Cây ráy
Cây ráy là loài thực vật mọc hoang nhiều ở những vùng đất ẩm thấp. Ít ai biết rằng, loài cây dại này có nhiều tác dụng chữa bệnh và lợi ích đối với sức khỏe. Dân gian thường sử dụng củ ráy để giảm sốt, trị bệnh gút, mụn nhọt ngoài da và đau nhức xương khớp do phong tê thấp.
- Tên gọi khác: Dã vu, Ráy dại.
- Tên khoa học: Alocasia odora
- Họ: Ráy (danh pháp khoa học: Araceae)
Mô tả dược liệu cây ráy
1. Đặc điểm của cây ráy
Cây ráy là loài thực vật thân mềm, chiều cao khoảng 0.3 – 1.4m. Phần dưới mọc bò và phần trên mọc thẳng đứng. Rễ phát triển thành hình củ dài, củ được chia thành nhiều đốt ngắn và có vảy màu nâu.
Lá cây ráy to, rộng 8 – 45cm và dài 10 – 50cm. Phiến lá có hình tim, mép nguyên hoặc hơi lượn, cuống dài 15 – 120cm. Bông mo chứa hoa cái mọc ở phần gốc, hoa đực mọc ở phía trên cao. Quả mọng, hình trứng và khi chín có màu đỏ.
2. Bộ phận dùng
Củ ráy được sử dụng để làm thuốc.
3. Phân bố
Cây ráy mọc hoang nhiều ở những vùng đất ẩm thấp, phân bố nhiều ở nước ta, Trung Quốc, Campuchia, Lào và châu Úc.
4. Thu hoạch – sơ chế
Khi cây được 2 – 3 năm tuổi, đào cả cây lên rồi đem rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con rồi cạo vỏ bên ngoài. Sau đó phơi khô hoặc dùng tươi. Củ ráy có chất gây ngứa nên khi chế biến cần sử dụng bao tay để tránh tình trạng ngứa ngáy và kích ứng da.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Nghiên cứu về củ ráy còn nhiều hạn chế, một số tài liệu ghi chép củ ráy có chứa tinh bột, một chất gây ngứa, xianua, đường, cumarin, flavonoid, saponin,…
Vị thuốc củ ráy
1. Tính vị
Vị nhạt, tính hàn và có đại độc. Ăn nhiều có thể gây ngứa cổ họng và miệng.
2. Quy kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Cây ráy có tác dụng gì?
Hiện nay, cây ráy chỉ được sử dụng trong phạm vi nhân dân và hầu như chưa được nghiên cứu trên phương diện khoa học.
Theo dân gian, củ ráy có tác dụng chữa ghẻ lở, mụn nhọt và bệnh chàm. Ngoài ra nhân dân Quảng Tây – Trung Quốc còn dùng củ ráy sắc uống để chữa thũng độc và sốt rét.
4. Củ ráy chữa bệnh gì?
Củ ráy thường được sử dụng để chữa:
- Chàm (eczema)
- Cảm hàn
- Thống phong (gout)
- Mụn nhọt ngoài da
5. Cách dùng – liều lượng
Cây ráy được sử dụng ở dạng sắc uống hoặc dùng ngoài. Liều dùng uống: 10 – 20g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây ráy
1. Bài thuốc chữa mụn nhọt
- Chuẩn bị: Củ nghệ 60g, củ ráy 80 – 100g.
- Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch và để ráo nước, sau đó cho dầu vừng vào và nấu nhừ. Khi chín, thêm ít sáp ong và dầu thông, khuấy cho tan và để nguội. Khi dùng, lấy 1 ít cao phết lên giấy bổi rồi dán lên mụn nhọt để hút mủ và giảm sưng tấy.
2. Bài thuốc chữa bệnh gút (thống phong) từ củ ráy
- Chuẩn bị: Chuối hột già (phơi khô) và củ ráy (xắt nhỏ, phơi khô và sấy vàng) mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sao vàng và sắc uống trong ngày.
