Viêm ruột thừa cấp là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Viêm ruột thừa cấp xảy ra khi ruột thừa bị viêm sưng và gây đau bụng dữ dội. Bệnh lý này là một trong những tình huống cấp cứu bụng ngoại khoa phổ biến nhất. Trong trường hợp chậm trễ khi điều trị, ruột thừa có thể vỡ mủ và dịch vào bên trong ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm ruột thừa cấp là gì?
Ruột thừa là một phần của ống tiêu hóa, có chiều dài khoảng 4 – 13cm và đường kính dao động trong khoảng 0.5 – 1cm. Ruột thừa nằm bên phải bụng dưới, ở vị trí nối giữa ruột non và ruột già.
Tuy nhiên ở những trường hợp ruột thừa có mạc treo, cơ quan này có thể di động và nằm ở nhiều vị trí khác nhau như vùng dưới gan, quai ruột non, giữa ổ bụng, bên trái bụng,…
Thông thường ruột thừa không đảm bảo bất cứ chức năng gì đối với cơ thể nên rất ít khi gặp phải vấn đề. Tuy nhiên trong một số trường hợp vô căn hoặc có tác động từ đường ruột, cơ quan này có thể bị tổn thương.
Viêm ruột thừa cấp đề cập đến hiện tượng ruột thừa bị viêm, gây đau bụng dữ dội và đòi hỏi phải cấp cứu kịp thời. Bệnh lý này thường có xu hướng gặp ở người trẻ từ 20 – 40 tuổi.
Triệu chứng nhận biết viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa cấp có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên chủ động gọi cấp cứu để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa cấp:
1. Đau bụng dữ dội
Đau bụng dữ dội là triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm ruột thừa cấp tính. Cơn đau thường khởi phát ở bên phải vùng bụng dưới hoặc xung quanh rốn.
Hơn nữa, cơn đau còn có xu hướng gia tăng mức độ khi thay đổi tư thế, vận động mạnh hoặc ho. Ở một số trường hợp, cơn đau có thể di chuyển xuống vùng hố chậu và kéo dài âm ỉ.
2. Buồn nôn và nôn mửa
Buồn nôn và nôn mửa thường khởi phát sau khi đau bụng xảy ra. Tuy nhiên triệu chứng này ở bệnh nhân viêm ruột thừa cấp thường không điển hình nên cần căn cứ thêm vào các triệu chứng đi kèm.
3. Sốt nhẹ
Trong trường hợp viêm ruột thừa do nhiễm trùng, bạn có thể bị sốt nhẹ. Tuy nhiên nếu để kéo dài, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ổ bụng và gây sốt rất cao.
4. Rối loạn tiêu hóa
Tình trạng viêm ở ruột thừa có thể dẫn đến các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, chán ăn và ăn không ngon miệng.
Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa cấp tính và xảy ra đầy đủ nhất ở bệnh nhân trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Tuy nhiên ở một số trường hợp viêm ruột thừa cấp không điển hình, triệu chứng có thể xảy ra khác nhau ở từng trường hợp cụ thể.
Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính ở phụ nữ mang thai:
- Vị trí đau thường cao hơn do tử cung phát triển và chèn ép cơ quan tiêu hóa,
- Khi đẩy tử cung sang phải, cơn đau có xu hướng tăng lên rõ rệt.
Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính sau manh tràng:
- Sốt cao
- Đau nặng ở vùng thắt lưng
- Cơn đau có thể lan xuống đùi
Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ nhỏ:
- Mức độ đau ở trẻ nhỏ thường nghiêm trọng hơn người trưởng thành
- Sốt cao
- Bệnh có đặc điểm diễn tiến nhanh và dễ gây biến chứng nguy hiểm
Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính ở người già:
- Triệu chứng thường không rõ rệt
- Phần lớn trường hợp đều phát hiện muộn
Triệu chứng viêm ruột thừa dưới gan:
- Đau ở khu vực gan
Triệu chứng viêm ruột thừa giữa các quai ruột:
- Tiêu chảy
- Đau xung quanh rốn
Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính trong chậu hông bé:
- Mót tiểu tiện
- Mót đại tiện
- Đau ở vùng hạ vị
Viêm ruột thừa cấp là một trong những bệnh lý có biểu hiện đa dạng và khó nhận biết. Các triệu chứng ở từng đối tượng thường khác nhau do phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thể trạng và khả năng chống chịu.
Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa cấp
Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa vẫn chưa được khẳng định chắc chắn. Trong một số trường hợp, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân khiến ruột thừa bị tổn thương và sưng viêm.
Tuy nhiên một số giả thuyết cho rằng viêm ruột thừa có thể khởi phát do những nguyên nhân sau:
- Nhiễm khuẩn: Viêm ruột thừa do nhiễm khuẩn chủ yếu do Enterococcus gây ra. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào ruột thừa thông qua thức ăn.
- Rối loạn thần kinh vận mạnh: Hệ thần kinh bị rối loạn khiến mạch máu ở ruột thừa bị co lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm.
- Rối loạn vận động: Nhu động ruột kém có thể gây ứ đọng phân tại niêm mạc ruột thừa, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Viêm loét đường ruột: Hiện tượng viêm loét ở đường ruột có thể xâm lấn vào các mô bên trong, từ đó làm tắc các mao mạch vận chuyển dưỡng chất đến ruột thừa. Hiện tượng này kéo dài khiến ruột thừa bị viêm và hoại tử.
