Viêm gan C – Mức độ nguy hiểm và thông tin cần biết
Viêm gan C là căn bệnh có mức độ nguy hiểm cao vì có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên các loại thuốc chống virus hiện nay có thể giúp điều trị bệnh thành công, đặc biệt là khi được sử dụng trong giai đoạn sớm.
Tìm hiểu viêm gan C là gì?
Viêm gan C là bệnh lý chỉ tình trạng viêm và nhiễm trùng tại gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Loại virus này lây lan khi máu của người bị nhiễm virus xâm nhập vào trong máu của người khỏe mạnh. Chúng ủ bệnh một thời gian rồi bùng phát gây ra nhiều triệu chứng bất lợi cho người bệnh.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa virus viên gan C. Việc điều trị bệnh cũng kéo dài và khá tốn kém trong khi bệnh có khả năng lây lan rất cao. Chính vì vậy, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân nên tích cực chủ động trong công tác phòng ngừa bệnh thông qua việc tìm hiểu nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Trong quá trình sinh hoạt, nếu có bất kì biểu hiện nào nghi ngờ bị viêm gan C, cần đến ngay các cơ sở y tế để làm xét nghiệm và tiến hành điều trị sớm.
Nguyên nhân gây viêm gan C
Như đã đề cập ở trên, bệnh viêm gan C do virus HCV gây ra. Chúng xâm nhập vào máu rồi tấn công các tế bào gan khỏe mạnh dẫn đến viêm và nhiễm trùng gan.
Nghiên cứu toàn cầu cho thấy, virus viên gan C tồn tại ở nhiều dạng khác nhau được y học gọi là kiểu gen. Đến nay, đã xác định được 7 kiểu gen HCV cùng trên 67 kiểu phụ. Tại Mỹ, kiểu gen HCV mà nhiều người mắc nhất đó chính là loại 1.
Một số yếu tố đã được xác định là có khả năng làm tăng nguy cơ bị nhiễm virus viêm gan B:
- Được truyền máu của người hiến tặng bị bệnh
- Từ điều trị bằng thuốc theo đường tiêm
- Được cấy ghép nội tạng trước tháng 7/1992
- Được truyền một mẫu máu đã được sử dụng cho mục đích điều trị đông máu những năm 1987 trở về trước
- Sinh ra trong giai đoạn 1945 – 1965. Nhóm tuổi này chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
- Điều trị bệnh thận bằng phương pháp lọc máu
- Nhiễm HIV/AIDS
- Được sinh ra khi mẹ đang bị nhiễm virus HCV
- Từng đi xăm mình
- Có tiền sử ngồi tù
- Nhân viên y tế tiếp xúc với máu của người bị nhiễm mầm bệnh
>> Xem chi tiết: Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan C và cách phòng ngừa
Triệu chứng viêm gan C
Bệnh viêm gan C có thể gây ra triệu chứng hoặc không. Thực tế có khoảng 70 – 80% các trường hợp nhiễm HCV không có biểu hiện ra bên ngoài. Một số trường hợp có những dấu hiệu sau:
- Sốt
- Chán ăn, biếng ăn, ăn uống không ngon miệng
- Nước tiểu sẫm màu
- Đau bụng, có chất lỏng tích tụ nhiều trong bụng
- Cơ thể mệt mỏi
- Vàng mắt
- Các khớp đau nhức
- Các bất thường về da: Da dễ bị chảy máu và bầm tím, vàng da, ngứa da
- Phù chân
- Giảm cân nặng không rõ nguyên nhân
- Buồn ngủ, nói chậm, hay bị nhầm lẫn
- Xuất hiện nhiều mạch máu trên da giống như mạng nhện
- Buồn nôn, nôn ói
- Phân màu đất sét
- Tiêu chảy
- Đau nhức cơ bắp
Khi virus viêm gan C xâm nhập vào máu, chúng có thể cần thời gian từ 6 – 7 tuần để gây ra các triệu chứng trên. Ngoài ra, tùy theo giai đoạn bệnh mà người bị viêm gan C có thể nhận thấy các dấu hiệu khác nhau.
Các giai đoạn của viêm gan C
Bệnh viêm gan C phát triển qua các giai đoạn sau:
– Giai đoạn ủ bệnh:
Lúc này, virus HCV mới xâm nhập vào máu. Chúng theo máu đến bất cứ vị trí nào trên cơ thể và chưa gây ra bất kì triệu chứng nào. Trung bình, thời gian ủ bệnh thường kéo dài trong khoảng 45 ngày.
– Giai đoạn cấp tính:
Các dấu hiệu của bệnh viện gan C cấp tính thường bắt đầu xuất hiện sau khi bị nhiễm virus khoảng 1 – 3 tháng. Virus tấn công vào các tế bào gan và gây suy giảm chức năng gan. Từ đó dẫn đến các triệu chứng như vàng da, mệt mỏi trong người, sốt, đau nhức các cơ, buồn nôn. Tình trạng này có thể kéo dài trong 2 tuần đến 3 tháng.
– Giai đoạn mãn tính:
Không phải lúc nào, bệnh viêm gan C cấp tính cũng tiến triển qua giai đoạn mãn tính. Có khoảng 15 – 25% các trường hợp có khả năng tự thanh thải, loại bỏ virus ra khỏi cơ thể sau giai đoạn cấp tính. Ngoài ra, một số người cũng được điều trị khỏi bệnh viêm gan C cấp tính nhờ đáp ứng tốt với thuốc kháng virus.
Nếu virus HCV không được tiêu diệt hoàn toàn sau 6 tháng, bệnh sẽ tiến triển thành một dạng nhiễm trùng mãn tính kéo dài. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu có khoảng 71 triệu người đang bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm gan C mạn tính.
Khi mắc bệnh ở giai đoạn này, virus viêm gan C diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Biến chứng của viêm gan C
Bệnh nhân bị viêm gan C mãn tính có nguy cơ gặp một số biến chứng nguy hiểm. Bao gồm:
- Xơ gan: Virus HCV khiến các tế bào khỏe mạnh trong gan bị viêm và dẫn đến sự hình thành của các mô sẹo. Xơ gan thường xảy ra ở những người bị viêm gan mạn tính trong khoảng 20 – 30 năm. Tuy nhiên biến chứng này có thể xảy ra sớm hơn ở những người có thói quen sử dụng bia rượu hoặc bệnh nhân bị nhiễm HIV.
- Ung thư gan: Xơ gan do viêm gan C có thể tiến triển thành ung thư gan. Các triệu chứng của bệnh ung thư gan khá giống với bệnh viêm gan nên rất khó phân biệt và phát hiện sớm. Vì vậy bệnh nhân bị viêm gan C được khuyến cáo nên thăm khám thường xuyên để tầm soát, phát hiện ung thư từ sớm.
- Suy gan: Khi gan bị xơ hóa phần lớn, cơ quan này có thể ngừng hoạt động.
Phương pháp chẩn đoán viêm gan C
Bệnh viêm gan C được chuẩn đoán thông qua các kỹ thuật và xét nghiệm dưới đây:
– Kiểm tra thể chất và tiền sử bệnh:
Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra lịch sử bệnh tật và trao đổi một số vấn đề liên quan để xác định yếu tố gây bệnh, các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải.
Một cuộc kiểm tra thể chất cũng diễn ra ngay trong phòng khám của bác sĩ. Khi khám bên ngoài, bác sĩ sẽ dùng tay ấn nhẹ vào bụng để biết liệu bạn có bị đau không. Các dấu hiệu liên quan như vàng da, vàng mắt cũng sẽ được quan sát và ghi nhận.
– Xét nghiệm máu:
Bác sĩ tiến hành lấy máu của bệnh nhân và đem đến phòng thí nghiệm để kiểm tra chức năng gan.
Kết quả bất thường về xét nghiệm máu có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chức năng gan đang có vấn đề. Thông thường, bắt đầu từ tuần thứ 7 – 8 kể từ khi bị nhiễm bệnh, nồng độ protein và enzyme trong máu có thể tăng cao bất thường. Tuy nhiên, một số ít trường hợp bị viêm gan C nhưng nồng độ enzyme vẫn bình thường.
Nồng độ men gan cao cũng có thể chỉ ra rằng gan của bạn đang bị tổn thương hoặc không còn giữ được chức năng hoạt động bình thường.
Ngoài ra, xét nghiệm máu còn được thực hiện nhằm mục đích sau:
- Tìm kháng thể chống HCV
- Đo số lượng RNA virus
– Siêu âm bụng:
Siêu âm tạo ra hình ảnh cho phép bác sĩ quan sát được gan, ổ bụng và các cơ quan lân cận. Qua đó có thể giúp phát hiện ra:
- Dịch lỏng ứ đọng trong ổ bụng
- Tổn thương tại gan hoặc các cơ quan khác
- Khối u xuất hiện trong gan
- Các bất thường ở túi mật
– Sinh thiết gan:
Dưới sự hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ dùng kim đâm xuyên qua da vào trong gan để lấy một mẫu mô đem đi làm sinh thiết.
Kết quả thu được giúp xác định được ảnh hưởng của virus viêm gan C tới gan và phát hiện ra ung thư nếu có.
Bệnh viêm gan C được điều trị như thế nào?
Dùng thuốc là phương pháp điều trị được áp dụng chủ yếu đối với bệnh viêm gan C. Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc có khả năng tiêu diệt virus gây bệnh. Phẫu thuật ghép gan có thể được tiến hành cho những bệnh nhân bị hư hại gan nghiêm trọng.
1. Thuốc trị viên gan C
Trong những năm gần đây, y học hiện đại đã cho ra đời nhiều loại thuốc kháng virus viêm gan C tác động trực tiếp (DAAs) giúp phác đồ điều trị bệnh trở nên đơn giản, thời gian điều trị được rút ngắn nhưng giúp nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh lên đến hơn 95%.
Dưới đây là một số loại thuốc chữa viêm gan C sẵn có:
- Daclastasvir (Daklinza): Mỗi ngày uống 1 lần kết hợp với Sofosbuvir. Thời gian điều trị bằng thuốc thường kéo dài trong khoảng 12 tuần.
- Sofosbuvir-velpatasvir (Epclusa): Uống hàng ngày trong 12 tuần liên tục
- Ledipasvir-sofosbuvir ( Harvestoni ): Liều dùng được khuyến cáo là 1 lần/ngày. Hầu hết bệnh nhân chữa khỏi bệnh trong 8 – 12 tuần.
- Meefret: Thuốc chứa thành phần glecaprevir (100 mg) và pibrentasvir (40 mg ) được chỉ định cho những trường hợp bị viêm gan C chưa có xơ gan hoặc những trường hợp chưa từng điều trị. Liều dùng là 3 viên/ngày trong 8 tuần hoặc lâu hơn.
- Ribavirin: Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén, viên nang hoặc dung dịch lỏng. Bệnh nhân có thể dùng thuốc trong hoặc sau bữa ăn sáng và tối. Thời gian điều trị bằng thuốc Ribavirin có thể dao động từ 24 – 48 tuần hoặc kéo dài hơn đối với những trường hợp nghiêm trọng.
- Zepatier: Thuốc có sự kết hợp giữa 2 thành phần Elbasvir và grazoprevir. Với liều lượng 1 lần mỗi ngày, khoảng 97% người dùng đã khỏi bệnh.
- Viekira: Mỗi gói Viekira bao gồm hỗn hợp 4 loại thuốc là Ombitasvir, Paritaprevir, Dasabuvir và Ritonavir. Người bệnh có thể phải dùng thuốc trong 12 – 24 tuần.
- Các thuốc trị viêm gan C khác: Technivie, Sovaldi, Technivie, Vosevi…
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, rụng tóc, đau đầu, thay đổi tâm trạng, nổi phát ban ngoài da, tiêu chảy, buồn nôn. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào trong thời gian điều trị.
Hiện nay ở nước ta, một số cơ sở y tế đã chấp nhận thanh toán 50% chi phí thuốc men cho bệnh nhân điều trị viêm gan C có bảo hiểm y tế. Điều này giúp bệnh nhân bớt lo lắng và đỡ được gánh nặng về mặt tài chính.
2. Phẫu thuật ghép gan
Cây ghép gan sẽ giúp duy trì sự sống cho những bệnh nhân bị tổn thương gan nghiêm trọng. Khi làm phẫu thuật, phần lá gan bị hư hại sẽ được cắt bỏ. Thay thế vào đó, bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép một lá gan khỏe mạnh được hiến từ người đã chết hoặc một phần gan được hiến tặng từ người còn sống.
Tuy nhiên, mặc dù đã được ghép gan mới song người bệnh vẫn còn mang trong mình virus viêm gan C. Vì vậy, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục dùng thuốc kháng virus để điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhằm tránh lây nhiễm mầm bệnh sang phần gan mới.
Chế độ ăn uống sinh hoạt khi bị viêm gan C
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp phòng ngừa và kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh viêm gan C. Liên quan đến vấn đề này, người bệnh cần chú ý:
– Trong sinh hoạt hàng ngày
- Làm việc vừa sức. Nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt là những lúc cơ thể mệt mỏi
- Giảm gánh nặng cho gan bằng cách ngừng uống rượu và nói không với thuốc lá, thuốc lào.
- Thận trọng khi dùng thuốc tân dược, nhất là các loại thuốc giảm đau ( Acetaminophen ), thuốc an thần. Do chức năng gan đang bị suy yếu nên sẽ không đào thải hết được các hoạt chất trong các thuốc tân tây. Điều này làm gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.
- Khi có vết thương hở ngoài da, người bệnh cần cẩn thận băng lại. Tránh để người khác tiếp xúc với máu đang bị nhiễm virus.
- Không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ làm móng hay các vật dụng cá nhân khác với người thân.
- Mang bao cao su khi quan hệ tình dục
- Tuyệt đối không được hiến máu, các cơ quan nội tạng hay tinh dịch khi cơ thể đang mang virus viêm gan C.
- Thông báo cho bác sĩ biết về bệnh tình của bạn trước khi được tiến hành tiêm thuốc, làm thủ thuật hoặc bất cứ phẫu thuật nào.
- Virus viêm gan C không lây qua sữa mẹ. Mặc dù vậy, phụ nữ bị bệnh được khuyến cáo không nên cho con bú nếu núm vú đang bị bứt nẻ, chảy máu.
- Chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày để sức đề kháng được cải thiện.
– Viêm gan C nên ăn gì và kiêng gì?
- Ăn nhiều rau củ và hoa quả. Chúng cung cấp chất xơ, axit folic, vitamin nhóm B, A, C giúp hỗ trợ giải độc gan, thúc đẩy quá trình chữa lành các mô bị tổn thương và cải thiện hệ miễn dịch.
- Các thực phẩm giàu đạm như hải sản, gà không da, đậu nành, trứng giúp bổ sung năng lượng, giảm mệt mỏi, ngăn ngừa tình trạng tích tụ chất lỏng trong bụng khi bị viêm gan C.
- Thay thế một phần nước lọc bằng sữa hoặc nước ép trái cây để tăng cường dưỡng chất cho cơ thể.
- Các loại ngũ cốc như yến mạch, gạo nâu, lúa mì cũng giúp nâng cao sức khỏe cho người viêm gan C.
- Trường hợp bị buồn nôn, nôn ói, bạn hãy thử chế độ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi lần ăn ít một để đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.
- Các thực phẩm nên hạn chế khi bị viêm gan C bao gồm: Muối, đồ ngọt, các sản phẩm chưa được tiệt trùng, các món tái hoặc còn sống.
Có thể thấy, viêm gan C khá nguy hiểm. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Một khi đã mắc bệnh, bạn nên thường xuyên tới bệnh viện để kiểm tra và dùng thuốc theo phác đồ của bác sĩ đến khi virus bị tiêu diệt hoàn toàn.
Bạn có thể tham khảo thêm:
- Virus viêm gan C có lây không, lây qua đường nào?
- TOP 20 các thực phẩm tốt cho gan bạn nên bổ sung