Cây lá móng tay

Cây lá móng tay thường được nhân dân sử dụng để làm thuốc nhuộm tóc, nhuộm móng tay hoặc móng chân. Ngoài ra lá của loại cây này còn được dùng trong bài thuốc chữa bế kinh, đau nhức cột sống, trị hói đầu và hắc lào, ghẻ lở,…

Hình ảnh cây móng tay
Hình ảnh cây lá móng tay
  • Tên gọi khác: Cây henna, Cây lá móng, Móng tay nhuộm, Tán mạt hoa, Lựu mọi, Chỉ giáp hoa, Cây móng tay.
  • Tên khoa học: Lawsonia inermis
  • Họ: Tử vi (danh pháp khoa học: Lythraceae)

Mô tả dược liệu lá móng tay

1. Đặc điểm cây lá móng tay

Lá móng tay là loài thực vật thân nhỏ, chiều cao chừng 3 – 4m. Thân có gai có đầu cành nhưng không nhọn và vỏ nhẵn. Lá mọc đối xứng, phiến hình trứng, đơn, 2 đầu dẹp, cuống ngắn, phiến rộng 1 – 1.5cm và dài 2 – 3cm. Hoa mọc ở đầu cành, hình thùy, dạng chùm, ban đầu có màu trắng nhưng khi già chuyển sang màu đỏ và vàng sậm, hoa có mùi thơm hăng hắc.

Quả nang hình cầu, kích thước to bằng hạt tiêu, có 4 cạnh dọc và bên trong có 4 ngăn. Quả chứa nhiều hạt nhỏ, vỏ dai và dày. Cây lá móng tay được trồng bằng hạt, cây ưa sống ở vùng đất màu, khí hậu ẩm và nóng.

2. Hình ảnh cây móng tay

Hình ảnh cây móng tay
Hình ảnh cây móng tay
Hình ảnh cây móng tay
Hình ảnh hoa của cây móng tay – Hoa có màu trắng, sau đó chuyển sang màu đỏ và vàng sậm
Hình ảnh cây móng tay
Hình ảnh cây móng tay – Lá mọc đối xứng, phiến hình trứng, đơn và 2 đầu dẹp
Hình ảnh cây móng tay
Hình ảnh quả của cây móng tay – Quả nang hình cầu, kích thước to bằng hạt tiêu

3. Bộ phận dùng

Lá của cây móng tay được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra thân, hoa và rễ của cây cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn.

4. Phân bố

Lá móng tay có nguồn gốc từ Ai Cập, sau đó được di thực và trồng nhiều ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở nước ta, cây được trồng và mọc hoang ở nhiều nơi.

5. Thu hoạch – sơ chế

Có thể thu hái lá ở cây từ 2 – 3 năm tuổi. Khi hái, nên cắt cả cành sau đó đem phơi khô ngoài nắng hoặc phơi trong bóng râm rồi bảo quản dùng dần.

Mỗi năm thu hoạch 2 lần nhưng khi cắt cần để lại gốc cao khoảng 50cm để cây phát triển tiếp. Nếu thu hái đúng cách, có thể thu hoạch liên tục trong 10 – 30 năm.

6. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và nhiệt độ cao.

7. Thành phần hóa học

Cây lá móng tay chứa thành phần hóa học khá đa dạng, bao gồm:

  • Hoa chứa 0.02% tinh dầu có mùi thơm nên được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và nước hoa.
  • Lá chứa Lawson, 6% chất béo, 7 – 8% tannin, 1.2% tinh dầu, 2 – 3% chất nhựa,…

Vị thuốc lá móng tay

1. Tính vị – Quy kinh

Đang nghiên cứu.

2. Tác dụng dược lý

– Tác dụng của lá móng tay theo Đông Y:

  • Công dụng: Cầm máu, kháng nấm và thu liễm.
  • Chủ trị: Vết thương chảy máu, nấm da, lở ngứa,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Lá móng tay có tác dụng kháng sinh rất mạnh, tác dụng đã được ghi nhận đối với trực trùng coli, Sonnei, Shiga, Flexneri, Coli Bethesda, Typhi, Suibtilis,…

– Tham khảo thêm:

cây lá móng tay
Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch ép từ hoa của cây lá móng tay để vẽ henna
  • Nhân dân thường dùng lá móng tay hòa với dung dịch kiềm để tạo ra chất có màu, được sử dụng để nhuộm tóc hoặc nhuộm móng tay, móng chân.
  • Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch ép từ hoa của cây móng tay để vẽ henna (vẽ hoa văn lên tay chân).