Viêm ruột thừa cấp có nguy hiểm không?
Viêm ruột thừa là một dạng cấp cứu ngoại khoa rất nguy hiểm. Trong trường hợp không kịp thời xử lý, tổn thương ở ruột thừa có xu hướng tụ mủ và ứ dịch.
Sau đó cơ quan này có thể bị vỡ, làm lây lan nhiễm trùng ở phúc mạc và ổ bụng. Với những trường hợp đã chuyển biến sang giai đoạn nhiễm trùng ổ bụng, tiên lượng thường rất xấu và có thể dẫn đến tử vong.
Nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng được khắc phục và giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên trong một số trường hợp sau khi điều trị, ruột thừa có thể bị xơ hóa hoặc làm xuất hiện khối u nhầy.
Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính
Biểu hiện của bệnh viêm ruột thừa cấp khá đa dạng và ở một số trường hợp thường không có triệu chứng điển hình. Vì vậy bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật chẩn đoán trước khi can thiệp ngoại khoa.
Các thủ thuật chẩn đoán được sử dụng:
- Siêu âm bụng: Thủ thuật này được áp dụng ưu tiên trong chẩn đoán viêm ruột thừa. Thông quan hình ảnh từ siêu âm, bác sĩ có thể quan sát thấy hiện tượng viêm sưng ở ruột thừa và nhận biết các dấu hiệu bất thường trong ổ bụng.
- Chụp MRI: Chụp MRI cho hình ảnh chính xác và rõ nét. Tuy nhiên thủ thuật này thường mất thời gian chờ đợi nên ít khi được áp dụng cho trường hợp đã có chuyển biến nghiêm trọng.
- Chụp CT: Xét nghiệm hình ảnh này cho kết quả nhanh và chính xác hơn siêu âm. Tuy nhiên chụp CT sử dụng tia xạ có cường độ lớn nên không được áp dụng cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người suy giảm chức năng thận.
- Nội soi ổ bụng và chọc dịch: Các thủ thuật này được chỉ định với bệnh nhân bị báng bụng (hiện tượng dịch ứ đọng tại khoang phúc mạc).
Ngoài ra trong quá trình chẩn đoán viêm ruột thừa, bạn cần thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý và liệu trình sử dụng thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh) để tránh các nhầm lẫn không đáng có.
Bệnh viêm ruột thừa cấp có phải mổ không?
Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu khẩn cấp. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cơ quan này để hạn chế các biến chứng nguy hiểm và bảo tồn tính mạng cho bệnh nhân.
Nếu kịp thời cắt bỏ ruột thừa, hiện tượng nhiễm trùng sẽ được xử lý dứt điểm và hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang phúc mạc, ổ bụng.
Mổ ruột thừa thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi để giảm mức độ xâm lấn và rút ngắn thời gian phục hồi. Sau 2 – 3 ngày nằm viện theo dõi, bạn có thể về nhà nghỉ ngơi và trở lại làm việc sau 3 – 5 ngày.
Hầu hết các trường hợp phẫu thuật viêm ruột thừa cấp đều có tiến triển tốt. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể gây ra một số biến chứng như nhiễm khuẩn, chảy máu kéo dài, áp xe tồn dư, thoát vị thành bụng, rò manh tràng, tắc ruột, viêm tắc tĩnh mạch,…
Các phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp khác
Trong một số trường hợp có biến chứng, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa thường không được chỉ định ngay vì có thể làm phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tùy vào biến chứng mà bạn gặp phải.
- Đám quánh ruột thừa: Là tình trạng các mạc nối lớn và quai ruột di chuyển đến nhằm bao bọc ruột thừa. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định kháng sinh (chủ yếu là Metrodinazol) để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Sau đó theo dõi trong khoảng 6 – 12 tuần và tiến hành mổ khi cần thiết.
- Áp – xe ruột thừa: Trước đây với biến chứng này, bệnh nhân thường dẫn lưu mủ ra ngoài phúc mạc. Tuy nhiên hiện nay bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút mủ bằng phương pháp siêu âm và phối hợp với điều trị bằng kháng sinh.
Chế độ chăm sóc bệnh nhân viêm ruột thừa sau điều trị
Sau khi điều trị, bạn cần thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý để giúp cơ thể phục hồi và trở lại hoạt động hằng ngày trong thời gian sớm nhất.
Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân viêm ruột thừa sau điều trị:
- Hạn chế vận động mạnh sau khi mổ để giảm biến chứng chảy máu hoặc thoát vị thành bụng.
- Có thể sử dụng thuốc giảm đau sau phẫu thuật nếu cơn đau xảy ra với tần suất liên tục và mức độ nghiêm trọng.
- Nên uống nhiều nước và xây dựng chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ.
- Vận động lại sau 2 – 3 ngày, tuy nhiên chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng để tránh kích thích cơn đau phát sinh.
- Dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi, tránh tình trạng quá lo lắng và căng thẳng.
Viêm ruột thừa cấp tính là bệnh lý nguy hiểm và có tiến triển nhanh chóng. Vì vậy khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và tiến hành phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.