Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Điều trị như thế nào?

Xuất huyết tiêu hóa trên là những trường hợp chảy máu đường tiêu hóa xuất phát từ thực quản, dạ dày và tá tràng. Đây là một tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị, cầm máu kịp lúc.

xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong

Xuất huyết tiêu hóa trên là gì?

Xuất huyết tiêu hóa trên là hiện tượng xuất huyết, chảy máu ở đường tiêu hóa trên, thường phát sinh từ thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Máu có thể xuất hiện trong dịch nôn hoặc ở dạng phân màu đen, hắc ín hoặc có mùi tanh. Tùy thuộc vào lượng máu bị mất mà dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, bao gồm thiếu máu hoặc nghiêm trọng hơn là gây tử vong.

Xuất huyết tiêu hóa trên có thể chiếm khoảng 75% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa và ước tính nguy cơ tử vong là khoảng 11%. Do đó, đây là một tình trạng nguy hiểm, cần điều trị cấp cứu và thường phải nhập viện để theo dõi.

Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa trên. Nguyên nhân thường phụ thuộc vào giải phẫu vị trí của các bộ phận trong hệ thống tiêu hóa, bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng vỡ những mạch máu mỏng trong thực quản.
  • Ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột là tình trạng các mạch máu mỏng bị tổn thương, xuất huyết khi tế bào ung thư tấn công.
  • Hội chứng Mallory – Weiss là tình trạng chảy máu từ thực quản được gây ra bởi áp lực mạnh như nôn mửa dẫn đến vỡ mạch máu.
  • Viêm dạ dày là tình trạng viêm bất thường và kích thích niêm mạc dạ dày dẫn đến xuất huyết.
  • Viêm loét tá tràng là tình trạng viêm ở tá tràng, ruột non và dẫn đến mất máu
  • Tổn thương của Dieulafoy, là tình trạng tổn thương một động mạch nhỏ, dài ở niêm mạc dạ dày, ruột.
  • Dị dạng mạch máu, bao gồm lỗ rò động mạch chủ. Rò động mạch thường là biến chứng sau phẫu thuật mạch máu và xảy ra ở đoạn thứ nhất ở phần thứ ba hoặc thứ tư của dạ dày.
nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên
Ung thư dạ dày hoặc ung thư thực quản có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa trên

Một số nguyên nhân ít phổ biến khác bao gồm:

  • Viêm dạ dày chống co thắt mạch máu.
  • Chảy máu từ đường mật
  • Chảy máu từ ống tụy 
  • Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên, là một bệnh lý bất thường về vị trí hệ thống mạch máu ở bụng.

Dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của xuất huyết đường tiêu hóa trên là nôn ra máu. Các dấu hiệu kèm theo khác có thể bao gồm:

  • Nôn ra máu, hoặc nôn ra chất dịch giống với bã cà phê
  • Phân đen có mùi hôi
  • Có máu tươi đi qua hậu môn, thường được tìm thấy với phân (dấu hiệu này thường phổ biến ở xuất huyết thấp, nhưng vẫn có thể xuất hiện với xuất huyết đường tiêu hóa trên)
  • Thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt, đầu óc không rõ ràng
  • Đau ở bụng trên, ngay bên dưới xương sườn
  • Ợ nóng hoặc đầy bụng khó tiêu
dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa trên có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ chảy máu, trong một số trường hợp, xuất huyết tiêu hóa trên có thể dẫn đến tử vong. Nếu người bệnh bị mất máu nhanh, nhiều có thể dẫn đến mặt xanh xao, chóng mặt, ngất xỉu và cuối cùng là sốc do mất máu. Do đó, gọi cho cấp cứu ngay nếu nhận thấy bệnh nhân có các dấu hiệu mất máu nghiêm trọng như:

  • Nhịp tim nhanh bất thường
  • Huyết áp thấp bất thường
  • Mất ý thức hoặc giảm khả năng nhận thức
  • Tăng nhịp hô hấp

Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên

Các thăm khám lâm sàng thường tập trung vào những điều sau đây:

  • Xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng chảy máu và có biện pháp xử lý phù hợp.
  • Khám bụng và trực tràng để xác định nguyên nhân gây xuất huyết.
  • Đánh giá huyết áp và tình trạng bệnh lý (như bệnh gan mạn tính) để xác định nguyên nhân chảy máu.
  • Đề nghị các xét nghiệm cụ thể để xác định tình trạng bệnh.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên

Việc đầu tiên cần thực hiện khi  điều trị xuất huyết tiêu hóa trên là cầm máu và giảm tối đa nguy cơ tử vong của người bệnh. Các trường hợp nghiêm trọng sẽ được thực hiện cầm máu, phẫu thuật điều trị thông qua nội soi. Một số biện pháp điều trị phổ biến bao gồm:

1. Ngưng các loại thuốc làm loãng máu

Mặc dù điều trị y tế thường không mang lại hiệu quả cao trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên. Nhưng loại bỏ bất cứ loại thuốc bất kỳ nào có thể làm tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng là cách tốt nhất để tránh làm bệnh thêm nghiêm trọng.