3. Bài thuốc chữa viêm đau nhức do viêm khớp dạng thấp
- Chuẩn bị: Lá lốt khô, chuối hột khô và củ ráy mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng mỗi ngày 1 thang.
4. Bài thuốc trị ngứa do lá han
- Chuẩn bị: Củ ráy.
- Thực hiện: Cắt đôi rồi xát trực tiếp vào vùng da bị ngứa.
5. Bài thuốc trị bệnh cảm hàn, người sốt cao
- Chuẩn bị: Củ ráy tươi 1 củ.
- Thực hiện: Cắt đôi rồi dùng 1 nửa chà vào mu bàn tay và khắp lưng để hạ thân nhiệt. Nửa củ còn lại đem thái mỏng và sắc lấy 1 chén nước thuốc. Thực hiện bài thuốc 5 lần bệnh sẽ khỏi.
6. Bài thuốc chữa chàm (eczema)
- Chuẩn bị: Củ ráy tươi, 1 con bọ hung, diêm sinh 10g và 1 chén dầu lạc.
- Thực hiện: Khoét 1 lỗ trên củ ráy, sau đó đem bọ hung nước thành than, tán bột rồi trộn đều với 10g diêm sinh. Sau đó đổ 1 chén dầu lạc và bột thuốc vào chỗ khoét trên củ ráy và đun trong vòng 15 phút. Đợi dầu nguội, dùng lông gà sạch tẩm hỗn hợp rồi thoa lên vùng da bị chàm. Thực hiện 1 lần/ ngày liên tục trong 5 ngày vùng da sẽ hết ngứa và phục hồi nhanh chóng.
7. Bài thuốc trị viêm da cơ địa
- Chuẩn bị: Hồng đơn (rang khô) 30g, củ ráy 50g, dầu trẩu 250ml.
- Thực hiện: Đem củ ráy rửa sạch, thải mỏng rồi đun sôi với dầu trẩu. Khi củ ráy cháy đen thì bỏ bã và cho hồng đơn vào, khuấy đều và đun với lửa nhỏ cho đến khi hồng đơn chảy ra. Khi cao đang nóng thì phun nước vào (vừa phun vừa khuấy) để khử độc tố trong cao. Rửa sạch vùng da cần điều trị và thoa cao lên da 1 lần/ ngày.
8. Bài thuốc chữa bệnh gút
- Chuẩn bị: Khổ qua 1g, tỳ giải 2g, củ ráy 4g và chuối hột rừng 3g.
- Thực hiện: Đem dược liệu sao vàng hạ thổ, cứ 10g thuốc làm thành 1 gói. Mỗi ngày đem 2 – 3 gói hãm lấy nước uống và dùng đến khi triệu chứng thuyên giảm.
9. Bài thuốc chữa chứng cao huyết áp do bệnh thận hoặc do béo phì
- Chuẩn bị: Chuối hột sắp chín và củ ráy.
- Thực hiện: Đem củ ráy gọt vỏ, thái lát mỏng và ngâm với nước gạo trong 3 giờ đồng hồ, sau đó rửa sạch, phơi khô và sao với lửa nhỏ. Chuối hột đem cắt lát mỏng, phơi khô và đem sao qua. Lấy 1/3 nắm củ ráy và 1 nắm chuối hột sắc với 1 lít nước đến khi còn 1 chén nước và chia thành 2 lần uống trong ngày.
10. Bài thuốc chữa đau nhức gân xương do bệnh tê thấp
- Chuẩn bị: Đương quy, củ ráy mỗi thứ 8g, ráng bay 10g, bạch chỉ 6g, thổ phục linh 20g.
- Thực hiện: Đem sắc lấy nước, chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống hết trong ngày.
Những lưu ý khi sử dụng cây ráy chữa bệnh
- Không dùng cho người có thể trạng hư hàn.
- Tránh nhầm lẫn với cây bạc hà (cây khoai môn).
- Củ ráy có chất gây ngứa nên cần thận trọng khi chế biến.
Củ ráy được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên củ ráy có chứa chất gây ngứa, có thể kích thích niêm mạc cổ họng và miệng. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc uống từ thảo dược này.