Ruột già là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo & chức năng

Bệnh lý về ruột già khá phổ biến. Tuy nhiên, không nhiều người biết ruột già là gì, nằm ở đâu, có cấu tạo và chức năng thế nào trong cơ thể. 

Viêm đại tràng khá phổ biến trong các bệnh về hệ tiêu hóa nhưng không nhiều người biết đại tràng là tên gọi khác của ruột già
Viêm đại tràng khá phổ biến trong các bệnh về hệ tiêu hóa nhưng không nhiều người biết đại tràng là tên gọi khác của ruột già

Ruột già là gì? Vị trí trong cơ thể

Ruột già (đại tràng) còn có tên khác là colon. Nó có nghĩa là ruột dày. Đây là bộ phận thuộc ống tiêu hóa và nằm ở vị trí áp cuối trong hệ tiêu hóa.

So với ruột non thì ruột già chỉ bằng ¼ chiều dài. Tuy nhiên, ruột già có tiết diện lớn hơn. Trung bình, người Việt Nam có chiều dài ruột già là 1,9m. Sự khác nhau tùy vào thể trạng từng người và giới tính.

Vị trí của ruột già bao quanh ruột non. Về tổng thể, nó có hình chữ U ngược. Ruột già thông với ruột non tại ranh giới giữa manh tràng và kết tràng. Mục đích là tiếp nhận thức ăn mà ruột non không tiêu hóa được. Ngoài ra, giữa ruột già và ruột non còn có van hồi – manh giữ. Nhiệm vụ của van này là giữ cho chất dịch ở ruột già không di chuyển trở lại ruột non.

Vị trí của ruột già trong hệ tiêu hóa
Vị trí của ruột già trong hệ tiêu hóa

Cấu tạo của ruột già

Có 3 thành phần chính cấu tạo nên ruột già. Cụ thể là: manh tràng, kết tràng và trực tràng. 

Manh tràng

Hình dạng của manh tràng như một cái túi tròn. Nó nằm ngay dưới hỗng tràng (của ruột non). Manh tràng dài 6 – 7cm và đường kính khoảng 7cm. Đầu manh tràng được bịt kín bởi một đoạn ruột ngắn có hình đầu giun. Người ta còn gọi đây là đoạn ruột thừa. Ở người trưởng thành, chiều dài của đoạn ruột thừa này khoảng 9cm và đường kính giao động từ 0,5 – 1 cm. Lòng ruột thừa thông với manh tràng.

Kết tràng

Là bộ phận chính và dài nhất của ruột già. Người ta còn gọi là ruột kết. Nó được chia thành 4 phần: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng xích ma.

Trực tràng

Là đoạn ruột thẳng nối tiếp kết tràng xích ma. Đây cũng là thành phần cuối cùng của ruột già. Chiều dài của trực tràng khoảng 15cm. Nó có thể phình no. Phần ở trên gọi là bóng trực tràng. Phần dưới hẹp gọi là ống hậu môn.

Đặc điểm giải phẫu của ruột già gồm 5 lớp: lớp niêm mạc; lớp dưới niêm mạc; lớp cơ (gồm cơ dọc ở ngoài và cơ vòng ở trong); lớp dưới thanh mạc và lớp thanh mạc.

các thành phần cấu tạo của ruột già
Các thành phần cấu tạo của ruột già

Chức năng của ruột già

  • Tiêu hóa thức ăn

Dạ dày, ruột non và ruột già đều làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, xét về cấp độ thì dạ dày ở cấp độ 1 – tiêu hóa thức ăn ban đầu. Ruột non ở cấp độ 2 và giữ vai trò chủ yếu. Ruột già thuộc cấp độ 3 với nhiệm vụ đảm bảo chắc chắn rằng thức ăn đã được tiêu hóa hết.

Ở vai trò tiêu hóa thức ăn, ruột già sẽ tập trung xử lý một số chất xơ, đạm và mỡ mà dạ dày và ruột non không xử lý được hoặc bỏ sót. Nó thực hiện điều này nhờ hệ vi khuẩn phong phú ở đây. Bởi ruột già không có các enzyme tiêu hóa thức ăn. Thay vào đó, nó chứa nhiều chất nhầy để bảo vệ niêm mạc của nó. 

  • Hấp thụ chất dinh dưỡng và khoáng chất

Sau khi tiêu hóa lần nữa các thức ăn từ ruột non, ruột già sẽ hấp thụ dinh dưỡng một lần nữa. Ngoài ra, nó còn hấp thụ muối khoáng và các nguyên tố khác. Các chất này sẽ được đưa vào máu, cùng với dinh dưỡng mà ruột non hấp thụ để nuôi sống cơ thể. 

  • Hấp thụ nước, đóng khuôn chất bã

Chức năng này vô cùng quan trọng trong việc đào thải chất dư thừa ra khỏi cơ thể. Lượng nước từ ruột già sẽ chuyển qua thận. Thận sẽ lọc lại lần nữa trước khi đưa ra ngoài theo chức năng của đường tiết niệu. Chất thải đã mất nước sẽ được ruột già, cụ thể là trực tràng đóng khuôn trước khi đưa ra ngoài.

Từ những phân tích trên, ta có thể thấy rằng ruột già không chỉ nơi chứa chất thải. Nó vẫn làm nhiệm vụ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ chính của ruột già. Nhiệm vụ chính của nó là hấp thụ nước và đóng khuôn chất thải. Chức năng này rất quan trọng và không một cơ quan nào khác có thể thay thế ruột già làm nhiệm vụ này.

