Trẻ bị viêm dạ dày – Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Hệ tiêu hóa của trẻ thường chưa được hoàn thiện cùng với đó là sức đề kháng yêu nên rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Trẻ bị viêm dạ dày là vấn đề rất phổ biến mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm. Bởi để lâu bệnh có thể tiến triển thành mãn tính không những khó điều trị mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ bị viêm dạ dày – Nguyên nhân do đâu?
Trẻ em là một trong những đối tượng nhạy cảm nên rất dễ gặp các vấn đề sức khỏe, trong đó, viêm dạ dày là một trong những vấn đề rất phổ biến. Trẻ có thể bị viêm dạ dày do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, cụ thể như:
- Nhiễm vi khuẩn, virus: Cũng giống như ở người lớn, đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị viêm dạ dày. Trong đó, vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là tác nhân chính gây ra rất nhiều vấn đề cho hệ tiêu hóa.
- Chế độ ăn thiếu lành mạnh: Dạ dày của trẻ em thường chưa được hoàn thiện một cách toàn diện nên rất dễ bị kích ứng. Ăn nhiều các thực phẩm chua, nóng, cay sẽ khiến cho niêm mạc dạ dày bị bào mòn, tổn thương và dễ bị viêm nhiễm.
- Sử dụng thuốc sai cách: Trẻ em là đối tượng rất dễ gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Nhất là việc dùng không đúng cách sẽ khiến cho dạ dày cũng như đường ruột bị tổn thương.
- Stress, căng thẳng: Nguyên nhân này phổ biến hơn ở những trẻ đã bước vào tuổi đến trường. Áp lực trong học tập cũng sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, trầm cảm. Điều này cũng có thể tác động và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày.
Triệu chứng nhận biết bệnh viêm dày ở trẻ em
Để sớm nhận biết được trẻ đang bị viêm dạ dày thì bạn nhất định phải nắm được các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp ở trẻ mà khi chú ý bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra:
1. Đau bụng thường xuyên
Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ sống chung với bệnh viêm dạ dày. Tình trạng này có thể kích hoạt ở cả trước hay sau bữa ăn. Vị trí đau thường là trên rốn hoặc xung quanh vùng rốn.
Vào ban đêm thì trẻ có xu hướng bị đau nhiều hơn, khiến trẻ tỉnh giấc. Cơn đau có thể âm ỉ nhưng đôi khi cũng sẽ quặn thắt, dữ dội trong vài ba chục phút cho đến hàng giờ liên tục.
2. Đầy hơi, khó tiêu, ợ chua
Dạ dày của trẻ bị tổn thương do viêm nhiễm khiến hoạt động tiêu hóa thức ăn bị ngưng trệ. Chính điều này khiến trẻ thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu.
Thêm vào đó, khi bị viêm dạ dày thì cơ quan này cũng sẽ có xu hướng tiết acid dịch vị nhiều hơn. Acid dư thừa dễ trào ngược lên thực quản và gây ra các triệu chứng ợ chua, ợ hơi…
3. Chán ăn, biếng ăn
Việc tiêu hóa thức ăn gặp khó khăn cùng với các triệu chứng đau bụng, khó tiêu, ợ chua… kích hoạt là nguyên nhân khiến trẻ chán ăn. Tình trạng này kéo dài thường khiến cho trẻ chậm tăng cân, thậm chí là bị sút cân không kiểm soát.
4. Buồn nôn, nôn ói
Đây cũng là một trong những triệu chứng rất phổ biến khi trẻ bị viêm dạ dày, nhất là ở những trẻ dưới 2 tuổi. Trường hợp bệnh nặng có thể khiến trẻ bị ói ra máu khi tình trạng viêm gây xuất huyết. Hiện tượng này nếu không được can thiệp đúng cách và kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
5. Đại tiện bất thường
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy trẻ đại tiện ra phân bất thường khi bị viêm dạ dày. Lúc này, trẻ thường đại tiện ra phân đen hoặc đôi khi trong phân còn dính máu tươi.
Ngoài những triệu chứng phổ biến trên đây, trẻ còn có thể gặp các vấn đề khác, ví dụ như:
- Da xanh xao, lòng bàn chân bàn tay nhợt nhạt
- Cơ thể mệt mỏi
- Thường xuyên bị chóng mặt
- Hay mất tập trung
Các triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ có thể dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, nhất là vấn đề về tiêu hóa. Chính vì thế mà bạn cần chú ý theo dõi và đưa trẻ thăm khám khi trẻ có bất cứ biểu hiện khác thường nào.
Trẻ bị viêm dày chẩn đoán như thế nào?
Cũng giống như đối với người lớn, để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ở trẻ, trước hết bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Việc dựa vào các triệu chứng mà trẻ gặp phải là hết sức cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi thêm về tiền sử bệnh lý của trẻ cũng như các thành viêm trong gia đình.
Thông thường, việc thăm khám lâm sàng sẽ không thể giúp đưa ra được chẩn đoán xác định. Do đó, bác sĩ có thể thực hiện một số thủ thuật y khoa chuyên sâu hơn.
- Xét nghiệm máu: Thường để bác sĩ kiểm tra xem có nhiễm trùng hoặc trẻ có bị mất nước hay thiếu máu không.
- Xét nghiệm hơi thở: Sẽ nhận định được nếu nguyên nhân khiến trẻ bị viêm dạ dày là vi khuẩn Hp. Đầu tiên bác sĩ sẽ cho trẻ uống một chất lỏng và yêu cầu trẻ thở vào chiếc túi. Sau đó bác sĩ sẽ đo lượng carbon dioxide trong hơi thở của trẻ.
- Nội soi: Giúp bác sĩ quan sát rõ hơn dạ dày của trẻ và kịp thời phát hiện khi có kích thích hay chảy máu. Khi nội soi, một mẫu bệnh phẩm có thể sẽ được lấy ra từ dạ dày để mang đi xét nghiệm.
Hướng điều trị khi trẻ bị viêm dạ dày
Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Điều này phụ thuộc phần nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ, việc áp dụng điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra là cần thiết.
1. Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thuốc cho trẻ dùng nhằm điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hay để làm giảm acid dạ dày. Nếu xác định vi khuẩn Hp là tác nhân gây bệnh thì một số loại kháng sinh đặc trị sẽ được sử dụng.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc kháng acid cũng sẽ được chỉ định cho trẻ dùng khi bị viêm dạ dày. Mục đích của các thuốc này là giúp trung hòa hay ức chế sản xuất acid dạ dày nhằm cải thiện triệu chứng của bệnh.
**Lưu ý: Tất cả các loại thuốc điều trị viêm dạ dày ở trẻ em đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh phản ứng phụ. Cần theo dõi sát sao quá trình trẻ dùng thuốc, tránh để trẻ dùng quá liều. Khi có các vấn đề bất thường phát sinh cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
2. Chăm sóc và dự phòng
Một số biện pháp chăm sóc không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, khắc phục triệu chứng mà còn ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại. Cần chú ý đến các vấn đề được nhắc đến dưới đây:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Một số loại thực phẩm có thể sẽ gây viêm hoặc làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày. Bạn không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm chua, cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường, thức uống có gas…
- Uống nhiều nước: Đây là thành phần quan trọng giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Nếu trẻ bị nôn ói thường xuyên hay bị tiêu chảy, cần chú ý bổ sung nước cho trẻ nhiều hơn.
- Tránh áp lực, stress: Tình trạng này cũng được cho là yếu tố khiến bệnh viêm dạ dày ở trẻ nghiêm trọng thêm. Cần giúp trẻ quản lý tốt căng thẳng để tăng cường miễn dịch cũng như cải thiện các vấn đề về tiêu hóa.
- Rèn luyện thân thể: Mặc dù không tác động trực tiếp đến bệnh nhưng lại có thể hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị. Ngoài ra, tập luyện thể dục còn giúp trẻ tăng đề kháng, đồng thời ngăn ngừa được một số biến chứng của bệnh viêm dạ dày.
- Bổ sung thêm vitamin D: Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường vitamin D sẽ giúp giảm nguy cơ viêm dạ dày. Đồng thời còn hỗ trợ tăng miễn dịch và đề kháng cho cơ thể trẻ.
Bệnh viêm dạ dày ở trẻ em mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng cũng sẽ rất nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Bạn cần chú ý đưa trẻ thăm khám ngay từ khi những triệu chứng đầu tiên manh nha xuất hiện.