Cây me đất
Cây me đất có tính mát và vị chua, có tác dụng tiêu viêm, kháng sinh và giải nhiệt,… thường dùng làm thuốc chữa các bệnh lý về viêm họng, viêm gan, ho, sốt hoặc bệnh đường tiết niệu. Ngoài ra, vị thuốc tự nhiên này còn dùng để trị mụn nhọt và chấn thương.
+ Tên khác: Toan tương thảo, tam diệp toan, tạc tương thảo, ba chìa
+ Tên khoa học: Oxalidaceae, Oxalis corniculata L. (me đất hoa vàng)
+ Họ: Chua me đất Oxalidaceae
I. Mô tả cây me đất
+ Đặc điểm sinh thái của cây me đất
Là loại cây thân thảo, có thể sống lâu năm. Cây mọc bò sát đất với thân mảnh hơi có màu đỏ nhạt và hơi có lông. Lá chét mỏng hình tim và có cuống dài. Hoa mục thành tán, mỗi tán gồm 2 – 3 hoa, đôi khi 4 hoa. Hoa có màu vàng hoặc đỏ. Quả nang thuôn dài và khi chín mở bằng 5 van. Hạt có hình trứng với màu nâu thẫm, dẹt và có bướu.
+ Phân bố
Cây me đất là loại cây mọc hoang, có thể tìm thấy ở những nơi đất ẩm mát như trong vườn, cá bãi đất hoang hoặc bờ ruộng.
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Toàn cây
- Thu hái: Thu hoạch vào tháng 6 – 7
- Chế biến: Rửa sạch và phơi trong bóng râm
- Bảo quản: Nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm mốc hoặc ánh sáng
+ Thành phần hóa học
Thân cây me đất chứa các hoạt chất chính như kali, acid oxalic và oxalat. Ngoài ra, trong cây me đất còn chứa các thành phần khác như vitamin C, B2, caroten,…
II. Vị thuốc
+ Tính vị
Tính mát và vị chua, không độc
+ Tác dụng
Theo Đông y, cây me đất có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, thanh nhiệt, có lợi hệ tiêu hóa, làm dịu và làm hạ huyết áp. Chính vì vậy, vị thuốc này thường dùng điều trị các bệnh lý như:
- Bệnh viêm gan, lỵ, viêm ruột
- Viêm họng, ho viêm họng hoặc sổ mũi
- Huyết áp cao
- Suy nhược thần kinh
- Bệnh đường tiết niệu, sỏi
Ở một số tỉnh ở Trung Quốc và Philippin, người dân sử dụng cây me đất để điều trị bệnh scorbut, rắn cắn, bệnh ngoài da như eczema, nhọt độc sưng tất hoặc nấm chân da.
+ Cách dùng và liều lượng
Cây me đất thường dùng dưới dạng sắc thuốc hoặc chế biến thành món ăn. Liều dùng tối đa mỗi ngày đối với me đất khô 5 – 10 gram và tươi là 30 – 50 gram.
III. Bài thuốc chữa bệnh từ cây me đất theo kinh nghiệm dân gian
+ Điều trị trằn trọc khát nước, sốt cao
Sử dụng một nắm cây me đất hoa vàng đem rửa sạch và giã nát. Sau đó thêm một ít nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt và chia ra uống nhiều lần trong ngày.
+ Trị ho do thử nhiệt
Lấy 40 gram cây me đất, 20 gram cỏ gà, 40 gram rau má và 20 gram lá xương sông đem rửa sạch, giã nát. Sau đó vắt lấy nước cốt và thêm 1 thìa cà phê đường rồi đun sôi. Chia thuốc làm 3 và uống trong ngày.
+ Điều trị ho cho trẻ
Sử dụng 100 gram lá me đất đem rửa sạch và thái nhỏ cho vào bát. Tiếp đến thêm vài viên đường phèn và hấp cách thủy. Sau khoảng 15 phút, lấy ra để nguội. Mỗi ngày cho bé uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê.
+ Tác dụng an thần, chữa chứng mất ngủ
Sử dụng 10 gram cây me đất hoa vàng và 6 gram lá thông đuôi ngựa, sau khi rửa sạch cho vào nồi sắc lên. Chia thuốc uống 3 lần trong ngày.
+ Điều trị viêm đường tiết niệu
Dùng 30 gram me đất, 15 gram kim tiền thảo, 15 gram dây vác nhật và 15 gram bòng bong. Sắc thuốc và uống.
