Cây ươi
Cây ươi sử dụng quả làm dược liệu trị bệnh. Quả ươi có tính mát, vị ngọt nhẹ giúp tiêu độc, thanh nhiệt, trị táo bón, viêm đau cổ họng, gai cột sống…Vị thuốc này thường được đem ngâm với nước ấm cho nở mềm rồi uống.
- Tên gọi khác: Cây đười ươi, cây ươi bay, an nam tử, cây bàng đại hải, cây som vang, cây thạch, cây lù noi
- Tên khoa học: Scaphium lychnophorum
- Họ: Trôm – Sterculiaceca
Mô tả về cây ươi
+ Đặc điểm của cây ươi
- Thân: Cây ươi thuộc dạng thân gỗ, mọc thẳng, chiều cao trung bình khoảng 20 – 25 mét. Đường kính thân cây khoảng 50 – 100 cm, vỏ ngoài màu xám, xù xì, một số chỗ bị bong tróc để lộ ra phần thân gỗ ở trong hơi đỏ. Phía thân trên mang nhiều cành và các nhánh non có lông hoe.
- Lá: Chủ yếu mọc ở đỉnh cành. Các lá có dạng bầu dục, bên trên có phiến xẻ từ 3 – 5 thùy. Cuống lá dài dài cỡ 10cm.
- Hoa ươi: Cây ươi bắt đầu ra hoa từ tháng 1 kéo dài cho đến tháng 4. Hoa có kích thước nhỏ, đài hoa có ống dài.
- Quả: Thuộc dạng quả nang, bắt đầu chín rộ vào tháng 6 và có thể kéo dài cho đến tháng 8. Vỏ ngoài màu đỏ, mặt phía trong màu bạc. Bên trong quả chứa hạt khô. Kích thước hạt tương đương đầu ngón tay của người trưởng thành. Vỏ ngoài hạt màu đen, hơi nhăn. Thông thường cứ sau mỗi chu kỳ 4 năm cây mới cho quả một lần.
+ Phân bố
Cây ươi phân bố rải rác ở các khu rừng rậm nhiệt đới có độ cao dưới 1000 mét. Cây ưa sống ở những nơi có đất dày, ẩm ướt và màu mỡ.
Ở nước ta, loại cây này được tìm thấy nhiều nhất ở Lâm Đồng. Một số tỉnh khác từ miền Trung đổ vào phía Nam như Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa hay Đồng Nai… cũng có cây ươi.
+ Bộ phận dùng
Cây ươi được trồng để lấy gỗ và quả. Trong đó, quả ươi được dùng làm dược liệu chữa bệnh, được xem là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
+ Thu hái – sơ chế
Quả ươi được thu hoạch lúc chín, thông thường là từ tháng 6 – tháng 8 hàng năm. Quả được đem về phơi khô cả vỏ hoặc tách lấy hạt.
+ Thành phần hóa học
Trong hạt cây ươi chứa một số thành phần hoạt chất như:
- Tinh bột
- Đường
- Bassorin
- Chất béo
- Galactose
- Tanin
- Chất nhầy
- Arabinose
- Chất đắng
- Pentose
Vị thuốc cây ươi
+ Tính vị
Hạt ươi có tính mát, vị hơi ngọt
+ Quy kinh
Thông tin đang chờ cập nhật
+ Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, hạt ươi có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, kháng khuẩn, nhuận tràng, cầm máu. Chủ trị:
- Chảy máu cam ở trẻ em
- Viêm họng
- Ho đờm
- Sưng đau cổ họng
- Mụn nhọt
- Táo bón
- Nóng trong người
- Gai cột sống
+ Liều lượng – Cách sử dụng
Mỗi lần uống từ 3 – 5 hạt bằng cách ngâm nở
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây ươi
1. Trị táo bón, khó đi ngoài
Người bị táo bón thường có các biểu hiện như đi cầu dưới 3 lần một tuần, phân khô cứng, phải rặn mạnh mới tống phân ra được, có thể đi ra cả máu. Trường hợp này có thể dùng quả của cây ươi để khắc phục táo bón theo cách sau: Lấy hạt bên trong uống vào mỗi sáng sớm khi chưa ăn bất cứ thứ gì.
2. Trị mụn nhọt ngoài da
Lấy quả ươi khô đem ngâm với nước sôi. Sau đó lấy nước ngâm trộn chung với vài hạt muối ăn làm thuốc đắp trực tiếp lên nốt mụn nhọt. Mỗi ngày thay thuốc 2- 3 lần cho đến khi nốt mụn xẹp hoàn toàn.
3. Bài thuốc điều trị cho các trường hợp bị viêm họng hạt, viêm họng mãn tính
Lấy hạt đười ươi bỏ vào nước ấm ngâm đến khi trương nở. Thêm một ít đường vào dằm ăn. Sử dụng đều đặn trong khoảng 2 tuần liên tục để cải thiện các triệu chứng bệnh viêm họng, giúp giọng nói trong trẻo hơn.
4. Chữa ho có nhiều đờm, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, cổ họng có biểu hiện sưng đau
Chuẩn bị 2 – 5 quả ươi bỏ vào bát nước nóng cho nở đều. Bóc bỏ lớp vỏ quả bên ngoài, lấy phần thịt và nhân ở trong dằm với đường. Pha thêm ít nước vào chia uống 3 lần trong ngày.
5. Chữa bệnh chảy máu cam cho trẻ em do nóng nhiệt
Dùng 5 quả ươi cho vào chảo sao vàng. Bỏ vào ấm nấu sôi kỹ với 1 lít nước. Lấy nước này cho trẻ uống nhiều lần trong ngày thay thể cho một phần nước lọc có tác dụng cầm máu, làm mát cơ thể.
6. Điều trị bệnh sỏi thận, viên sỏi có kích thước nhỏ
Dùng quả ươi chín rụng tự nhiên đem sao khô kết hợp với chuối hột (thái lát mỏng, sấy khô). Cứ 4 phần chuối thì dùng 1 phần quả ươi.
Cả hai tán thành bột mịn, trộn đều với nhau. Mỗi lần sử dụng xúc 2 thìa cà fê bột thuốc pha chung với một cốc nước ấm để uống. Ngày dùng 2 lần vào buổi sáng và buổi tối (sau 9 giờ).
7. Giải nhiệt cho cơ thể trong những ngày nắng nóng
Quả ươi ngâm mềm, bỏ vỏ, thêm vào một ít bột sắn dây, đường phèn và nước ấm vào. Quậy đến khi hỗn hợp tan hoàn toàn thì uống. Mỗi ngày sử dụng vài lần có tác dụng thanh nhiệt, giảm nóng trong, giải độc cho cơ thể.
8. Chữa trị bệnh gai cột sống (vôi hóa cột sống)
Rửa sạch 5 hạt ươi khô rồi ngâm với 700ml nước sôi. Sau khi hạt nở, bóc bỏ lớp vỏ gân bên ngoài, quậy thêm chút đường vào cho hơi ngòn ngọt và uống hết một lần. Duy trì dùng thuốc một thời gian để cải thiện các triệu chứng do bệnh vôi hóa cột sống gây ra.
Kiêng kỵ khi dùng cây ươi
Nhìn chung, hạt cây ươi khá lành tính, có độ an toàn cao khi sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Tuy nhiên, việc lạm dụng dược liệu này quá mức có thể gây ra một số phản ứng phụ không tốt như buồn nôn, tăng tiết đờm trắng ở cổ gây kích thích ho. Những biểu hiện bất thường trên sẽ thuyên giảm dần rồi biến mất khi bạn ngưng uống hạt ươi.
Hạt ươi có tính mát nên rất tốt cho các trường hợp bị táo bón, nóng trong. Điều này lại không tốt cho người bị tiêu chảy. Vì vậy, nếu có biểu hiện tiêu lỏng nhiều lần trong ngày thì không nên dùng dược liệu này.
Có thể bạn chưa biết
- Cây Dã Hương có tác dụng gì? Cách dùng và lưu ý
- Rau Ngổ Trâu – Công dụng và cách dùng trị bệnh