Viêm đại tràng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm đại tràng là bệnh lý xảy ra khi có hiện tượng viêm nhiễm, tổn thương bên trong lớp lót của đại tràng. Hiểu rõ về nguyên nhân và nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh sẽ giúp bạn tìm ra được các điều trị cũng như phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả.
Bệnh viêm đại tràng là gì?
Bệnh viêm đại tràng là tình trạng nhiễm trùng khiến cho lớp niêm mạc bên trong đại tràng bị sưng viêm, phù nề. Cơ quan này còn được gọi là ruột già – đoạn cuối của đường ống tiêu hóa có chiều dài trung bình khoảng 1,2m.
Đại tràng được chia thành 3 bộ phận nhỏ gồm trực tràng, manh tràng và kết tràng. Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào hoặc đôi khi có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng.
Bình thường, đại tràng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu nước, muối khoáng cùng các chất dinh dưỡng còn sót lại sau khi thức ăn đã trải qua một quá trình tiêu hóa ở dạ dày và ruột non. Cùng với đó, các loại vi khuẩn có lợi trong ruột già sẽ tiến hành phân thủy bã thức ăn, biến nó trở thành phân và tạo ra nhu động co bóp để đào thải ra ngoài qua trực tràng – cơ quan nằm sát với ống hậu môn. Tuy nhiên, khi bị viêm đại tràng, chức năng hoạt động của cơ quan này có thể bị rối loạn khiến cho bệnh nhân gặp phải nhiều triệu chứng bất thường về tiêu hóa.
Bệnh viêm đại tràng chủ yếu ảnh hưởng đến tuổi trung niên và người lớn tuổi. Trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính gây khó khăn cho việc chữa trị, đồng thời khiến bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng có thể xảy ra do một hay nhiều nguyên nhân kết hợp, chẳng hạn như nhiễm khuẩn, căng thẳng quá mức, lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài… Đôi khi tình trạng viêm nhiễm trong đại tràng có thể phát triển sau khi mắc các bệnh lý khác.
Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm đại tràng phổ biến:
– Nhiễm lị amip:
Lị amip được xác định là thủ phạm gây bệnh viêm đại tràng thường gặp. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua nguồn thức ăn sử dụng hàng ngày. Kén amip có thể đi theo thức ăn xâm nhập vào trong đại tràng và phát triển mạnh khiến cho lớp niêm mạc ruột già bị kích ứng, viêm nhiễm dẫn đến đau bụng từng cơn, hay mót rặn, đi cầu ra máu có lẫn chất nhày…
– Nhiễm khuẩn lao:
Bệnh nhân có tiền sử bị lao phổi hoặc sử dụng thức ăn bị nhiễm khuẩn lao có thể dẫn đến viêm đại tràng. Các triệu chứng thường gặp khi đại tràng bị nhiễm loại vi khuẩn này bao gồm tiêu lỏng kéo dài, đại tiện phân nhày lẫn máu, biếng ăn, nóng sốt nhẹ về chiều.
– Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ:
Thiếu máu cục bộ ở đại tràng là tình trạng ruột già không được cung cấp dẫn đến suy yếu và dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công gây nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể do các động mạch trong đại tràng bị xơ vữa hoặc bệnh nhân bị huyết áp thấp, xoắn ruột làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông máu đến ruột già.
– Nhiễm vi thể
Sự xâm nhập của các loại vi thể như Collagen hay tế bào lympho vào trong đại tràng với số lượng lốn cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm. Nguyên nhân gây viêm đại tràng này chủ yếu gặp ở những bệnh nhân nữ lớn tuổi.
– Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh:
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Mục đích sử dụng thuốc là tiêu diệt hại khuẩn nhưng nếu dùng kéo dài cũng có thể giết chết một lượng lớn vi khuẩn có lợi. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đại tràng và khiến cơ quan này dễ bị viêm.
– Do ảnh hưởng của các bệnh viêm ruột
Tổn thương viêm trong đại tràng có thể phát triển do ảnh hưởng của các bệnh lý ở đường ruột. Phổ biến nhất là bệnh crohn, bệnh viêm loét đại tràng…
– Nhiễm độc hóa chất:
Đại tràng có thể bị viêm do nhiễm các loại hóa chất độc hại. Chúng có thể đến từ nguồn nước, thức ăn hay một số loại thuốc.
– Chế độ ăn uống không hợp lý:
- Ăn uống không đúng bữa
- Nhai nuốt quá nhanh
- Có thói quen ăn sử dụng các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
- Lạm dụng bia rượu và các chất kích thích
- Ăn đồ sống không đảm bảo vệ sinh
- Sử dụng nhiều thức ăn nhanh, đồ hộp
– Viêm đại tràng vô căn
Một số trường hợp bị viêm đại tràng không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm đại tràng
Bên cạnh những nguyên nhân trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng như:
- Mắc bệnh HIV, bệnh lậu, Chlamydia
- Từng điều trị ung thư ở vùng bụng bằng xạ trị
- Rối loạn miễn dịch
- Căng thẳng kéo dài
- Sức đề kháng yếu
- Hút thuốc lá
- Thuộc dân tộc Do Thái
- Tuổi từ 35 trở lên
- Trong gia đình có người thân bị viêm đại tràng
Dấu hiệu viêm đại tràng
Các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng bao gồm:
– Đau bụng:
Đại tràng bị viêm có thể dẫn đến các cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở bụng. Triệu chứng đau ở những người mắc căn bệnh này có đặc điểm như sau:
- Cơn đau thường xuất hiện trước tiên ở vùng 2 bên hố chậu hoặc hai bên hạ sườn, sau đó lan dần theo khung đại tràng.
- Một số trường hợp chỉ bị đau âm ỉ nhưng có những người bị đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn ở vùng bụng dưới rốn.
- Cơn đau có khuynh hướng xuất hiện hoặc tăng mạnh sau khi ăn
- Kèm theo cảm giác đau, người bệnh còn thấy mót rặn, muốn đi ngoài.
- Cơn đau đại tràng có thể thuyên giảm sau khi đi cầu
– Rối loạn tiêu hóa
Đại tràng bị viêm làm ảnh hưởng lớn đến chức năng tiêu hóa và khiến người bệnh bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện đặc trưng như:
- Tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần trong ngày
- Phân nát không thành khuôn
- Đầu táo đuôi lỏng
- Đầy hơi, chướng bụng, có cảm giác ì ạch trong bụng
– Đi ngoài ra máu:
Nếu đi cầu thấy phân có lẫn máu, bạn nên thận trọng với bệnh viêm đại tràng. Tình trạng này xảy ra khi tổn thương ăn sâu vào trong lớp niêm mạc gây ra các vết loét và làm ảnh hưởng đến mạch máu dẫn tới xuất huyết đại tràng.
Máu lẫn trong phân có thể có màu đỏ tươi, đỏ sẫm. Nhiều trường hợp còn xuất hiện cả mủ lẫn chất nhầy.
– Chán ăn:
Khi bị viêm đại tràng, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng kèm theo các triệu chứng khó chịu khác như chướng bụng, đầy hơi khiến cho bệnh nhân chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
– Giảm cân, sức khỏe suy giảm
Tình trạng viêm nhiễm trong đại tràng kéo dài có thể khiến người bệnh bị giảm cân do chán ăn hoặc do hấp thu chất dinh dưỡng kém. Một số trường hợp còn bị suy kiệt sức khỏe, cơ thể gầy yếu thiếu sức sống.
– Các triệu chứng khác có thể gặp:
- Sốt
- Thay đổi tính tình
- Sắc mặt xanh xao
- Có tiếng óc ách và đau khi dùng tay ấn vào hạ vị và khung đại tràng
- Một số trường hợp có biểu hiện viêm mắt, viêm khớp hoặc có rối loạn về da.
Các loại viêm đại tràng
Tình trạng viêm nhiễm trong đại tràng có thể chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn hoặc cũng có khi kéo dài liên tục hàng tháng, hàng năm. Căn cứ theo thời gian mắc bệnh và triệu chứng lâm sàng mà y học chia viêm đại tràng thành 2 loại chính gồm viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính.
- Viêm đại tràng cấp tính: Bệnh thường tiến triển trong khoảng 1 tuần rồi khỏi
- Viêm đại tràng mãn tính ( hay viêm đại tràng mạn): Bệnh tiến triển do không điều trị kịp thời hoặc chữa trị không đúng cách ở giai đoạn cấp tính. Nó có tính chất kéo dài, diễn ra liên tục và tái phát nhiều đợt trong năm.
Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng cũng cho thấy sự khác biệt của hai thể bệnh trên. Cụ thể như sau:
- Đau bụng: Cơn đau bụng ở những bệnh nhân bị viêm đại tràng mạn thường ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, nó có thể diễn ra âm ỉ suốt cả ngày. Tuy nhiên ở giai đoạn cấp tính, mức độ đau sẽ nặng hơn nhưng bệnh nhân thường bị đau theo từng cơn hoặc diễn ra từng đợt trong ngày.
- Rối loạn đại tiện: Ở dạng cấp và mãn, bệnh viêm đại tràng đều gây tiêu chảy, đi cầu phân lỏng, phân sống trên 3 lần trong ngày. Tuy nhiên, người bị bệnh cấp tính có khuynh hướng bị tiêu chảy nặng hơn, hầu hết đều đi ngoài nhiều hơn 5 lần mỗi ngày.
- Bên cạnh đó, bệnh nhân bị viêm đại tràng cấp tính thường có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, có thể bị sút cân nhẹ nhưng do bệnh diễn ra trong thời gian ngắn nên các triệu chứng này thường không quá rõ ràng. Ở giai đoạn mãn tính, bệnh kéo dài khiến cho bệnh nhân bị giảm nhiều cân, da dẻ kém sắc, cơ thể thường xuyên mệt mỏi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như khả năng lao động.
Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Khi tiến triển sang giai đoạn nặng, bệnh viêm đại tràng nếu không được điều trị tốt không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu kéo dài mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Rối loạn giấc ngủ: Cơn đau bụng và cảm giác mót đi ngoài xuất hiện thường xuyên vào ban đêm khiến cho bệnh nhân bị khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Xuất huyết đại tràng ồ ạt: Biến chứng này xảy ra khi đại tràng bị viêm nhiễm nghiêm trọng, máu chảy liên tục không dứt. Nếu gặp phải biến chứng này, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Việc mất máu quá nhiều có thể đe dọa đến tính mạng.
- Phình giãn đại tràng cấp tính: Bệnh nhân gặp phải biến chứng này thường có biểu hiện đau bụng dữ dội, bụng chướng căng. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị hôn mê, tử vong.
- Thủng đại tràng: Khi tổn thương viêm ăn sâu vào trong đại tràng có thể tạo ra một lỗ thủng. Đây cũng là một biến chứng nguy hiểm cần được cấp cứu ngay.
- Ung thư đại tràng: Các tế bào biểu mô ở lớp niêm mạc đại tràng khi bị tổn thương, viêm nhiễm kéo dài có thể bị loạn sản và chuyển thành ác tính. nguy cơ bị ung thư đại tràng cao nhất xảy ra ở những bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn tính kéo dài trong 7 – 10 năm hoặc lâu hơn.
Chẩn đoán viêm đại tràng
Chẩn đoán là một bước quan trọng giúp bác sĩ có thể xác định được nguy nhân, mức độ viêm nhiễm trong đại tràng, từ đó xây dựng được phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Những kỹ thuật được áp dụng để chẩn đoán căn bệnh này bao gồm:
– Khám sơ bộ:
Bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi với bệnh nhân về những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đang gặp phải. Một số thắc mắc có thể được đưa ra như:
- Đi ngoài có máu trong phân không?
