Sinh thiết đại tràng là gì, khi nào cần xét nghiệm sinh thiết?
Sinh thiết là kỹ thuật xét nghiệm y khoa có độ chính xác cao nhất hiện nay. Nó có thể chẩn đoán bệnh ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Trong đó có đại tràng. Vậy sinh thiết đại tràng là gì và khi nào cần thực hiện kỹ thuật này?
Tổng quan về sinh thiết
Trước khi tìm hiểu sinh thiết đại tràng là gì, bạn cần thiết tổng quan về phương pháp xét nghiệm này.
Cách thức tiến hành
Các bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào hoặc mô ở cơ quan bị tổn thương ra khỏi cơ thể. Sau đó, mang nó kiểm tra dưới kính hiển vi và phân tích về mặt hóa học. Nhờ phương pháp này, bác sĩ có thể biết được chính xác tình trạng bệnh một cách toàn diện. So với các phương pháp chẩn đoán bệnh thông thường khác như: siêu âm, chụp X-quang, chụp MRI hay nội soi thì kỹ thuật sinh thiết được đánh giá cao nhất về độ chính xác.
Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật này, cơ sở y tế phải có được thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó là yêu cầu về trình độ của bác sĩ thực hiện. Không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được phương pháp chẩn đoán bệnh bằng sinh thiết.
Ưu và nhược điểm
Vì khó thực hiện và cần nhiều đòi hỏi về vật chất nên kỹ thuật chẩn đoán bệnh bằng sinh thiết thường dùng cho chẩn đoán ung thư. Khi đó, các bác sĩ sẽ lấy cả vùng mô bị tổn thương lẫn ngoại biên để xác định tình trạng bệnh và mức độ lây lan. Đồng thời, họ sẽ biết được loại ung thư và bản chất của nó.
Dù sinh thiết là kỹ thuật chẩn đoán bệnh hiện đại với độ chính xác cao và nhìn chung là khá an toàn. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại một số nguy cơ như: nhiễm trùng; mất nhiều máu; tổn thương dây thần kinh và mạch máu; làm thủng nội tạng gần đó. Bên cạnh đó, nó còn có thể phản ứng với thuốc mê và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Dù vậy, khả năng xảy ra các nguy cơ này là rất hiếm.
Phân loại
Có 5 loại sinh thiết phổ biến hiện nay
-
Sinh thiết bấm:
Các bác sĩ sẽ dùng thiết bị để bấm và lấy một mẫu da. Mẫu này được mang đi phân tích hóa học dưới kính hiển vi. Phương pháp này dùng để chẩn đoán các bệnh về da.
-
Sinh thiết kim:
Các mô hoặc tế bào được lấy có thể ở thận, gan, tuyến giáp, thậm chí cả tủy xương. Để lấy được các mô hoặc tế bào ở những vị trí này, các bác sĩ sẽ dùng chiếc kim đặc biệt xuyên qua lớp da. Sinh thiết kim được dùng trong trường hợp phát hiện có khối u bất thường trong nội tạng.
-
Sinh thiết nội soi:
Thực hiện trong lúc nội soi ống tiêu hóa. Trong đó có đại tràng. Chi tiết sinh thiết đại tràng là gì sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.
-
Sinh thiết trong khi phẫu thuật:
Đối với một số trường hợp đặc biệt, kỹ thuật sinh thiết có thể được thực hiện khi ca phẫu thuật đang diễn ra. Các bác sĩ sẽ lấy mẫu mô và kiểm tra nhanh. Kết quả có trong vài phút. Điều này giúp họ có hướng phẫu thuật tốt nhất hoặc áp dụng các biện pháp điều trị thêm.
-
Sinh thiết lỏng:
Kỹ thuật này không xâm lấn các cơ quan của cơ thể. Các bác sĩ chỉ lấy một ít dịch lỏng như nước tiểu, máu hoặc dịch từ khối u để chẩn đoán bệnh. Phương pháp này ít rủi ro và không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, độ chính xác lại không cao. Vì thế, nó chỉ dùng để sàng lọc bệnh ung thư trong giai đoạn đầu.
