Vi khuẩn HP kháng thuốc có nguy hiểm không? Cách điều trị
Vi khuẩn HP kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn tạo ra kháng thể nhằm vô hiệu hóa các loại kháng sinh nhạy cảm. So với giai đoạn đầu, giai đoạn HP kháng thuốc thường gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vi khuẩn HP kháng thuốc là gì?
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là loại xoắn khuẩn sinh sống trong dạ dày người. Loại vi khuẩn này kích thích dạ dày sản sinh dịch vị và tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, thủng dạ dày và xuất huyết tiêu hóa.
Thông thường sau khi chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định phác độ điều trị ban đầu bao gồm 3 loại thuốc (thuốc ức chế bơm proton + 2 loại kháng sinh nhạy cảm). Trước đây, có khoảng 95% trường hợp bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ ban đầu. Tuy nhiên hiện nay, số lượng bệnh nhân thất bại với phác đồ 3 thuốc đang có xu hướng tăng cao.
Nguyên nhân chính gây thất bại trong quá trình điều trị là do vi khuẩn HP kháng thuốc. Kháng thuốc là thuật ngữ đề cập đến tình trạng vi khuẩn bắt đầu biến đổi và thay đổi hoạt tính nhằm “vô hiệu hóa” hoạt tính của các loại kháng sinh nhạy cảm.
Điều này khiến vi khuẩn không bị kìm hãm hoặc ức chế sau khi tiếp xúc kháng sinh. So với giai đoạn đầu, giai đoạn HP kháng thuốc rất khó điều trị và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát kịp thời.
Nguyên nhân khiến vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh
Vi khuẩn HP có thể đáp ứng tốt với kháng sinh từ phác đồ điều trị 3 hoặc 4 thuốc. Tuy nhiên nếu mắc phải những sai lầm trong quá trình điều trị, vi khuẩn có thể biến đổi cấu trúc và kháng lại hoạt tính của thuốc.
Các nguyên nhân khiến vi khuẩn HP kháng kháng sinh, bao gồm:
1. Lạm dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh thường được chỉ định trong một thời gian nhất định (thường là từ 7 – 15 ngày). Thời gian điều trị ngắn với liều lượng thích hợp sẽ giúp kiểm soát hoạt động và ức chế loại vi khuẩn này.
Tuy nhiên nếu bạn tùy tiện sử dụng kháng sinh với liều lượng và thời gian ngắn/ dài hơn chỉ định. Vi khuẩn HP có khả năng “lờn thuốc” và tự tạo ra kháng thể nhằm đối kháng với các kháng sinh nhạy cảm.
2. Không tuân thủ phác đồ bác sĩ chỉ định
Phác đồ điều trị vi khuẩn HP thường kéo dài từ 10 – 15 ngày. Tuy nhiên một số bệnh nhân chủ động ngưng thuốc khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm hoàn toàn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn tái phát trở lại và có xu hướng kháng lại thuốc kháng sinh.
Do đó bạn cần sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để điều trị triệt để vi khuẩn Helicobacter pylori bên trong dạ dày.
3. Bác sĩ chỉ định phác đồ không phù hợp
Thăm khám và điều trị tại một số phòng khám nhỏ và nhân viên y tế không có đủ chuyên môn là một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn HP kháng thuốc. Thông thường trước khi chỉ định phác đồ điều trị, bác sĩ cần tiến hành nội soi và sinh thiết dạ dày để xác định sự hiện diện của vi khuẩn và chỉ định kháng sinh thích hợp.
Tuy nhiên ở một số phòng khám nhỏ lẻ, bệnh nhân thường được chỉ định kháng sinh một cách bừa bãi. Điều này khiến cho vi khuẩn không được kiểm soát triệt để và có nguy cơ kháng thuốc cao hơn bình thường.
Vi khuẩn HP kháng thuốc có nguy hiểm không?
