Cây cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi có tính hàn, vị ngọt, không chứa độc tính, lợi về kinh vị và tỳ có tác dụng mát huyết, thanh nhiệt, cầm máu, giải độc,… thường được dùng dưới dạng sấy khô hoặc tươi
+ Tên khác: Cỏ mực hay hàn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên
+ Tên khoa học: Eclipta prostrata L.
+ Họ: Họ cúc (Asteraceae)
I. Mô tả cây cỏ nhọ nồi
+ Đặc điểm sinh thái của cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi thân có lông cứng và có chiều cao trung bình tới 80 cm. Lá cây mọc đối với chiều rộng 5 – 15 mm, chiều dài 2 – 8 cm và hai bên mặt lá đều có lông. Quả dẹt hoặc bế 3 cạnh, có cánh, đầu cụt với chiều dài 3 mm, rộng 1,5 mm.
+ Phân bố
Là loại cây mọc hoang nên có thể tìm thấy khắp nơi ở nước ta
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
- Bộ phận sử dụng: Toàn cây
- Thu hái: Thu hoạch quanh năm
- Chế biến: Cỏ nhọ nồi rửa sạch, phơi khô và bảo quản nơi khô ráo, để dành dùng dần.
+ Thành phần hóa học
Bao gồm các thành phần chính như tamin, caroten, chất đắng và các ancaloit (nicotin, ecliptin và coumarin lacton)
II. Vị thuốc cỏ mực
+ Tính vị
Tính hàn, vị chua, ngọt và không có độc
+ Qui kinh
Tác dụng vào Can và Thận
+ Tác dụng dược lý
Theo một số tài liệu ghi chép ở Ấn Độ, cỏ nhọ nồi được sử dụng với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh gan và vàng da. Bên cạnh đó, dược liệu này còn dùng như thuốc bổ tổng quát và giúp chữa đau răng, ăn khó tiêu hoặc làm lành vết thương.
Tại Trung Quốc, toàn thân cây cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu, chữa tiểu ra máu, ho ra máu và cải thiện đau lưng, sưng gan. Còn ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu của Viện Dược liệu đã phát hiện các hoạt chất chứa trong cỏ nhọ nồi có khả năng chống lại tác dụng của thuốc chống đông máu dicumarin, giúp cầm máu ở tử cung.
Ngoài ra, cây cỏ nhọ nồi còn được dùng với các mục đích như điều trị sốt xuất huyết, sưng đường tiểu đường, nha chu, bó ngoài giúp liền xương, điều trị mụn nhọt và một số bệnh lý khác.
+ Cách dùng và liều lượng
Có thể sử dụng cỏ nhọ nồi tươi hoặc sấy khô để điều trị bệnh. Tùy thuộc vào loại bệnh mà liều lượng dùng sẽ khác nhau.
+ Tác dụng phụ
Cỏ nhọ nồi không gây hạ huyết áp, đặc biệt thuốc không giãn mạch. Tuy nhiên, thuốc có thể gây sảy thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai không nên dùng loại cây này để điều trị bệnh. Bên cạnh đó, người bị sôi bụng, viêm đại tràng mạn tính hoặc đại tiện lỏng tốt nhất cũng không nên sử dụng. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên dùng lá nhỏ nồi đắp dưới bẹn hoặc nách để chữa sốt. Tuyệt đối không được dùng đường uống để đảm bảo vô trùng cho trẻ.
III. Kinh nghiệm chữa bệnh từ cỏ nhọ nồi
+ Điều trị viêm họng
Thang thuốc bao gồm 20 gram cỏ nhọ nồi, 16 gram cam thảo đất, 12 gram củ rẻ quạt, 16 gram kim ngân hoa và 20 gram bồ công anh. Mỗi ngày sắc 1 thang. Uống liên tục từ 3 – 5 ngày.
+ Chữa chảy máu cam
Lấy 20 gram cỏ nhọ nồi sắc chung với 16 gram cam thảo đất và 20 gram hoa hòe sao đen. Mỗi ngày uống 1 thang.
+ Trị chứng ăn không ngon, cơ thể suy nhược, thiếu máu
Sử dụng cỏ nhọ nồi, cỏ mần trầu, mỗi vị 100 gram cùng với 50 gram gừng khô đem thái nhỏ và sao sơ, hạ thổ. Sau đó cho vào nồi với 3 chén nước dừa tươi, đun cạn còn 8 phân. Chia 2 lần và uống trong ngày.
