Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đường ruột – Tiêu chảy phải làm sao?
Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh, gây tiêu chảy, biếng ăn, sút cân gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Con đường lây nhiễm chính của bệnh là tiếp xúc với các đồ vật có chứa vi khuẩn, ổ vi khuẩn là động vật, gia súc hoặc gia cầm.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh mới bước vào giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hoá của trẻ còn rất non yếu là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus xâm nhập gây tổn thương, nhiễm khuẩn. Có nhiều loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh, được tìm thấy trong các loại thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày như rau sống, thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, trứng, các sản phẩm từ sữa, nước,… như:
– Viruses:
- Rotavirus
- Calicivirus
- Norwalk-Like Virus
- Astro Virus
- Enteric-Type Adenovirus
– Vi khuẩn:
- Campylobacter Jejuni
- Salmonella
- Escherrichia Coli Shigella
- Yersinia Enterocolitica
- Clostridium Difficile
- Vibrio Parahaemolyticus
- Vibrio Cholerae 01
– Ký sinh trùng:
- Cryptosporidium
- Giardia Lamblia
Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn, virus:
- Các vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh thông qua con đường ăn uống.
- Chúng tấn công vào ruột, sinh sôi phát triển sản xuất ra các chất độ gây hại cho cơ thể.
- Các loại vi khuẩn virus gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột rất dễ lây nhiễm, có thể lan qua đường tiếp xúc đồ dùng cá nhân hoặc chân tay,…
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ em có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập tấn công cơ thể.
- Cho trẻ ăn những loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
- Thực phẩm được chế biến và nấu chín chưa kỹ, để bên ngoài nhiệt độ phòng quá lâu, không được hâm nóng lại.
- Khu vực gần nơi sinh sống có ổ dịch, đưa trẻ đến những nơi đông đúc hoặc là đi du lịch.
- Sử dụng thuốc làm giảm độ acid dạ dày.
Triệu chứng nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh
Tuỳ vào mỗi loại vi khuẩn gây bệnh, mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng sức khoẻ của trẻ sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Mẹ cần theo dõi kỹ tình trạng của bé, khi có những dấu hiệu dưới đây nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện:
- Bé bị quấy khóc, đau bụng dữ dội
- Có triệu chứng sốt
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều
- Bé đi phân lỏng
- Trong phân có lẫn chất nhày hoặc bạch cầu
- Cơ thể bé thiếu nước, xanh xao, hốc hác
- Thời gian ủ bệnh có thể từ 2 – 5 ngày, hoặc cũng có thể 1 – 10 ngày
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đường ruột
Khi trẻ có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn đường ruột, mẹ cần phải có các biện pháp xử lý kịp thời và đúng cách, giúp bảo vệ sức khỏe cho con. Tránh tình trạng mất nước gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Bé bị nhiễm khuẩn đường ruột nhẹ
Những trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột ở mức độ nhẹ, mẹ có thể điều trị và chăm sóc bé tại nhà. Sau khoảng 1 – 2 ngày là tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột sẽ hết.
- Cho trẻ uống nước thường xuyên, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn bình thường.
- Những trẻ hơn 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho trẻ ăn uống các loại trái cây chứa nhiều kali như chuối, cam, nước dừa tươi,…
- Nếu trẻ đang ăn dặm, mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, cố gắng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé trong ngày.
- Chế biến thức ăn cho bé mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa.
- Một số loại đồ uống như gừng, húng quế,… sẽ giúp làm dịu dạ dày của trẻ, chống nhiễm trùng.
- Những trường hợp nặng hơn, mẹ có thể cho bé uống dung dịch oresol để bù điện giải cho bé.
Trường hợp bé bị nhiễm khuẩn đường ruột nặng
Mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ ngay khi bệnh có dấu hiệu trở nặng và trẻ có những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt là khi xuất hiện những triệu chứng sau:
- Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần kèm theo sốt
- Phân lỏng có chất nhầy và máu, phân toàn nước có màu đục
- Trẻ không tiểu tiện và tiểu tiện rất ít
- Trẻ vả mồ hôi, lừ đừ, tay chân lạnh
- Trẻ nôn mửa nhiều, không bú được
Lưu ý: Bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị cho trẻ, điều này có thể gây nguy hiểm đối với trẻ. Chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Phác đồ điều trị nhiễm khuẩn đường ruột nặng ở trẻ sơ sinh
Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh khi bị nhiễm khuẩn đường ruột là tiến hành bù nước và điện giải, xử lý kịp thời các biến chứng nếu có và phòng ngừa bệnh lây lan.
Bù dịch và điện giải
Đường tĩnh mạch: Được chỉ định sử dụng khi trẻ bị mất nước nặng, có kèm theo các biến chứng nôn ói liên tục, thời gian đi ngoài nhiều và không thể bù dịch bằng đường miệng.
Bù dịch qua đường uống: Trẻ không mất nước hoặc có mất nước nhưng không chỉ định truyền dịch. Có thể cho trẻ uống nước hoặc là dung dịch bù nước oresol.
Kháng sinh
Trẻ được chỉ định sử dụng kháng sinh ở những trường hợp phân có máu, có các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân hay nhiễm trùng đường ruột khác. Các loại kháng sinh thường được sử dụng là:
- Sighella: Ciprofloxacin 30mg/kg/ngày, chia ra sử dụng 2 lần
- Giardia lamblia, Cryptosporidium: Metronidazole 15 – 20mg/kg/ngày, chia ra sử dụng 2 lần
Điều trị hỗ trợ
- Khuyến khích cho trẻ bú mẹ thường xuyên.
- Cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu, tiếp tục uống sữa.
- Cho trẻ ăn ít nhất 6 lần/ngày.
Cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh
Để có thể phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần phải lưu ý những điều sau:
- Vệ sinh cơ thể trẻ và đồ chơi của trẻ sạch sẽ, tránh để bé tiếp xúc với mầm bệnh.
- Cho trẻ ăn chín uống sôi, lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, chế biến sạch và nấu chín kỹ, hạn chế ăn các đồ ăn sống, uống sữa chưa tiệt trùng.
- Vệ sinh nhà bếp sạch sẽ, sử dụng thớt và dao riêng khi chế biến đồ sống và đồ chín.
- Bảo quản thực phẩm, thức ăn cẩn thận, không nên để bên ngoài quá lâu.
- Khi chế biến đồ ăn nên ưu tiên những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, dạng lỏng hay mềm để giúp trẻ dễ tiêu hoá và hấp thụ như cháo, soup, nước trái cây,…thường xuyên thay đổi món ăn theo sở thích và nhu cầu của trẻ.
- Khi vật nuôi bị ốm không nên đưa chúng lại gần trẻ.
- Cha mẹ nên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là khi muốn tiếp xúc với trẻ.
Trên đây là những thông tin về bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh, hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bé. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc và kháng sinh gây ra những biến chứng nguy hiểm.