Tiêu chảy rota có lây không, làm sao điều trị, phòng ngừa?
Tiêu chảy rota là một bệnh thường gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 610.000 trẻ em tử vong vì mắc tiêu chảy do virus rota gây ra. Có thể thấy, đây là một bệnh vô cùng nguy hiểm mà bố mẹ tuyệt đối không thể chủ quan, xem thường.
Tiêu chảy rota là gì?
Được biết, bệnh do rotavirus, một loại virus phổ biến ở đường ruột gây ra. Đây là một chủng virus dạng vòng và là nguyên nhân gây ra hầu hết tình trạng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Virus rota thuộc họ Reoviridae, được chia thành 7 nhóm A, B, C, D, E, F, G. Trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người.
Virus rota có dạng hình khối cầu 20 mặt, acid nucleic là ARN sợi nằm ở trung tâm hạt virus. Loại virus này sống bền vững trong môi trường, có thể bám và tồn tại nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên bề khác. Có khả năng sống trong phân một tuần và bị bất hoại nhanh chóng khi bị xử lý bằng EDTA ở nhiệt độ cao.
Tiêu chảy Rota là bệnh do virus Rota gây ra, thường xảy ra tập trung theo mùa nhất là mùa đông ở các nước có khí hậu ôn đường, rải rác quanh năm ở các nước nhiệt đới. Theo thống kê của các nước đang phát triển, có đến trên 125 triệu ca tiêu chảy do virus Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.
Biểu hiện của tiêu chảy rota
Cơ chế gây bệnh của tiêu chảy rota là do sự xâm nhập của virus độc lực vào cơ thể phá hủy tế bào trụ, làm lớp trụ này biến dạng. Từ đó khiến quá trình hấp thu ở ruột bị suy giảm gây ứ đọng các chất trong lòng ruột nhất là carbohydrate làm tăng áp suất thẩm thấu, kéo nước ra ngoài. Kết quả dẫn đến tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân ở dạng lỏng, nhiều nước.
Sau 1 – 2 ngày lây nhiễm sẽ có các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy rota như sau:
- Nôn ói, tiêu chảy: Nôn thường kéo dài 2 – 3 ngày, trẻ có thể nôn nhiều ở ngày đầu, sau giảm bớt và bắt đầu bị tiêu chảy. Tình trạng nôn ói thường xuất hiện trước tiêu chảy 6 – 12 giờ.
- Thay đổi trạng thái phân: Phân của trẻ bị nhiễm virus rota lỏng, toàn nước, nhớ, có thể có đờm hoặc có màu xanh dưa cải, không có máu. Tình trạng tiêu chảy thường kéo dài từ 3 – 9 ngày, tiêu chảy nghiêm trọng trong những ngày đầu sau đó giảm dần.
- Trẻ có dấu hiệu sốt vừa phải, đau bụng, có thể ho và chảy nước mũi. Có dấu hiệu hạ kali dẫn đến loạn nhịp tim, liệt ruột cơ năng, chướng bụng, người mệt mỏi, đuối sức.
- Đặc biệt, trẻ bị tiêu chảy rota thường rất dễ bị mất nước với các biểu hiện như môi khô, da khô, lưỡi khô, tiểu ít, quấy khóc, khát nước.
Tiêu chảy rota có lây không?
Tiêu chảy rota có lây không là thắc mắc chung của nhiều người. Như đã đề cập, tác nhân gây bệnh do rotavirus, có thể tồn tại bền vững trong môi trường. Loại virus này có khả năng lây truyền qua đường miệng hoặc đường phân. Ngoài ra, có thể lây qua đường hô hấp và đôi khi lây lan qua nước có chứa rotavirus. Trong đó:
- Người là ổ chứa virus rota duy nhất, các virus rota ở động vật không gây bệnh cho người.
- Phân của người bệnh mang virus rota làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Ngoài ra, virus rota cũng có thể gây ô nhiễm thực phẩm và các vật dụng khác.
- Thời gian ủ bệnh từ 1 – 7 ngày, thời gian lan truyền có thể kéo dài trong 3 tuần mắc bệnh.
- Trẻ 3 tháng tuổi là đối tượng ít bị bệnh, những trẻ đã mắc bệnh thường có tính miễn dịch với virus rota nhưng không bền vững và có thể mắc lại.
- Bệnh thường gặp ở trẻ từ 4 – 24 tháng tuổi và những người chăm sóc trẻ mắc bệnh nhất là người cao niên, người lớn tuổi.
Tiêu chảy rota có nguy hiểm không?
