Viêm túi thừa đại tràng là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng nhiễm trùng một túi nhô ra khỏi thành đại tràng. Viêm túi thừa có thể dẫn đến các cơn đau bụng, gây buồn nôn và làm thay đổi thói quen đại tiện của người bệnh.

viêm túi thừa đại tràng
Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng viêm, nhiễm trùng túi phình ra ở đại tràng

Bệnh viêm túi thừa đại tràng là gì?

Túi thừa là những túi nhỏ, phình ra và được hình thành bên trong lớp lót của hệ thống tiêu hóa. Túi thừa thường xuyên được tìm thấy ở phần dưới của ruột già (đại tràng) và phổ biến ở những người sau 40 tuổi.

Đôi khi túi thừa có thể bị viêm, nhiễm trùng và gây đau đớn cho người bệnh. Hầu hết các trường hợp viêm túi thừa thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu viêm túi thừa tái phát có thể tạo ra một ổ áp xe nhỏ hoặc gây nhiễm trùng liên kết nhiều túi thừa. Tình trạng này có thể làm nhiễm trùng ruột, viêm ruột thậm chí là thủng ruột.

Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng

Trong một số trường hợp, viêm túi thừa ở đại tràng có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số trường hợp khác có thể gặp các cơn đau đớn ở vùng bụng dưới, bên trái. Cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn khi ăn hoặc đi đại tiện.

bệnh viêm túi thừa đại tràng
Người bệnh viêm túi thừa có thể bị thay đổi thói quen đi đại tiện

Các dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đi đại tiện
  • Táo bón hoặc đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần
  • Xuất hiện một lượng máu nhỏ trong phân
  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Đau khi đi tiểu
  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt

Viêm túi thừa đại tràng có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm túi thừa cấp tính có thể biểu hiện bằng một hoặc nhiều đợt viêm hoặc nhiễm trùng. Trong khi viêm túi thừa mãn tính có thể dẫn đến một số triệu chứng khác như:

  • Tắc ruột
  • Táo bón (một số ít người bệnh có thể bị tiêu chảy)
  • Phân mỏng
  • Sưng bụng, đầy hơi, đau bụng

Nguyên nhân gây viêm túi thừa đại tràng

Hiện tại, nguyên nhân chính dẫn đến viêm túi thừa đại tràng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chế độ ăn ít chất xơ có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Chất xơ có thể hỗ trợ làm mềm phân, do đó không đủ lượng chất xơ khiến phân khô cứng. Điều này gây ra nhiều áp lực lên đại tràng khi đẩy phân ra khỏi cơ thể. Áp lực này có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thường và viêm túi thừa.

chữa bệnh viêm túi thừa đại tràng
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ viêm túi thừa

Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Lão hóa
  • Béo phì
  • Thiếu vận động, ít tập thể dục
  • Chế độ ăn uống nhiều chất béo động vật
  • Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc như Steroid, Opioids hoặc các loại thuốc chống viêm như Ibuprofen, Naproxen.

Chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng

Để chẩn đoán viêm túi thừa ở đại tràng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra ổ bụng, vùng xương chậu để loại bỏ viêm vùng chậu hoặc các bệnh lý vùng chậu khác.

Sau đó, tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm men gan để loại bỏ bệnh lý về gan.
  • Xét nghiệm phân để kiểm tra nhiễm trùng đường ruột.
  • Nội soi đại tràng để xác định giai đoạn viêm túi thừa cấp tính hoặc mãn tính. Ngoài ra, nội soi có thể kiểm tra các dấu hiệu ung thư đại tràng và có biện pháp xử lý phù hợp.
  • Chụp CT để xác định vị trí túi thừa bị viêm hoặc nhiễm trùng. CT cũng giúp bác sĩ biết về mức độ nghiêm trọng của viêm túi thừa.

Cách chữa bệnh viêm túi thừa đại tràng

Điều trị tình trạng viêm túi thừa ở đại tràng cần phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tùy theo các dấu hiệu và triệu chứng mà bác sĩ có thể chỉ định có thể chỉ định các biện pháp điều trị như:

1. Viêm túi thừa đại tràng không biến chứng

Nếu tình trạng viêm túi thừa ở đại tràng không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tự cải thiện bệnh tại nhà. Bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, đôi khi nhiễm trùng nhẹ có thể không cần thiết sử dụng kháng sinh.
  • Áp dụng chế độ ăn uống chất lỏng trong một vài ngày liên tục. Điều này có thể hỗ trợ chữa lành các tổn thương và cải thiện các triệu chứng.
  • Bổ sung thêm chất xơ, rau quả, trái cây tươi để làm mềm phân và giúp tạo hình phân.
  • Sử dụng thuốc nhuận tràng không kê đơn dành cho người bị táo bón.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen để cắt giảm các cơn đau. Người bệnh không nên sử dụng Aspirin hoặc Ibuprofen để giảm đau. Bởi vì các loại thuốc này làm tăng xuất huyết bên trong và gây khó chịu cho dạ dày.