- Thời điểm các triệu chứng bắt đầu xuất hiện
- Số lần đi cầu trong ngày
- Thói quen ăn uống hàng ngày
- Các loại thuốc tây đang sử dụng
- Tiền sử mắc bệnh…
– Khám thực thể:
Ở bước này, bác sĩ sẽ thăm khám bằng tay kết hợp quan sát bằng mắt thường, tập trung chủ yếu ở vùng bụng bị đau. Nhân viên y tế dùng tay sờ nắn để xác định điểm đau, mức độ đau và loại trứ nguyên nhân gây đau bụng do các vấn đề ở gan, thận, lách…
Khi các bằng chứng đều cho thấy bệnh nhân có khả năng bị viêm đại tràng cao thì sẽ tiến hành kiểm tra trực tràng. Bác sĩ mang găng tay và đưa một ngón tay vào trong để tìm kiếm sự hiện diện của khối u hay các khối bất thường khác. Đồng thời kết hợp quan sát phân để nhận biết màu sắc, tính chất phân và sự hiện diện của máu, chất nhầy.
– Chỉ định xét nghiệm:
- Xét nghiệm công thức máu: Kiểm tra số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Số lượng hồng cầu thấp cho thấy bệnh nhân bị mất nhiều máu qua phân, thiếu máu. Thông qua số lượng bạch cầu cho phép bác sĩ đánh giá được tình trạng nhiễm trùng ở đại tràng. Trong khi đó số lượng tiểu cầu sẽ giúp đánh giá được những bất thường trong chảy máu.
- Điện giải đồ: Xét nghiệm này thường được thực hiện ở bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài. Nó giúp kiểm tra nồng độ các chất vi lượng như Natri, Kali, Clorua trong máu.
- Xét nghiệm phân: Mẫu phân của người bệnh sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để cấy khuẩn. Kết quả sẽ cho thấy được tình trạng nhiễm trùng bên trong đại tràng và loại vi khuẩn gây viêm đại tràng.
– Nội soi đại tràng:
Thủ thuật này sử dụng một ống mềm có gắn camera đưa vào trong ruột già thông qua hậu môn. Hình ảnh camera thu được giúp bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ cấu trúc bên trong đại tràng. Điều này không chỉ giúp đánh giá được mức độ tổn thương bên trong mà còn giúp chẩn đoán phân biệt viêm đại tràng với các bệnh lý khác, chẳng hạn như polyp đại trực tràng.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu mô nhỏ ở khu vực đại tràng bị bệnh để làm sinh thiết tầm soát ung thư đại tràng. Toàn bộ quy trình nội soi thường diễn ra trong khoảng 30 – 60 phút. Bệnh nhân có thể lựa chọn hình thức nội soi đại tràng gây mê hoặc nội soi thường. Đây là một xét nghiệm hình ảnh khá an toàn và có độ chính xác cao trong chẩn đoán viêm đại tràng.
– Chụp X-quang đại tràng cản quang:
Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, đi ngoài ra máu, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hoặc không thể nội soi đại tràng thì có thể được chỉ định chụp X-quang cản quang. Trước khi tiến hành, bác sĩ bơm thuốc cản quang vào trong lòng trực tràng của người bệnh. Loại thuốc này có chứa barium khi vào trong sẽ bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc đại tràng cho phép bộ phận này có thể xuất hiện rõ ràng trên phim chụp x-quang. Từ đó giúp bác sĩ có thể phát hiện ra được những tổn thương trong đại tràng dù là rất nhỏ.
Cách điều trị viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Quá trình chữa trị bệnh cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Điều trị bệnh càng sớm càng tốt
- Khắc phục triệt để nguyên nhân gây bệnh
- Giải quyết các triệu chứng liên quan
- Kết hợp các biện pháp chữa viêm đại tràng trong y khoa với chế độ dinh dưỡng hợp lý để đẩy nhanh thời gian phục hồi sức khỏe.
