Phương pháp nội soi dạ dày gây mê và thông tin cần biết

Nội soi dạ dày gây mê phù hợp với những trường hợp chịu đau kém, dễ buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên thủ thuật này có thể không phù hợp với một số người có tiền sử biến chứng với thuốc gây mê, người mắc bệnh động kinh, tim mạch, suy hô hấp nặng,…

nội soi dạ dày gây mê
Phương pháp nội soi dạ dày gây mê và thông tin cần biết

Nội soi dạ dày gây mê là gì?

Nội soi dạ dày (thực quản – dạ dày – tá tràng) là thủ thuật chẩn đoán sử dụng ống nội soi có chứa camera đưa vào dạ dày thông qua đường mũi hoặc miệng.

Thông thường, thủ thuật này được thực hiện mà không gây mê hoặc gây tê. Tuy nhiên việc đưa ống nội soi vào mũi và cổ họng có thể gây đau đớn, buồn nôn, ói mửa,… Vì vậy hiện nay nhiều bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp nội soi dạ dày gây mê (gây mê trước và trong quá trình thực hiện nội soi) để hạn chế những cảm giác khó chịu nói trên.

Mục đích của nội soi dạ dày gây mê

Nội soi dạ dày gây mê thường được thực hiện nhằm chẩn đoán bệnh lý và xác định nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên thủ thuật này cũng được thực hiện để điều trị một số vấn đề ở cơ quan tiêu hóa.

nội soi dạ dày gây mê
Nội soi dạ dày gây mê được thực hiện nhằm chẩn đoán và điều trị một số vấn đề ở đường tiêu hóa trên

Mục đích của việc nội soi dạ dày gây mê:

  • Chẩn đoán bệnh lý: Bằng hình ảnh từ camera ở đầu dây nội soi, bác sĩ có thể xác định các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, polyp dạ dày,…
  • Xác định nguyên nhân: Với những người đã được chẩn đoán bệnh lý thông qua các kỹ thuật khác, nội soi có thể được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân (có nhiễm vi khuẩn Hp hay không,…).
  • Điều trị: Kỹ thuật cũng có thể được áp dụng để nong thực quản, lấy dị vật đường tiêu hóa, điều trị xuất huyết dạ dày và cắt bỏ polyp dạ dày lành tính,…

Những đối tượng không nên nội soi dạ dày gây mê

Khác với nội soi thông thường, thủ thuật này sử dụng thuốc gây mê nên có thể ảnh hưởng chức năng hô hấp, tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương.

nội soi gây mê
Không nên thực hiện nội soi gây mê cho trẻ dưới 3 tuổi

Vì vậy những đối tượng sau đây không nên thực hiện nội soi gây mê, bao gồm:

  • Người có tiền sử dị ứng với các loại thuốc gây mê thường găp như Midazolam, Fethidine, Propofol, Fentanyl,…
  • Bệnh nhân đang sử dụng MAOIs
  • Trẻ em dưới 3 tuổi
  • Glocom góc hẹp
  • Mắc bệnh tim mạch
  • Viêm khớp tiến triển
  • Suy hô hấp nặng
  • Có tiền sử gặp phải các biến chứng nghiêm trọng khi dùng thuốc mê
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Người nghiện rượu và lạm dụng chất kích thích

Để hạn chế rủi ro khi nội soi gây mê, bạn nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng và tình trạng sức khỏe cụ thể. Nếu nhận thấy bạn có nguy cơ cao khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tư vấn một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị khác.

Nội soi dạ dày gây mê được thực hiện như thế nào?

Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh lý và thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngưng một số loại thuốc (nếu có) và dặn dò những điều cần chuẩn bị trước khi nội soi gây mê.

1. Giai đoạn chuẩn bị

Trước khi tiến hành nội soi, bạn cần thực hiện:

nội soi gây mê
Cần nhịn ăn và uống từ 7 – 8 giờ trước khi thực hiện nội soi gây mê
  • Nhịn ăn và uống các chất lỏng có màu (cà phê, nước ngọt, socola sữa, bia, rượu,…) từ 7 – 8 giờ để khoang dạ dày rỗng và sạch sẽ.
  • Có thể uống nước lọc nhưng không nên uống quá nhiều, nhất là từ 1 – 2 giờ trước khi thực hiện.
  • Ngưng một số loại thuốc điều trị như Aspirin, thuốc chống đông,…
  • Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng và lo âu quá mức.
  • Vì sử dụng thuốc mê nên bạn cần ở lại bệnh viện trong vài giờ để quan sát và theo dõi. Mặc dù sau khi hồi tỉnh, bạn vẫn có thể tỉnh táo và đi lại bình thường. Tuy nhiên phản xạ và khả năng phán đoán của cơ thể thường bị ảnh hưởng, vì vậy bạn nên nhờ người thân đi cùng.

2. Giai đoạn thực hiện

Thủ thuật nội soi dạ dày gây mê được thực hiện như sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng bên trái.
  • Sử dụng các thiết bị đo nhịp thở, nhịp tim và huyết áp để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường xảy ra trong quá trình nội soi.
  • Thuốc gây mê thường được dùng bằng cách truyền tĩnh mạch trên cánh tay trong suốt thời gian thực hiện.
  • Đưa ống nội soi có chứa camera đi qua thực quản, xuống dạ dày và hành tá tràng.
  • Bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh được camera ghi lại.
  • Nếu hình ảnh hiển thị không rõ nét, có thể bơm không khí vào ống tiêu hóa để giúp cơ quan này căng phồng và cho hình ảnh rõ hơn.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dùng dụng cụ để sinh thiết mô hoặc cắt polyp, nong thực quản,…
  • Cuối cùng, bác sĩ sẽ rút dây nội soi sau khi kết thúc nội soi.

Thời gian nội soi dạ dày thường kéo dài khoảng 20 phút hoặc hơn tùy vào tình trạng sức khỏe của từng trường hợp.

3. Giai đoạn phục hồi và chăm sóc

Sau khi nội soi gây mê, bệnh nhân sẽ được chuyển qua phòng hồi tỉnh và nghỉ ngơi trong vài giờ. Nếu bác sĩ kiểm tra và đánh giá không thấy dấu hiệu bất thường, bạn có thể trở về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên vì có sử dụng thuốc mê nên bạn cần được người nhà đưa về.

nội soi gây mê
Bệnh nhân có thể trở về nhà khi tình trạng sức khỏe ổn định

Sau quá trình nội soi, bạn có thể gặp phải triệu chứng đau rát họng, đầy hơi, khó chịu, mệt mỏi,… Những triệu chứng này thường thuyên giảm sau 2 – 5 ngày nếu được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý.

Các rủi ro và biến chứng sau khi nội soi gây mê

Hiện tại, nội soi được đánh giá là thủ thuật chẩn đoán và điều trị khá an toàn do mức độ xâm lấn thấp. Tuy nhiên phương pháp này cũng có thể làm phát sinh một số tình huống rủi ro – đặc biệt là ở những đối tượng có tình trạng sức khỏe đặc biệt và không chăm sóc đúng cách.

nội soi dạ dày gây tê
Nội soi dạ dày có thể gây ra các rủi ro như nhiễm trùng, xuất huyết và rách/ thủng cơ quan tiêu hóa trên

Các rủi ro sau khi nội soi dạ dày gây mê bạn có thể gặp phải:

  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê: Kích động, buồn chồn, hạ huyết áp,…
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ít khi gặp ở các trường hợp thực hiện nội soi nhằm chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây bệnh. Biến chứng này chủ yếu xảy ra ở người cắt polyp dạ dày hoặc nong thực quản. Với những người có nguy cơ nhiễm trùng cao, bác sĩ có thể yêu cầu dùng kháng sinh trước khi thực hiện.
  • Xuất huyết: Xuất huyết có thể xảy ra với trường hợp nội soi kèm sinh thiết mô và cắt polyp. Tuy nhiên tình trạng này thường không quá nguy hiểm và có thể kiểm soát hoàn toàn nếu phát hiện sớm.
  • Thủng/ rách đường tiêu hóa trên: Trong quá trình nội soi dạ dày gây mê, các cơ quan ở đường tiêu hóa trên có thể bị rách hoặc thủng. Biến chứng này thường được xử lý bằng cách đóng lỗ thủng bằng kẹp kim loại.

Biểu hiện và dấu hiệu nhận biết rủi ro sau khi nội soi:

  • Khó thở
  • Sốt
  • Đau tức ngực
  • Khó nuốt
  • Đau bụng thường xuyên
  • Nôn mửa
  • Phân có màu đen, sẫm hoặc kèm máu

Ưu điểm và hạn chế của nội soi dạ dày gây mê

Nội soi dạ dày gây mê hiện đang được áp dụng khá phổ biến. Tuy nhiên trước khi quyết định thực hiện, bạn cần cân nhắc giữa ưu điểm và mặt hạn chế của kỹ thuật này.

Ưu điểm:

  • Không gây đau, buồn nôn và khó chịu trong quá trình thực hiện.
  • Do bệnh nhân được gây mê nên bác sĩ có thể dễ dàng quan sát biểu hiện của cơ quan tiêu hóa, đồng thời dễ sinh thiết và lấy mẫu dịch.

Hạn chế:

  • Chi phí cao hơn nội soi thông thường.
  • Có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc gây mê.
  • Xuất hiện một số rủi ro sau khi nội soi như nhiễm trùng, xuất huyết,…
  • Cần nghỉ ngơi trong vòng 24 giờ để ổn định phản xạ và hoạt động của não bộ.

Nội soi dạ dày gây mê là một trong những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các vấn đề ở đường tiêu hóa trên. Trước khi lựa chọn kỹ thuật này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.