Cây Sa sâm

Cây Sa sâm là thảo dược quý, được sử dụng để chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe. Dược liệu này có vị đắng, ngọt, tính mát, tác dụng thanh táo nhiệt, nhuận phế và ích vị sinh tân. Sa sâm thường được dùng để chữa viêm phế quản, ho khan, sốt, sản phụ ít sữa,…

cây sa sâm
Cây Sa sâm là thảo dược quý, thuộc họ Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae/ Compositae)
  • Tên gọi khác: Sa sâm nam
  • Tên khoa học: Launaea pinnatifida
  • Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae/ Compositae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Cây sa sâm là thực vật dạng cỏ, sống lâu năm, chiều cao trung bình từ 15 – 25cm. Rễ mềm, mọc thẳng đứng và có màu vàng nhạt. Thân cây mọc bò, mỗi rễ có khoảng 2 – 3 thân.

sa sâm
Cây sa sâm là thực vật dạng cỏ, mọc bò, chiều cao trung bình từ 15 – 25cm

Lá dài, xẻ lông chim 6 – 7 thùy, chiều dài trung bình từ 4 – 8cm. Lá ở gốc xếp thành hình hoa thị xung quanh thân. Mép lá có hình răng cưa không đều và thưa. Hoa mọc ở gốc, cuống ngắn và có màu vàng. Quả bế, đầu hơi thon và dài 4mm.

2. Bộ phận dùng

Rễ của cây sa sâm được thu hái làm dược liệu chữa bệnh.

3. Phân bố

Cây sa sâm phân bố ở nhiều quốc gia trên thế giới, tập trung ở vùng Đông Á (Nhật Bản và Trung Quốc). Tại nước ta, cây mọc hoang ở các vùng biển ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An,..

4. Thu hái – sơ chế

Thường thu hái vào tháng 3 – 4 hoặc tháng 8 – 9 hằng năm.

Sơ chế: Sau khi đào lấy rễ, đem rửa sạch bằng nước vo gạo, đồ chín và đem sấy/ phơi khô. Hoặc sau khi rửa sạch, dùng rễ ngâm với phèn chua theo tỷ lệ 2/5. Sau đó phơi cho dược liệu hơi se, rồi xông diêm sinh hơn 1 giờ và tiếp tục phơi cho khô hẳn.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo, kín gió nhằm hạn chế ẩm mốc và hư hại.

6. Thành phần hóa học

Cây sa sâm có chứa các thành phần hóa học sau:

  • Acid triterpenic
  • Polysaccharid
  • Dẫn chất của Psoralen và Scopoletin
  • Tinh dầu
  • β-sitosterol
  • Dẫn xuất của Coumarin
  • Chất béo

Vị thuốc sa sâm

1. Tính vị

Vị hơi đắng, ngọt và tính mát.

2. Qui kinh

Qui vào kinh Vị và Phế.

3. Tác dụng dược lý và chủ trị

Theo y học hiện đại:

  • Chưa có nghiên cứu.

Theo Đông y:

  • Tác dụng thanh táo nhiệt, nhuận phế và ích vị sinh tân.
  • Chủ trị các chứng sinh ra do phế có táo nhiệt.

Chủ trị các bệnh lý sau:

  • Ho, ho khan và viêm phế quản
  • Miệng khô, chảy máu chân răng và lở loét
  • Họng khô, sốt và khát do âm hư tân dich giảm sút

4. Cách dùng – liều lượng

Sa sâm chủ yếu được dùng ở dạng thuốc sắc. Có thể dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với các dược liệu khác tùy vào mục đích sử dụng. Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 10 – 15g.

Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu sa sâm

sa sâm dược liệu
Sa sâm được dùng để chữa viêm phế quản, nóng sốt, ho khan, sản phụ ít sữa,…

1. Bài thuốc chữa lao phổi, giãn phế quản và viêm phế quản mãn tính

  • Chuẩn bị: Dùng ngọc trúc 12g, tang diệp 12g, thiên hoa 12g, sa sâm 20g, cam thảo 4g, biển đậu 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị rửa sạch rồi đem sắc lấy nước uống.

