Thuốc tây chữa viêm đại tràng – Loại thường dùng và lưu ý

Sử dụng thuốc tây chữa viêm đại tràng là phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh. Tùy theo nguyên nhân, triệu chứng gặp phải mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các loại thuốc phù hợp cho người bệnh.

Các loại thuốc tây chữa viêm đại tràng thường dùng

Những loại thuốc tây được chỉ định trong chữa trị viêm đại tràng nhằm mục đích khắc phục nguyên nhân cũng như triệu chứng bệnh. Được sử dụng phổ biến là các thuốc dưới đây:

1. Thuốc kháng sinh trị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn

Trường hợp xét nghiệm phân tìm thấy vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng một trong các loại thuốc kháng sinh như:

– Thuốc Metronidazole 

Nằm trong nhóm kháng sinh nitroimidazoles, thuốc Metronidazole được chỉ định rộng rãi cho các trường hợp bị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn Amip đường ruột. Thuốc được hấp thu nhanh chóng và có khả năng ức chế quá trình phân bào của vi khuẩn, giảm nhiễm trùng trong đại tràng và ngăn chặn sự lan rộng của tổn thương ở niêm mạc ruột già.

thuốc tây chữa viêm đại tràng  Metronidazole 
Metronidazole là một trong những loại thuốc tây chữa viêm đại tràng thường được chỉ định cho các trường hợp bị nhiễm khuẩn

Thuốc Metronidazole có thể được sử dụng để điều trị cho cả trẻ em lẫn người trưởng thành. Thuốc được dùng theo đường uống với các dạng viên nén và dung dịch. Trong quá trình sử dụng, bệnh nhân nên thận trọng với một số tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, nổi mề đay mẩn ngứa, miệng có vị kim loại.

Liều dùng: 

+ Ở người lớn:

  • Nhiễm trùng đại tràng do lỵ amid: Ngày dùng 3 lần x 750mg. Một liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 5 – 10 ngày tùy theo tình trạng nhiễm trùng.
  • Viêm đại tràng giả mạc: Ngày uống 3 lần x 500mg.

+ Trẻ em: Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Thuốc Vancomycin

Vancomycin nằm trong nhóm thuốc kháng sinh glycopeptid. Thuốc có khả năng ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn gram + và không có hiệu quả đối với các trường hợp bị viêm đại tràng do vi khuẩn Gram -.

Thuốc Vancomycin đôi khi cũng được chỉ định để điều trị viêm đại tràng màng giả do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng được với các loại thuốc kháng sinh khác. 

Trong quá trình sử dụng thuốc tây chữa viêm đại tràng Vancomycin, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ. Thường gặp nhất là tình trạng nổi mề đay, tụt huyết áp tâm thu, tăng nồng độ các chất creatinin và nitrogen trong máu, xuất hiện các cơn đau ngực cấp… Chống chỉ định cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc.

Liều dùng:

Mỗi lần dùng 1 viên 125mg x 4 lần/ngày

– Thuốc Biseptol

Thuốc kháng sinh Biseptol được chỉ định cho các trường hợp bị viêm đại tràng do nhiễm nấm hay ký sinh trùng. Loại thuốc này được bào chế từ các thành phần gồm Trimethoprim 80 mg phối hợp với Sulfamethoxazol 400 mg. Những chất này giúp ức chế quá trình tăng trưởng của các tác nhân gây bệnh và đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng ở niêm mạc đại tràng.

Không dùng Biseptol cho người quá mẫn với thành phần của thuốc, các trường hợp bị suy thận nặng, tổn thương nhu mô gan, bệnh nhân bị thiếu hụt glucose -6-phosphat dehydrogenase hoặc mắc các bệnh lý ở hệ tạo máu. Thuốc được bào chế dưới các hình thức siro hoặc viên uống.

Liều dùng:

  • Mỗi lần uống 1 – 2 viên hàm lượng 480mg x 2 lần/ngày
  • Hoặc dùng 20 ml/ kg/lần ở dạng siro.