Sinh thiết đại tràng là gì?
Như đã trình bày, kỹ thuật sinh thiết đại tràng được thực hiện trong quá trình nội soi.
Nội soi đại tràng cũng là một kỹ thuật chẩn đoán bệnh. Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng ống soi mềm có kích thước tương đương ngón tay trỏ nhưng dài từ 120 – 180cm. Bên trong ống rỗng để chứa nguồn sáng và camera. Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh về đại tràng phổ biến. Nó phát hiện vết loét, polyp, khối u hoặc các tổn thương khác trên lớp niêm mạc của ruột già.
Trong quá trình này, các bác sĩ có thể can thiệp những vùng bị tổn thương. Nếu lớp niêm mạc bị xuất huyết, họ có thể cầm máu ngay lúc đó. Hoặc lấy một mẫu tế bào, biểu mô ở vùng tổn thương để kiểm tra lần nữa dưới kính hiển vi. Toàn bộ quá trình nội soi cho đến lúc lấy mẫu tế bào ra khỏi cơ thể có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ hoặc lâu hơn.
Khi thực hiện kỹ thuật sinh thiết trong nội soi đại tràng, các bác sĩ sẽ dùng kìm sinh thiết, thòng lọng hoặc chổi quét đi qua ống nội soi vào vùng tế bào bị tổn thương để lấy mẫu. Sau đó, nó sẽ được lấy ra ngoài cùng ống nội soi.
Lúc hết thuốc mê, bệnh nhân có thể sẽ bị đầy hơi, quặn bụng và xuất hiện dãy máy nhỏ trong phân vài ngày. Những biểu hiện này là bình thường.
Những trường hợp cần xét nghiệm sinh thiết
Trước hết, sinh thiết đại tràng là kỹ thuật tối ưu nhất hiện nay để tầm soát ung thư ở cơ quan này. Các tổ chức y tế trong nước và trên thế giới đều khuyến khích những người có nguy cơ ung thư đại tràng nên định kỳ kiểm tra sức khỏe bằng kỹ thuật này. Cụ thể là những người từ 50 tuổi trở lên, bản thân hoặc gia đình có tiền sử ung thư, polyp đại tràng.
Bên cạnh đó, kỹ thuật sinh thiết đại tràng còn được áp dụng cho những trường hợp sau:
- Đau bụng, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài) và sụt cân.
- Đại tràng có khối u hoặc những biểu hiện bất thường (thông qua kết quả quan sát từ nội soi và các phương pháp chẩn đoán thông thường khác).
- Thiếu máu nhược sắc (số lượng hồng cầu dưới mức trung bình).
- Phân lẫn máu hoặc có màu đen như bã cà phê.
- Bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn (một loại bệnh viêm ruột và không rõ nguyên nhân).
- Trường hợp có chỉ định cắt bỏ polyp đại tràng. Đối với polyp nhỏ và không cuống, các bác sĩ sẽ dùng kìm sinh thiết. Trường hợp polyp có kích thước lớn và có cuống sẽ được cắt kiểu blend để hạn chế chảy máu. Mẫu polyp được cắt sẽ đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định lành tính hay ác tính.
Những lưu ý sau khi thực hiện sinh thiết đại tràng
Bình thường, kết thúc kỹ thuật sinh thiết khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ là bạn có thể về nhà. Tuy nhiên, trong 12 – 24h sau đó, bạn không được lái xe hoặc làm việc liên quan đến điều khiển máy móc.
Các chỉ định cụ thể về cách ăn uống sẽ tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, đa số ăn uống bình thường và tránh xa các chất kích thích. Đặc biệt, bạn nên uống nhiều nước lọc. Nếu từng dùng thuốc giảm đau hoặc một số loại thuốc khác, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm được sử dụng lại.
Khi bị một trong các biểu hiện dưới đây, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra:
- Đau bụng co thắt.
- Bụng trướng và căng cứng.
- Sốt.
- Chóng mặt.
- Nôn mửa.
- Đại tiện ra quá nhiều máu.