2. Bài thuốc trị vàng da và thiếu máu

  • Chuẩn bị: Hồi hương 4g, sa sâm 12g, bột nghệ vàng 12g và nhục quế 4g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.

3. Bài thuốc trị chứng phế vị táo nhiệt sinh ra miệng khát, họng khô và ho khan có ít đờm

  • Chuẩn bị: Mạch môn, thiên hoa phấn, sa sâm, ngọc trúc và tang diệp mỗi thứ 12g, cam thảo 4g.
  • Thực hiện: Đem sắc lấy nước uống, dùng đều đặn ngày 1 thang.

4. Bài thuốc trị phổi yếu, mất tiếng và chứng hư nhược khí ngắn

  • Chuẩn bị: Hoàng kỳ 4g, tri mẫu 12g, ngưu bàng tử 12g, sa sâm 20g, sinh địa 20g, huyền sâm 12g và xuyên bối mẫu 6g.
  • Thực hiện: Dùng sắc nước uống.

5. Bài thuốc trị nóng sốt, mạch nhanh, hư lao, nóng sốt, khó thở

  • Chuẩn bị: Tía tô 10g, sa sâm 15g, chè mạn 2g, cửu lý hương sao 4g, gừng nướng 5 lát và 1 quả chanh non (thái lát).
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 2 lần.

6. Bài thuốc trị tức ngực, ho có đờm và viêm phổi

  • Chuẩn bị: Sinh địa 20g, mạch đông 12g, sa sâm 16g với ngọc trúc 12g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.

7. Bài thuốc trị họng khô, sốt và miệng khát

  • Chuẩn bị: Rễ vú bò 20g, bạch truật nam 20g, hoài sơn 12g, cam thảo nam 12g, gừng 4g, sa sâm 20g, hà thủ ô 20g, rễ cà gai 20g, rễ cây lứt 12g, trần bì 8g.
  • Thực hiện: Dùng sắc uống, 2 lần/ ngày hoặc tán bột làm viên, mỗi lần dùng 20g/ 2 – 3 lần/ ngày.

8. Bài thuốc chữa bụng đầy, sán khí và ợ chua

  • Chuẩn bị: Sa sâm, mạch đông và đường quy mỗi thứ 12g, câu kỷ tử 24g, xuyên luyện tử 6g và sinh địa 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.

9. Bài thuốc trị viêm nhiễm thời kỳ cuối

  • Chuẩn bị: Dùng sinh địa và mạch môn, liều lượng tùy chỉnh.
  • Thực hiện: Sắc uống.

10. Bài thuốc trị nóng sốt, khó thở, hư lao, thổ huyết, phổi yếu

  • Chuẩn bị: Dùng mạch môn và sa sâm, mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.

11. Bài thuốc trị ho sốt

  • Chuẩn bị: Đường phèn 15g và sa sâm 25g.
  • Thực hiện: Đem đường phèn, sa sâm bỏ vào nồi, thêm ít nước và đun lửa nhỏ trong 15 phút.

12. Bài thuốc chữa đau nhức răng

  • Chuẩn bị: Dùng trứng gà 3 quả và sa sâm 60g.
  • Thực hiện: Nấu thành canh, ăn cho đến khi hết đau nhức.

13. Bài thuốc chữa sản phụ ít sữa

  • Chuẩn bị: Thịt nạc 100g và sa sâm 12g.
  • Thực hiện: Đem hầm như và thêm ít muối vào ăn.

Những điều cần lưu ý khi dùng sa sâm

Khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu sa sâm, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Thận trọng khi dùng cho người mắc hội chứng hư hàn
  • Âm hư phổi táo và ho do hàn không nên dùng
  • Có thể tương tác với lê lô, vì vậy không nên sử dụng đồng thời
  • Sa sâm gây đau tức vùng gan khi dùng cho bệnh nhân viêm gan C

Hiện nay có khá nhiều giống sa sâm khác nhau (bắc sa sâm và một số loại chưa được nghiên cứu). Vì vậy cần chú ý nguồn gốc thuốc để tránh rủi ro khi sử dụng.

Các thông tin về cây sa sâm trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi có ý định áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Tình trạng tự ý sử dụng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.