Tại sao trẻ sơ sinh không đi ngoài được? Cách khắc phục

Trẻ sơ sinh thường đi ngoài 5 – 6 lần trong 1 ngày. Khi đột nhiên cả ngày trẻ không đi ngoài được, đa số ba mẹ sẽ cho rằng trẻ bị táo bón. Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài được. Biết rõ điều này sẽ giúp bé điều trị hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài được
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài được

Cấu tạo hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) dễ bị không đi ngoài được. Để có thêm cơ sở tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này, bạn nên biết sơ lược về cấu tạo hệ tiêu hóa của trẻ.

Tương tự như người trưởng thành, cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh gồm: ống tiêu hóa (miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột già, ruột non, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn) và các cơ quan, cấu trúc hỗ trợ (răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, túi mật và tụy).

Tuy nhiên, cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương. Cụ thể, niêm mạc miệng của bé rất mềm và có nhiều mạch máu nhưng dễ bị khô. Do đó, vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây viêm nhiễm.

Ruột và thực quản

Ruột của trẻ sơ sinh dài hơn người lớn và gấp 7 – 8 lần chiều dài của cơ thể trẻ. Trong những năm tháng đầu đời, ruột sẽ phát triển rất nhanh với nhiều nếp nhăn và mạch máu. Dù vậy, khả năng hấp thu và vận động vẫn rất yếu so với người trưởng thành.

Dạ dày

Dạ dày của trẻ sơ sinh có cấu tạo nằm ngang và cao. Các cơ của cơ quan này còn yếu và hay co thắt bất thường. Thành phần dịch vị trong dạ dày của trẻ tương tự như người lớn nhưng nồng độ và mức độ hiệu quả trong tiêu hóa thức ăn thì kém hơn.

Tụy và gan

Ngoài ra, hoạt động của tụy cũng rất yếu. Phải đến khi trẻ được 5 – 6 tuổi thì hiệu quả hoạt động của cơ quan này mới giống người trưởng thành. Còn gan thì cần nhiều thời gian hơn. Phải đến khi trẻ được khoảng 8 tuổi thì vai trò của gan mới được hoàn thiện.

Đánh giá chung

Từ những phân tích trên, bạn có thể tổng kết lại một điều rằng, cấu tạo hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh là “yếu toàn diện”. Điều này có nghĩa là bạn phải đặc biệt lưu ý đến các tác nhân có thể gây tổn thương hệ cơ quan này.

Đồng thời, cấu tạo của hệ tiêu hóa cũng đã lý giải tại sao trẻ sơ sinh chỉ có thể dùng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài ra, độ pH trong dịch dạ dày của trẻ sơ sinh rất cao. Do đó, bé chỉ tiêu hóa tốt các thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ.

Đối với sữa công thức thì cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Cụ thể, trẻ mất 2 – 2,5 giờ hấp thụ hoàn toàn sữa mẹ trong 1 lần bú no. Nhưng với sữa công thức thì thời gian này là 3 – 4 giờ.

Ngoài ra, một số thành phần trong sữa công thức có thể không được cơ thể bé hấp thụ. Tuy nhiên, với sữa mẹ thì hoàn toàn khác. Ngoài việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng dễ hấp thụ, sữa mẹ còn có vai trò nâng cao sức đề kháng và hạn chế các vấn đề rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó có tình trạng táo bón và trào ngược dạ dày.

Cấu tạo hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương
Cấu tạo hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương

Các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài

Số lần đi ngoài, đặc điểm của phân và cảm giác của trẻ sơ sinh khi đi ngoài phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe của bé. Khi trẻ sơ sinh không đi ngoài được, các nguyên nhân có thể là:

  • Táo bón

Mắc phải tình trạng này, trẻ sẽ đi ngoài ít hơn bình thường. Trung bình, với trẻ dùng sữa mẹ thì tần suất đi ngoài là 5 – 6 lần/1 ngày. Trường hợp dùng sữa công thức thì ít hơn và thường là 1 – 3 lần/1 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể mà số lần đi ngoài của trẻ có thể ít hoặc nhiều hơn mức chung. Điều quan trọng là so sánh với tần suất đi ngoài bình thường của trẻ.

Tuy nhiên, số lần đi ngoài chỉ là một trong những căn cứ để xác định trẻ có mắc chứng táo bón hay không. Bên cạnh đó, bạn cần căn cứ vào đặc điểm của phần (cứng), cảm giác của bé (khó chịu, hay quấy khóc vô cớ, chán ăn, sụt cân…) và bụng (căng phình dù đang đói, lấy tay ấn có cảm giác cứng).

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh thường là do trẻ bị thiếu nước, bú sữa mẹ không đủ, ảnh hưởng từ chế độ ăn uống của người mẹ. Đối với trẻ dùng sữa công thức thì rất có thể nguyên nhân gây táo bón là một vài thành phần nào đó trong sữa không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ.

  • Tắc ruột

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc ruột, khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài được. Trong đó, chủ yếu là do bị lồng ruột. Đây là tình trạng các đoạn ruột chui lồng với nhau khiến chúng bị thắt nghẹt.

