Viêm loét dạ dày nặng: Biến chứng và giải pháp điều trị
Bệnh viêm loét dạ dày là một căn bệnh khá phổ biến, hiện nay nước ta có khoảng hơn 7% dân số bị mắc bệnh này. Khi không được điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những biến chứng đó.
Viêm loét dạ dày dây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh
Viêm loét dạ dày là hiện tượng viêm loét xảy ra ở niêm mạc dạ dày khiến người bệnh thường xuyên đau bụng, ợ hơi, buồn nôn, giảm cân,… Hiện nay có rất nhiều người mắc phải căn bệnh này với nhiều nguyên nhân khác nhau, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như sức khỏe của người bệnh.
Gây mất máu: Khi bị bệnh, bệnh nhân thường bị nôn và đi cầu ra máu, nếu tình trạng này không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Ăn không ngon miệng: Dạ dày hoạt động không hiệu quả, thức ăn bị đọng lại gây trào ngược, buồn nôn. Làm cho vị giác của người bệnh không còn nhanh nhạy, mất cảm giác ngon miệng.
Cơ thể suy nhược: khi bị mất máu lâu ngày khiến bệnh nhân bị thiếu chất dinh dưỡng, viêm loét dạ dày lúc này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, các triệu chứng của bệnh khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Khi có những dấu hiệu ban đầu của viêm loét dạ dày bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám để có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt.
Biến chứng của viêm loét dạ dày
Khi bệnh viêm loét dạ dày không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm mà người bệnh không thể lường trước được.
1. Hẹp môn vị dạ dày
Môn vị là chỗ nối giữa dạ dày với tá tràng, nó có tác dụng đưa thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Hẹp môn vị khiến cho thức ăn và dịch dạ dày đi xuống tá tràng khó khăn.
Hẹp môn vị dạ dày là một biến chứng rất hay xảy ra ở những người bị viêm loét dạ dày. Bệnh được chia thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Khi sự lưu thông qua môn vị chưa bị tắc hoàn toàn. Bệnh sẽ có triệu chứng đau vùng trên rốn, cơn đau sẽ tăng lên sau mỗi bữa ăn, nến nôn ra được sẽ khiến cơn đau đỡ hơn. Triệu chứng nôn thường sẽ xuất hiện sớm hay sau bữa ăn.
- Giai đoạn 2: Sự lưu thông thức ăn qua môn vị bị tắc hoàn toàn sẽ khiến các triệu chứng nặng nề hơn. Điển hình là đau bụng liên tục, luôn có cảm giác chướng bụng, nôn thức ăn của ngày hôm trước, nôn ra nước có màu xanh đen, nhiều người phải móc họng để nôn.
Hẹp môn vị dạ dày còn làm tăng các nguy cơ viêm nhiễm, phù nề, co thắt tại môn vị.
2. Thủng dạ dày
Nếu bệnh viêm loét dạ dày không được điều trị sẽ gây ra thủng dạ dày. Đây là biến chứng nặng nề của viêm loét dạ dày, thông thường sẽ có 1 lỗ thủng, rất ít trường hợp bị thủng 2 hay nhiều lỗ.
Khi bị biến chứng sang thủng dạ dày, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
- Cơn đau đến đột ngột và dữ dội, đau mạnh như có vật nhọn đâm vào và không có cách nào để làm dịu cơn đau
- Bụng gồng cứng, thở mạnh cũng sẽ thấy đau hơn
- Từ vùng thượng vị, cơn đau sẽ lan ra khắp ổ bụng lên đến ngực, vai, lưng
- Người bệnh không còn sức, mệt mỏi, mặt tái, chân tay lạnh, toát mồ hôi và có thể tụt huyết áp.
Khi có những dấu hiệu trên thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
3. Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng cấp tính nguy hiểm của các tổn thương viêm loét dạ dày cấp tính và mãn tính.
Biến chứng này xảy ra ở những người uống nhiều rượu, stress quá độ, dùng các loại thuốc giảm đau chống viêm,… gây ra tình trạng xuất huyết. Cũng có thể do thức ăn bị kích thích, cọ xát gây nên xung huyết – xuất huyết.
Ở môi trường dạ dày khi bị loét thì rất khó để có thể cầm máu, đặc biệt do tác động của các men tiêu hóa nên khi máu đã đông rồi thì vẫn dễ bị hủy đi.
Khi bị xuất huyết dạ dày bệnh nhân sẽ bị đau dữ dội ở vùng thượng vị, người bệnh sẽ bị nôn và đi cầu ra máu. Máu trong chất thải có màu đỏ hoặc thâm đen. Nếu bệnh không được cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
4. Ung thư dạ dày
Viêm loét dạ dày nếu tái phát nhiều lần và kéo dài thì khả năng mắc bệnh ung thư là rất cao. Viêm loét dạ dày ban đầu rất lành tính nhưng nếu không chữa trị sẽ gây nên ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày là loại bệnh phổ biến thứ hai ở nước ta, hết sức nguy hiểm ở đường tiêu hóa.