1. Cách trị viêm đại tràng bằng nội khoa
Phương pháp nội khoa chủ yếu sử dụng thuốc điều trị viêm đại tràng. Các thuốc được sử dụng nhằm mục đích tiêu diệt tác nhân gây bệnh và khắc phục triệu chứng liên quan. Bao gồm:
– Thuốc chữa viêm đại tràng do nhiễm amip đường ruột:
Bệnh nhân nhiễm amip đại tràng thường có các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, trong phân có máu và chất nhày, cảm giác đau giảm bớt sau khi đi cầu, niêm mạc đại tràng đỏ và thấy nhiều vết loét nhỏ khi nội soi. Các thuốc được chỉ định bao gồm:
- Metronidazol: Mỗi ngày uống 20-30 mg x kg trọng lượng cơ thể
- Tinidazol 0,5 g: Ngày dùng 2g. Thời gian điều trị kéo dài từ 3 – 5 ngày
- Secnidazol 0,5g: Sử dụng liều duy nhất 2g
– Thuốc trị viêm đại tràng do nhiễm giun:
- Mebendazol (0,1g): Mỗi lần uống 1 viên. Ngày dùng thuốc 2 lần trong 3 ngày liên tục.
- Albendazol : Liều dùng thông thường là 0,4g một ngày hoặc dùng theo hướng dẫn của bác sĩ
– Thuốc chữa tiêu chảy do viêm đại tràng:
- Diosmectite : Mỗi lần dùng 1 gói x 3 lần trong ngày
- Actapulgite : Ngày dùng 3 gói chia làm 3 lần uống
- Loperamid 2 mg: Liều dùng 1 viên/lần. Nếu tình trạng tiêu chảy vẫn còn thì uống lặp lại sau mỗi 4 – 6 tiếng.
Kết hợp dùng thuốc chống tiêu chảy với men vi sinh để bổ sung vi khuẩn có lợi cho đại tràng, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Các sản phẩm men vi sinh thường dùng là:
- Lactulose (10 g/15ml): Mỗi ngày uống từ 1 – 3 gói
- Bacillus clausii: Sản phẩm này có dạng viên hoặc ống. Liều lượng được khuyến cáo là 1 viên(ống) x 2 lần/ngày.
– Thuốc điều trị triệu chứng táo bón:
- Lactulose (10 g/15ml): Ngày dùng 1 – 3 gói tùy theo mức độ nghiêm trọng của táo bón
- Bisacodyl (5 mg): Uống 1 – 2 viên mỗi ngày vào buổi tối
- Macrogol 10g: Dùng thuốc vào buổi sáng với liều lượng 1 – 2 gói/ngày
– Thuốc điều hòa nhu động ruột:
Các trường hợp bị viêm đại tràng có nhu động ruột hoạt động không ổn định thường được chỉ định dùng thuốc Trimebutin 100 – 200 mg. Uống thuốc trước các bữa ăn sáng, trưa, tối khoảng 30 phút.
– Thuốc chống co thắt:
Dùng cho bệnh nhân có biểu hiện co thắt đại tràng mạnh gây ra những cơn đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội. Các thuốc chống co thắt thường được chỉ định bao gồm:
- Alvérine citrate (40 mg) : Ngày dùng 3 lần với liều lượng từ 1 – 3 viên/lần
- Alvérine citrate (60 mg): Ngày dùng 2 – 3 lần x 1 viên/lần
- Hyoscine-N-butylbromide (10 mg): Ngày dùng 3 – 5 lần x 1 – 2 viên/lần
– Thuốc trị đầy hơi do viêm đại tràng
Trường hợp có biểu hiện đầy hơi thường được bác sĩ kê đơn thuốc Simethicone 40 mg để điều trị. Mỗi lần uống 1 – 2 viên x 3 – 6 lần/ngày. Bệnh nhân nên uống thuốc sau khi ăn no.
– Thuốc điều trị khó tiêu:
Có thể sử dụng thuốc Pancrelase 100 mg để hỗ trợ tiêu hóa. Liều dùng thông thường là 1 viên/lần x 2 lần/ngày. Sử dụng thuốc trước khi ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Sử dụng thuốc chữa viêm đại tràng trong Tây y có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng. Tuy nhiên bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
2. Cách chữa viêm đại tràng bằng ngoại khoa
Một số trường hợp có thể được chỉ định phẫu thuật điều trị viêm đại tràng như:
- Không đáp ứng được với thuốc điều trị nội khoa
- Bệnh nhân có biến chứng cần mổ cấp cứu như thủng đại tràng, giãn đại tràng cấp, xuất huyết đại tràng ồ ạt
- Bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn tính nặng, từ 8 năm trở lên
- Các trường hợp viêm đại tràng kèm khối u lành tính hoặc ác tính
Phẫu thuật nội soi là phương pháp được chỉ định phổ biến trong điều trị viêm đại tràng. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể được chỉ định mổ hở, phẫu thuật tạo túi hậu môn ở xương chậu hoặc mở thông hồi tràng có điều khiển.
