Xuất huyết đường ruột ở người già có nguy hiểm không?
Xuất huyết đường ruột ở người già thường khởi phát do bệnh Crohn, bệnh trĩ, dị dạng mạch máu hoặc ung thư đại – trực tràng. So với người trẻ, mức độ xuất huyết ở người cao tuổi thường nặng nề và dễ phát sinh biến chứng nếu không được can thiệp kịp thời.
Xuất huyết đường ruột ở người già và dấu hiệu nhận biết
Xuất huyết đường ruột ở người già là tình trạng chảy máu tại lòng mạch tá tràng, đại tràng hoặc trực tràng. Tình trạng này thường xảy ra ở người cao tuổi do một số bệnh lý mãn tính, thoái hóa mạch máu và một số nguyên nhân khác.
Mức độ xuất huyết ở người cao tuổi thường có xu hướng nghiêm trọng hơn so với người trẻ. Vì vậy cần nhận biết dấu hiệu sớm và can thiệp kịp thời. Trong những trường hợp để kéo dài, người bệnh có thể đối diện với một số biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.
Các dấu hiệu nhận biết xuất huyết đường ruột ở người cao tuổi:
- Đau thượng vị dữ dội và mức độ nặng nề hơn so với cơn đau do các bệnh ở đường tiêu hóa.
- Người mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa, chóng mặt và hoa mắt.
- Nôn ra máu (với trường hợp xuất huyết ở tá tràng), dịch nôn có màu cà phê hoặc máu tươi, thường lẫn dịch nhầy và thức ăn.
- Đại tiện ra phân đen (chủ yếu gặp ở trường hợp xuất huyết tại đại – trực tràng).
- Ngoài ra, xuất huyết đường ruột còn có thể gây ra một số triệu chứng toàn thân như thở nhanh, đổ mồ hôi bất thường, mệt lịm,…
So với người trẻ, người cao tuổi có mức độ xuất huyết nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp mất máu quá nhiều, người bệnh có thể bị sốc và phát sinh các biểu hiện như:
- Mạch nhanh
- Tụt huyết áp
- Lạnh đầu chi
- Lơ mơ và mất ý thức
Nguyên nhân gây xuất huyết đường ruột ở người già
Xuất huyết đường ruột ở người già có thể khởi phát do những nguyên nhân sau:
- Ung thư hoặc polyp lành tính đường ruột
- Viêm loét dạ dày – tá tràng
- Viêm nhiễm túi thừa
- Viêm đại tràng mãn tính
- Bệnh Crohn ở tá tràng hoặc đại tràng
- Thiếu máu đại tràng
- Dị dạng mạch máu (nguyên nhân thường gặp nhất ở người cao tuổi)
- Nứt kẽ hậu môn
- Bệnh trĩ
Ngoài những nguyên nhân trên, hiện tượng xuất huyết đường ruột ở người già có thể khởi phát do một số yếu tố thuận lợi như:
- Chấn động tinh thần mạnh
- Cảm cúm (gây ho quá mức và làm tăng áp lực trong ổ bụng)
- Sử dụng một số loại thuốc như corticoid, thuốc chống viêm không steroid,…
- Lạm dụng rượu bia
- Thường xuyên hút thuốc lá
Người cao tuổi bị xuất huyết đường ruột có nguy hiểm không?
Xuất huyết đường ruột ở người già thường có mức độ nghiêm trọng hơn người trẻ. Do ở nhóm đối tượng này, khả năng đông máu và chức năng phục hồi của các cơ quan đều có xu hướng thuyên giảm. Chính vì vậy nếu không can thiệp kịp thời, chảy máu có thể kéo dài, gây sốc và tử vong.
Vì vậy khi nhận thấy các biểu hiện cảnh báo, cần chủ động đến bệnh viện để thực hiện chẩn đoán và khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Chẩn đoán xuất huyết đường ruột ở người cao tuổi
Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán là xác định vị trí xuất huyết nhằm cầm máu kịp thời. Trong trường hợp bệnh nhân không có tiền sử mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, bác sĩ có thể xét nghiệm phân để loại trừ khả năng phân đen do uống thuốc sắt hoặc thu nạp các thực phẩm có màu đỏ (củ dền).
Sau khi xác định có tình trạng xuất huyết, bác sĩ có thể thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau:
- Rửa dạ dày để xác định xuất huyết ở cơ quan tiêu hóa trên hoặc dưới (xuất huyết đường ruột thuộc cơ quan tiêu hóa dưới).
