Ruột non là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng
Khi cần thiết, người ta có thể cắt bỏ đến 3,5m ruột non mà cơ thể vẫn phát triển bình thường. Vậy thực chất ruột non là gì, nằm ở đâu, có cấu tạo và chức năng thế nào mà người ta có thể cắt bỏ nó nhiều đến vậy?
Ruột non là gì? Vị trí của ruột non trong cơ thể người
Ruột non là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa và của hệ tiêu hóa. Ngoài ruột non, ống tiêu hóa còn có ruột già, dạ dày, miệng, hầu, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Còn hệ tiêu hóa thì bao gồm ống tiêu hóa và những cấu trúc và cơ quan phối hợp như: răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, túi mật và tuyến tụy.
Trong cơ thể người, ruột non nằm sau dạ dày và trước ruột già (còn gọi là đại tràng). Chiều dài của ruột non được tính từ môn vị dạ dày đến góc tá – hỗng tràng. Ở người trưởng thành, chiều dài của bộ phận này giao động từ 5 – 9m. Nó dài hơn cả ruột già (từ 1,2 – 1,8m) và là bộ phận dài nhất trong cơ thể. Bên cạnh đó, tổng diện tích bề mặt bên trong của ruột non cũng rất lớn. Nó có thể đạt đến 500m2.
Các thành phần cấu tạo ruột non
Tá tràng
Là phần đầu của ruột non. Nó dài khoảng 25cm và có hình chữ C. Tá tràng ôm quanh đầu tụy và đi theo đường gấp khúc. Phần trên hơi phình to còn được gọi là bóng tá tràng.
Hỗng tràng và hồi tràng
Ranh giới giữa 2 thành phần này khó được phân định chính xác. ⅘ độ dài đoạn đầu được gọi là hỗng tràng. Phần còn lại là hồi tràng. Để bụng có thể chứa được chiều dài của 2 thành phần này. Chúng được uốn lại như hình chữ U. Trung bình có 14 – 16 quai chữ U.
Trong đó, các quai chữ U ở trên nằm ngang, ở dưới nằm dọc. Chúng được treo vào thành lưng bởi mạc treo ruột non. Bao quanh hỗng tràng và hồi tràng là ruột già.
Đặc điểm giải phẫu của ruột non
Các cơ quan ở ống tiêu hóa giống nhau ở cấu tạo 4 lớp gồm: màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Trong đó, lớp cơ được phân thành cơ dọc và cơ vòng. Cấu tạo của ruột non cũng không ngoại lệ.
- Màng bọc có cấu tạo gồm phúc mạc ở mặt dưới và mô liên kết ở mặt sau. Phúc mạc gồm 2 lớp: lớp thanh mạc và tấm dưới thanh mạc.
- Lớp cơ có 2 lớp cơ trơn. Giữa hai lớp này là các mạch máu, mạch bạch huyết và đám rối thần kinh tự chủ, làm nhiệm vụ chi phối cơ trơn. Lớp cơ có các nhu động ruột làm nhiệm vụ nhào trộn thức ăn và di chuyển chúng đến ruột già.
- Lớp dưới niêm mạc có các mô liên kết lỏng lẻo. Nơi đây chứa các đám rối mạch máu và thần kinh; các mạch bạch huyết và các mô dạng này.
- Lớp niêm mạc trong ruột non có chức năng tiết dịch, hấp thụ chất dinh dưỡng và bảo vệ cơ quan này. Do đó, nó có cấu tạo là lớp tế bào thượng mô trụ. Xen kẽ là các tế bào tiết nhầy.
Bề mạc niêm mạc của ruột non được phủ nhiều nhung mao. Mỗi nhung mao có nhiều mao mạch và mạch bạch huyết. Chúng phân bố dày đặc đến từng lông ruột. Tốc độ thay mới tế bào ở ruột non giao động từ 1-3 ngày. Các kiểu vận động để tiêu hóa và vận chuyển thức ăn ở ruột non là: vận động lắc lư, vận động của nhung mau, co bóp nhu động và co bóp phân đoạn.
Chức năng của ruột non
Phần lớn các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thu ở ruột non. Người ta tính toán được rằng lượng dịch hằng ngày tại ruột non giao động từ 8 – 9 lít. Trong đó có cả dịch tiêu hóa và dịch thức ăn. Khoảng 7,5 lít dịch sẽ được ruột non hấp thu. Còn lại chuyển xuống ruột già.
Quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở ruột non được diễn ra như sau:
Thức ăn đi từ dạ dày xuống ruột non sẽ được tiêu hóa bởi dịch tụy, mật và dịch ruột. Chất dinh dưỡng, chất điện giải và nước sẽ được hấp thu qua thành ruột. Các chất này (bao gồm cả chất độc hại) sẽ theo đường tĩnh mạch và đi qua gan để lọc lại. Sau đó, nó tiếp tục theo tĩnh mạch chủ về tim. Tim sẽ co tống máu chứa chất dinh dưỡng nuôi sống toàn bộ cơ thể.
Một số bệnh thường gặp ở ruột non
Mỗi ngày, ruột non phải làm nhiệm vụ tiêu hóa và hấp thu lượng lớn thức ăn. Dù vậy, chúng lại là cơ quan rất dễ bị tổn thương. Các bệnh lý thường gặp ở cơ quan này là:
-
Viêm túi thừa Meckel
Các biểu hiện của bệnh này thường bị nhầm lẫn với người viêm ruột thừa cấp tính. Các triệu chứng phổ biến là đau bụng, phân lẫn máu, buồn nôn và nôn mửa. Bệnh mang yếu tố bẩm sinh. Cứ 100 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ bị viêm túi thừa Meckel. Bệnh xảy ra khi các túi nhỏ trong ruột non phình ra ngoài.
Nếu bệnh không thể hiện triệu chứng ra ngoài và không có nguy cơ gây biến chứng thì bệnh nhân không cần điều trị. Trường hợp ngược lại, các bác sĩ sẽ cắt bỏ phần ruột non có túi thừa. Nếu đã xảy ra biến chứng (tắc ruột hoặc nhiễm trùng đường ruột), người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
-
Tắc ruột non thực thể cấp tính
Tình trạng này hay xảy ra ở hồi tràng của ruột non. Dấu hiệu của bệnh là đau bụng từng cơn và tập trung vùng quanh rốn. Sau đó, cơn đau nhiều hơn và lan rộng ra xung quanh. Bệnh nhân có thể bị nôn mửa, táo bón, chướng bụng, dễ đổ mồ hôi và suy nhược cơ thể. Kéo dài bệnh có thể dẫn đến thủng, viêm màng bụng và nhiễm khuẩn huyết.
Điều trị tình trạng này, các bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp hỗ trợ hoặc phẫu thuật. Các biện pháp hỗ trợ gồm: giảm sức ép đường ruột bằng hút mũi – dạ dày; điều chỉnh các chất điện giải, chất keo; dùng kháng sinh.
Nếu các biện pháp trên không có kết quả thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Khi đó, các bác sĩ sẽ tháo tắc ruột và cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử. Sau đó nối các đoạn ruột khỏe mạnh lại với nhau.
-
Trào ngược axit
Tình trạng này xảy ra khi cơ vòng thực quản không kín. Bình thường cơ vòng này chỉ mở khi nuốt thức ăn. Dịch tiết từ ruột có thể tràn lên dạ dày và vào thực quản. Triệu chứng thường gặp là ợ nóng, ợ chua và khó nuốt khi ăn. Kéo dài tình trạng này có thể gây viêm loét dạ dày và tổn thương thực quản.
Phần lớn các trường hợp bị trào ngược axit ở dạng nhẹ có thể tự điều trị bằng cách thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Trong những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc làm giảm axit và một số thuốc chống trào ngược. Ngoài ra, phẫu thuật cũng sẽ được cân nhắc trong một số trường hợp.
-
Hội chứng kích thích ruột
Người ta thường biết đến hội chứng kích thích ruột xảy ra ở đại tràng (ruột già) nhưng ít ai biết rằng ruột non cũng xảy ra tình trạng này. Đây là hiện tượng rối loạn chức năng của ruột tái phát nhiều lần. Khá nhiều người mắc phải hội chứng kích thích ruột.
Dù nó không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt. Triệu chứng của người mắc phải hội chứng kích thích ruột là: bụng đầy hơi, nặng và đau; nhức đầu, mất ngủ, đi đại tiện xong vẫn cảm giác chưa hết phân.
Điều trị bệnh này cần tập trung vào chế độ ăn uống và sinh hoạt. Trong đó, cần kiêng những đồ dễ gây dị ứng và khó tiêu. Chú ý bổ sung nhiều chất xơ. Khi ăn phải ăn chậm, nhai kỹ và không được ăn quá no. Ngoài ra, trường hợp nặng có thể dùng thuốc chống đau, chống táo bón, chống sình hơi, thuốc an thần và triệt khuẩn ruột. Tuy nhiên, bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này.