Vi khuẩn Helicobacter pylori là một trong những loại vi khuẩn rất khó điều trị. Không giống với những loại virus hay vi khuẩn khác, Helicobacter pylori có cấu trúc dạng xoắn rất đặc trưng. Với cấu trúc đặc biệt, loại vi khuẩn này có thể tồn tại trong môi trường có nồng độ acid cao (dạ dày người).
Sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày không chỉ gây viêm loét niêm mạc mà còn kích thích dạ dày tăng sinh dịch vị nhiều bất thường. Các yếu tố này cộng hưởng lại gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tiêu hóa và tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý nguy hiểm như loét dạ dày, ung thư dạ dày và thủng dạ dày.
Trong trường hợp vi khuẩn kháng thuốc, hầu hết các loại kháng sinh đều không đem lại cải thiện như mong đợi. Bởi lúc này vi khuẩn gần như vô hiệu hóa hoạt tính của thuốc và thường có xu hướng bùng phát mạnh, gây ra các biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Chẩn đoán vi khuẩn HP kháng thuốc
Tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc thường không biểu hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng. Do đó để xác định tình trạng này, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi và lấy sinh thiết dạ dày để xét nghiệm.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy vi khuẩn trong môi trường đặc biệt và bắt đầu kiểm tra độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị mới với thuốc ức chế bơm proton và các kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn.
Cách điều trị vi khuẩn HP kháng thuốc
1. Sử dụng thuốc Tây Y
Với những trường hợp vi khuẩn HP kháng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định phác đồ cứu vãn như sau:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) + Amoxicillin + Levofloxacin
- PPI + Bismuth + Amoxicillin + Tetracycline
- PPI + Amoxicillin (Trong trường hợp dùng đơn độc kháng sinh Amoxicillin, cần sử dụng liều cao)
- PPI + Bismuth + Furazolidone + Tetracycline
- PPI + Amoxicillin + Rifabutin
Trên thực tế, bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều lượng và thay đổi kháng sinh tùy vào mức độ kháng thuốc và đáp ứng của từng trường hợp. So với giai đoạn đầu, việc sử dụng kháng sinh trong giai đoạn kháng thuốc cần được thực hiện một cách cẩn trọng để hạn chế nguy cơ vi khuẩn bùng phát mạnh và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
2. Phối hợp với các thảo dược tự nhiên
Song song với việc sử dụng kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton, một số bệnh nhân có vi khuẩn HP kháng thuốc có thể tận dụng một số thảo dược có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên nhằm kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn. So với kháng sinh, các thảo dược này hiếm khi gây tác dụng phụ hay tình trạng kháng thuốc.
Tuy nhiên do dược tính thấp hơn thuốc Tây Y nên những bài thuốc từ thảo dược chỉ được sử dụng sau khi kết thúc phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định. Kết hợp cả Tây Y và Đông Y có thể làm tăng tác dụng điều trị và tiêu diệt dứt điểm vi khuẩn HP trong dạ dày.
Một số bài thuốc trị vi khuẩn HP kháng thuốc từ thảo dược thiên nhiên:
– Bài thuốc từ lá khôi
Lá khôi có vị chua, tính hàn, tác dụng giảm can khí uất và kháng khuẩn nên thường được nhân dân sử dụng để chữa các bệnh liên quan đến dạ dày. Ngoài ra nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, thảo dược này có thể giảm axit dạ dày, giảm nhu động ruột và cải thiện các triệu chứng khó tiêu, đau vùng thượng vị và ợ hơi ở bệnh nhân đau dạ dày có vi khuẩn HP.
- Bài thuốc 1: Lá khôi 10g, chút chít 10g, bồ công anh 12g, nhân trần 12g và lá khổ sâm 12g. Đem các dược liệu tán thành bột mịn, sau đó dùng 30g thuốc bột uống cùng với nước sôi để nguội.