+ Điều trị bạch biến
Nguyên liệu gồm có 30 gram cỏ nhọ nồi, 30 gram hà thủ ô, 10 gram bạch truật, 10 gram đương quy, 15 gram sa uyển tử, 15 gram đan sâm, 12 gram bạch chỉ, 6 gram thiền thoái và 15 gram đảng sâm. Tất cả các vị thuốc được rửa sạch và sắc thuốc uống hàng ngày. Dùng liên tục trong 15 ngày.
+ Cải thiện tình trạng râu tóc bạc sớm
Dùng cỏ nhọ nổi, rửa sạch và nấu cô đặc thành cao. Sau đó, cho một lượng vừa đủ mật ong và gừng vào, tiếp tục cô lại lần nữa. Mỗi ngày dùng 1 – 2 muỗng cà phê cao hòa tan với nước sôi và uống. Và để dễ uống, có thể thêm một ít rượu gao. Sử dụng mỗi ngày 2 lần, giúp ích tinh huyết và bổ thận.
+ Trị rong kinh ở mức độ nhẹ
Hái một nắm cỏ nhọ nồi, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Hoặc cũng có thể dùng cỏ mực khô sắc thuốc uống. Trong trường hợp huyết ra nhiều, ngoài cỏ mực, bệnh nhân nên thêm cây huyết dụ hoặc trắc bá diệp, sắc uống.
+ Chữa gan nhiễm mỡ
Dùng cỏ nhọ nồi 30 gram sắc chung với đường quy 15 gram, trạch tả 15 gram và nữ trinh tử 20 gram.
- Trong trường hợp gan nhiễm mỡ do rượu bia: Với nguyên liệu nêu trên, bệnh nhân thêm vào các vị thuốc khác như chỉ củ tử 15 gram, cát căn 30 gram và bồ công anh 15 gram.
- Còn với gan nhiễm mỡ do béo phì cần thêm: 15 gram lá sen và 6 gram đại hoàng.
+ Điều trị eczema ở trẻ
Hái 50 gram cỏ nhọ nồi, rửa sạch và sắc lấy nước cô đặc. Dùng hỗn hợp này bôi lên vùng da bị bệnh. Sử dụng liên tục trong 1 tuần giúp giảm dịch rỉ và ngứa.
+ Chữa sốt xuất huyết nhẹ
Cỏ nhọ nồi 20 gram kết hợp với hoa hòe sao đen 12 gram, cam thảo đất 16 gram, lá trắc bá sao đen 12 gram và lá hoặc củ sắn dây 20 gram. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
+ Trị mề đay
Dùng cỏ nhọ nồi, lá dưa chuột, lá khế, rau diếp cá, lá nhài và lá huyết dụ, rửa sạch, giã nát. Thêm nước và vắt lấy nước uống. Phần bã dùng đắp lên vùng da bị mề đay.
+ Điều trị sốt phát ban
Nấu nước cỏ nhọ nồi (60 gram), chia thuốc và uống 2 – 4 lần trong ngày.
+ Chữa sốt cao
Sử dụng cỏ nhọ nồi, củ sắn dây, sài đất mỗi vị 20 gram kèm với cây cối xay 16 gram, cam thảo đất 16 gram và ké đầu ngựa 12 gram. Sắc thuốc và lọc lấy nước uống.
+ Điều trị viêm tiền liệt tuyến
Cỏ nhọ nồi 15 gram, thục địa 15 gram, tỏa dương 10 gram, thổ phục linh 24 gram, câu kỷ tử 15 gram, đương quy 6 gram, hoàng kỳ 15 gram, thỏ ty tử 12 gram, vương bất lưu hành 10 gram, đảng sâm 15 gram, thục địa 15 gram, nữ trinh nữ 12 gram, ích trí nhân 10 gram. Sắc thuốc uống.
+ Chữa xuất huyết tử cung
Dùng 30 gram cỏ nhọ nồi, 15 gram thục địa, 10 gram kinh giới sao, 15 gram phúc bồn tử, 60 gram hoàng kỳ, 15 gram nữ trinh tử, bạch thược 15 gram, 15 gram sinh địa, 6 gram thăng ma. Mỗi ngày sắc 1 thang.
Theo tài liệu ghi chép, cỏ nhọ nồi giúp điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thảo dược này, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cũng như cách chế biến để đảm bảo an toàn và mang lại kết quả trị liệu tốt.