- Nội soi ruột non và đại – trực tràng để tìm kiếm vị trí chảy máu.
- Trong trường hợp không thể xác định được nguồn gốc xuất huyết, bác sĩ có thể yêu cầu mở bụng thăm dò, chụp mạch máu hoặc sử dụng máy quét có đồng vị phóng xạ.
Xuất huyết đường ruột ở người già được điều trị như thế nào?
Xuất huyết đường ruột là một dạng cấp cứu nội/ ngoại khoa. Do đó cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu lượng máu thất thoát, ngăn ngừa biến chứng và bảo tồn tính mạng của bệnh nhân.
1. Điều trị ban đầu
Sau khi tiếp nhận trường hợp xuất huyết đường ruột, cần tiến hành các thủ thuật ban đầu nhằm cầm máu và ổn định tình trạng.
- Truyền dịch để tránh mất sức và cân bằng nồng độ điện giải.
- Với những trường hợp mất máu nhiều, có thể tiến hành truyền máu.
- Tiến hành nội soi nhằm đốt điện, laser, tiêm kẹp các mạch máu, tiêm xơ xung quang vùng viêm loét,… nhằm cầm máu kịp thời.
2. Điều trị bảo tồn
Với những trường hợp xuất huyết lần đầu hoặc ngưng chảy máu hoàn toàn sau khi nội soi, có thể chỉ định điều trị bảo tồn để ngăn ngừa tái phát.
Các biện pháp điều trị bảo tồn cho người bị xuất huyết đường ruột:
- Tiếp tục truyền dịch và vitamin để hồi sức và ổn định tình trạng sức khỏe.
- Sử dụng thuốc giảm đau chống có thắt để làm giảm cơn đau do tăng nhu động ruột.
Theo dõi biểu hiện sau 24 giờ, nếu không có xuất huyết tái phát, người bệnh sẽ tiếp tục được điều trị bảo tồn.
Sau khi đã ổn định, bệnh nhân cần tiến hành điều trị các bệnh lý gây xuất huyết như viêm đại tràng, bệnh Crohn, bệnh trĩ, nứt hậu môn, ung thư/ polyp đại trực tràng,… Với những trường hợp không can thiệp điều trị, tình trạng xuất huyết thường có nguy cơ tái phát cao.
3. Điều trị ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa được thực hiện ở những người cao tuổi có tiền sử xuất huyết đường ruột hoặc đã phát sinh biến chứng (thủng đường ruột). Ngoài ra can thiệp ngoại khoa cũng được thực hiện với một số tình trạng xuất huyết do các bệnh lý như ung thư đại – trực tràng, polyp, búi trĩ sa,…
Với những trường hợp bệnh nhân không có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể điều trị nội khoa để cầm máu và trì hoãn phẫu thuật.
Chăm sóc người cao tuổi bị xuất huyết đường ruột
Sau khi tình trạng xuất huyết đường ruột đã ổn định, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh nhằm phục hồi tĩnh mạch bị tổn thương và ngăn ngừa xuất huyết tái phát.
Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân xuất huyết đường ruột:
- Cần nghỉ ngơi trong ít nhất 1 – 2 tuần sau thời gian điều trị nội trú. Ngoài ra, nên hạn chế mang vác hoặc vận động nặng nhọc.
- Nên ăn uống điều độ để bồi bổ sức khỏe và bù lượng máu đã thất thoát do xuất huyết. Tập trung vào nhóm thực phẩm lành mạnh, giàu năng lượng, dinh dưỡng và dễ dung nạp như trứng, sữa, khoai lang, cá hồi, quả bơ, thanh long, củ dền đỏ,…
- Không ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, acid, thức ăn nhanh và đồ hộp.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia hay sử dụng đồ uống chứa caffeine (trà, cà phê, nước ngọt,…).
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn chậm nhai kỹ để hạn chế áp lực lên đường ruột.
- Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh để tránh táo bón.
- Giảm căng thẳng, thư giãn và đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
- Hạn chế thức ăn sống, nên ăn chín uống sôi để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng đường ruột.
- Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Thăm khám 3 tháng/ lần để bác sĩ theo dõi mức độ phục hồi ở niêm mạc bị tổn thương và kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường ở cơ quan tiêu hóa.
Xuất huyết đường ruột ở người già thường có mức độ nghiêm trọng, dễ gây biến chứng và đe dọa đến tính mạng. Do đó khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo, cần gọi cấp cứu để được xử lý kịp thời.