Các bệnh lý thường gặp ở ruột già

Chủ yếu là tình trạng viêm. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi ruột già là cơ quan tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với chất thải của cơ thể. Có 3 dạng viêm ruột già (đại tràng) phổ biến:

Viêm đại tràng co thắt

Tình trạng này còn gọi là hội chứng ruột kích thích. Nó có thể xảy ra ở cả ruột già và ruột non. Nhưng ruột già phổ biến hơn. Biểu hiện của bệnh là cảm giác cứng ở bụng. Nếu lấy tay sờ có thể cảm nhận được những cục cứng nổi lên. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ đau rất nhiều ở bụng. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu chảy và táo bón có thể xen kẽ.

Bệnh có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và khiến cơ thể suy nhược, xanh xao, mất ngủ và tim đập nhanh. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do rối loạn nhu động ruột, yếu tố tâm lý hoặc ăn uống không khoa học. Bệnh cũng được chia thành 2 dạng: cấp tính và mãn tính. Đa số các trường hợp phát hiện bệnh đều ở dạng mãn tính.

Hiện nay, bệnh viêm đại tràng mãn tính chưa có thuốc đặc trị. Người bệnh chỉ có thể dùng thuốc ức chế các cơ co thắt, chữa đầy hơi hoặc cải thiện tình trạng phân. Bên cạnh đó, người bệnh phải lưu ý lại chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho thật hợp lý và khoa học.

Viêm đại tràng co thắt chưa có thuốc đặc trị
Viêm đại tràng co thắt chưa có thuốc đặc trị

Viêm loét đại tràng

Đây là tình trạng ruột già bị tổn thương lớp niêm mạc với nhiều mức độ. Ở mức độ nhẹ, lớp niêm mạc sẽ kém bền vững và dễ chảy máu. Còn mức độ nặng sẽ xuất hiện các vết loét và xuất huyết. Có 2 dạng viêm đại tràng: cấp tính và mãn tính.

Nếu ở dạng cấp tính không được điều trị kịp thời rất dễ chuyển sang mãn tính. Khi đó, đại tràng sẽ bị giãn, thủng và thậm chí ung thư.Viêm đại tràng ở dạng mãn tính rất khó điều trị khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị viêm đại tràng gồm: dùng thuốc (kháng sinh, giảm đau, chống co thắt, bù nước và điện giải); phẫu thuật kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. 

Viêm đại tràng màng giả

Bệnh do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra. Bình thường chúng vẫn có trong ruột già. Tuy nhiên, khi dùng kháng sinh quá mức hoặc bị suy giảm miễn dịch kéo dài, vi khuẩn này sẽ phát triển với số lượng nhiều và khiến đường ruột bị rối loạn. Chúng sẽ tạo thành một lớp màng dính vào thành ruột. Lớp màn này chồng lên niêm mạc đại tràng.

Các biểu hiện thường gặp của tình trạng viêm đại tràng màng giả là đau quặn bụng, sốt và tiêu chảy kéo dài. Trong đó, tình trạng tiêu chảy là nguyên nhân chủ yếu khiến cơ thể bị mất nước và chất điện giải. Đặc biệt là tình trạng hạ kali trong máu. Hậu quả có thể gây hạ huyết áp, suy thận và thủng ruột kết.

Tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ yêu cầu người bệnh ngừng dùng thuốc kháng sinh hiện tại và kê đơn thuốc gây ức chế hoạt động của vi khuẩn Clostridium difficile. Trường hợp nặng sẽ phải tiến hành phẫu thuật.

Viêm túi thừa đại tràng

Vách đại tràng không đồng đều về mặt cấu tạo. Do đó, những chỗ có vách yếu sẽ dễ bị đẩy ra ngoài khi chịu áp lực quá lớn. Tình trạng này hình thành nên các túi thừa với nhiều kích thước khác nhau. Các túi thừa này có thể bị nhiễm trùng và gây viêm nhiễm. Hậu quả xấu nhất có thể xảy ra là thủng ruột.

Một số người mắc bệnh viêm túi thừa không thể hiện ra triệu chứng cụ thể gì. Số còn lại sẽ cảm thấy đau nhiều ở bên trái vùng bụng dưới. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự trị khỏi ở nhà bằng cách dùng kháng sinh hoặc không. Kết hợp với đó là chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Nếu dùng thuốc kháng sinh thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Trường hợp nặng sẽ phải dùng thuốc không kê đơn, thuốc kháng viêm, đặt ống dẫn lưu áp xe ở thành bụng hoặc phẫu thuật. Khi thực hiện phương pháp phẫu thuật, phần đại tràng có túi thừa sẽ được cắt bỏ. Sau đó, các bác sĩ sẽ nối các phần đại tràng bình thường lại với nhau. Có 2 phương pháp phẫu thuật là nội soi hoặc phẫu thuật mở.

Ung thư đại tràng

Bệnh là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới (sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan). Nó hình thành khi các tế bào ở ruột già tăng sinh quá mức và xâm lấn các cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể. Ung thư đại tràng trải qua 4 giai đoạn dựa vào mức độ di căn của tế bào ung thư. Biểu hiện bệnh là: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, phân lẫn máu và các triệu chứng toàn thân (thiếu máu, sốt và sụt cân…).

Các giai đoạn ung thư đại tràng
Các giai đoạn ung thư đại tràng

Phát hiện bệnh sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ cao. Người ta thống kê được rằng số người được chữa khỏi khi điều trị bệnh ở giai đoạn đầu chiếm đến 90%. Đến giai đoạn 4, tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ thời điểm điều trị là 11%.

Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng gồm: phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, khi dùng phương pháp xạ trị hoặc hóa trị, các tế bào khỏe mạnh của toàn cơ thể sẽ bị nhiễm độc theo. Dù vậy, đây lại là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay.