Viêm loét dạ dày cần kiêng những gì trong sinh hoạt và ăn uống?

Viêm loét dạ dày là một trong những căn bệnh về đường tiêu hóa thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương do viêm hoặc loét. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần nắm bắt vấn đề Viêm loét dạ dày cần kiêng những gì trong ăn uống và sinh hoạt để tránh tác động xấu đến tiến triển của bệnh.

viêm loét dạ dày kiêng những gì
Viêm loét dạ dày cần kiêng những gì để tránh tác động xấu và làm gián đoạn quá trình điều trị

Viêm loét dạ dày cần kiêng những gì khi ăn uống?

Trong giai đoạn mới khởi phát, bệnh viêm loét dạ dày có thể được điều trị dứt điểm nếu kết hợp giữa việc sử dụng thuốc với chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng khoa học. Ngược lại nếu để kéo dài, bệnh có thể chuyển biến sang giai đoạn mãn tính và gây bất lợi trong quá trình điều trị.

Chế độ ăn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp lên vùng niêm mạc dạ dày bị viêm và loét. Do đó bạn cần thay đổi một số thói quen ăn uống không lành mạnh và hạn chế những thực phẩm gây hại lên cơ quan tiêu hóa.

1. Hạn chế các thói quen ăn uống thiếu khoa học

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày là thói quen ăn uống thiếu khoa học. Vì vậy để hạn chế bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu, bạn cần thay đổi các thói quen sau:

  • Ăn uống không điều độ và thường xuyên bỏ bữa
  • Hoạt động mạnh và làm việc ngay sau khi ăn
  • Ăn uống vội vã, tạm bợ, không ăn chậm – nhai kĩ
  • Nằm sau khi ăn
  • Ăn quá no hoặc quá ít

Những thói quen ăn uống này đều có khả năng kích thích dạ dày và làm nghiêm trọng hóa ổ loét ở niêm mạc. Vì vậy trong thời gian điều trị, bạn nên hạn chế những thói quen nói trên.

2. Kiêng cử những thực phẩm và đồ uống có hại

Bên cạnh các thói quen ăn uống không lành mạnh, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày còn phải hạn chế các thực phẩm và đồ uống tác động tiêu cực đến cơ quan tiêu hóa, như:

viêm loét dạ dày kiêng những gì
Nên hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm cay nóng và nước ngọt có gas

Thực phẩm cay nóng

Nhóm thực phẩm này có thể gây kích thích dạ dày và làm phát sinh các triệu chứng như nóng bụng, đau thượng vị, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu,… Thường xuyên ăn đồ cay nóng còn có thể làm nghiêm trọng vết loét ở niêm mạc và tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.

Thực phẩm có tính acid

Thực phẩm có tính acid như me, chanh, tắc, giấm, mẻ,… gây tăng tiết dịch vị. Khi nồng độ acid trong dạ dày tăng lên, vị trí niêm mạc bị viêm loét sẽ có xu hướng chuyển biến tiêu cực. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Thực phẩm chế biến sẵn

Hầu hết các thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,…) đều chứa nhiều gia vị và chất bảo quản. Những thành phần này gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa và làm bùng phát các triệu chứng của viêm loét dạ dày như đau thượng vị, ợ chua, khó tiêu, đầy hơi,…

Sữa và chế phẩm từ sữa

Ở những trường hợp bị viêm loét dạ dày do không dung nạp lactose, bạn cần hạn chế các thực phẩm chứa sữa. Việc bổ sung sữa ở những đối tượng này làm tăng áp lực lên dạ dày và gây ra một số triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng,…

Thực phẩm khó tiêu hóa

Những loại thực phẩm như thức ăn nhanh, thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thịt đỏ,… thường khó tiêu hóa. Khi bổ sung nhóm thực phẩm này, dạ dày thường có xu hướng co bóp và tăng tiết acid quá mức. Hoạt động này vô tình kích thích vùng niêm mạc bị viêm loét và khiến phạm vi tổn thương có xu hướng lan rộng.

Nước ngọt có gas

Nước ngọt có gas thường được dùng trong bữa ăn để tránh tình đầy hơi, khó tiêu. Tuy nhiên loại thức uống này có độ pH acid, vì vậy khi dung nạp vào cơ thể có thể kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị.

Rượu bia và cà phê

Cồn và caffeine trong rượu bia, cà phê gây kích thích dạ dày và khiến vết loét ăn sâu trong niêm mạc. Ngoài ra thường xuyên dùng những loại thức uống này còn khiến dạ dày tăng tiết acid và tăng nguy cơ chảy máu tại vị trí loét.

Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm nói trên có thể làm tăng mức độ tổn thương niêm mạc và khiến triệu chứng bùng phát dữ dội hơn. Vì vậy bạn cần hạn chế những loại thực phẩm và đồ uống gây hại, thay vào đó nên bổ sung nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ, các loại đậu và ngũ cốc.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày cần kiêng gì khi sinh hoạt?

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bệnh viêm loét dạ dày cũng chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi chế độ sinh hoạt. Vì vậy để tránh tác động xấu đến tiến triển của bệnh, bạn cần kiêng cử các thói quen sau:

1. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây kích thích cơ quan tiêu hóa và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày. Nicotin và hàng loạt các hóa chất trong khói thuốc có khả năng kích thích cơ thể sản sinh cortisol.

Cortisol là hormone tự nhiên trong cơ thể, có tác dụng tăng đường huyết, huyết áp và kích thích phản ứng viêm ở cơ quan tiêu hóa.

viêm loét dạ dày kiêng những gì
Hút thuốc lá gây kích thích ổ viêm, loét ở dạ dày và làm nghiêm trọng hóa các triệu chứng của bệnh

Ngoài ra các hóa chất độc hại trong thuốc lá còn gây hư hại mạch máu và thúc đẩy thoái hóa các tế bào. Do đó thường xuyên hút thuốc lá có thể làm gián đoạn quá trình hồi phục niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.

2. Thức khuya và ngủ không đủ giấc

Thức khuya và ngủ không đủ giấc là một trong những thói quen sinh hoạt gây hại cho bệnh viêm loét dạ dày. Thời gian ngủ là lúc hệ tiêu hóa và các cơ quan trong cơ thể bài tiết độc tố và nghỉ ngơi. Chính vì vậy khi chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, dạ dày và những cơ quan khác có xu hướng giảm hoạt động và dễ tổn thương.

Với những người bị viêm loét dạ dày, thức khuya có thể kích thích niêm mạc sản sinh dịch vị và làm tăng phạm vi vết loét.

3. Căng thẳng thần kinh kéo dài

Rất ít người biết rằng, căng thẳng thần kinh kéo dài là một trong những yếu tố rủi ro làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Khi thần kinh căng thẳng, cơ thể sẽ tăng sản sinh cortisol và giới hạn khả năng tuần hoàn của cơ thể.

viêm loét dạ dày kiêng những gì
Căng thằng thần kinh thúc đẩy dạ dày tăng tiết acid và làm bùng phát các triệu chứng của bệnh

Các yếu tố này khiến dạ dày tăng tiết acid và khả năng co bóp, từ đó làm bùng phát các triệu chứng của viêm loét dạ dày như đau thượng vị, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua,…

4. Thói quen lười vận động

Lười vận động là nguyên nhân gián tiếp gây ra bệnh viêm loét dạ dày. Khi ít vận động, cơ thể thường có xu hướng tăng cân – béo phì và gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa. Trong khi đó ở những người vận động thường xuyên, nhu động ruột và khả năng co bóp ở dạ dày thường ở mức ổn định.

5. Tùy tiện dùng thuốc điều trị

Tình trạng viêm loét ở dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn tùy tiện trong việc sử dụng thuốc – đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Loại thuốc này thường được sử dụng phổ biến trong điều trị các cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình như đau đầu, đau bụng kinh, đau răng, đau nhức xương khớp,…

viêm loét dạ dày kiêng những gì
Tùy tiện sử dụng thuốc có thể gây loét dạ dày và tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa

Tuy nhiên NSAID gây ức chế enzyme cyclooxygenase (COX) toàn thân – trong đó có COX ở cơ quan tiêu hóa (COX giữ vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và đường ruột). Vì vậy khi sử dụng loại thuốc này, vị trí viêm loét ở dạ dày có xu hướng lan rộng và tăng nguy cơ chảy máu.

Ở những người bị viêm loét dạ dày, việc sử dụng NSAID nói riêng và những loại thuốc điều trị nói chung đều phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Việc nắm bắt “Bệnh nhân viêm loét dạ dày nên kiêng những gì?” có thể tránh được tình trạng bệnh chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Bên cạnh chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, bạn cần áp dụng song song với các loại thuốc điều trị để tác động toàn diện đến bệnh lý.