Trẻ dưới 1 tháng tuổi ít bị tình trạng này nhưng bạn không nên vì thế mà chủ quan. Nếu phát hiện trễ (sau 24 – 48 giờ), trẻ sẽ rất yếu. Bên cạnh đó, người ta còn rất dễ nhầm lẫn tắc ruột với tình trạng viêm màng não.

Vì thế, bạn nên lưu ý khi trẻ không đi ngoài kèm với các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, phân trộn lẫn với chất nhầy và máu. Trong đó, tình trạng đau bụng sẽ diễn ra một cách đột ngột và dữ dội. Trẻ sẽ tự nhiên khóc thét lên, ưỡn người hoặc kéo đầu gối vào ngực khi khóc. Trẻ sẽ vã nhiều mồ hôi và lịm dần đi giữa các cơn đau. Đây là triệu chứng 75% các trường hợp mắc bệnh gặp phải.

Tắc ruột do lồng ruột diễn biến nhanh và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của trẻ sơ sinh
Tắc ruột do lồng ruột diễn biến nhanh và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của trẻ sơ sinh
  • Hẹp hậu môn

Tình trạng này xảy ra khi đại tràng hình thành không đúng cách và gây hẹp hậu môn. Cá biệt, một số trẻ sơ sinh không có hậu môn. Nhìn chung, trẻ sơ sinh không đi ngoài được có nguyên nhân do hẹp hậu môn hiếm gặp. 

Biểu hiện của tình trạng này là trẻ không đi ngoài trong vòng 1 – 2 ngày sau khi sinh ra. Bụng bị căng trướng và nôn mửa. Bên cạnh đó, hậu môn có thể có màn che hoặc nằm ở vị trí bất thường (quá gần đường tiết niệu).

Hậu môn bình thường và hậu môn bị hẹp ở trẻ sơ sinh
Hậu môn bình thường và hậu môn bị hẹp ở trẻ sơ sinh
  • Phình đại tràng bẩm sinh

Bệnh có yếu tố bẩm sinh và gây ra sự tắc nghẽn ở ruột già. Biểu hiện rõ nhất khi mắc bệnh này là trẻ không đi ngoài trong vòng 24 – 48 giờ đồng hồ sau sinh. Đi kèm với đó là tình trạng căng trướng bụng, nôn mửa, vàng da, bú kém và hay quấy khóc.

Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhẹ. Các dấu hiệu này có thể không rõ ràng. Thường chỉ phát hiện bệnh khi trẻ đã lớn hoặc thông qua siêu âm đại tràng. Bệnh phổ biến ở bé trai hơn bé gái. Ở Việt Nam, cứ 5.000 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh.

Phình đại tràng bẩm sinh là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài được
Phình đại tràng bẩm sinh là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không đi ngoài được
  • Suy giáp bẩm sinh

Biểu hiện đầu tiên của tình trạng suy giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là vàng da và táo bón kéo dài. Bên cạnh đó, trẻ sẽ bú kém, ít khóc nhưng tiếng khóc bị khản, lưỡi to và hay thò ra ngoài.

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ bị đần độn khi lớn, thể chất yếu ớt và thấp còi. Ở nước ta, cứ 2.500 trẻ thì có 1 trẻ mắc bệnh suy giáp bẩm sinh. Tỷ lệ mắc bệnh ở bé gái nhiều hơn bé trai.

Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh không đi ngoài được

Bạn cần căn cứ vào nguyên nhân khiến trẻ không đi ngoài để điều trị. Dưới đây là một số cách phổ biến tương ứng với từng tác nhân.

  • Đối với tình trạng táo bón

Trước hết, bạn hãy tập thể dục cho trẻ. Cách thức thực hiện như sau: cho trẻ nằm ngửa trên giường và hướng chân về phía bạn. Sau đó di chuyển chân trẻ nhẹ nhàng theo vòng tròn tương tự động tác đạp xe.

Tiếp đó, nếu vẫn chưa đi ngoài được, bạn hãy massage bụng cho trẻ. Hãy đặt ngón tay bên trái rốn bé. Kết hợp giữa xoa và ấn nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ. Các động tác này sẽ hỗ trợ ruột tống phân đến hậu môn dễ dàng hơn.

Giúp trẻ tập thể dục nhẹ nhàng là một trong những cách cải thiện tình trạng táo bón
Giúp trẻ tập thể dục nhẹ nhàng là một trong những cách cải thiện tình trạng táo bón

Bên cạnh động tác tập thể dục và massage cho bé, bạn nên chú ý chất lượng sữa bé dùng. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì chế độ dinh dưỡng của người mẹ sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc con có đi ngoài bình thường hay không. Mẹ nên chú trọng bổ sung những thực phẩm nhiều chất xơ và uống đủ nước. Đôi khi, chất lượng sữa đã ổn nhưng bé vẫn không đi ngoài có nguyên nhân do trẻ bú kém. Do đó, bạn hãy tăng cữ cho trẻ bú.

