Uống thuốc dạ dày bị ra sữa và những thông tin cần biết
Uống thuốc dạ dày bị ra sữa là tình trạng khá ít gặp. Đây là tác dụng phụ khi sử dụng Sulpirid – thuốc điều hòa vận động được chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ có thể đề nghị ngưng sử dụng Sulpirid và thay thế bằng các loại thuốc khác.
Uống thuốc dạ dày bị ra sữa – Do đâu?
Sử dụng thuốc trị dạ dày có thể gây ra một số tác dụng phụ – trong đó có tình trạng tiết sữa ngay cả khi không mang thai và cho con bú. Tác dụng phụ này thường xảy ra đối với nữ giới sử dụng thuốc Sulpirid.
Thuốc Sulpirid (biệt dược Dogmatil) là loại thuốc điều hòa vận động, có thể tăng trương lực cơ vòng thực quản nhằm hạn chế hiện tượng trào ngược dịch vị.
Tuy nhiên do tác động lên hệ thần kinh nên loại thuốc có thể gây bất lực, hội chứng ngoại tháp, buồn ngủ, tăng cân, ngủ gật và rối loạn vận động. Bên cạnh đó sử dụng thuốc Sulpirid còn làm tăng prolactin máu tạm thời.
Prolactin là hormone kích thích sản sinh sữa và khiến tuyến vú chảy sữa trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên loại hormone này cũng có thể bị sản sinh bất thường do sử dụng một số loại thuốc điều trị – chẳng hạn như thuốc Sulpirid.
Nồng độ hormone prolactin tăng đột ngột có thể gây cản trở quá trình sản sinh hormone progesterone và estrogen, dẫn đến hiện tượng ngưng rụng trứng hoặc trứng rụng không theo chu kỳ. Vì vậy ngoài chứng tiết sữa bất thường, nữ giới sử dụng thuốc trị đau dạ dày Sulpirid còn gặp phải một số triệu chứng như kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh.
Nên làm gì khi uống thuốc dạ dày bị ra sữa?
Thuốc dạ dày Sulpirid thường được chỉ định trong điều trị ngắn hạn do nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó khi nhận thấy tình trạng tiết sữa bất thường và một số triệu chứng lạ khác, bạn nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc về việc có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.
Trong trường hợp nhận thấy nguy cơ cao khi dùng Sulpirid, bác sĩ có thể thay thế bằng các loại thuốc như:
- Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này thường chứa magie và nhôm, có tác dụng bảo vệ ổ loét và trung hòa dịch vị dạ dày. Thuốc kháng axit được khuyến cao sử dụng sau khi ăn 1 – 3 giờ và dùng từ 3 – 4 lần/ ngày.
- Thuốc chẹn thụ thể H2: Hay còn gọi là thuốc kháng histamine H2, có tác dụng ức chế chọn lọc thụ thể H2 ở thành dạ dày nhằm ngăn chặn hoạt động bài tiết dịch vị. Giảm dịch vị trong dạ dày có thể hạn chế được hiện trượng trào ngược thực quản và ăn mòn niêm mạc. Tuy nhiên theo một số ghi nhận, thuốc chẹn H2 vẫn có khả năng làm tăng prolactin trong máu.
- Thuốc ức chế bơm proton: Nhóm thuốc này có hoạt động tương tự thuốc chẹn thụ thể H2. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây loãng xương và hạ magie huyết nên ít khi được sử dụng cho phụ nữ sau khi sinh và người cao tuổi:
- Thuốc điều hòa vận động khác: Ngoài việc sử dụng thuốc Sulpirid, bác sĩ có thể thay thế bằng một số loại thuốc điều hòa vận động khác như Metoclopramid (biệt dược Anausin và Primperan), Metopimazin (biệt dược Volgalen) và Domperidon (biệt dược Peridy, Motilium).
Thuốc Sulpirid chỉ gây tăng prolactin tạm thời nên sau khi ngưng thuốc, triệu chứng sẽ thuyên giảm dần và chu kỳ kinh nguyệt sẽ có xu hướng điều hòa trở lại.
Một số nguyên nhân khác gây tiết sữa bất thường
Uống thuốc dạ dày bị ra sữa là tác dụng phụ ít gặp. Tuy nhiên triệu chứng này chỉ có tính chất tạm thời và có xu hướng thuyên giảm sau khi ngưng sử dụng Sulpirid và thay thế loại thuốc mới.
Trong trường hợp ngưng sử dụng thuốc nhưng triệu chứng tiết sữa bất thường vẫn không thuyên giảm, bạn nên xem xét một số khả năng sau:
- Tác dụng phụ của các loại thuốc khác: Ngoài Sulpirid, hiện tượng tăng hormone prolactin và tiết sữa bất thường có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc khác như Pimozide (thuốc điều trị loạn tâm thần), Imipramine (thuốc điều trị mất ngủ), Amphetamine (thuốc tăng cường trí nhớ), Butyrophenones (nhóm thuốc an thần),…
- U tuyến yên: U tuyến yên dạng u tiết prolactin là dạng hay gặp nhất. Sự xuất hiện của khối u này có thể làm tăng prolactin máu và gây tiết sữa bất thường.
- Bệnh tự miễn ở tuyến yên: Bệnh lý tự miễn xảy ra ở tuyến yên có thể làm tăng nồng độ prolactin trong máu, gây rối loạn kinh nguyệt và khiến tuyến vú tiết ra dịch sữa.
- Các bệnh lý khác: Ngoài ra hiện tượng tiết sữa trong thời gian không mang thai còn có thể xảy ra do tổn thương tủy sống, suy thận mãn tính, suy tuyến giáp và xơ gan.
- Nguyên nhân sinh lý: Hoạt động tiết sữa bất thường ở tuyến vú cũng có thể do phẫu thuật ngực, mặc áo ngực quá chật, căng thẳng, ngủ quá nhiều,…
Uống thuốc dạ dày bị ra sữa là tác dụng phụ ít gặp. Trong trường hợp gặp phải triệu chứng này, nên thông báo với bác sĩ để được thay đổi loại thuốc và cân nhắc các khả năng khác có thể xảy ra.