Trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP chữa khỏi được không?
Trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP đề cập đến tình trạng axit dịch vị trào ngược lên thực quản có dương tính với xoắn khuẩn Helicobacter pylori. Bệnh lý này có thể được điều trị dứt điểm nếu thực hiện theo phác đồ được bác sĩ chỉ định kết hợp với các biện pháp tại nhà và lối sống lành mạnh.
Trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP là gì?
Trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP đề cập đến tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản có dương tính với xoắn khuẩn Helicobacter pylori (HP). Helicobacter pylori là một loại xoắn khuẩn gram âm có khả năng tồn tại và phát triển bên trong dạ dày người. Loại vi khuẩn này có cấu trúc xoắn rất đặc biệt nên có thể xâm nhập và thích nghi với môi trường axit cao.
Nhiễm vi khuẩn HP được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra các chứng bệnh liên quan đến dạ dày – trong đó có trào ngược dạ dày thực quản. So với trào ngược dạ dày đơn thuần, tình trạng trào do vi khuẩn HP thường khó điều trị hơn và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số trường hợp dương tính với vi khuẩn này nhưng không phát sinh bất cứ vấn đề bất thường ở đường tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn HP không phải là yếu tố duy nhất gây ra trào ngược thực quản và các bệnh về dạ dày. Các bệnh lý này phát sinh còn do một số nguyên nhân cộng hưởng khác như chế độ dinh dưỡng, hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia, căng thẳng, thức khuya,…
Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP
Trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP thường gây ra các triệu chứng tương tự trào ngược dạ dày do các nguyên nhân khác.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày:
- Ợ hơi, ợ chua
- Nóng rát thượng vị
- Đau dạ dày
- Buồn nôn, nôn mửa
- Chán ăn
- Đầy bụng
- Khàn tiếng, mất tiếng
- Đau rát cổ họng
Nếu trào ngược dạ dày xảy ra khi ngủ, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như đau thắt ngực, mất ngủ, khó ngủ, dễ thức giấc, thở khò khè, ho,…
Biến chứng của trào ngược dạ dày do vi khuẩn HP
Trào ngược dạ dày là tình trạng mãn tính và có xu hướng tái phát nhiều lần. Nếu kiểm soát tốt, bệnh gần như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hay sức khỏe.
Tuy nhiên trong trường hợp trào ngược thực quản có dương tính với vi khuẩn HP, bệnh thường có tiến triển phức tạp và dễ gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Sự xuất hiện của vi khuẩn Helicobacter pylori bên trong dạ dày có thể kích thích cơ quan này bài tiết dịch vị nhiều hơn bình thường. Ngoài ra vi khuẩn còn tấn công vào các mô và gây tổn thương niêm mạc. Nếu không kiểm soát kịp thời, trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP có thể gây biến chứng loét dạ dày tá tràng.
- Xuất huyết dạ dày: Hoạt động trào ngược dịch vị kết hợp với ảnh hưởng của vi khuẩn HP có thể ăn mòn niêm mạc dạ dày, làm vỡ động mạch và gây ra tình trạng xuất huyết. Xuất huyết dạ dày là biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
- Loét thực quản: Loét thực quản là biến chứng thường gặp nhất của trào ngược dạ dày. Theo thời gian, dịch vị axit có thể ăn mòn niêm mạc thực quản và gây loét cơ quan này. Bên cạnh hoạt động của vi khuẩn HP còn đẩy nhanh quá trình ăn mòn và khiến hiện tượng viêm loét xảy ra trên phạm vi rộng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp: Thực quản nằm ở vị trí cuống họng, liền kề với thanh quản và cổ họng. Do đó nếu axit trào ngược lên trong thời gian dài, bạn có thể mắc phải một số bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản,…
Ngoài các biến chứng nói trên, trào ngược dạ dày do vi khuẩn HP còn làm giảm chất lượng cuộc sống, gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP có chữa khỏi được không?
Trào ngược dạ dày là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể tiêu diệt vi khuẩn HP dứt điểm nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Khi vi khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn, các triệu chứng do trào ngược dạ dày sẽ thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên trào ngược dạ dày vẫn có khả năng tái phát nếu bạn tiếp tục duy trì các thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học.
Chính vì vậy để điều trị và phòng ngừa trào ngược dạ dày dương tính với vi khuẩn HP, bạn nên kết hợp việc sử dụng thuốc với lối sống lành mạnh và khoa học.
Chẩn đoán trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP
Ngoài việc xem xét tiền sử bệnh lý và thăm khám triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Test hơi thở: Test hơi thở là xét nghiệm tìm vi khuẩn HP khá phổ biến. Khi thực hiện xét nghiệm này, bạn sẽ được sử dụng thuốc chứa urea sau đó bác sĩ sẽ thu thập hơi thở rồi đem đi xét nghiệm.