2. Trị viêm đại tràng bằng thuốc chống co thắt cơ trơn

Đây cũng là nhóm thuốc tây chữa viêm đại tràng thường được bác sĩ kê đơn để điều trị cho bệnh nhân. Loại thuốc này có khả năng chống co thắt cơ trơn trong ruột nên giúp cải thiện được tình trạng đau bụng cho người bệnh.

Thuốc Spasmaverine

Thuốc Spasmaverine là thuốc thuộc nhóm papaverin. Khi được hấp thu, loại thuốc này giúp làm giảm tình trạng co thắt ở các sợi cơ bằng cách tác động trực tiếp lên các cơ trơn trong đại tràng.

Bệnh nhân bị viêm đại tràng thường xuyên có dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy liên quan đến tình trạng co thắt cơ thường được chỉ định loại thuốc này. Tuy nhiên, các trường hợp đang mang thai, phụ nữ sau sinh còn cho con bú, người bị liệt – tắc ruột, mất trương lực đại tràng hoặc bị dị ứng với thành phần của thuốc thì không nên sử dụng.

thuốc tây trị viêm đại tràng Spasmaverine
Spasmaverine thuộc nhóm thuốc chống co thắt thường được bác sĩ Tây y chỉ định cho bệnh nhân bị viêm đại tràng

Spasmaverine được sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người lớn. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, nổi mề đay ngứa… Ngưng uống thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn gặp bất cứ triệu chứng nào bất thường phát sinh sau khi uống thuốc.

Liều dùng:

Mỗi ngày uống 1 – 3 lần, mỗi lần dùng từ 1 – 2 viên.

– Thuốc Trimebutin

Tương tự như Spasmaverine, thuốc Trimebutin cũng giúp chống lại tình trạng co thắt cơ trơn trong ruột, duy trì sự vận động bình thường ở đường tiêu hóa. Thuốc có thể giúp cải thiện các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng, chẳng hạn như tiêu lỏng, khó đi cầu, đau bụng, đầy hơi.

Trimebutin chứa các thành phần gồm methylcellulose và magiê stearate. Thuốc được sử dụng theo đường uống ở dạng viên nén hoặc dung dịch. Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm buồn ngủ, nổi ban đỏ, miệng khô, tiện tiện khó, buồn nôn… Bác sĩ có thể chỉ định Trimebutin để điều trị cho cả người lớn và trẻ em.

Liều dùng:

  • Người trường thành: Ngày uống 3 lần với tổng liều từ 300 – 600mg
  • Trẻ em: Mỗi ngày uống 5ml/ 5kg ở dạng dung dịch.

3. Thuốc tây trị táo bón do viêm đại tràng

Táo bón là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng. Trường hợp bị táo bón kéo dài, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định cho người bệnh dùng một số thuốc nhuận tràng như:

– Thuốc Folax: 

Folax là thuốc nhuận tràng được chỉ định phổ biến trong điều trị táo bón. Khi sử dụng, thuốc giúp người bệnh đi ngoài đều đặn, dễ dàng hơn bằng cách giữ nước trong ruột và làm mềm phân.

Hiệu lực của thuốc Folax có thể thấy rõ sau 24 – 48 giờ kể từ khi sử dụng. Chống chỉ định dùng loại thuốc này cho trẻ nhỏ dưới 8 tuổi, bệnh nhân đang bị tắc ruột hoặc có biểu hiện mắc bệnh Crohn. 

thuốc tây chữa viêm đại tràng Forlax
Forlax là loại thuốc tây có tác dụng nhuận tràng, giúp khắc phục tình trạng táo bón cho bệnh nhân bị viêm đại tràng

Thuốc Folax có tác dụng tốt trong việc khắc phục triệu chứng táo bón cho bệnh nhân bị viêm đại tràng nhưng cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhất định. Một số trường hợp có biểu hiện đầy hơi, buồn nôn, phát ban, xì hơi, đau bụng sau khi uống thuốc. Tình trạng tiêu chảy cũng có thể xảy ra ở các trường hợp dùng thuốc Folax quá liều.