Khi làm phẫu thuật, một phần đại tràng bị viêm loét hay toàn bộ đại tràng sẽ được cắt bỏ. Bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như viêm túi, tiêu chảy, mất máu nhiều, đau kèo dài, nhiễm trùng vết mổ…
3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm đại tràng tại nhà
Một số mẹo tự nhiên có thể giúp hỗ trợ giảm đau và cải thiện các triệu chứng bệnh viêm đại tràng, hạn chế sự lệ thuộc vào thuốc tây. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi áp dụng những cách chữa viêm đại tràng tại nhà dưới đây:
– Giảm đau đại tràng bằng trà gừng:
Uống trà gừng ấm có thể giúp giảm nhẹ cơn đau đại tràng và thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm viêm nhiễm ở lớp niêm mạc đại tràng. Để sử dụng, bạn hãy lấy một nhánh gừng tươi bằm nhuyễn, hãm với nước sôi trong 15 phút và uống từ từ từng ngụm nhỏ. Khi uống có thể pha thêm mật ong để tăng hiệu quả điều trị.
– Dùng lô hội:
Gel lô hội có tác dụng bảo vệ niêm mạc đại tràng, thải độc, nhuận tràng, kháng viêm, chống táo bón. Cách sử dụng nguyên liệu này trị viêm đại tràng khá đơn giản, chỉ cần lấy 5 lá nha đam gọt vỏ rồi đem xay nhuyễn chung với 500ml mật ong, bỏ vào hũ kín và bảo quản trong tủ lạnh. Mỗi lần uống 30ml x 2 – 3 lần trong ngày.
– Massage bụng giảm đau đại tràng, ổn định nhu động ruột, chống táo bón
- Trước tiên người bệnh ngồi thẳng lưng hoặc nằm trên giường
- Đặt úp lòng bàn tay phải lên rốn, ấn một lực nhẹ nhàng và xoa tròn theo vòng tròn hướng kim đồng hồ ở khu vực xung quanh rốn trong vài phút
- Tiếp tục mở rộng phạm vi massage ra xung quanh và dọc theo khung đại tràng
- Thực hiện theo hướng dẫn trên khoảng 200 vòng liên tục, mỗi ngày áp dụng khoảng 2 – 3 lần giữa các bữa ăn. Tránh massage khi mới ăn no hoặc khi bụng đang trống rỗng.
– Uống trà hoa cúc:
Trà hoa cúc giúp chống co thắt đại tràng, giảm đau bụng. Bên cạnh đó, loại trà này còn giúp chống viêm, kích thích tiêu hóa, giảm chướng bụng, đầy hơi, táo bón và giúp người bệnh bớt căng thẳng.
Dùng hoa cúc tươi hay khô pha trà đều được. Mỗi lần lấy vài bông bỏ vào ấm nước sôi. Đậy kín nắp trong ít nhất 15 phút rồi rót ra uống dần. Sử dụng đều đặn 3 tách trà hoa cúc mỗi ngày để nhanh thấy được hiệu quả.
– Chườm muối nóng:
Chườm muối rang nóng là một cách đơn giản để nhanh chóng cắt đứt cơn đau cho bệnh nhân bị viêm đại tràng. Hơi nóng có tác dụng làn giãn nở mạch máu dưới da, tăng cường lưu thông máu đến nuôi dưỡng đại tràng, làm dịu cơn đau và giúp nhanh chóng phục hồi tổn thương.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 bát muối hột cho vào chảo rang nóng
- Bọc muối vào trong một miếng vải mỏng rồi chườm lên vùng bụng bị đau
- Khi muối nguội có thể rang lại và tiếp tục chườm trong khoảng 20 phút
- Lặp lại vài lần trong ngày để cơn đau được giảm nhẹ.
