Tác hại của trào ngược dạ dày thực quản “bạn nên biết”
Tác hại của trào ngược dạ dày thực quản có thể nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu về các biến chứng để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược thức ăn và axit dạ dày vào thực quản (ống nói cổ họng với dạ dày). Mặc dù có thể gây khó chịu nhưng tình trạng này thường không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tình trạng trào ngược dạ dày hoặc ợ nóng thường xuyên cần được điều trị. Bởi vì axit dạ dày có thể làm viêm niêm mạc thực quản hoặc thu hẹp thực quản. Axit dạ dày cũng có thể làm thay đổi các tế bào của niêm mạc thực quản. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Ngoài ra, axit dạ dày đôi khi có thể di chuyển vào cổ họng. Điều này gây khó chịu cho cổ họng, khàn giọng, ảnh hưởng đến dây thanh quản, gây ho mạn tính hoặc viêm họng.
Một số tác hại của trào ngược dạ dày thực quản
Có khoảng 20% người trưởng thành gặp các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một lần mỗi tuần. Tình trạng này có thể gây kích thích dạ dày, thực quản, cổ họng và một số cơ quan khác. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh có thể gặp các biến chứng bao gồm:
1. Tổn thương thực quản
Khi axit trào ngược lên thực quản có thể gây kích thích và tổn thương thực quản. Các dạng tổn thương phổ biến bao gồm:
- Viêm thực quản: Axit dạ dày có thể khiến niêm mạc thực quản bị viêm và sưng lên. Tình trạng này có thể dẫn đến đau nhói cổ họng và thực quản. Điều này dẫn đến việc khó nuốt hoặc đau khi nuốt.
- Loét thực quản: Ợ nóng và trào ngược axit dạ dày được cho là nguyên nhân hàng đầu có thể gây loét thực quản. Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm đau khi nuốt, buồn nôn và đau tức ngực. Tình trạng này cần được kiểm soát bằng thuốc ức chế axit dạ dày và điều trị loét.
- Thu hẹp thực quản: Nếu không được điều trị, tình trạng trào ngược axit dạ dày có thể gây sẹo thực quản theo thời gian. Khi các mô sẹo phát triển, tích tụ có thể làm hẹp thực quản. Những vị trí hẹp thực quản có thể gây khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc đồ uống, điều này gây mất nước hoặc sụt cân.
- Barrett thực quản: Đây là tình trạng rối loạn các tế bào lót bên trong thực quản. Có khoảng 5 – 10% những người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến Barrett thực quản. Bên cạnh đó, có khoảng 1% bệnh nhân Barrett thực quản phát triển thành ung thư thực quản.
2. Tăng nguy cơ ung thư thực quản
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Tỷ lệ này tăng lên nếu người bệnh được chẩn đoán Barrett thực quản.
Các triệu chứng phổ biến của ung thư thực quản thường bao gồm:
- Đau tức ngực
- Ho mãn tính
- Khó nuốt
- Giảm cân
- Nôn hoặc khạc ra máu
- Khàn tiếng
Ung thư thực quản cần được điều trị phù hợp và kịp thời để tránh các rủi ro không mong muốn.
3. Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
Tình trạng ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ảnh hưởng đến răng và lợi. Axit dạ dày có thể làm mòn men răng dẫn đến tình trạng suy yếu răng và sâu răng.
Bên cạnh đó, tình trạng trào ngược cùng làm tăng nguy cơ viêm lợi, viêm nha chu và hôi miệng.
4. Tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản khiến các chất lỏng rò rỉ vào đường thở. Điều này có thể dẫn đến ngạt thở, ho, viêm phế quản, thậm chí là viêm phổi.
Ở một số bệnh nhân, trào ngược có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm các triệu chứng hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn. Việc điều trị trào ngược có thể cải thiện tình trạng hen suyễn. Bên cạnh đó, các phương pháp và thuốc điều trị hen suyễn cũng có thể khiến tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn.
Phòng ngừa biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng trào ngược. Nếu các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể kê các loại thuốc hỗ trợ điều trị.
1. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng trào ngược. Người bệnh có thể tham khảo các biện pháp như:
- Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Không hút thuốc hoặc bỏ thuốc lá
- Không nên nằm trong 3 – 4 giờ sau khi ăn no
- Ngủ với đầu được kê cao để cải thiện tình trạng trào ngược vào ban đêm
- Ngủ với tư thế thoải mái và cố gắng để cơ thể thẳng hàng
- Không mặc quần áo quá chật, không sử dụng thắt lưng hoặc phụ kiện gây áp lực lên bụng
2. Thay đổi chế độ ăn uống
Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng trào ngược. Tham khảo một số lời khuyên như như:
- Xác định và các các loại thực phẩm có thể gây trào ngược như cam, quýt hoặc các loại thực phẩm chứa aixt khác.
- Giảm lượng rượu tiêu thụ hoặc cắt giảm rượu hoàn toàn
- Chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều bữa thay vì ăn một bữa quá no
- Không ăn gần giờ đi ngủ, bữa ăn nên kết thúc trước khi đi ngủ 3 – 4 giờ
3. Điều trị y tế
Một số loại thuốc có thể hỗ trợ cải thiện và ngăn ngừa các biến chứng từ trào ngược dạ dày. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc kháng axit không kê đơn hoặc kê đơn
- Thuốc ức chế bơm proton
- Thuốc chẹn thụ thể H2
Để giảm tác hại của trào ngược dạ dày thực quản, điều quan trọng là phải thực hiện các bước để phòng ngừa và điều trị các triệu chứng bệnh. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và hợp lý.