Lá dong
Lá dong thường được nhân dân sử dụng để gói bánh chưng và bánh tét trong dịp Tết nguyên đán. Ngoài ra với vị ngọt, nhạt, tính hàn, tác dụng lương huyết, thanh nhiệt và giải độc, lá dong còn được sử dụng để chữa ngộ độc rượu, trị vết rắn cắn, men gan cao và cầm máu.
- Tên gọi khác: Cây lùn, Dong, Dong gói bánh, Dong lá
- Tên khoa học: Phrynium parviflorum
- Họ: Hoàng tinh (danh pháp khoa học: Marantaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm cây lá dong
Lá dong là thực vật thân cỏ có chiều cao 1m. Lá có hình trứng thuôn dài, kích thước to, rộng khoảng 12cm, dài 35cm và có 2 mặt nhẵn. Cuống lá dài 22cm, tròn và cứng.
Hoa mọc thành cụm, hình đầu, nằm trong bẹ lá và thường không có cuống. Mỗi cụm gồm có khoảng 4 – 5 hoa với đường kính từ 4 – 5cm, cánh hoa của cây dong có màu đỏ hoặc màu trắng.
Quả có hình trứng, dài 11mm, bên trong chứa hạt thuôn dài. Áo hạt có màu đỏ, hình elip và dài khoảng 1cm. Cây lá dong ra hoa vào tháng 5 – 8 và kết quả từ tháng 8 – 11 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Lá của cây được sử dụng để gói bánh và chữa bệnh.
3. Phân bố
Cây lá dong sinh trưởng mạnh những vùng đất ẩm ướt và có bóng râm. Cây phân bố nhiều ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philipines, Myanmar, Indonesia, Bhutan và Việt Nam. Ở nước ta, lá dong được trồng để gói bánh chưng là chủ yếu. Ít người trồng cây để làm thuốc.
4. Thu hái – sơ chế
Có thể thu hái lá dong quanh năm nhưng nhân dân thường thu hái vào thời điểm gần tết (khoảng tháng 11 – 12 âm lịch) nhằm phục vụ nhu cầu gói bánh chưng và bánh tét vào dịp Tết Nguyên đán. Nếu dùng làm thuốc, lá dong thường được sử dụng ở dạng tươi.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Hiện tại các nghiên cứu về thành phần hóa học của lá dong còn nhiều hạn chế.
Vị thuốc lá dong
1. Tính vị
Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn.
2. Quy kinh
Dược liệu quy vào kinh Can.
3. Tác dụng dược lý
Lá dong là thảo dược được sử dụng trong phạm vi nhân dân nên hiện nay chưa được nghiên cứu trên cơ sở khoa học.
Theo dân gian, lá dong có tác dụng lợi niệu, chỉ huyết, giải độc, lương huyết, làm se và thanh nhiệt. Do đó thảo dược này thường được dùng để giải ngộ độc rượu, trị lở loét miệng, men gan cao, suy nhược và cầm máu vết thương. Ngoài ra rễ của cây còn có tác dụng chữa lỵ, tiểu tiện đỏ, đau, sưng gan.
4. Cách sử dụng – liều dùng
Ngoài việc được sử dụng để gói bánh, lá dong còn được sử dụng để chữa bệnh bằng cách giã nát đắp ngoài, vắt lấy nước hoặc sắc uống. Liều dùng thông thường: 100 – 200g/ ngày (dược liệu tươi).
Bài thuốc chữa bệnh từ cây lá dong
1. Bài thuốc chữa ngộ độc
- Chuẩn bị: Đọt lá dong non 50g.
- Thực hiện: Đem dược liệu rửa sạch, để ráo rồi đem giã nát và thêm nước vào, gạn uống. Thực hiện 2 – 3 lần giúp giải độc hiệu quả.
2. Bài thuốc giúp giã rượu, chữa ngộ độc rượu và say rượu
- Chuẩn bị: Lá dong 100 – 200g.
- Thực hiện: Đem ngâm rửa với nước muối, sau đó giã nát và vắt lấy nước uống.
3. Bài thuốc trị rắn cắn
- Chuẩn bị: Lá dong non.
- Thực hiện: Nhai nuốt nước rồi lấy bã đắp lên vết cắn. Ngay sau khi sơ cứu nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và xử lý kịp thời.
4. Bài thuốc chữa vết thương chảy máu
- Chuẩn bị: Lá dong 100g.
- Thực hiện: Đem rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương rồi dùng băng cố định lại.
5. Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa và đi ngoài nhiều lần
- Chuẩn bị: Lá dong khô.
- Thực hiện: Đem đốt tồn tính, mỗi lần dùng 20g uống với nước sôi để nguội. Ngày thực hiện từ 2 – 3 lần.
6. Bài thuốc chữa hen suyễn
- Chuẩn bị: Phần thân chính của cây (là phân gốc của cây).
- Thực hiện: Thái thành lát mỏng, sau đó sao vàng hạ thổ và sắc uống vài lần thì cơn hen sẽ dứt.
Lưu ý khi sử dụng lá dong
- Cây lá dong có hình dạng gần giống với cây dong ta (loại cây này có củ phát triển và được sử dụng để làm miến).
Lá dong không đơn thuần được sử dụng để gói bánh và tạo màu cho món ăn mà còn có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên phần lớn bài thuốc từ dược liệu này chỉ được lưu truyền trong dân gian nên tác dụng và mức độ cải thiện lâm sàng vẫn chưa được xác định. Vì vậy để tránh tình trạng thực hiện các bài thuốc không có hiệu quả, bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng.