Cây lá gai
Cây lá gai còn được gọi là cây trữ ma hoặc tầm ma. Lá và rễ của cây không chỉ được sử dụng để làm bánh mà còn được dùng để trị bệnh tiểu tiện đỏ, động thai, đau mỏi xương khớp và đại tiểu tiện ra máu. Ngoài ra, lá gai còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và được nhân dân sử dụng như một loại rau ăn.
- Tên gọi khác: Tầm ma, Cây lá gai, Gai tuyến, Trữ ma.
- Tên khoa học: Boehmeria nivea
- Họ: Gai – Urticaceae
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm của cây lá gai
Cây gai là loài thực vật sống lâu năm, thân cao khoảng 1.5 – 2m. Lá mọc so le, kích thước tương đối lớn, lá rộng từ 4 – 8cm, dài 7 – 15cm, phiến hình tim và mép có răng cưa.
Mặt trên có màu lục sẫm, màu dưới có màu nhạt hơn do được phủ lông trắng. Hoa mọc ở kẽ lá, quả bế mang đài tồn tại.
2. Bộ phận dùng
Rễ (trữ ma căn) và lá của cây gai được sử dụng để làm thuốc. Trong khi đó lá còn được sử dụng để làm bánh (bánh gai, bánh ít).
3. Phân bố
Cây gai là nguyên sản ở Ấn Độ, sau đó được di thực và trồng ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Nhật bản, Triều Tiên,…
4. Thu hái – sơ chế
Lá và rễ có thể thu hái quanh năm nhưng nếu dùng rễ, nên thu hái vào mùa thu – đông. Vì thời điểm này rễ phát triển mạnh và có phẩm chất tốt nhất. Sau khi đào rễ về, đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát rồi để nguyên hoặc thái mỏng đem phơi/ sấy khô. Ngoài ra cũng có thể sử dụng dược liệu tươi.
5. Bảo quản
Nơi thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Trong 100g cây gai có chứa các thành phần hóa học với hàm lượng như sau: Chất béo 0.5g, protein 85.3g, vitamin K 0.8mg, carbohydrates 5.4g, biotin 498.6mcg, chất xơ 3.1g, chlorine 71mg, mangan 1.64mg, kẽm 0.3mg, selenium 76mcg, đồng 779mg, thiamine 0.2mg,…
Vị thuốc cây lá gai
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn, không có độc.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tâm, Can và Bàng quang.
3. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Axit chlorogenic trong dược liệu có tác dụng ức chế vi trùng và diệt nấm. Vì vậy sử dụng lá gai để làm bánh có thể giúp bảo quản bánh được lâu ngày.
- Thuốc có tác dụng kích thích bài tiết mật và thông tiểu.
- Chlorogenic acid trong dược liệu có tác dụng chống oxy hóa cao gấp 10 lần so với vitamin E, từ đó ngăn chặn tình trạng cao huyết áp, xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.
– Tác dụng của cây gai theo Đông Y:
- Công dụng: Rễ có tác dụng chỉ huyết, lương huyết, giải độc, thanh nhiệt và an thai. Lá có tác dụng tán ứ, chỉ huyết và lương huyết.
- Chủ trị: Rễ được sử dụng để điều trị nhiệt độc ung thũng, xuất huyết do huyết nhiệt, thai lậu hạ huyết và thai độc bất an. Lá được dùng để chữa nhũ ung sơ khởi, hậu môn sưng đau, nôn ra máu, khạc ra máu, xuất huyết do chấn thương, tiểu tiệu ra máu,…
- Ngoài ra, một số nơi còn dùng hoa cây gai để chữa bệnh sởi. Dùng cành và thân để trị sang thương xuất huyết, tâm phiền, ứ nhiệt, giang môn thũng thống và tiểu tiện bất thông.
4. Cách dùng – liều lượng
Cây gai được sử dụng ở dạng sắc, thuốc viên và hoàn tán với liều dùng 12 – 20g. Ngoài ra có thể sử dụng ở dạng giã đắp hoặc đun lấy nước ngâm rửa.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây gai
1. Bài thuốc giúp an thai
- Chuẩn bị: Rễ cây gai phơi khô 30g.
- Thực hiện: Đem sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày. Chỉ sử dụng bài thuốc này trong 2 – 3 ngày.
2. Bài thuốc giúp dưỡng huyết, an thai, tư âm và thanh nhiệt
- Chuẩn bị: Gạo nếp 100 – 150g, sinh địa 30g và trữ ma căn 30g.
- Thực hiện: Dùng sinh địa và trữ ma căn sắc lấy nước, sau đó bỏ bã và cho gạo nếp vào nấu thành cháo. Khi chín, nêm nếm thêm gia vị và chia thành nhiều lần ăn trong ngày.
3. Bài thuốc dưỡng huyết, an thai
- Chuẩn bị: Gạo nếp 100g, hồng táo 10 quả và rễ cây gai tươi 50g.
- Thực hiện: Dùng dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã, sau đó thêm gạo và hồng táo vào nấu thành cháo. Khi cháo chín, nêm nếm gia vị và dùng ăn nhiều lần trong ngày.
4. Bài thuốc trị bệnh sa tử cung
- Chuẩn bị: Rễ cây gai khô 30g.
- Thực hiện: Đem sắc với 600ml nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 3 – 4 ngày.
5. Bài thuốc trị phụ nữ mang thai bị đau bụng hoặc ra huyết dọa sảy thai
- Chuẩn bị: Lá ngải cứu 12g, tía tô 12g, rễ gai tươi 48g.
- Thực hiện: Sắc uống lấy nước uống hằng ngày.
6. Bài thuốc trị chứng động thai và đau bụng ở sản phụ
- Chuẩn bị: Cành tía tô 4g và rễ gai 4g.
- Thực hiện: Đem các vị băm nhỏ rồi phơi khô. Sau đó sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml và uống hết trong ngày. Trường hợp có xuất huyết, gia thêm 10g lá huyết dụ.
7. Bài thuốc giúp cầm máu do vết thương hở
- Chuẩn bị: Lá gai tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch và để ráo dược liệu. Trong thời gian này, nên vệ sinh vết thương và lau khô. Sau đó giã nát lá gai, đắp vào vết thương và cố định lại.
8. Bài thuốc giúp ngăn ngừa rụng tóc
- Chuẩn bị: Rễ cây gai tươi hoặc khô, liều lượng tùy chỉnh.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
9. Bài thuốc trị chứng chân tay tê mỏi
- Chuẩn bị: Rễ cây gai 15 – 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
10. Bài thuốc trị mụn nhọt mưng mủ gây viêm và đau nhức
- Chuẩn bị: Rễ vông vang và rễ gai các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Đắp trong vòng 1 – 2 ngày sẽ nhận thấy mụn bớt mủ và giảm sưng đau đáng kể.
11. Bài thuốc trị bệnh phong thấp gây đau nhức các khớp
- Chuẩn bị: Trữ ma căn 50g, rượu 1 lít.
- Thực hiện: Đem ngâm rượu trong vòng 7 ngày. Khi dùng, uống khoảng 10ml rượu, ngày dùng 2 lần.
12. Bài thuốc trị chứng tiểu ra nước trắng đục như nước vo gạo
- Chuẩn bị: Thổ phục linh, rau dừa nước mỗi vị 20g, thương nhĩ tử, đinh lăng và cây trinh nữ mỗi vị 16g, rễ gai 30g.
- Thực hiện: Đem nấu với 1 lít nước với lửa nhỏ cho đến khi còn 250ml. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
13. Bài thuốc trị chứng đại tiểu tiện ra máu
- Chuẩn bị: Lá gai 15 – 20g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước và dùng uống nhiều lần trong ngày.
14. Bài thuốc trị đái dắt do nhiệt
- Chuẩn bị: Mã đề và rễ gai mỗi vị 30g, hành tươi 3 nhánh.
- Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch rồi cho vào nồi sắc, dùng uống hết 1 lần/ ngày. Áp dụng bài thuốc từ 3 – 5 ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
15. Bài thuốc trị chứng tiểu tiện đỏ và nóng trong người do nhiệt ứ
- Chuẩn bị: Cát căn 10g, rễ gai 20g, nhân trần 15g và lá cây cối xay 20g.
- Thực hiện: Dùng sắc với 400ml nước đun sôi kỹ và dùng uống nhiều lần trong ngày. Áp dụng bài thuốc từ 5 – 7 ngày.
Kiêng kỵ – Lưu ý khi sử dụng cây gai
- Không phải bệnh do thực nhiệt không nên sử dụng cây gai.
- Cây gai có thể gây ngứa khi dùng tươi nhưng khi luộc chín hoặc nấu canh, thảo dược không còn ngứa và có thể dùng ăn như một loại rau.
Cây gai không có độc nhưng có tính hàn. Vì vậy tránh sử dụng bài thuốc này cho người có thể trạng hư hàn hoặc sử dụng trong thời gian dài. Ngoài ra để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ khi điều trị, bạn nên thăm khám để được thầy thuốc hướng dẫn bài thuốc cụ thể.