Ruột người dài bao nhiêu? (Ruột non, ruột già, ruột thừa…)
Trong chúng ta, ai cũng ít nhất 1 lần nhìn thấy hình ảnh ruột già và ruột non. Có bao giờ bạn thắc mắc rằng ruột người dài bao nhiêu không? Và nếu cộng chiều dài của tất cả các ruột lại thì nó sẽ dài đến mức nào?
Các loại ruột trong cơ thể người gồm: ruột già, ruột non, ruột thừa và ruột kết. Độ dài của chúng rất khác nhau. Tương ứng với đó là đặc điểm và chức năng cũng khác nhau.
Ruột già
Độ dài và những đặc điểm nổi bật của ruột già
Ruột già hay còn gọi là đại tràng. Cấu tạo của nó gồm: manh tràng, kết tràng và trực tràng. Trong đó, Kết tràng còn được gọi là ruột kết. Đây là bộ phận quan trọng nhất của ruột già. Đồng thời, nó cũng dài nhất so với 2 thành phần còn lại của ruột này (khoảng 1,2m).
Ngoài ra, ở đầu manh tràng được bịt kín bởi một đoạn ruột ngắn. Đoạn ruột này có hình như đầu giun và được gọi là ruột thừa. Ở người trưởng thành, nó dài khoảng 9cm. Lòng ruột thông với manh tràng.
Tổng 3 thành phần cấu tạo nên ruột già dài khoảng 1,5m. Có trường hợp đạt đến 1,9m. Chiều dài của ruột già phụ thuộc và gen cũng như giới tính. Ở Việt nam, người trưởng thành có chiều dài ruột già trung bình là 1,48m. Như vậy, so với ống tiêu hóa thì bộ phận này chiếm ⅕ tổng độ dài.
Để có thể nằm gọn trong khoang bụng và không chiếm chỗ của các cơ quan khác, ruột già có cấu tạo dạng nếp gấp nối tiếp nhau tạo thành một chuỗi dài. Chuỗi này uốn thành hình chữ U ngược bao quanh ruột non với 2 góc uốn cong khi đi qua gan và tụy.
Chức năng của ruột già
Ruột già không chỉ là nơi chứa chất thải trước khi nó được thải ra ngoài theo đường hậu môn. Mà nó còn làm nhiệm vụ hấp thụ chất dinh dưỡng và muối khoáng trong thức ăn. Dù chức năng này chỉ là thứ yếu nhưng có những chất dinh dưỡng chỉ khi tới được ruột già mới được hấp thụ và đưa vào máu. Đồng thời, trong quá trình tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột non, có thể một vài chất đã bị bỏ sót. Nhiệm vụ của ruột già là đảm bảo không bỏ sót chất nào.
Ngoài ra, ruột già còn làm nhiệm vụ hấp thụ nước và đóng khuôn phân. Thực ra đây mới là chức năng quan trọng nhất của nó. Bởi không một cơ quan nào có thể thay ruột già làm nhiệm vụ này. Nước sẽ được chuyển qua thận để lọc lại. Còn phân đã đóng khuôn sẽ chuẩn bị để đào thải ra ngoài, chuẩn bị cho một quá trình mới lại bắt đầu.
Ruột non
Độ dài và những đặc điểm nổi bật của ruột non
Tổng chiều dài của ruột non giao động từ 5 – 9m và trung bình là 6,5m. Tương tự ruột già, chiều dài của ruột non cũng chịu ảnh hưởng từ gen và giới tính. Người Việt Nam trưởng thành có chiều dài ruột non giao động từ 5 – 5,5m. Như vậy, chiều dài của ruột non gấp 4 lần ruột già và cũng là bộ phận dài nhất trong ống tiêu hóa.
Cấu tạo của ruột non gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Mỗi phần có độ dài khác nhau. Trong đó, ranh giới phân biệt giữa hỗng tràng và hồi tràng rất khó xác định nên người ta thường tính chung chiều dài của hay thành phần này. Tá tràng chỉ dài khoảng 25cm, phần còn lại là hỗng tràng và hồi tràng.
Để có thể xếp gọn trong khoang bụng, hỗng tràng và hồi tràng uốn cong như hình chữ U. Tổng cộng có từ 14 – 16 hình chữ U như thế. Đồng thời, nó cũng được sắp xếp để tối ưu hóa diện tích trong khoang bụng. Cụ thể, các hình chữ U ở dưới nằm dọc, ở trên nằm ngang. Chúng được treo vào thành lưng bởi mạc treo ruột non.