Tại Việt Nam, tiêu chảy rotavirus là một bệnh rất phổ biến chỉ đứng sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em miền Bắc. Theo thống kê, có tới 56% số trẻ nhập viện vì bệnh viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm virus rota.
Khi trẻ bị tiêu chảy rota nếu không được chăm sóc thích hợp có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm là khô kiệt do mất muối, mất nước. Nếu không được bù nước kịp thời, trẻ có thể bị trụy mạch và tử vong. Có thể thấy, virus rota tiêu chảy cấp là một loại virus nguy hiểm. Do đó, khi bé bị nhiễm virus rota gây nôn mửa, tiêu chảy liên tục phải quan tâm và chăm sóc bé đúng cách.
Cách điều trị tiêu chảy rotavirus ở trẻ em
Bệnh tiêu chảy do rotavirus gây ra là bệnh cấp tính, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân tử vong vì mất nước, mất điện giải. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu cũng không thể điều trị kháng sinh. Như vậy, với trẻ mắc virus rota thì bù nước, bù điện giải, bổ sung dinh dưỡng là cách điều trị tốt nhất.
1. Bù nước cho trẻ tiêu chảy rota
Bố mẹ có thể bù nước, bù điện giải cho bé bằng nước oresol. Phải pha đúng liều lượng, không được quá đặc hoặc quá loãng để tránh rối loạn nước và điện giải. Có thể pha cả gói nhưng lượng nước sử dụng cần đong thật chính xác.
Nên đút từng thìa, cứ 2 phút cho uống 1 thìa, không nên để bé uống một lần hoặc liên tục sẽ gây nôn và khiến đường ruột khó hấp thu. Không nên chỉ cho bé uống nước lọc, nước hoa quả pha đường, nước gạo vì sẽ không hiệu quả. Đặc biệt, tuyệt đối không cho bé uống soda, coca hay nước có gas.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Các bác sĩ cho biết, bố mẹ nên đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Cho trẻ bú, ăn thực phẩm bình thường. Nên bổ sung các thực phẩm như chuối tiêu, cháo loãng, sữa vào bữa ăn hàng ngày cho bé. Nếu bé gặp tình trạng không dung nạp lactose thì nên chọn loại sữa không chứa lactose.
Không nên cho trẻ uống các loại lá như đọt ổi, quả hồng xiêm, ổi xanh, lá nhọ nồi… Những loại lá và quả này có chứa chất tanin giúp cầm tiêu chảy nhanh. Tuy nhiên lúc này cơ thể đang cần đào thải virus rota. Việc cầm tiêu chảy chỉ khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng và kéo dài hơn.
3. Không dùng sử dụng thuốc bừa bãi
Thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy không có khả năng diệt virus gây bệnh mà còn làm liệt ruột, giảm nhu động ruột. Không chỉ thể còn có thể gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí là tử vong do phân không được thải ra ngoài.
Do đó, tuyệt đối không tự ý cho con uống kháng sinh, không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho bé. Việc sử dụng thuốc sẽ khiến tình trạng bệnh trở nặng và còn kèm theo những tác dụng phụ không mong muốn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bé nhà bạn xuất hiện các biểu hiện dưới đây thì nên nhanh chóng liên lạc bác sĩ hoặc đưa bé đến bệnh viện ngay:
- Bé bị tiêu chảy nặng, kèm theo máu, đi ngoài 10 lần/ngày.
- Nôn liên tục trong hơn 3 tiếng, sốt trên 39 độ C.
- Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, người lờ đờ mệt mỏi, buồn ngủ bất thường, khô miệng, môi khô, da khô…
Biện pháp phòng tiêu chảy rota
Để tránh mắc phải căn bệnh này, bố mẹ có thể thực hiện phòng ngừa cho trẻ và người thân như sau:
- Chủ động phòng ngừa bằng cách cho trẻ từ 2 tháng tuổi uống vắc xin dự phòng ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Có 2 loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn cho sử dụng là RotaTeq và Rotarix.
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước và sau khi ăn hay cầm thức ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh để tránh nhiễm rotavirus qua đường tiêu hóa
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng và giúp trẻ nhanh hồi phục nếu mắc bệnh tiêu chảy rota.
Bên cạnh việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, bù nước và điện giải, bố mẹ có thể cho trẻ uống men vi sinh có chứa Probiotic và Prebiotic. Chúng sẽ giúp bảo vệ đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa ở trẻ và tạo môi trường có lợi cho sự phát triển của các lợi khuẩn trong ruột.