– Tập yoga:
Tập yoga không chỉ giúp giảm căng thẳng thần kinh, làm xương khớp dẻo dai mà còn mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị viêm đại tràng như:
- Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể
- Kích thích tiêu hóa
- Cải thiện các triệu chứng đau bụng, táo bón, ăn không tiêu, chướng hơi do viêm đại tràng gây ra
- Tăng cường máu lưu thông đến đại tràng, tạo điều kiện cho tổn thương viêm nhanh được chữa lành.
Người bệnh có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia, bác sĩ trị liệu để được hướng dẫn các bài tập yoga chữa viêm đại tràng phù hợp và chăm chỉ luyện tập tại nhà, góp phần nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật.
– Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh nhân bị viêm đại tràng:
Duy trì một chế độ ăn uống khoa học có thể giúp cải thiện các triệu chứng viêm đại tràng. Trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh cần lưu ý:
- Trong bữa ăn của người bệnh nên có đầy đủ các nhóm chất. Bao gồm chất đạm ( 1g/kg/ngày), năng lượng ( 30 – 35 Kcl/kg/ngày), chất béo ( không quá 15g/ngày) cùng các vitamin và muối khoáng.
- Bổ sung nhiều nước cho cơ thể giúp chống táo bón, ngăn ngừa mất nước khi bị tiêu chảy. Người trưởng thành nên uống ít nhất 2 lít mỗi ngày và uống nhiều nước hơn khi bị tiêu lỏng nhiều lần trong ngày.
- Ăn sữa chua và các thực phẩm chứa nhiều probiotic như dưa cải, miso,…
- Trường hợp bị tiêu chảy nên ăn các thực phẩm giàu tinh bột như gạo, khoai tây và hạn chế ăn đồ tanh. Ngược lại nếu đang bị táo bón, bệnh nhân nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan như chuối, đu đủ, táo, lê và tránh ăn các loại rau có nhiều xơ sợi.
- Kiêng dùng đồ cay, các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, trứng, thịt mỡ, cà phê, hành sống, sữa chứa lactose.
- Thức ăn của bệnh nhân bị viêm đại tràng nên được nấu chín mềm và hạn chế sử dụng dầu mỡ.
- Ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để thức ăn được tiêu hóa tốt hơn, hạn chế được các triệu chứng đau bụng, ăn không tiêu.
Cách phòng ngừa bệnh viêm đại tràng
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm đại tràng, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao. Ngay cả các trường hợp bị viêm đại tràng cấp nếu không có biện pháp dự phòng thích hợp cũng có thể tái phát bệnh trở lại. Các biện pháp dưới đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
- Giữ vệ sinh trong khâu chế biến và bảo quản thức ăn
- Tránh sử dụng các thức ăn không đảm bảo vệ sinh, chẳng hạn như tiết canh, thức ăn chế biến sẵn được bán ngoài đường
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn
- Không ăn các món ăn sống, đồ chín tái, các món ăn để lâu ngày trong tủ lạnh hoặc có biểu hiện bị ôi thiu
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh bừa bãi khi chưa có chỉ định của bác sĩ
- Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ đào thải chất độc hại cùng vi khuẩn cho đại tràng
- Ăn nhiều hoa quả và rau xanh giúp bổ sung chất xơ cho tiêu hóa, đồng thời cung cấp vitamin và khoáng chất nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các món ăn được tẩm ướp nhiều gia vị, các món chua cay quá mức hay thức ăn chứa nhiều chất béo.
- Kiêng hút thuốc lá
- Hạn chế sử dụng bia rượu và các thức uống có cồn khác
- Đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ
- Bổ sung các thực phẩm giàu kali để tăng cường sức khỏe cho đường ruột. Chẳng hạn như các loại khoai, ngũ cốc hay chuối…
- Tập thể dục, thể thao mỗi ngày và tránh stress để tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể và giúp ngăn ngừa viêm đại tràng hữu hiệu hơn.