia thành 2 lần uống.
27. Bài thuốc trị bệnh còi xương
- Chuẩn bị: Bạch truật, long cốt, quy bản, sơn dược, ngũ vị tử, mẫu lệ và hoàng kỳ bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem tán bột, mỗi lần dùng 15g, ngày dùng 3 lần. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 2 tháng là xong một liệu trình. Nên thực hiện nhiều liệu trình để làm lành vết loét và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
28. Bài thuốc giảm đau do viêm loét dạ dày
- chuẩn bị: Bồ công anh 16g, cam thảo, dạ cẩm và uất kim mỗi vị 12g, mẫu lệ 15g, hậu phác và trần bì mỗi vị 10g, hoài sơn 16g, bạch truật 14g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, chia thành 3 lần dùng.
Lưu ý khi dùng dược liệu mẫu lệ
- Mẫu lệ có tính hàn nên không dùng cho trường hợp bệnh hư mà có lạnh.
- Tinh lạnh tự ra và thận hư không có nhiệt cũng không nên dùng dược liệu.
- Tuyệt đối không dùng cho người tiêu chảy thuộc hàn khí và âm hư không có thực nhiệt.
- Cần phân biệt mẫu lệ với thạch quyết minh (vỏ phơi khô của bào ngư). Thạch quyết minh thường có nhiều lỗ nhỏ ở bên ngoài vỏ và được dùng để trị các chứng bệnh về mắt.
- Dược liệu ghét Tân di, Ngô thù du và Ma hoàng.
Mẫu lệ là vị thuốc được sử dụng trong phạm vi nhân dân. Ngoài khả năng chữa bệnh, dược liệu còn có tác dụng cung cấp canxi cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Để tránh tình trạng tăng canxi huyết khi sử dụng dài ngày, bạn nên tham vấn y khoa để được điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.