+ Trị ho gà
Hái 10 gram cây me đất hoa vàng, 2 gram phèn phi, 12 gram rễ chanh, 5 gram hạt mướp đắng, 8 gram lá hẹ và 8 gram lá xương sông. Tất cả các vị thuốc rửa sạch và sắc lấy nước đặc. Mỗi lần uống thêm một ít đường để dễ uống hơn.
+ Điều trị kiết lỵ
Sử dụng cây me đất hoa vàng đem phơi khô và tán bột mịn, chiêu với nước đun sôi để nguội uống. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần dùng 9 – 12 gram.
+ Trị ngã bong gân gây sưng đau
Dùng 1 nắm lá me đất chưng nóng và đắp vào nơi bị sưng đau
+ Chữa đại tiện, tiểu tiện không thông
Chuẩn bị cây me đất và mã đề, mỗi thứ một nắm tương đương 20 gram. Đem rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt và thêm đường vào uống.
+ Điều trị ngứa ngáy, rôm sẩy
Sử dụng lá me đất đem rửa sạch và vò nát. Sau đó đắp lên vùng da bị ngứa hoặc rôm sẩy. Sau khi thấy lá bắt đầu khô lại, dùng nước sạch vệ sinh lại da.
+ Trị nhiệt lâm, huyết lâm (nóng rát niệu đạo, tiểu tiện nhỏ giọt hoặc nước tiểu có lẫn máu)
Hái một nắm cây me đất đem rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt. Sau đó thêm 1 muỗng mật ong, khuấy đều và chia nước thuốc làm 3, uống trong ngày. Mỗi lần uống chỉ nên dùng khoảng 50 ml.
+ Chữa viêm gan vàng da do thấp nhiệt
Dùng 30 gram cây me đất sắc thuốc và chia thuốc ra uống nhiều lần trong ngày.
+ Điều trị suy nhược thần kinh
Dùng 30 gram cây me đất kết hợp với 30 gram thông đuôi ngựa, sắc thuốc uống.
+ Trụ huyết áp cao
Sử dụng 30 gram cây me đất khô phối trộn với 15 gram cúc hoa vàng và 10 gram hạ khô thảo. Mỗi ngày sắc 1 thang và chia đều ra uống trong ngày, giúp ổn định huyết áp.
IV. Một số món ăn từ cây me đất giúp chữa bệnh
+ Cây me đất nấu canh chua cá lóc
- Tác dụng: Chữa tiểu ra máu, chảy máu răng miệng
- Nguyên liệu cần có: Cây me đất, cá lóc, gia vị hành ngò và giá đậu
- Số lần sử dung: 2 – 3 lần/ tuần
+ Cây me đất nấu canh cá chép
- Tác dụng: Trị tiểu vàng, chứng mệt mỏi, tăng men gan. Ngoài ra, món ăn này tốt cho người hoàng đản, người ho đàm và bệnh nhân mắc bệnh viêm đường tiết niệu.
- Nguyên liệu: Cây me đất, giá đậu, cá chép và gia vị
- Số lần sử dung: 2 – 3 lần/ tuần
+ Lẩu cây chua me đất nấu thịt gà
- Tác dụng: Dưỡng âm ích xương, bổ mát và lợi ngũ tạng, rất tốt cho nguời nóng nhiệt hoặc ngoại cảm nội thương.
- Nguyên liệu: Cây me đất, thịt gà, mỡ, ngò và đậu phụ sả ớt
- Số lần sử dụng: 2 lần/ tuần
+ Cây me đất nấu cá linh
- Tác dụng: Trị các triệu chứng viêm đường tiết niệu như tiểu buốt, tiểu vàng đục cuối bãi hoặc phù thũng.
- Nguyên liệu: Cây me đất, cá linh, rau ngổ, giá đậu, dọc mùng và hoa chuối cùng với gia vị.
V. Lưu ý khi sử dụng cây me đất điều trị bệnh
Mặc dù có tác dụng dược liệu giúp điều trị bệnh và không độc nhưng cây me đất chứa nhiều acid oxalic, đặc biệt là thành phần hoạt chất oxalat kali có thể gây sỏi thận hoặc sỏi trong bàng quang. Vì vậy, để ngăn ngừa hình thành sỏi, bệnh nhân không nên sử dụng cây me đất với liều lượng cao mỗi ngày trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, bệnh nhân bị sỏi thận không nên dùng cây me đất để điều trị bệnh. Ngoài ra, loại thảo dược tự nhiên này cũng nên hạn chế sử dụng ở phụ nữ, tránh những ảnh hưởng không tốt có thể xảy ra đối với mẹ và thai nhi.
Tác dụng điều trị bệnh của cây me đất đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Vì vậy, khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ có trình độ chuyên môn. Tránh trường hợp tự ý dùng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.