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý viêm loét dạ dày và có tỷ lệ tử vong rất cao nếu phát hiện muộn. Khi bị biến chứng sang ung thư dạ dày bệnh có những dấu hiệu cơ bản sau:
- Nôn và đại tiện ra máu
- Chán ăn, ăn không ngon
- Đau dạ dày dai dẳng
- Sụt cân bất thường
- Ợ nóng, khó tiêu, chướng bụng
Biểu hiện của ung thư dạ dày không điển hình nên dễ bị nhầm lẫn với viêm loét dạ dày, do sự chủ quan nên đến khi phát hiện đã là giai đoạn cuối. Bệnh cần được phát hiện, điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ. Với những người mắc bệnh dạ dày do nhiễm khuẩn HP cần được điều trị nhanh chóng, tránh để kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
5. Một số biến chứng khác
Ngoài những biến chứng viêm loét dạ dày thì bệnh còn gây ra nhiều loại biến chứng khác.
Tình trạng mất máu do bệnh, ảnh hưởng đến hàng loạt các chức năng của cơ quan trong cơ thể, nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến tử vong.
Bệnh khiến cho chức năng của dạ dày suy giảm nghiêm trọng, việc tiêu hóa thức ăn gặp phải nhiều khó khăn, sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng dẫn đến sụt cân và thiếu dinh dưỡng.
Cách chữa trị bệnh viêm loét dạ dày
Điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc
Khi bị viêm loét dạ dày, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và xác định tình trạng cũng như nguyên nhân gây ra bệnh. Dựa vào chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày cho bạn sử dụng.
- Thuốc kháng acid: Malox, magnes hydroxyd, stomafar,… giúp trung hòa acid trong dịch vị dạ dày tá tràng
- Thuốc giảm tiết acid: Cimetidin, famotidine, nizatidine,… có tác dụng giảm tiết acid trong dạ dày
- Thuốc ức chế bơm proton: Lanzoprazole, clarithromycin, imidazole,… giúp ngăn chặn bài tiết dịch HCl
- Thuốc tạo màng bọc giúp tạo vỏ bọc quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Thuốc diệt HP: Amoxicilline, clarithromycin, imidazole,… có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả
Khi sử dụng thuốc Tây để điều trị tuyệt đối không được lạm dụng thuốc, nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
Sau khi uống hết thuốc theo đơn của bác sĩ, bệnh sẽ có những chuyển biến khác nhau tùy theo chế độ sinh hoạt cũng như cơ địa của từng bệnh nhân. Để kiểm soát được tình trạng, bệnh nhân cần tuân theo lịch tái khám mà bác sĩ yêu cầu.
Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn từ 2 – 4 tuần và hẹn tái khám. Bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc hoặc hủy lịch tái khám khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm. Tuyệt đối không sử dụng đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày của bệnh nhân khác, điều này không tốt đến sức khỏe và có thể phản tác dụng của thuốc.
Nếu bệnh nhân đã được điều trị ổn định vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra định kỳ, hạn chế tái phát.
Kết hợp sử dụng với các loại thực phẩm có tác dụng trị viêm loét dạ dày
Một số loại thực phẩm rất tốt cho những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày gồm:
- Củ nghệ vàng: Tinh bột nghệ sử dụng kết hợp chung với mật ong có tác dụng chống viêm, chống loét dạ dày và giảm tiết dịch vị
- Nha đam: Nước ép nha đam có tác dụng giảm đầy hơi, nhuận tràng
- Nghệ đen: Bột nghệ đen hòa với nước ấm có tác dụng kích thích tiêu hóa, ngăn tiết dịch vị..
Hiện nay có rất nhiều bài thuốc nam điều trị bệnh viêm loét dạ dày được lưu truyền trong dân gian nhưng không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Cách phòng ngừa các biến chứng của viêm loét dạ dày
Thường xuyên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp. Tuyệt đối tuân thủ theo những quy định bác sĩ đưa ra. Khi sử dụng thuốc gặp phải tác dụng phụ thì liên hệ với bác sĩ ngay.
Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa. Ăn chậm nhai kỹ để hoạt động tiêu hóa thuận lợi hơn, hạn chế tiết các dịch acid làm viêm loét dạ dày.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu khiến gia tăng tình trạng viêm loét, khiến acid tiết ra nhiều hơn.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giúp bổ sung vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể mà còn dễ tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Hạn chế ăn đồ ăn chua, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia và chất kích thích,… làm tổn thương niêm mạc dạ dày khiến bệnh nặng hơn
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông máu giúp dạ dày hoạt động tốt.
Viêm loét dạ dày là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì những biến chứng bệnh gây ra rất nguy hiểm. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến gặp bác sĩ để thăm khám điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe.
Tham khảo thêm: Bị viêm loét dạ dày nên ăn uống gì