Cam thảo đất
Cam thảo đất hay còn gọi là Cam thảo nam là dược liệu thường được sử dụng để làm giảm đường huyết, cải thiện các triệu chứng tiểu đường và làm tăng hồng cầu. Ngoài ra, vị thuốc cũng có thể hỗ trợ làm giảm các mô mỡ, hỗ trợ làm lành các vết thương và tăng cường cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
- Tên gọi khác: Cam thảo nam, Dã cam thảo, Thổ cam thảo, Dạ kham (Tày), Trộm lây (Kho)
- Tên khoa học: Seoparia dulics L
- Họ: Hoa mõm chó – Scrophulariaceae
Mô tả dược liệu Cam thảo đất
1. Đặc điểm cây Cam thảo đất
Cây Cam thảo nam mọc đứng, chiều cao khoảng 30 – 80 cm, thân tròn, thân thảo, mềm, nhẵn hóa gốc ở gốc, rễ to hình trụ. Lá cây mọc đơn hoặc mọc đối thành một vòng 3 lá. Phiến lá thuôn hình trứng hoặc hình mác có răng cửa ở nửa phần trên của lá, lá không có lông.
Hoa Cam thảo đất mọc riêng lẻ ở các nách lá. Ở mỗi nách lá có khoảng 4 – 7 hoa nhỏ. Mùa hạ ra hoa, màu trắng, không có lông, nửa trên hoa có răng cưa, nửa dưới nguyên. Quả có hình cầu, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn thân Cam thảo đất được ứng dụng để làm dược liệu với tên dược là Herba Scopariae dulcis.
3. Phân bố
Cam thảo nam mọc hoang ở các bờ ao, ruộng, khu đầm lầy ẩm ướt ở vùng nhiệt đới. Cam thảo nam được tìm thấy ở Ấn Độ, Thái Lan, miền Nam Trung Quốc và cả châu Mỹ.
Tại Việt Nam, Cam thảo đất mọc hoang ở khắp nơi, ven các đường đi, bờ ruộng.
4. Thu hái – Sơ chế
Cam thảo nam có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, dược liệu thu hái vào mùa xuân – hè được cho là có chất lượng tốt nhất. Khi thu hái nên đào cả phần gốc rễ của dược liệu.
Sau khi thu hái, mang về rửa sạch bùn đất, thái nhỏ có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô, bảo quản dùng dần.
Cách bào chế dược liệu Cam thảo đất: Loại bỏ các tạp chất, cắt thành đoạn nhỏ, vi sao.
5. Bảo quản dược liệu
Dược liệu Cam thảo đất đã bào chế cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Toàn thân cây Cam thảo nam có chứa một chất đắng đặc trưng và hoạt chất Alcaloid. Ngoài ra, cây cũng chứa nhiều một hoạt chất có tên gọi là Amellin và nhiều Axiit Silicic.
Phần thân cây có chứa một chất dầu sền sệt với các thành phần như:
- Scopariol
- Manitol
- Dulciol
- Glucose
Rễ Cam thảo nam có chứa Manitol, Hexcoxinol và Bsitosterol.
Vị thuốc Cam thảo đất
1. Tính vị
Theo y học cổ truyền Cam thảo nam tính mát có vị ngọt, đắng.
2. Công dụng của Cam thảo đất
Theo Đông y, tác dụng của cây Cam thảo đất bao gồm:
- Nhuận phế
- Thanh nhiệt, giải độc cơ thể, mát gan
- Kiện tỳ, lợi tiểu
- Hạ đường huyết, hỗ trợ ngăn ngừa, cải thiện và điều trị tiểu đường
- Giải cảm, trị ho, chữa viêm họng
- Thấp cước khí, rôm sởi ở trẻ em
3. Cách dùng – Liều lượng
Cam thảo nam có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều được, có thể dùng độc vị hoặc dùng kết hợp với các loại dược liệu khác.
Liều dùng khuyến cáo:
- Dùng tươi: 20 – 40 g mỗi ngày
- Dùng khô: 8 – 12 g mỗi ngày
Bài thuốc sử dụng cây Cam thảo nam
1. Chữa cảm cúm, ho do nóng
Sử dụng Cam thảo dây 30 g, Bạc hà 9 g, rau Diếp cá 15 g, sắc thành thuốc, dùng uống. Ngoài ra, có thể phối hợp với Cỏ tranh, Mạn kinh, Kinh giới, Kim ngăn, Rau má, Sài hồ nam để tăng hiệu quả của bài thuốc.
2. Chữa lỵ trực trùng
Sử dụng Cam thảo nam, lá Rau muống, Rau má, Địa liền, mỗi vị đều 30 g, sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
3. Chữa mề đay mẩn ngứa, dị ứng phát ban
Sử dụng Cam thảo nam 15 g, Kim ngân hoa 20 g, lá Mã đề 10 g, Ké đầu ngựa 20 g, sắc thành thuốc dùng uống. Mỗi ngày một thang.
4. Điều trị mụn nhọt sưng đau
Sử dụng Cam thảo nam, Sài đất, Kim ngân hoa, mỗi vị đều 20 g, sắc thành thuốc, mỗi ngày uống một thang.
5. Chữa ho
Sử dụng Cam thảo nam, vỏ rễ Cây dâu, mỗi vị đều 15 g, lá Bồng bồng 10 g, sắc thành thuốc dùng uống, mỗi ngày một thang.
6. Điều trị tiểu tiện không lợi
Dùng Cam thảo đất 15 g, Râu ngô và hạt Mã đề, mỗi vị đều 12 g, sắc thành thuốc dùng uống. Mỗi ngày uống một thang thuốc.
7. Điều trị sốt phát ban
Dùng Cam thảo nam, Sài đất, Cỏ nhọ nồi, mỗi vị 15 g, lá Trắc bá 12 g, Củ sắn dây 20 g, sắc thành thuốc dùng uống, mỗi ngày một thang.
8. Chữa bệnh lỵ
Dùng Cam thảo đất, Lá mơ lông, mỗi vị đều 15 g, Cỏ seo gà 20 g, sắc thành thuốc dùng uống, mỗi ngày một thang.
9. Chữa cước khí phù thũng, hai chân phù nề, ứ nước
Sử dụng Cam thảo nam, đường đỏ, mỗi vị 40 g, sắc thành nước dùng uống, mỗi ngày 2 lần.
10. Chữa ung thư sinh phù thũng
Dùng Cam thảo nam 50 g, Long quỳ, Xích tiểu đậu, mỗi vị đều 30 gm Đại táo 10 g, sắc thành thuốc, mỗi ngày uống một thang.
11. Chữa phế nhiệt, tiểu tiện khó, mẩn ngứa toàn thân
Dùng 30 – 6 0 g Cam thảo nam xay nhuyễn cùng 100 – 150 ml nước, lọc bỏ bã, dùng uống trong ngày. Có thể cho thêm đường để cải thiện hương vị.
12. Chữa trị ho hen, ung thư phổi
Sử dụng cây Cam thảo đất 60 g sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
13. Hỗ trợ điều trị biến chứng của tiểu đường
Sử dụng Cam thảo nam, Diệp hạ châu, đều 10 g, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
14. Trị ma chẩn, phát ban sởi
Dùng Cam thảo đất sắc uống như nước trà, uống liên tục trong 3 ngày.
14. Chữa nóng gan, phiền nhiệt
Sử dụng 20 g Cam thảo nam, thêm đường cát, chưng cách thủy, lọc bỏ bã, dùng nước để uống.
16. Trị viêm họng
Dụng Cam thảo nam tươi, giã nát cùng một ít muối, sắc thành thuốc dùng uống.
17. Chữa mụn rộp, eczema, thấp chẩn
Dùng một lượng Cam thảo nam vừa phải, rửa sạch, để ráo, giã nát, dùng đắp bên ngoài da.
Lưu ý khi sử dụng Cam thảo đất
Cam thảo đất không được sử dụng để uống thay nước hàng ngày. Nếu sử dụng với số lượng lớn liên tục, trong nhiều ngày có thể dẫn đến phù nề. Do đó, thường dùng 3 – 5 ngày, sau đó nghỉ một ngày.
Cam thảo đất là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong Đông y để điều trị ho, sởi, phù nề, cảm cúm và nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cây Cam thảo đất, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể về liều lượng và cách dùng.