Liều dùng:

Mỗi ngày uống 1 – 2 gói vào buổi sáng. Quậy tan bột thuốc với 125 ml nước trước khi uống. Tránh lạm dụng thuốc kéo dài quá 3 tháng.

– Thuốc Bisacodyl:

Nằm trong nhóm các loại thuốc tây chữa viêm đại tràng còn có Bisacodyl. Thuốc được bào chế ở nhiều dạng như viên bao tan trong ruột, hỗn dịch uống và viên đặt trực tràng.

Chứa dẫn chất của diphenylmethan, thuốc Bisacodyl có khả năng tác động trực tiếp lên các cơ trơn trong ruột, kích thích nhu động ruột co bóp mạnh để đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón cho người mắc viêm đại tràng. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm tăng tích lũy dịch thể cũng như ion trong ruột già.

Liều dùng:

Ngày uống 1 – 2 viên 5mg vào buổi tối

-Thuốc Macrogol:

Macrogol được xếp vào nhóm thuốc xổ, thuốc nhuận tràng. Thuốc có tác dụng tốt đối với các trường hợp bị táo bón mãn tính do viêm đại tràng. 

Thuốc được chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ ở dạng thụt rửa, thuốc bột hay dung dịch uống. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có nguy cơ gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, sưng phù bụng, đầy hơi, đau đầu.

Liều dùng thuốc gói:

  • Ngày dùng 1 – 3 gói tùy thuốc vào tình trạng của táo bón
  • Khi dùng, pha thuốc với 125ml nước
  • Không sử dụng thuốc kéo dài quá 2 tuần khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

4. Thuốc kháng viêm điều trị viêm đại tràng

Thuốc kháng viêm có thể được chỉ định phối hợp cùng với thuốc kháng sinh nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình hồi phục của tổn thương viêm ở lớp niêm mạc đại tràng. Bệnh nhân có thể được kê đơn một trong các loại thuốc dưới đây: 

– Thuốc Sulfasalazine (Azulfidine)

Sulfasalazine có tác dụng tiêu viêm, cải thiện tình trạng sưng tấy và làm nhanh lành các vết loét trong đại tràng, qua đó giúp giảm nhẹ  các triệu chứng do viêm đại tràng gây ra.

Thuốc Sulfasalazine thường được chỉ định cho bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc kháng viêm non-steroid khác. Trẻ em trên 6 tuổi và người trưởng thành có thể dùng loại thuốc này để điều trị bệnh sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thuốc Sulfasalazine chữa viêm đại tràng
Thuốc Sulfasalazine được chỉ định trong điều trị viêm đại tràng nhằm mục đích kháng viêm, giảm phù nề niêm mạc ruột già

Liều dùng:

+ Trẻ > 6 tuổi:

  • Liều điều trị ban đầu: Ngày uống 40 – 60 mg/kg, chia làm 3 – 6 lần dùng
  • Liều duy trì: Ngày dùng 30 mg/kg chia làm 4 lần

+ Người lớn: 

  • Điều trị ban đầu: Ngày dùng 3 – 4 gram
  • Liều duy trì: Ngày uống 2 gram

Thuốc Mesalamine

 Mesalamine là thuốc chống viêm đường ruột được bào chế dưới các dạng thuốc đạn, hỗn dịch tháo thụt trực tràng và viên bao tan trong ruột. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế cyclooxygenase, ngăn chặn quá trình tạo thành của prostaglandin trong ruột già. Qua đó có thể giúp ức chế sản xuất acid arachidonic – các chất chuyển hóa được tìm thấy nhiều ở những bệnh nhân bị viêm ruột hay viêm đại tràng mãn tính.

Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm trực tràng hoặc viêm đại tràng sigma. Các trường hợp bị viêm loét đại tràng đoạn cuối ở mức độ nhẹ đến vừa cũng có thể dùng loại thuốc này để điều trị. Chống chỉ định cho trẻ em dưới 2 tuổi, bệnh nhân bị suy thận nặng, có vấn đề ở gan tắc ruột, hẹp môn vị hoặc quá mẫn với thành phần của thuốc.

Liều dùng thuốc:

  • Đường uống: Khởi đầu dùng 4 gram/ngày chia làm 2 – 3 liều uống. Khi các triệu chứng viêm đại tràng đã thuyên giảm thì duy trì uống 1,5 g/ngày, chia 2 – 3 lần dùng.
  • Thuốc đặt trực tràng: Mỗi ngày đặt 2 lần với viên 500mg
  • Hỗn dịch thụt 4: Dùng 1 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ.

5. Thuốc tây trị tiêu chảy do viêm đại tràng

Một số bệnh nhân bị viêm đại tràng có biểu hiện tiêu chảy, đi ngoài phân sống, nhiều nước hơn 3 lần trong ngày. Trường hợp này có thể được chỉ định các thuốc sau:

– Thuốc Diosmectite:

Thuốc Diosmectite chứa silicat nhôm và magie được bào chế với cấu trúc là các lớp lá mỏng xếp song song với nhau. Các chất này có độ quánh dẻo cao nên giúp bao phủ, bảo vệ lớp niêm mạc đại tràng khi bị các tác nhân gây bệnh tấn công.

Thuốc được chỉ định cho các trường hợp bị tiêu chảy cấp và mãn tính do ảnh hưởng của viêm đại tràng sau khi đã bù đắp đủ nước cũng như chất điện giải nhưng vẫn còn tiêu lỏng kéo dài. 

Liều dùng:

  • Người lớn: Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 1 gói. Có thể dùng liều khởi đầu 6 gói/ngày trong đợt tiêu chảy cấp.
  • Trẻ em: Trẻ < 1 tuổi, mỗi ngày 1 gói chia 2 – 3 liều. Trẻ 1 – 2 tuổi ngày uống 1 – 2 gói chia 2 – 3 liều dùng. Trẻ > 2 tuổi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 gói.

– Thuốc Actapulgite

Thuốc Actapulgite được chỉ định cho các trường hợp bị viêm đại tràng cấp và mãn tính có biểu hiện chướng bụng, tiêu chảy do tăng nhu động ruột. Thuốc được bào chế từ Mormoiron attapulgite hoạt hóa và Glucose hydrate. Chúng giúp cải thiện triệu chứng bệnh bằng cách làm giảm nhu động ruột, và bao phủ, bảo vệ niêm mạc đại tràng, tạo điều kiện cho tổn thương nhanh lành.

Liều dùng:

  • Người trưởng thành: Ngày uống 2 – 3 gói 
  • Trẻ em: Trẻ dưới 10kg ngày uống 1 gói, trẻ > 10 kg ngày uống 2 gói.
  • Pha thuốc với nửa ly nước uống trước bữa ăn

6. Các loại thuốc tây chữa viêm đại tràng khác

Bên cạnh các loại nhóm trên, bệnh nhân bị viêm đại tràng có thể được chỉ định một số loại thuốc tây khác như:

  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: Trimebutin
  • Thuốc giảm đầy hơi: Simethicone 40 mg
  • Thuốc chữa khó tiêu: Pancrelase 100 mg
  • Men tiêu hóa: Lactulose, Bacillus clausii…

Lưu ý khi dùng thuốc tây trị viêm đại tràng

  • Các loại thuốc tây được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng đều tiềm ẩn một số tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc được bác sĩ kê đơn sau khi đã thăm khám tại bệnh viện.
  • Uống thuốc đúng liều lượng được hướng dẫn trong đơn. Không tự ý thêm hay bớt liều.
  • Khi hết thuốc, bệnh nhân nên tái khám để bác sĩ điều chỉnh lại liều dùng cho phù hợp tùy theo tình trạng bệnh tại thời điểm đi khám.
  • Không uống bia rượu hay các thức uống có cồn khi uống thuốc tây. Chúng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc và làm tăng nặng các triệu chứng bệnh.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định dùng thuốc tây chữa viêm đại tràng kết hợp với thuốc thảo dược hay thực phẩm chức năng để tránh hiện tượng tương tác thuốc.