- Bài thuốc 2: Uất kim, hậu phác và hương phụ mỗi vị 8g, cam thảo nam và khổ sâm mỗi vị 16g, bồ công anh và lá khôi mỗi vị 20g. Rửa sạch dược liệu rồi đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
– Bài thuốc từ cây dạ cẩm
Dạ cẩm có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn và thanh nhiệt. Các nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, nước sắc từ cây dạ cẩm có tác dụng tấn công vào nội bào của xoắn khuẩn từ đó ức chế quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào.
Vì vậy sau khi kết thúc phác đồ điều trị cứu vãn, một số bệnh nhân có thể được chỉ định bài thuốc từ cây dạ cẩm để điều trị triệt để vi khuẩn HP trong dạ dày.
- Chuẩn bị: Dạ cẩm 10 – 25g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước và chia thành 2 – 3 lần uống/ ngày. Nên sử dụng thuốc trước khi ăn để ngăn chặn các triệu chứng phát sinh sau khi dùng bữa.
– Bài thuốc từ cây chè dây
Tương tự như cây dạ cẩm, chè dây cũng là thảo dược có tác dụng ức chế vi khuẩn HP do chứa nhiều flavonoid và tannin. Để tăng tác dụng điều trị của thảo dược này, bạn nên sử dụng bài thuốc vào sáng sớm khi dùng bữa.
Nước sắc từ chè dây có tác dụng bao phủ toàn bộ niêm mạc và tiêu diệt vi khuẩn HP, từ đó làm giảm số lượng vi khuẩn có hại bên trong dạ dày.
- Chuẩn bị: Một nắm chè dây.
- Thực hiện: Đem sắc lấy nước và sử dụng trước khi dùng bữa sáng từ 10 – 15 phút.
3. Chế độ chăm sóc
So với giai đoạn ban đầu, ở giai đoạn vi khuẩn HP kháng thuốc bạn cần phối hợp giữa các phương pháp điều trị chuyên sâu với chế độ chăm sóc nghiêm ngặt. Bởi nếu tiếp tục duy trì những thói quen thiếu lành mạnh, vùng viêm loét ở dạ dày có thể lan rộng và gây ra các biến chứng nặng nề.
Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân có vi khuẩn HP kháng thuốc:
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas, trà đặc và cà phê.
- Uống từ 2.5 – 3 lít nước/ ngày để làm giảm dịch vị dạ dày. Các chuyên gia cho biết, môi trường có nồng độ acid cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh.
- Hạn chế ăn mặn, thức ăn đóng hộp, nhiều dầu mỡ và cay nóng. Trong thời gian điều trị, bạn nên tập thói quen ăn nhạt và hạn chế tối đa lượng dầu mỡ. Đồng thời cần bổ sung nhiều chất xơ và khoáng chất.
- Bổ sung một số gia vị có đặc tính kháng khuẩn vào chế độ ăn như nghệ, gừng, tỏi và tiểu hồi hương.
- Tránh thức khuya, làm việc quá sức và căng thẳng.
- Luyện tập thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
- Bổ sung sữa chua và các thực phẩm có chứa probiotic nhằm cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột và dạ dày. Từ đó làm giảm hoạt động và số lượng vi khuẩn có hại.
Phòng ngừa HP kháng thuốc bằng cách nào?
Vi khuẩn HP kháng thuốc không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.
Tuy nhiên bạn có thể phòng ngừa tình trạng với những biện pháp sau:
- Ngay khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng) cần tiến hành thăm khám trong thời gian sớm nhất.
- Sau khi có kết quả chẩn đoán, cần tuân thủ theo phác đồ được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc điều chỉnh liều dùng.
- Không tùy tiện sử dụng kháng sinh khi chưa tiến hành thăm khám.
- Nên lựa chọn các bệnh viện lớn để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Tuyệt đối không thăm khám tại những cơ sở y tế nhỏ lẻ, không có đủ thiết bị y tế và kiến thức chuyên môn.
- Phải kết hợp phác đồ điều trị với chế độ chăm sóc đúng cách.
Tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên theo thời gian. Vì vậy ngay khi được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP, bạn cần chủ động thăm khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định.