- Xét nghiệm phân/ máu: Vi khuẩn HP không chỉ có mặt trong dạ dày mà còn theo thức ăn di chuyển xuống ruột kết và được đào thải ra ngoài thông qua đường phân. Ngoài ra bác sĩ còn có thể xét nghiệm máu nhằm xác định kháng thể tương ứng với loại vi khuẩn này.
- Nội soi và sinh thiết dạ dày: Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi nhằm quan sát biểu hiện ở thực quản và dạ dày. Sau đó có thể sinh thiết mô nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn HP.
Các biện pháp điều trị trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP
Điều trị trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP chủ yếu là sử dụng kháng sinh và các loại thuốc cải thiện triệu chứng. Bên cạnh đó, có thể phối hợp với một số biện pháp tại nhà nhằm hỗ trợ quá trình chữa trị.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP bao gồm thuốc ức chế bơm proton, thuốc chẹn H2, thuốc kháng axit và kháng sinh.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu đối với các bệnh lý dạ dày có liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori. Các loại kháng sinh thường được sử dụng, bao gồm Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole, Tinidazole,… Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định 2 loại kháng sinh cùng lúc nhằm ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP hoàn toàn.
- Thuốc chẹn H2: Thuốc chẹn H2 còn được gọi là kháng histamine H2. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế chọn lọc thụ thể H2 ở thành dạ dày nhằm ngăn chặn quá trình sản sinh dịch vị. Giảm dịch vị ở dạ dày có thể hạn chế tình trạng trào ngược, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI có tác dụng tương tự như thuốc chẹn H2. Tuy nhiên sử dụng PPI có thể gây tiêu chảy, táo bón, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương ở người cao tuổi.
- Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày và bảo vệ ổ loét. Thuốc kháng axit có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng và nóng rát. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể làm giảm mức độ hấp thu các loại thuốc khác nên cần sử dụng cách nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ.
2. Biện pháp điều trị tại nhà
Song song với việc sử dụng thuốc phác đồ của bác sĩ, bạn cũng có thể cải thiện triệu chứng trào ngược axit dạ dày và ức chế vi khuẩn HP với những biện pháp sau:
- Nghệ và mật ong: Nghệ và mật ong là bài thuốc chữa viêm loét dạ dày được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra bài thuốc này còn thích hợp với những trường hợp bị trào ngược dạ dày dương tính với vi khuẩn HP. Sử dụng mật ong trộn đều với bột nghệ và ăn một lượng vừa đủ vào sáng sớm có thể làm giảm các triệu chứng rõ rệt.
- Uống trà hoa cúc: Trà hoa cúc không chứa caffeine và cung cấp nhiều hoạt chất có tác dụng an thần. Uống trà hoa cúc ấm trước khi đi ngủ có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, thư giãn cơ thắt dạ dày và ngăn chặn triệu chứng trào ngược thực quản.
- Uống trà gừng: Gừng có hoạt tính kháng sinh và chống viêm mạnh. Uống trà gừng ấm vào sáng sớm có thể cải thiện triệu chứng buồn nôn, đau thượng vị và hỗ trợ ức chế vi khuẩn Helicobacter pylori. Khi pha trà gừng, bạn có thể thêm 1 thìa mật ong vào để tăng hương vị và tác dụng điều trị.
Lối sống cho bệnh nhân trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP
Ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị, bệnh nhân bị trào ngược dạ dày kèm vi khuẩn HP cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống để kiểm soát tiến triển của bệnh. Kết hợp đồng thời giữa lối sống khoa học và sử dụng thuốc có thể rút ngắn thời gian hồi phục và đem lại kết quả điều trị tối ưu.
Xây dựng lối sống cho bệnh nhân trào ngược dạ dày có vi khuẩn HP:
- Nên ăn uống đúng giờ, có thể chia thành 4 – 5 bữa ăn nhỏ để tránh gây áp lực lên dạ dày và thực quản. Đồng thời nên ăn tối sớm và cách thời gian ngủ ít nhất 3 giờ đồng hồ.
- Hạn chế các loại thực phẩm làm tăng hoạt động bài tiết dịch vị như thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ và chất bảo quản.
- Kiêng sử dụng rượu bia, cà phê, trà đặc và nước ngọt có gas. Đồng thời không nên hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
- Sử dụng gối chống trào ngược để hạn chế tình trạng dịch vị trào ngược lên thực quản khi ngủ.
- Thường xuyên tập thể dục nhằm kiểm soát cân nặng và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Tránh thức khuya, làm việc quá sức và căng thẳng thần kinh. Thay vào đó nên ngủ trước 23 giờ, ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày và thực hiện các hoạt động thư giãn nhằm giải tỏa căng thẳng.
- Giữ vệ sinh răng miệng nhằm hạn chế các biến chứng của trào ngược thực quản như viêm họng, viêm amidan và viêm thanh quản.
Trào ngược dạ dày do vi khuẩn HP thường có mức độ nghiêm trọng hơn so với trào ngược dạ dày đơn thuần. Do đó khi điều trị, bạn cần kết hợp đồng thời việc sử dụng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh.