Viêm ruột ở trẻ sơ sinh – Triệu chứng, điều trị và lưu ý

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm ruột. Đáng lo hơn, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở giai đoạn này của trẻ. Những kiến thức về triệu chứng, cách điều trị và lưu ý về tình trạng viêm ruột ở trẻ sơ sinh có thể giúp trẻ được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Viêm ruột là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh
Viêm ruột là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây viêm ruột ở trẻ sơ sinh

Tình trạng viêm ruột của trẻ sơ xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công. Trong đó, các trường hợp do virus tấn công phổ biến hơn. Các virus này thường là Rotavirus, Calicivirus, Astrovirus hoặc Adenovirus.

Trường hợp bị viêm ruột do vi khuẩn tấn công không phổ biến. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm lại nghiêm trọng hơn. Các vi khuẩn gây ra tình trạng này là Shigella, Staphylococcus, Salmonella, Campylobacter, hoặc E. coli.

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm ruột bởi hệ tiêu hóa của bé còn rất yếu. Đặc biệt là những trẻ sinh non và mắc bệnh tim bẩm sinh. Các nguy cơ khiến vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây viêm ruột ở trẻ là:

  • Chất lượng sữa công thức không đảm bảo vệ sinh.
  • Đồ chơi bẩn và trẻ có thói quen mút tay hoặc cắn đồ chơi.
  • Môi trường ô nhiễm. Đặc biệt là môi trường không khí và chất lượng nguồn nước trẻ sử dụng.
  • Trẻ đến những nơi tụ tập đông người ẩn chứa nhiều mầm bệnh như chợ hay bến xe.
Thói quen mút tay ở trẻ sơ sinh có thể gây nguy cơ nhiễm khuẩn và viêm ruột
Thói quen mút tay ở trẻ sơ sinh có thể gây nguy cơ nhiễm khuẩn và viêm ruột

Triệu chứng trẻ sơ sinh bị viêm ruột

Vào mùa lạnh, trẻ sơ sinh sẽ dễ bị viêm ruột hơn. Các biểu hiện của tình trạng này là nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể khiến bé mất nước và chất điện giải. Khi đó, trẻ sẽ rất mệt mỏi, chán ăn, dễ dẫn đến suy huyết áp và suy hô hấp.

Đôi khi trẻ còn gặp triệu chứng sốt. Các biểu hiện như sốt, đau bụng, tiêu chảy hay nôn ói có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Sự khác nhau này do chủng loại vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và thể trạng của trẻ.

Điều trị viêm ruột ở trẻ sơ sinh

Đối với trường hợp nhẹ

Bạn nên cho trẻ uống nước thường xuyên và tăng cữ bú nếu nuôi con bằng sữa mẹ. Trường hợp trẻ dùng sữa công thức thì bạn nên cân nhắc đổi loại sữa khác. Hãy chia các cữ bú thành nhiều lần, đừng để trẻ quá no trong một cữ bú. Bởi lúc này đường ruột nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung của trẻ đang rất yếu. Nếu tình trạng nhẹ, trẻ sẽ hết bệnh trong 1-2 ngày.

Đối với trường hợp nặng

Tình trạng tiêu chảy diễn ra nhiều lần (5 – 6 lần/1 giờ) và kèm theo sốt thì đó là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị viêm ruột nặng. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như: phân có dịch nhầy và lẫn máu, trẻ lừ đừ, vã mồ hôi, tay chân lạnh và nôn mửa. Trong trường hợp này, bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ có thể truyền nước, cho trẻ uống chất bù điện giải và một số loại thuốc cần thiết khác. Một số trường hợp viêm ruột dẫn đến hoại tử hoặc tắc ruột có thể cần đến phẫu thuật.

Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài 1-2 ngày không khỏi và kèm các triệu chứng như nôn ói, sốt, vã mồ hôi...
Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài 1-2 ngày không khỏi và kèm các triệu chứng như nôn ói, sốt, vã mồ hôi…

Lưu ý khi trẻ bị viêm ruột

Thuốc

Bạn không được tự ý mua thuốc đau bụng, kháng sinh hoặc thuốc chữa tiêu chảy cho trẻ uống. Bởi đa số các thuốc trên thị trường hiện nay đều chống chỉ định cho trẻ sơ sinh. Tự ý mua thuốc có thể gây ra phản ứng sốc tự vệ, nhiễm trùng ruột nặng và nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Môi trường

Bên cạnh đó, bạn hãy giúp trẻ loại bỏ các tác nhân có thể gây viêm ruột nặng hơn. Cụ thể là: thói quen mút tay, tiếp xúc với môi trường nơi công cộng và nhiều khói bụi…

Sức đề kháng của trẻ

Khi bị viêm ruột, trẻ rất lười bú. Điều này là một trong những yếu tố khiến cho sức khỏe của trẻ bị suy giảm nhanh chóng. Sức đề kháng của trẻ mới là yếu tố quyết định cuối cùng đến khả năng hết bệnh. Do đó, bạn đừng quá lạm dụng các thuốc mà bác sĩ kê đơn. Thay vào đó, hãy cố gắng cho trẻ bú nhiều sữa.

Trẻ bị viêm ruột cần được bú sữa mẹ nhiều hơn để nâng cao sức đề kháng và "chiến đấu" thắng lợi bệnh
Trẻ bị viêm ruột cần được bú sữa mẹ nhiều hơn để nâng cao sức đề kháng và “chiến đấu” thắng lợi bệnh

Nếu sữa mẹ không đủ, hãy bổ sung thêm sữa công thức. Nên mua các loại sữa dành cho trẻ bị tiêu chảy. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia về thành phần của sữa công thức trước khi cho trẻ uống. Bởi lúc này, đường ruột của bé đang rất yếu và vô cùng nhạy cảm.

Ngoài ra, tình trạng viêm ruột với biểu hiện thường thấy là tiêu chảy rất dễ dẫn đến hăm hậu môn. Do đó, bạn cần chú ý vệ sinh sạch sẽ và giữ cho hậu môn của trẻ luôn khô thoáng. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng một số loại gel bôi hậu môn cho trẻ.