Nhờ lớp niêm mạc ruột có nhiều nếp gấp cùng với lông ruột cực nhỏ, tổng diện tích của ruột non giao động từ 400 – 500m2. Bên cạnh đó, nó còn có hệ thống mạch máu và mao mạch bạch huyết phân bố dày đặc đến từng lông ruột.
Chức năng của ruột non
Ruột non là nơi tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu của cơ thể. Dĩ nhiên dạ dày và ruột già cũng làm nhiệm vụ này nhưng chỉ là thứ yếu.
Thức ăn được dạ dày co bóp và tiết dịch vị sẽ chuyển xuống ruột non. Ruột non tiết 3 loại dịch là dịch mật, dịch tụy và dịch ruột để chuyển đổi các chất trong thức ăn thành dinh dưỡng và một số chất khác.
Các chất này sẽ theo tĩnh mạch chủ đến gan để lọc bỏ thành phần độc hại. Sau đó, nó tiếp tục theo đường tĩnh mạch chủ đến tim. Tim co tống máu và đưa chất dinh dưỡng nuôi sống toàn bộ cơ thể.
Lượng dịch mỗi ngày cơ thể phải xử lý khoảng 8 – 9 lít. Trong đó bao gồm dịch tiêu hóa và thức ăn. Ruột non hấp thụ khoảng 7,5 lít. Còn lại sẽ chuyển xuống ruột già.
Một số điều thú vị khác về chiều dài của ruột người
Khi tìm lời giải cho câu hỏi ruột người dài bao nhiêu, các nhà khoa học phát hiện nhiều điều khá thú vị. Nếu cộng chiều dài tất cả các ruột lại sẽ được khoảng 7,5m. Nghĩa là nó gần gấp 4 lần chiều cao của người trưởng thành. Dù vậy, ở người bình thường, chúng vẫn được xếp gọn gàng trong khoang bụng.
Bên cạnh đó, còn một điểm thú vị khác mà nhiều người không biết đó là ruột non và ruột già (trong đó có ruột thừa) có thể cắt đi và người ta vẫn sống gần như bình thường. Nó bị cắt bỏ trong trường hợp bị viêm nhiễm, hoại tử hoặc ung thư.
Đối với ruột non, các bác sĩ có thể cắt bỏ khoảng 3,5m. Trong khi đó, ruột già thì có thể được cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn. Dĩ nhiên là có một chút bất tiện và xáo trộn trong hoạt động của các cơ quan trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, người được cắt bỏ ruột già hay ruột non vẫn có thể sống bình thường sau đó.
Trường hợp phải cắt bỏ ruột già và ruột non không phổ biến bằng ruột thừa. Các nhà khoa học cho rằng ruột thừa là nơi trú ngụ an toàn cho các vi khuẩn có lợi của ruột. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện cho những vi khuẩn này tái sinh khi cần thiết.
Tuy nhiên, vị trí của ruột thừa cũng là nơi dễ bị tù đọng dẫn đến viêm nhiễm. Hậu quả là tình trạng đau ruột thừa và người ta phải cắt bỏ phần ruột này để chấm dứt những cơn đau. Và quan trọng hơn là tránh trường hợp ruột thừa bị vỡ, gây nhiễm trùng toàn bộ đường ruột cũng như các cơ quan khác.
Lưu ý khi sơ cứu người bị thủng ruột
Tổng chiều dài và tiết diện của ruột rất lớn nhưng chúng phải tự “gói ghém” cho vừa khoang bụng và khiến nơi đây trở nên chật chội. Do đó, ở những nơi có cấu trúc yếu gần đó, ruột có xu hướng thoát vị ra. Đặc biệt là bẹn và thành bụng.
Khi bụng bị tổn thương từ bên ngoài, cơ hoành sẽ hạ xuống khi không khí được hít vào. Điều này gia tăng áp lực bụng và ruột sẽ chui ra ngoài da. Do đó, trong sơ cứu ban đầu, không được cố gắng nhét ruột trở lại khoang bụng. Bởi điều này có thể gây tổn thương lớp thanh mạc ruột non, nhiễm trùng và nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất nên tìm một vật tròn như bác hoặc tô để cố định và đậy vị trí bị lòi ruột. Sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.
Tìm hiểu thêm: Viêm đại tràng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị