Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Thuốc điều trị & kế hoạch chăm sóc
Tiêu chảy cấp ở trẻ em là một trong những bệnh khá phổ biến ở trẻ em, nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể gây mất nước và mất cân bằng chất điện giải dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn nếu không được bù nước kịp thời, bệnh có thể gây tử vong.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì?
Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em xảy ra khi trẻ đi phân lỏng từ 3-10 lần trong một ngày và tình trạng này kéo dài không quá 7 ngày. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà bố mẹ có thể nghi ngờ con bị tiêu chảy cấp qua số lượng lần đi tiêu khác nhau. Cụ thể:
- Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi: Trẻ có tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, thường 3 – 10 lần một ngày hoặc cũng có thể hơn. Phân đi ngoài của trẻ thường sệt, có nhiều màu như vàng, nâu hoặc xanh. Trong trường hợp trẻ đi tiêu vượt số lần bình thường và màu phân bất thường, nguy cơ trẻ bị tiêu chảy cấp rất cao
- Trẻ trên 1 tuổi: Số lần đi tiêu mỗi ngày từ 1 – 2 lần. Nhưng, khi bị tiêu chảy cấp, số lượng đi ngoài nhiều hơn và tính chất phân có sự thay đổi đột ngột. Phân nhiều nước và có mùi hôi tanh. Bên cạnh đó, trẻ còn có thêm những biểu hiện khác thường khác như mệt, buồn nôn hoặc nôn, quấy khóc, sốt và đau bụng,…
- Ở trẻ 4 tuổi: Tiêu chảy cấp được định nghĩa khi trẻ đi cầu 3 lần trên ngày
Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong do cơ thể bị mất nước, mất nước và gây rối loạn cân bằng chất điện giải. Do đó, cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa và chữa bệnh cho con ngay từ đầu để tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em
Trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ mắc phải bệnh tiêu chảy do chức năng của hệ đường ruột yếu và chưa hoàn thiện. Ngoài chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em thường liên quan đến nhiễm khuẩn Rotavirus. Tiêu chảy rota chiếm 40% trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Ngoài vi khuẩn này ra, bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em còn liên quan đến các loại vi khuẩn gây thương hàn, vi khuẩn tả, lỵ hoặc E.Coli, Entamoeba histolytica, Campylobacter jejuni, Salmonella,… Bên cạnh đó, các loại chất độc chứa trong nấm hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây bênh tiêu chảy ở trẻ em.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ như:
- Trẻ mắc bệnh tiêu chảy có thể là do tiếp xúc trực tiếp với nguồn phân thải của người bị bệnh
- Do thói quen không vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Thường xuyên ăn rau sống và uống nước lã có chứa vi sinh vật gây tiêu chảy
- Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc bị suy dinh dưỡng, bị bệnh sởi hoặc mắc phải các vấn đề về đường tiêu hóa thường có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn những đứa trẻ khác
Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà triệu chứng tiêu chảy thường có những biểu hiện khác nhau. Bệnh thường xuất hiện với dấu hiệu như đi tiêu nhiều lần trong ngày từ 10 – 15 lần, phân lỏng và có nhiều nước. Bên cạnh đó, phân có mùi hôi chua khó ngửi hoặc nếu quan sát có thể thấy chất mũi nhầy, có thể có lẫn máu.
Ngoài ra, mất nước và mất chất điện giải cũng là một trong những triệu chứng nhận biết của bệnh tiêu chảy. Mặt khác, biểu hiện nôn do bệnh gây ra làm tăng nguy cơ mất nước và chất điện giải. Vì vậy, cha mẹ cần đánh giá mức độ mất nước thật sớm để có biện pháp khắc phục kịp thời. Bởi mất nước nặng chính là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Thông thường, trẻ bị tiêu chảy cấp tính có thể bị mất từ 50 – 100 gram nước mỗi ngày. Đôi khi có một vài trường hợp mất từ 300 – 500 gram nước trong một ngày. Nếu trẻ bị mất nước nhẹ, trẻ thường có những triệu chứng như quấy khóc và vật vã. Còn trong trường hợp trẻ mất nước vừa, ngoài biểu hiện quấy khóc, lờ đờ, cha mẹ có thể nhận biết bệnh tiêu chảy qua những dấu hiệu như:
- Khóc không ra nước mắt
- Giảm khối lượng nước tiểu
- Khát và uống nhiều nước
- Mắt trũng
- Miệng khô
- Thở sâu và nhanh hơn bình thường
- Mạch nhanh nhỏ
- Hạ huyết áp
- Da mất tính đàn hồi
Nếu mất nước nặng, trẻ thường có những biểu hiện đáng chú ý như:
- Mắt trũng
- Chân tay lạnh
- Trẻ bị rơi vào tình trạng lờ đờ
- Nước tiểu ít
- Trẻ có dấu hiệu khát nước nhiều
- Miệng và môi khô nhiều
- Thở sâu và nhanh
- Không có nước mắt khi khóc
- Da mất tính đàn hòi phải trên 2 giây
- Mạch nhanh nhỏ hoặc đôi khi không bắt được
- Huyết áp tụt
- Sờ môi thấy bình thường
Ngoài các triệu chứng nêu trên, tiêu chảy cấp ở trẻ em còn gây nên biểu hiện sốt. Tuy nhiên, dấu hiệu này còn tùy thuộc vào từng trường hợp, nếu trẻ bị tiêu chảy do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn, trẻ thường có dấu hiệu bị sốt.
Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Theo các bác sĩ chăm sóc khoa Nhi cho biết, nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp, cha mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện. Bởi ở lứa tuổi rất dễ bị mất nước và mất cân bằng chất điện giải, làm tăng nguy cơ tử vong. Còn ở các trẻ lớn hơn, nếu gặp phải các triệu chứng sau đây, phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Trẻ có dấu hiệu mất nước
- Phân có xuất hiện máu
- Trẻ bị nôn ói nhiều mặc dù cha mẹ đã cho con ăn chậm
- Trẻ không chịu ăn uống trong khi nôn ói và tiêu chảy vẫn diễn ra nhiều
- Sốt cao trên 39 độ
- Đau bụng nhiều
- Trẻ bị tiêu chảy quá 7 ngày nhưng không có triệu chứng giảm
- Trẻ nôn ra dịch có màu xanh lá cây
- Trẻ quấy khóc thường xuyên
Tiêu chảy cấp ở trẻ có nguy hiểm không?
Trẻ bị tiêu chảy cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn dến tình trạng mất nước và mất cân bằng chất điện giải. Khi đó, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu yếu dần, trẻ không thể vận động hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào khác. Ngoài ra, tiêu chảy kéo dài sẽ làm rối loạn các chất điện giải và gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Trong nhiều trường hợp nặng, tiêu chảy tiếp diễn trong thời gian dài và nếu trẻ không được bổ sung nước kịp thời có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, tiêu chảy do vi trùng có thể gây nhiễm trùng huyết, gây khó khăn trong việc chữa trị và đe đọa đến tính mạng trẻ.
