Bạch hạc
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây bạch hạc còn được sử dụng để làm dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp, bệnh da liễu, bệnh hô hấp,… Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về bạch hạc và công dụng của chúng.
- Tên gọi khác: Kiến cò, nam uy linh tiên
- Tên khoa học: Rhinacanthus communis Nees.
- Họ: Ô rô (Acanthaceae)
Mô tả về cây bạch hạc (kiến cò)
1. Cây bạch hạc
Cây cao khoảng 1 – 2m, mọc thành bụi, rễ chùm. Thân có 6 góc tròn, cả thân và lá đều có lông mịn khi còn non. Lá mọc đối, có cuống dài khoảng 2 – 5mm, 2 đầu thon, phiến hình trứng, mặt trên lá nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành cụm, phân bố nhiều ở nách lá hoặc đầu cành hay ngọn cây, hoa nở chủ yếu vào tháng 8 và có hình dáng như con hạc đang bay. Quả bạch hạc nang dài, có lông.
2. Đặc điểm dược liệu
Dược liệu bạch hạc được sử dụng khi còn tươi hoặc phơi khô. Rễ tươi có màu nâu xám, sau khi bẻ đôi sẽ chuyển qua màu nâu đỏ còn sau khi phơi khô, dược liệu chuyển qua màu nâu sậm, lớp vỏ ngoài dễ bong tróc. Dược liệu có mùi hắc nhẹ, vị hơi ngọt như sắn rừng.
3. Nơi phân bố
Cây bạch hạc thường được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang tại một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Ngoài ra, cây còn được tìm thấy ở Malaysia, Đông Châu Phi, Ấn Độ và một số nước Đông Á.
4. Bộ phận được dùng làm dược liệu
Hầu hết các bộ phận của bạch hạc đều được sử dụng để làm dược liệu nhưng trong đó lá, thân và rễ được dùng phổ biến hơn.
5. Thu hoạch – Sơ chế
Cây bạch hạc thường được thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông. Sau khi thu hái, người ta thường rửa sạch và phơi hoặc sấy khô dược liệu, bảo quản nơi khô thoáng.
6. Bào chế thuốc
Bạch hạc được sử dụng dưới dạng phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng dưới dạng chiết xuất hoặc bào chế thành viên nang.
7. Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp.
8. Thành phần hóa học
Các nhà khoa học vừa nghiên cứu và chỉ ra một số thành phần hóa học của cây bạch hạc cụ thể như sau:
– Thân cây có chứa lượng lớn: tanin, saponine, germanium organique, phenols, acide amine, vitamines,…
– Một số nguyên hoạt chất chính được tìm thấy trong rễ cây bạch hạc đó là: Rhinacanthine A, B, C, D, E, F, Q; Lupeol; Stigmasterol; Β-sitosterol; glucosides; naphthoquinone;…
Vị thuốc bạch hạc
1. Tính vị
- Cây có vị ngọt nhạt, tính bình.
- Rễ cây có mùi hắc nhẹ, vị ngọt nhạt.
2. Quy kinh
- Vào kinh phế.
3. Tác dụng dược lý
Không chỉ được dùng làm cảnh, bạch hạc còn có một số tác dụng dược lý như:
- Bạch hạc có khả năng kích thích tần số nhu động thực quản tăng với biên độ mạnh. Vì vậy, nó được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị hóc xương.
- Bên cạnh đó, thảo dược nam uy linh tiên còn có tác dụng kháng histamin đối với cơ trơn ruột thỏ. Người ta cũng dùng nước sắc thảo dược để lợi mật, tiêu viêm.
- Một số nghiên cứu còn chỉ ra, rễ cây bạch hạc còn có tác dụng hỗ trợ thùy sau của tuyến yên, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim và một số bệnh lý khác.
- Thành phần anemonin trong dược liệu có nguy cơ gây mụn, làm tổn thương da và xuất huyết niêm mạc.
- Ngoài ra, nước sắc bạch hạc còn có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella, tụ cầu vàng, khuẩn Gram âm, Gram dương và nấm.
Do đó, bạch hạc được sử dụng để khắc phục một số bệnh lý sau:
- Hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi ở thời kỳ đầu.
- Cải thiện bệnh hắc lào, lang ben.
- Chữa cao huyết áp.
- Điều trị chứng đau dây thần kinh tọa.
- Khắc phục triệu chứng ghẻ lở.
- Chữa bệnh viêm khớp, phong tê thấp.
4. Cách dùng – Liều lượng
Thảo dược tươi giã nát để đắp trực tiếp lên da hoặc nấu nước rửa. Ngoài ra, bạch hạc còn được sử dụng dưới dạng thuốc sắc. Liều dùng khoảng 9-15g dạng thuốc sắc.
5. Độc tính
Mặc dù chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra độc tính của bạch hạc. Tuy nhiên, trong thảo dược này cũng có một số thành phần có khả năng tạo độc tố nếu bệnh nhân sử dụng vượt quá liều lượng quy định.
Bài thuốc sử dụng cây bạch hạc
Rễ bạch hạc và một số bộ phận của cây có thể được dùng làm bài thuốc để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý sau:
1 – Hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi ở thời kỳ đầu
Những bệnh nhân có triệu chứng ho khan, rát cổ họng, ho có đờm hoặc nghi ngờ có biểu hiện của bệnh lao phổi có thể tham khảo bài thuốc với cây bạch hạc dưới đây.
– Nguyên liệu:
- 40g cây bạch hạc tươi hoặc 15g bạch hạc khô
- 10g đường phèn
– Thực hiện:
- Bạch hạc đem đi rửa sạch, để ráo nước.
- Cho bạch hạc và đường phèn vào ấm sắc cùng với 600ml nước.
- Đến khi còn khoảng 200ml nước thì ngưng sắc và chắt lấy nước uống.
- Chia thành 2 lần và uống hết trong ngày.
2 – Khắc phục chứng huyết áp cao
Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch có thể sử dụng bài thuốc bạch hạc để điều hòa huyết áp. Cụ thể bài thuốc như sau:
Bài 1:
– Nguyên liệu:
- 30g lá bạch hạc
- 30g rễ cây xấu hổ
- 40g lá vú sữa
- 40g cỏ mấn trầu
- 20g rễ nhàu
– Thực hiện:
- Rửa sạch các dược liệu trên rồi cho vào ấm đất đun cùng với 2 lít nước.
- Sắc thuốc trong vòng 30 phút cùng với lửa nhỏ.
- Chắt lấy nước uống thay nước lọc mỗi ngày.
- Kiên trì áp dụng khoảng 10 ngày thì dừng.
Bài 2:
– Nguyên liệu:
- 15g lá bạch hạc tươi
- 400ml nước
– Thực hiện:
- Rửa sạch dược liệu, sau đó cho vào ấm hãm cùng với nước trong vòng 30 phút.
- Để thuốc nguội thì chắt lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 lần.
3 – Bài thuốc chữa hắc lào, lang ben bằng cây bạch hạc
Đối với những người mắc bệnh da liễu, bị lang ben, hắc lào có thể tham khảo và áp dụng cách khắc phục đơn giản dưới đây.
– Nguyên liệu:
- 500g rễ cây bạch hạc
- 1 lít rượu trắng
– Thực hiện:
- Rửa sạch rễ cây bạch hạc, sau đó đem cắt nhỏ, phơi nắng hoặc sấy khô.
- Đến khi rễ cây bị bong hết phần vỏ bên ngoài và chuyển sang màu đỏ thì đem thái nhỏ.
- Cho rễ cây vào bình thủy tinh, đổ rượu vào và ngâm khoảng 2 tuần thì có thể lấy ra dùng.
- Dùng rượu thuốc này để bôi vào vùng da bị hắc lào, lang ben.
Để có công dụng tốt hơn, bệnh nhân có thể bổ sung thêm tinh dầu từ vỏ chanh hoặc quả long não vào trong rượu để ngâm.
4 – Cải thiện bệnh đau thần kinh tọa
Bởi vì bạch hạc có tính hàn và khả năng kháng viêm, giảm đau vì vậy mà bệnh nhân bị đau thần kinh tọa cũng có thể thử nghiệm. Cách thực hiện như sau:
– Nguyên liệu:
- 15g rễ cỏ xước
- 15g rễ lá lốt
- 15g ráy sơn thục
- 10g rễ bạch hạc
- 10g quế chi
- 10g ngải cứu
- 5g vỏ quýt
– Thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc và cho vào ấm sắc với 1 lít nước.
- Chia thành 3 lần uống và sử dụng trong ngày.
- Mỗi ngày kiên trì sử dụng 1 thang, uống khoảng 10 – 15 ngày.
5 – Bài thuốc chữa ghẻ lở
– Nguyên liệu:
- 20g lá bạch hạc
- 100ml rượu trắng
- 20g rễ muồng trâu
– Hướng dẫn thực hiện:
- Cho lá bạch hạc và rễ muồng trâu vào hũ thủy tinh, sau đó đổ rượu trắng vào.
- Ngâm khoảng 1 tuần thì có thể dùng rượu để thoa lên vùng da bị ghẻ.
- Kiên trì bôi vào vết thương cho đến khi da khôi phục hoàn toàn.
Trong vòng 1 – 2 ngày triệu chứng ngứa do ghẻ sẽ được làm dịu và tạo điều kiện để vết thương lành nhanh hơn.
6 – Bài thuốc chữa bệnh phong tê thấp, viêm khớp
– Nguyên liệu cần có:
- 12g rễ bạch hạc
- 16g thổ phục linh
- 16g ké đầu ngựa
- 16g kim ngân hoa
- 8g bạch chỉ
- 16g hy thiêm
- 8g quế chi
- 12g ý dĩ
- 12g tỳ giải
- 12g cam thảo
– Thực hiện:
- Cho các vị thuốc vào ấm, sau đó cho khoảng 600ml nước vào để sắc với lửa nhỏ.
- Sắc khoảng 30 phút, thuốc cạn còn khoảng 200ml thì tắt bếp và đổ ra uống.
- Ngày uống 1 lần, kiên trì sử dụng khoảng 5 – 7 ngày thì dừng.
- Với bài thuốc này, chúng ta nên sử dụng sau bữa ăn để cải thiện các triệu chứng đau nhức xương khớp.
Kiêng kỵ khi sử dụng bạch hạc
1. Đối tượng không nên sử dụng
Bạch hạc được khuyến cáo đối với một số đối tượng sau:
- Bệnh nhân huyết áp thấp.
- Trẻ em.
- Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
2. Tương tác thuốc
Vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào cụ thể về mức độ tương tác thuốc của bạch hạc. Tuy nhiên, một số thí nghiệm mới đây, các chuyên gia cũng cho biết, lá bạch hạc có khả năng gây nổi mụn, tổn thương da, gây sưng đỏ, bong tróc da, để lại sẹo lâu. Để an toàn hơn, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
3. Một vài lưu ý khi sử dụng bạch hạc
Bệnh nhân sử dụng bạch hạc cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và phương thức thực hiện bài thuốc.
- Sử dụng ấm sứ, ấm đất để tránh làm giảm hàm lượng dược tính của thuốc.
- Đối với trường hợp sử dụng thuốc ngoài da, nên thử qua ở vùng da nhỏ trước khi điều trị trên diện rộng.
Bài thuốc từ cây bạch hạc được gợi ý trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng như mong muốn. Mọi thắc mắc, vui lòng tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc người có chuyên môn để được giải đáp cụ thể hơn.