Cây bìm bìm biếc
Cây bìm bìm biếc – cụ thể là hạt có tính nóng, vị cay và hơi có độc. Thường được sử dụng làm nguyên liệu trong một số bài thuốc trị giun kim, giun đũa hoặc chữa bí đại tiểu tiện, phù thũng, ngồi nằm không được, bán bụng do viêm thận mạn tính, xơ gan, tâm thần phân liệt, xơ gan thể thủy khí tương kết.
Mô tả về cây bìm bìm biếc
- Tên gọi khác: lạt bá hoa, bìm lam, bìm biếc, khiên ngưu, bạch sửu, hắc sửu,…
- Tên khoa học: Ipomoea nil.
- Họ khoa học: Convolvulaceae (Bìm Bìm).
1. Đặc điểm thực vật
Cây bìm bìm biếc là một loại thực vật dây leo. Thân cây dài và mảnh, xung quanh mọc lông rải rác. Lá mọc theo kiểu so le với phần cuốn dài 5 – 9 cm và phiến lá chia ra làm 3 thùy, đầu nhọn, gốc hình trái tim. Chiều rộng của lá khoảng 12 cm, chiều dài khoảng 14 cm. Mặt trên của lá nhẵn và có màu xanh lục, còn mặt dưới nhạt và có lông ở các gân.
Hoa bìm bìm biếc mọc thành từng cụm ở vị trí ngay kẻ lá. Mỗi cụm từ 1 – 3 hoa có màu lam nhạt hoặc tím. Cuốn hoa khá ngắn và có lông. Đài hoa mang hình chuông với 5 răng đều và mặt bên ngoài có những sợi lông mềm. Tràng hoa có hình phễu với ống dài 3 – 5cm được tạo thành bởi 5 cánh hoa. Bên trong có nhụy không đều, bao phấn hình mũi tên,…
Quả bìm bìm biếc là dạng quả nang, có hình cầu nhẵn với đường kính khoảng 8mm và được bao bọc bên trong đài đồng trưởng. Bên trong quả sẽ có khoảng 2 đến 4 hạt, mỗi hạt có 3 cạnh, có màu đen và bề mặt ngoài có lông mềm với chiều rộng khoảng 3 – 4,5mm và chiều dài 4 – 7mm. Khi ngâm hạt vào nước sẽ thấy hiện tượng vỏ hạt nứt dần và bắt đầu tách ra từ từ.
2. Phân bố
Trên thế giới, cây bìm bìm biếc phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippine và Thái Lan. Còn tại Việt Nam, cây mọc hoang ở ven đường, bờ rào vườn,… của nhiều tỉnh thành, trong đó tiêu biểu là Thái Nguyên, Yên Bái và Lào Cai.
3. Bộ phận sử dụng
Hạt của cây bìm bìm biếc được sử dụng là nguyên liệu trong các bài thuốc chữa bệnh.
4. Thu hái
Hằng năm, vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10, người dân sẽ tiến hành thu hái quả bìm bìm biếc đã chín nhưng chưa nứt để về sơ chế làm dược liệu.
5. Sơ chế
Khi thu hái về, quả bìm bìm biếc sẽ được rửa sạch và phơi khô. Sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng đập tách vỏ để sàng lấy hạt bên trong và làm sạch tạp chất.
6. Bảo quản
Hạt bìm bìm biếc sẽ được cho vào bao nilon hoặc lọ thủy tinh bọc kín lại. Sau đó đem đi bảo quản nơi sạch sẽ, thoáng mát và khô ráo để có thể sử dụng dần.
7. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học trong hạt bìm bìm biếc là:
- Pharbitin (22%)
- Chất béo (11%)
- Elymoclavin
- Axit Nilic
- Isopeniclavin
- Lysergol
- Chanoclavin
Vị thuốc bìm bìm biếc
1. Tính vị
Tính nóng, vị cay và hơi có độc.
2. Quy kinh
Quy vào 3 kinh là đại tràng, phế và thận.
3. Tác dụng dược lý
Theo các nghiên cứu của Đông Y:
- Tác dụng: Lợi tiểu, sát trùng, trục đờm, tả khí phận thấp nhiệt, tiêu ẩm lợi nhị tiện,…
- Chủ trị: Táo bón, phù thũng, xơ gan, tâm thần phân liệt, nhiễm giun, cước khí, thủy thũng,…
4. Cách sử dụng
Sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp chung với một số dược liệu khác bằng cách sắc thuốc, tán thành bột mịn uống,…
5. Liều lượng
Liều lượng sử dụng thông thường là từ 3 – 4 gram ngày (đối với các bài thuốc sắc). Tùy tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh, thầy thuốc có thể yêu cầu người bệnh tăng hoặc giảm liều lượng để đảm bảo an toàn và đạt kết quả chữa trị tốt nhất.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây bìm bìm biếc
1. Bài thuốc chữa bí đại tiểu tiện, phù thũng, ngồi nằm không được
- Bài thuốc 1
Chuẩn bị: Hạt bìm bìm biếc (một lượng vừa đủ).
Cách thực hiện: Hạt bìm bìm biếc rửa sạch và để ráo nước. Sau đó đem tán thành bột mịn rồi cho vào hủ thủy tinh đậy nắp lại. Mỗi lần sử dụng lấy 3 gram uống với nước lọc. Thực hiện đều đặn thì sau 1 – 4 tuần bệnh sẽ cải thiện dần.
- Bài thuốc 2
Chuẩn bị: 10 gram bìm bìm biếc.
Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm chung với 300ml nước lọc. Sau đó đem đi đun sôi trên lửa nhỏ và chờ đến khi hỗn hợp sắc lại còn khoảng 150ml thì ngưng nấu. Lọc lấy nước thuốc (bỏ đi phần bã) và chia thành 2 phần bằng nhau để uống vào 2 buổi trong ngày. Sau một thời gian bệnh sẽ thuyên giảm.
- Bài thuốc 3
Chuẩn bị: 36 gram bìm bìm biếc, 500 gram gừng tươi và 60 gram đại táo.
Cách thực hiện: Đại táo cho vào nồi nấu chín, sau đó bỏ hạt và đem đi giã nhuyễn. Gừng rửa sạch, bỏ vỏ, cho vào cối giã nát rồi vắt lấy nước. Sau đó cho bìm bìm biếc vào trộn đều với đại táo và gừng rồi cho lên bếp chưng trong khoảng 30 phút. Cuối cùng là chia làm 8 phần bằng nhau. Mỗi ngày uống vào 3 buổi sáng, chiều và tối trong lúc bụng đói. Thực hiện liên tục trong 4 – 5 ngày để đạt kết quả tốt nhất.
2. Bài thuốc chữa báng bụng do viêm thận mạn tính, xơ gan
Chuẩn bị: 120 gram bìm bìm biếc và 30 gram hồi hương.
Cách thực hiện: Đem tất dược liệu đem tán thành bột mịn và trộn đều với nhau. Khi sử dụng sẽ lấy khoảng 6 gram để uống với nước. Mỗi ngày uống 1 lần lúc bụng đói. Thực hiện đều đặn và không ngắt quãng để các triệu chứng của bệnh giảm dần và sớm hồi phục lại sức khỏe.
3. Bài thuốc trị giun kim, giun đũa
- Bài thuốc 1
Chuẩn bị: 10 gram bìm bìm biếc, 10 gram lôi hoàng và 3 gram sinh đại hoàng.
Cách thực hiện: Tất cả dược liệu đem tán thành bột mịn. Sau đó chia thành 2 phần bằng nhau để uống vào 2 buổi trong ngày chung với nước ấm. Trong đó sẽ có một lần uống vào thời điểm trước khi đi ngủ để trị giun kim, giun đũa đạt kết quả cao nhất.
- Bài thuốc 2
Chuẩn bị: Bìm bìm biếc, đại hoàng và bình lang (liều lượng bằng nhau).
Cách thực hiện: Bìm bìm biếc, đại hoàng và bình lang đem đi tán thành bột mịn. Sau đó cho vào bao nilon hoặc lọ thủy tinh để dùng dần. Mỗi lần uống khoảng 2 – 3 gram và uống chung với nước ấm vào buổi sáng và tối khi bụng đói để đạt hiệu quả tốt nhất.
4. Bài thuốc chữa xơ gan thể thủy khí tương kết
Chuẩn bị: 10 gram bìm bìm biếc (khiên ngưu), 4 gram khương hoàng, 10 gram hải tảo, 12 gram côn bố, 12 gram đình lịch và 6 gram quế tâm.
Cách thực hiện: Đem tất cả dược liệu đi rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó cho vào ấm nấu cùng một lượng nước vừa đủ. Tiến hành đun sôi để hỗn hợp sắc lại còn khoảng 1/2 thì tắt bếp. Bỏ đi phần bã và giữ lại phần nước để uống trong ngày. Sau vài tuần thực hiện đúng hướng dẫn bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt.
5. Bài thuốc chữa tâm thần phân liệt
Chuẩn bị: 24 gram bìm bìm biếc (khiên ngưu), 12 gram đại hoàng, 16 gram mạch nha và 12 gram hùng hoàng.
Cách thực hiện: Tất cả dược liệu đem tán thành bột mịn. Sau đó vo tròn thành từng viên có trọng lượng khoảng 2 gram. Mỗi ngày dùng 4 viên để uống cùng nước lọc. Dùng liên tục trong 15 ngày thì ngưng 7 ngày rồi tiếp tục sử dụng để đạt kết quả chữa bệnh như mong muốn.
Lưu ý khi dùng cây bìm bìm biếc chữa bệnh
Để đạt được kết quả chữa bệnh tốt nhất, đồng thời tránh các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thì người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc những người có chuyên môn trước khi sử dụng bất cứ dược liệu nào để chữa bệnh, bao gồm cây bìm bìm biếc.
- Sử dụng đúng liều lượng đã được thầy thuốc hướng dẫn. Tránh sử dụng quá liều làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả chữa trị bệnh và sức khoẻ của bản thân.
- Áp dụng các bài thuốc từ cây bìm bìm biếc kiên trì, đều đặn và liên tục để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất. Hạn chế dùng ngắt quãng hoặc bỏ bữa.
- Theo dõi biểu hiện của cơ thể trong suốt quá trình dùng dược liệu chữa bệnh. Nếu thấy bất thường, phải ngưng sử dụng ngay, sau đó đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
- Nếu sau một thời gian chữa bệnh bằng cây bìm bìm biếc mà không có dấu hiệu cải thiện, người bệnh nên đổi sang dược liệu khác hoặc phương pháp điều trị khác phù hợp hơn.
- Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh, người đang dùng thuốc tây điều trị bệnh nên cẩn trọng khi dùng cây bìm bìm biếc chữa bệnh. Bởi một số thành phần trong dược liệu có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc tương tác thuốc cho người sử dụng.
Trên đây là những thông tin chung về cây bìm bìm biếc và những bài thuốc chữa bệnh hay có thể áp dụng vào cuộc sống. Hi vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức hữu ích, thú vị và có thể vận dụng được khi cần thiết.