Một số loại thuốc cần ngưng sử dụng khi điều trị xuất huyết đường tiêu hóa trên bao gồm:

  • Các loại thuốc làm loãng máu như Warfarin. Các loại thuốc này làm gián đoạn quá trình đông máu tự nhiên và tình trạng xuất huyết dạ dày xấu đi. Trao đổi với bác sĩ về việc tạm thời dừng các loại thuốc này cho đến khi tình trạng xuất huyết tiêu hóa được cải thiện. Trong một số tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải dừng thuốc vĩnh viễn.
  • Thuốc kháng viêm không Steroid như Ibuprofen (Advil, Motrin). Bởi vì trong nhiều trường hợp, những loại thuốc này có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa trên. Do đó, hãy cân nhắc việc dừng thuốc hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác phù hợp hơn.
  • Aspirin có thể làm gián đoạn kết tập tiểu cầu và làm tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng. Do đó, trao đổi với bác sĩ về việc ngừng thuốc tạm thời cho đến khi tình trạng xuất huyết được khắc phục hoàn toàn.

2. Điều trị chảy máu nội khoa

Hầu hết tình trạng xuất huyết hệ thống tiêu hóa đều được điều trị nội soi. Bác sĩ có thể đặt một ống nội soi tiêu hóa để tìm kiếm vị trí của nguồn máu và điều trị tại chỗ các tổn thương. 

xuất huyết tiêu hóa trên là gì
Xuất huyết tiêu hóa trên thường được điều trị bằng phương pháp nội soi

Ngoài ra, các phương pháp điều điều trị cơ bản thường bao gồm:

  • Tiêm Epinephrine để cầm máu, có tác dụng trong khoảng 20 phút.
  • Thermocoagulation là việc đông lạnh tĩnh mạch máu thông qua một kim mỏng có chứa điện cực và ngăn ngừa tình trạng chảy máu.
  • Băng bó tổn thương thông qua ống nội soi.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự kết hợp giữa tiêm Epinephrine với một hình thức điều trị khác (như đông tĩnh mạch) là hình thức điều trị thành công nhất trong việc cầm máu và ngăn ngừa xuất huyết dạ dày tái phát.

3. Sử dụng thuốc ức chế bơm Proton

Thuốc ức chế bơm Proton là thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng chảy máu ở hệ thống tiêu hóa. Thuốc có thể được sử dụng ngay cả khi bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân gây xuất huyết. Ở một số trường hợp nghiêm trọng, thuốc ức chế bơm Proton được cho là có thể làm giảm nguy cơ chảy máu và tỷ lệ tử vong.

Thuốc cần được sử dụng sớm, đặc biệt là ở những người có nguy cơ chảy máu nặng. Ngoài ra, đối với một số người bệnh không dung nạp thuốc ức chế bơm Proton có thể uống sắt để hỗ trợ bổ sung lượng máu bị mất.

4. Truyền dịch khi cần thiết

Sau khi định lượng máu bị mất (thông qua xét nghiệm lâm sàng và xét nghiệm máu đối với bệnh nhân mất máu), bác sĩ có thể chỉ định truyền máu hoặc truyền dịch nếu nhận thấy lượng máu của người bệnh thấp. Một số dịch truyền phổ biến như:

  • Truyền dịch thông qua tĩnh mạch được chỉ định trong trường hợp xuất huyết không quá nghiêm trọng. Dịch truyền có thể làm tăng thể tích máu (lượng chất lỏng di chuyển trong hệ thống tuần hoàn), nhưng không trực tiếp làm tăng huyết sắc tố trong máu.
  • Truyền máu trong trường hợp huyết sắc tố giảm đáng kể. Điều này có nghĩa là người bệnh bị thiếu máu rất nặng dẫn đến tổn thương chức năng của hệ thống hô hấp.

5. Điều trị xuất huyết tái phát

Có khoảng 10 – 20% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên tái phát và cần điều trị tái phát. Điều này thường không quá phức tạp và diễn ra trong một thời gian ngắn. Bác sĩ có thể tiến hành nội soi để kiểm tra tình trạng hệ thống tiêu hóa và chỉ định các biện pháp xử lý phù hợp.

Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hoặc xuất huyết có dấu hiệu tái phát, bác sĩ có thể tiến hành chụp động mạch hoặc đề nghị phẫu thuật điều trị.

Xuất huyết tiêu hóa trên chiếm khoảng 75% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa. Chẩn đoán và điều trị kịp lúc và biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng và tử vong. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào trong quá trình điều trị, vui lòng trao đổi với bác sĩ chuyên môn.