Trường hợp nuôi con bằng sữa công thức, bạn nên chọn loại có thành phần lactose để hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ. Nếu trẻ không đi ngoài, tốt nhất bạn nên đổi loại sữa khác. Muốn chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về thành phần của sữa tốt cho trường hợp cụ thể của bé nhà bạn.

  • Đối với tình trạng tắc ruột

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh là tình trạng rất nghiêm trọng. Nó gây mất nước và có thể khiến ruột bị hoại tử do thiếu máu. Tất cả các trường hợp này đều phải được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Các bác sĩ sẽ điều trị bằng cách truyền dịch cho trẻ thông qua đường tĩnh mạch. Tiếp đó là đặt ống thông qua mũi vào dạ dày. Mục đích là giúp ruột giải tỏa áp lực bị nén. Sau đó, tùy vào tình trạng bệnh, trẻ sẽ được tháo lồng ruột không phẫu thuật hoặc có phẫu thuật. Trường hợp nặng sẽ phải cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử. Khả năng thành công không cao và có thể gây tử vong.

  • Đối với tình trạng hẹp hậu môn

Hầu hết các trường hợp bị hẹp hậu môn đều phải phẫu thuật. Tùy vào độ hẹp của bộ phận này, các bác sĩ có thể thực hiện một trong các cách như: nối hậu môn với ruột; tạo hình hậu môn và chuyển đến đúng vị trí; tạo hậu môn giả trên thành bụng (phân sẽ thải ra túi bên ngoài cơ thể)… Trong quá trình này, trẻ sẽ phải dùng thuốc giảm đau. Phổ biến là etaminophen.

  • Đối với tình trạng phình đại tràng bẩm sinh

Phẫu thuật là cách duy nhất để hệ tiêu hóa của trẻ phát triển bình thường. Các bác sĩ sẽ loại bỏ phần đại tràng không có tế bào thần kinh và bị phình ra. Phương pháp cắt nối này có thể thực hiện bằng nội soi hoặc phẫu thuật qua đường hậu môn. 

Đối với những trường hợp nặng, trước tiên phần đại tràng bị phình to sẽ cắt đi. Sau đó, các bác sĩ sẽ gắn phần ruột non với 1 lỗ mở nhân tạo trên bụng. Phân sẽ thải ra một cái túi bên ngoài. Điều này giúp đại tràng có thời gian lành lại.

Khi đại tràng đã khỏe mạnh, các bác sĩ sẽ cắt một phần đại tràng nối với lỗ mở trên bụng. Mục đích giúp phân đi qua ruột già. Thêm một thời gian nữa, lỗ mở sẽ đóng lại. Đại tràng sẽ gắn với trực tràng hoặc hậu môn.

Sau phẫu thuật, trẻ sẽ đi phân bình thường. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng đường ruột. Do đó, bạn cần đặc biệt lưu ý tình trạng đi ngoài của trẻ. Nhanh chóng đến bệnh viện khi trẻ bị chảy máu trực tràng, tiêu chảy, sốt, chướng bụng và nôn.

Cách chữa khỏi tình trạng tắc ruột, hẹp hậu môn và phình đại tràng bẩm sinh là phẫu thuật
Cách chữa khỏi tình trạng tắc ruột, hẹp hậu môn và phình đại tràng bẩm sinh là phẫu thuật
  • Đối với tình trạng suy giáp bẩm sinh

Trẻ bắt buộc phải bổ sung Thyroxin suốt đời. Trong 2 năm đầu đời, các xét nghiệm về nồng độ chất này trong máu sẽ phải thực hiện định kỳ thường xuyên. Mục đích là điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp. Sau đó, các xét nghiệm có thể ít dần. Hiện nay, Thyroxin được bán ở các nhà thuốc lớn trên toàn quốc.

Thyroxin có bản chất như một nội tiết tố do tuyến giáp sản xuất. Khi tuyến này bị suy yếu hoạt động, một số nội tiết tố sẽ không thể tự tạo ra như người bình thường. Và Thyroxin chỉ đóng vai trò thay thế. Do đó, nó không gây tác dụng phụ cho sức khỏe của trẻ. Phát hiện sớm và dùng đúng liều lượng thì trẻ vẫn phát triển trí não và thể chất bình thường. 

Vài lưu ý khi trẻ sơ sinh không đi ngoài được

Tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày và không đi ngoài được sẽ không đáng lo khi bé không có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, sụt cân hoặc đi kèm với các biểu hiện bệnh khác. Bạn nên cho trẻ uống nhiều nước, bú nhiều sữa mẹ. Nên cân nhắc đổi loại sữa khác nếu bé dùng sữa công thức.

Nếu sau 2 ngày trẻ sơ sinh vẫn không đi ngoài được thì bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân. Xác định chính xác yếu tố gây tình trạng này sẽ mang lại hiệu quả điều trị nhanh chóng.

Bên cạnh đó, hãy cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ trong giai đoạn 6 tháng đầu đời. Chất lượng sữa mẹ tốt sẽ giúp trẻ phòng được chứng táo bón và rất nhiều bệnh lý khác.