3. Cách dùng – liều lượng

Lá móng tay được dùng chủ yếu ở dạng giã nát và đắp ngoài. Ngoài ra dược liệu cũng được dùng ở dạng sắc uống. Hiện tại chưa có nghiên cứu về liều dùng trung bình/ ngày, vì vậy trước khi sử dụng lá móng tay bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Một số bài thuốc trị bệnh từ cây lá móng tay

cây lá móng nhuộm tóc
Cây lá móng không chỉ được dùng nhuộm tóc mà còn được sử dụng để chữa hắc lào, bế kinh

1. Bài thuốc trị chứng bế kinh (mất kinh nguyệt)

  • Chuẩn bị: Nghệ đen 30g, ích mẫu 40g và lá móng tay 50g.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm 500ml nước sắc còn 200ml. Chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày, nên áp dụng bài thuốc trước kỳ kinh 15 ngày.

2. Bài thuốc trị ghẻ lở, hắc lào

  • Chuẩn bị: Lá ổi 100g, lá sả 100g và lá móng tay 200g.
  • Thực hiện: Rửa sạch và nấu với 3 lít nước. Dùng nước sắc hòa thêm nước lạnh và tắm liên tục trong vòng 14 ngày. Đồng thời dùng lá móng tay rửa sạch, để ráo nước rồi giã với ½ thìa muối tinh, trộn với 3 thìa giấm nuôi rồi chắt lấy nước uống. Dùng bã đắp vào vùng da ngứa ngáy, thực hiện 2 lần/ ngày trong liên tục 10 ngày.

3. Bài thuốc chữa chứng sưng đau tỳ vị, hạ sườn và vùng hông

  • Chuẩn bị: Cây lá móng tay tươi 20g, rau má tươi 20g và cỏ mực 15g.
  • Thực hiện: Rửa sạch lá móng tay, cắt thành khúc dài 3cm, sau đó cho tất cả dược liệu sao khử thổ và sắc với 1 lít nước đến khi còn 300ml. Uống 3 lần/ ngày trong liên tục 4 tuần.

4. Bài thuốc chữa chấn thương, té ngã và đau nhức cột sống

  • Chuẩn bị: Cam thảo 10g, cốt toái bổ 50g (cạo sạch lông, cắt mỏng và phơi trong 3 nắng), toàn cây lá móng tay 150g (sao khử thổ vàng), ngũ gia bì và cẩu tích mỗi vị 15g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 1 lít nước còn lại 300ml, chia thành 4 lần uống (sáng – trưa – chiều – tối). Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 30 ngày.

5. Bài thuốc hỗ trợ điều trị hói đầu và kích thích tóc mọc

  • Chuẩn bị: Lá móng tay tươi.
  • Thực hiện: Đem rửa sạch, phơi trong râm cho đến khi khô hoàn toàn rồi đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 60g bột hòa với 250g dầu mù tạt, đun cho nóng rồi dùng lọc qua vải thưa và bảo quản trong lọ kín. Mỗi ngày dùng 1 ít thoa lên vùng da đầu bị hói, sử dụng liên tục cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn.

Những lưu ý khi dùng cây lá móng tay

  • Cần phân biệt với bông móng tay (Impatiens balsamina L) thuộc họ Bóng nước.
  • Cây lá móng tay chứa chất màu có thể dính vào quần áo và tay chân khi dùng. Tuy nhiên khi rửa lại nhiều lần thì màu sẽ bay đi đáng kể.
  • Không dùng dược liệu cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có chứng ứ huyết.

Hiện tại các nghiên cứu về tác dụng của cây lá móng tay còn nhiều hạn chế. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để biết thêm thông tin về liều lượng và các bài thuốc của dược liệu này.