Hầu hết các trường hợp viêm túi thừa đại tràng đều được điều trị khỏi tại nhà mà không dẫn đến các biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có dấu hiệu bị chảy máu từ trực tràng hoặc có máu chảy liên tục ở hậu môn, hãy đến bệnh viện để kiểm tra.

viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì
Viêm túi thừa ở đại tràng thường được điều trị bằng kháng sinh

2. Viêm túi thừa đại tràng phức tạp

Trong trường hợp viêm túi thừa ở đại tràng nghiêm trọng hoặc khi người bệnh có các vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ có thể đề nghị nhập viện để điều trị. Việc điều trị thường bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng viêm thông qua đường tiêm tĩnh mạch.
  • Đặt ống dẫn lưu áp xe ở thành bụng (nếu đã hình thành ổ áp xe).

3. Phẫu thuật

Viêm túi thừa là bệnh dễ tái phát. Do đó, đôi khi bác sĩ có thề đề nghị phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp như:

  • Viêm túi thừa biến chứng như áp xe thành ruột, tắc nghẽn ruột hoặc thủng ruột.
  • Viêm túi thừa ở đại tràng tái phát
  • Người bệnh có nhiều túi thừa bị viêm.
  • Người bệnh có hệ thống miễn dịch kém.

Các loại phẫu thuật viêm túi thừa thường bao gồm:

  • Cắt bỏ đại tràng bị ảnh hưởng, sau đó nối hai đoạn đại tràng khỏe mạnh lại với nhau. Tùy thuộc vào số lượng túi thừa viêm và tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
  • Cắt bỏ ruột già và ruột non thường được chỉ định cho trường hợp viêm nghiêm trọng và bác sĩ không thể nối đại tràng và trực tràng lại với nhau.

Sau khi phẫu thuật điều trị viêm túi thừa ở đại tràng, người bệnh có thể cần khoảng 6 tuần để hồi phục. Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi tái khám đề phòng ngừa nguy cơ ung thư và viêm túi thừa tái phát.

Chế độ ăn uống cho người viêm túi thừa đại tràng

Người bệnh viêm túi thừa có thể cần một chế độ ăn kiêng đặc biệt để hệ tiêu hóa nghỉ ngơi và có thời gian hồi phục.

1. Viêm túi thừa đại tràng kiêng ăn gì?

Để hỗ trợ quá trình điều trị và hồi phục bệnh, người bệnh nên tuân thủ một chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên, vì nguyên nhân gây viêm túi thừa vẫn chưa được xác nhân nên danh sách các loại thực phẩm cần tránh vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, chế độ ăn giàu chất béo động vật có thể làm tăng nguy cơ viêm túi thừa. Do đó, tốt nhất người bệnh nên kiêng các loại thực phẩm như:

  • Thịt đỏ
  • Thực phẩm chiên, rán, nhiều dầu mỡ
  • Sữa béo
  • Ngũ cốc tinh chế
triệu chứng viêm túi thừa đại tràng
Tránh ăn các loại đỏ khi bị viêm túi thừa ở đại tràng

2. Các loại thức ăn tốt cho người viêm túi thừa đại tràng

Sau khi viêm túi thừa đại tràng được chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị một chế độ toàn chất lỏng bao gồm:

  • Nước ép trái cây
  • Súp, nước hầm xương
  • Cháo loãng
  • Trà thảo mộc
  • Nước lọc

Khi các triệu chứng được cải thiện, người bệnh có thể bắt đầu chế độ ăn uống như:

  • Trái cây nấu (hấp) chín, bỏ hạt (hoặc không có hạt) và rau xanh.
  • Ngũ cốc chứa ít chất xơ.
  • Trứng, thịt gia cầm và cá.
  • Sữa, sữa chua và phô mai.
  • Mì ống, cơm trắng.

Biến chứng của bệnh viêm túi thừa đại tràng

Khoảng 25% người bệnh viêm túi thừa đại tràng gặp biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Các biến chứng thường bao gồm:

  • Áp xe, gây chảy mủ bên trong túi thừa.
  • Tắc nghẽn ruột kết hoặc ruột non.
  • Hình thành một lỗ rò (ống dẫn) ở ruột và bàng quang.
  • Viêm phúc mạc có thể xảy ra khi túi thừa bị vỡ khiến khoang bụng và ruột đầy mủ, chất dịch. Viêm phúc mạc là tình trạng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Viêm túi thừa đại tràng cần được điều trị kịp lúc và đúng phương pháp để tránh các biến chứng. Xây dựng một lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, thể thao, bổ sung chất xơ, rau quả đề phòng ngừa tình trạng viêm túi thừa. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.