Phác đồ điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em
Thông thường, các xét nghiệm cận lâm sàng như soi phân tươi, cấy phân hoặc đo độ pH,… sẽ giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây bệnh và từ đó có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên, để đưa ra phác đồ điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em, đầu tiên nhân viên y tế cần thực hiện một vài xét nghiệm đánh giá rối loạn mất nước và mất chất điện giải như điện giải đồ, công thức bạch cầu, khối hồng cầu hematocrit,…
Căn cứ vào mức độ mất nước nặng nhẹ ở từng đối tượng bệnh mà phác đồ điều trị thường không giống nhau. Cụ thể:
1. Phác đồ A – Điều trị cần thiết, bù nước và chất điện giải
Phác đồ này được thiết kế ở những đối tượng trẻ em bị tiêu chảy cấp nhưng chưa có biểu hiện mất nước. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên cho con trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để phòng ngừa tình trạng mất nước. Cha mẹ nên cho con trẻ uống nước sau mỗi lần đi tiêu với số lượng nước uống vào như sau:
- Đối với trẻ nhỏ hơn 24 tháng tuổi: Bổ sung lượng Oresol sau mỗi lần đi ngoài là 50 – 100 ml. Lượng Oresol cần cung cấp để dùng tại nhà là 500 ml/ngày
- Trẻ từ 2 – 10 tuổi: Lượng Oresol cần uống sau mỗi lần đi tiêu là 100 đến 200 ml. Lượng Oresol cung cấp để dùng tại nhà 1000 ml/ngày
- Trẻ từ 10 tuổi trở lên: Bổ sung lượng Oresol là 2000 ml/ngày
+ Cách cho uống:
- Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, cha mẹ nên cho uống từng thìa nhỏ
- Còn đối với trẻ lớn cho uống từng ngụm một bằng bát hoặc cốc
- Trường hợp trẻ bị nôn, phụ huynh nên cho con uống một ngụm sau đó dừng lại 5 – 10 phút sau và tiếp tục uống
+ Đánh giá kết quả điều trị:
Trong trường hợp này, cha mẹ nên chịu khó bổ sung nước đầy đủ cho con để tránh trường hợp mất nước gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu tình trạng mất nước vẫn không thuyên giảm, phụ huynh nên chuyển sang phác đồ điều trị B.
2. Phác đồ B – Điều trị cần thiết, bù nước và chất điện giải
Phác đồ được bác sĩ thiết lập với mục đích điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em với mức độ mất nước nhẹ và vừa. Khi đó, dựa vào cân nặng và độ tuổi, bác sĩ sẽ chia liều lượng Oresol phù hợp với từng trẻ. Thông thường, lượng Oresol thường được cho uống trong 4 giờ đầu. Cha mẹ có thể tính số lượng nước (ml) cần bù cho trẻ thông qua công thức sau: Số lượng nước (ml) uống trong 4 giờ đầu = Cân nặng của bệnh nhi x 75 ml.
+ Cách cho uống như sau:
- Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, cha mẹ nên cho uống từng thìa. Cứ cách 1 – 2 phút cho uống 1 thìa
- Trẻ lớn hơn nên cho uống từng ngụm bằng chén hoặc bát
- Còn ở trẻ bị nôn nên cho uống chậm, ngừng 10 phút lại cho uống tiếp
+ Đánh giá kết quả điều trị:
Sau khi trẻ uống nước trong vòng 4 giờ, cha mẹ nên đánh giá lại tình trạng mất nước. Nếu biểu hiện mất nước ngưng, cha mẹ nên chuyển sang phác đồ điều trị A. Còn trong trường hợp triệu chứng mất nước vẫn ở mức độ nhẹ và vừa thì phụ huynh nên cho con trẻ tiếp tục điều trị theo phác đồ B. Nếu mất nước ở mức độ nặng nên chuyển sang điều trị bằng phác đồ C.
3. Phác đồ C – Điều trị cần thiết, bù nước và chất điện giải
Phác đồ C thường được áp dụng ở những đối tượng trẻ mất nước ở mức độ nặng. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ truyền tĩnh mạch cho trẻ bằng dung dịch Ringe Lactate hoặc nước muối sinh lý với liều lượng 100 ml/kg. Thời gian và số lượng truyền sau đây:
- Trẻ có độ tuổi nhỏ hơn 12 tháng: Ban đầu truyền 30 ml/kg trong một giờ nhưng sau đó tăng lên 70 ml/kg trong 5 giờ
- Đối với trẻ lớn tuổi hơn: Lúc đầu nên truyền 30 ml/kg trong 30 phút và sau đó 70 ml/kg trong khoảng 2 giờ 30 phút
+ Đánh giá kết quả:
Cứ 1 – 2 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước của trẻ. Nếu mạch quay của trẻ còn yếu, nên truyền lại thuốc một lần nữa với thời gian và số lượng thuốc tương tự. Còn nếu tình trạng mất nước không tiến triển tốt thì nên truyền nhanh hơn. Sau đó, nếu trẻ có thể uống được nước, hãy cho bé uống Oresol theo liều lượng 5 ml/kg/giờ.
Trong trường hợp nếu không truyền được thì tùy vào điều kiện cụ thể có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để truyền dịch hoặc đặt ống thông dạ dày cho Oresol với liều lượng 20 ml/kg/giờ với liều tối đa là 120 ml/kg. Và ngay sau khi trẻ có thể ăn hoặc bú được, cha mẹ nên cho con ăn và tiếp tục bú trở lại ngay.
Trẻ bị tiêu chảy cấp uống thuốc gì?
Thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em bao gồm các thuốc như:
- Thuốc kháng tiêu chảy: Thuốc có tác dụng làm hạn chế tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Tuy nhiên, các loại thuốc thuộc nhóm thuốc này sẽ làm mất các triệu chứng và làm chậm quá trình điều trị khiến bệnh kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nếu không thực sự cần thiết, cha mẹ không nên cho con sử dụng nhóm thuốc kháng tiêu chảy
- Kẽm: Có tác dụng ngăn ngừa tái phát đợt tiêu chảy tiếp theo trong những tháng sau đó. Kẽm thường được sử dụng ở những đối tượng trẻ bị thiếu kẽm, thiếu dinh dưỡng hoặc trẻ có dấu hiệu giảm cân nặng, bị tiêu chảy cấp nặng. Tùy vào độ tuổi mà liều dùng khác nhau. Chẳng hạn như trẻ từ lớn hơn 1 và nhỏ hơn 6 tháng tuổi bổ sung 10 mg kẽm mỗi ngày. Uống liên tục trong vòng 10 – 14 ngày. Còn đối với trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi nên uống 20 mg/ngày. Thời gian uống từ 10 – 14 ngày.
- Men vi sinh Probiotics: Giúp làm giảm triệu chứng tiêu chảy cấp
Khi nào dùng thuốc kháng sinh điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em?
Ngoài các loại thuốc nêu trên, thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em còn có thuốc kháng sinh. Thế nhưng không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng được sử dụng thuốc. Kháng sinh chỉ được chỉ định điều trị bệnh ở những đối tượng sau:
- Tiêu chảy cấp với biểu hiện trong phân có máu
- Tiêu chảy với triệu chứng phân nước nhiều gây mất nước nặng và nghi ngờ là do bệnh tả gây nên
- Tiêu chảy do Giardia gây ra
- Trẻ bị tiêu chảy cấp kèm theo các biểu hiện nhiễm trùng khác như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà bác sĩ chỉ định loại thuốc kháng sinh, liều lượng và thời gian sử dụng khác nhau. Cụ thể:
- Tiêu chảy cấp ở trẻ em do bệnh tả: Dùng Erythromycin với liều lượng 12,5mg/kg x 4 lần/ngày x 3 ngày
- Tiêu chảy cấp ở trẻ em do lỵ trực khuẩn: Sử dụng Ciprofloxacin với liều dùng 15mg/kg/lần x 2 lần/ngày x 3 ngày
- Tiêu chảy cấp do Campylorbacter: Dùng Azithromycin với liều chỉ định 6 – 20mg/kg x 1 lần/ngày. Sử dụng từ 1 – 5 ngày
- Tiêu chảy cấp do bệnh lỵ a mip: Uống kháng sinh Metronidazole với liều 10 mg/kg/lần x 3 lần/ngày. Uống từ 5 – 10 ngày
- Tiêu chảy cấp do bệnh Giardia: Sử dụng Metronidazole đường uống với liều chỉ định 5 mg/kg/lần x 3 lần/ngày. Thời gian dùng ít nhất 5 ngày
Lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp
Cha mẹ nên lập kế hoặc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp sau khi triệu chứng bệnh thuyên giảm để tránh tình trạng trẻ bị giảm cân và gây suy dinh dưỡng. Phụ huynh nên cho con trẻ ăn đủ khẩu phần ăn và tuyệt đối không cho trẻ nhịn hoặc kiêng khem theo lời truyền miệng của dân gian.
Tùy theo lứa tuổi mà chế độ ăn ở mỗi trẻ thường khác nhau. Chẳng hạn như:
- Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: Các mẹ nên cho con bú như bình thường hoặc cũng có thể tăng số lần bú lên. Nếu không có sữa mẹ, mẹ nên cho con bú sữa công thức hoặc sữa bò như trước đó nhưng cần phải pha loãng ra 1/2 và cho trẻ uống trong 2 ngày, sau đó trở lại uống như bình thường.
- Còn ở trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi: Ngoài bú sữa mẹ và sữa công thức, mẹ nên cho con ăn dặm nhiều lần với các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, cá, thịt gà,… Đồng thời nên bổ sung thêm dầu ăn vào thức ăn của con để tăng năng lượng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên cho con ăn thêm hoa quả hoặc nước ép quả để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho hệ đường ruột.
Một số thực phẩm nên dùng trong quá trình điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em:
- Gạo, khoai tây
- Dầu thực vật
- Chuối
- Cà rốt
- Táo
- Thịt gà, thịt lợn nạc và cá
- Sữa chua, sữa đậu nành
Các thực phẩm không nên sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy cấp:
- Đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường
- Nước giải khát công nghiệp
- Thực phẩm ít chất dinh dưỡng nhưng giàu chất xơ như rau cần, măng, tinh bột nguyên hạt
Số lượng thức ăn cần nạp mỗi ngày của trẻ bị tiêu chảy cấp:
- Trẻ ăn càng nhiều càng tốt, tốt nhất trẻ nên ăn 6 lần trong ngày hoặc có thể nhiều hơn
- Sau khi trẻ khỏi bệnh, cha mẹ nên cho con ăn 1 ngày thêm 1 bữa trong 2 tuần liên tiếp để tránh tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng
Bài thuốc chữa viêm đại tràng gây tiêu chảy giúp chữa khỏi cho bệnh nhân chỉ sau 3 tháng kiên trì
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, cha mẹ nên thực hiện theo những gợi ý sau đây:
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ thường có sức đề kháng tốt hơn những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa công thức. Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ, các chuyên gia khuyến cáo nên cho con bú sữa mẹ từ 4 – 6 tháng đầu. Đồng thời nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ đến 2 tuổi nếu có điều kiện. Bởi theo các nhà nghiên cứu, sữa mẹ sạch và không bị nhiễm khuẩn, đặc biệt chứa nhiều chất diệt khuẩn, giúp phòng ngừa tiêu chảy
- Cho trẻ ăn dặm đúng cách và hợp vệ sinh: Ăn dặm là một trong những quá trình cha mẹ tập cho con trẻ quen với chế độ ăn của người lớn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nguy hiểm nếu mẹ không bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ sẽ khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Chưa kể đến, việc ăn dặm không đúng cách với thức ăn không hợp vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ
- Sử dụng nguồn nước sạch: Hầu hết nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp đều có liên quan đến nước. Do đó, cha mẹ nên sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn và tắm rửa cho con trẻ
Ngoài ra, để ngăn ngừa bệnh tiêu chảy tái phát, cha mẹ nên tập cho con có thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó nên cho trẻ uống vắc xin phòng ngừa tiêu chảy do vi rút Rota gây nên. Đồng thời cũng nên cho con tiêm phòng sởi để phòng tránh tiêu chảy, bệnh lỵ, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không điều trị kịp thời có thể gây mất nước nặng và làm tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, cha mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện thăm khám nếu nghi ngờ con mắc bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chủ động đưa con đi tiêm phòng nhằm mục đích phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.