Nội soi dạ dày có bị lây bệnh thông qua thiết bị không?
Nội soi dạ dày là thủ thuật thường được áp dụng trong y tế nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về dạ dày tá tràng. Không ít người bệnh đặt ra câu hỏi, khi nội soi dạ dày thì có bị lây bệnh thông qua thiết bị hay không? Với sự an toàn trong y tế hiện nay thì liệu vấn đề này có xảy ra? Thông tin từ bài viết bên dưới sẽ cung cấp câu trả lời cho bạn.
Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là thuật ngữ y tế đề cập đến phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng) bằng cách đưa một ống soi mềm nhỏ vào bằng đường miệng. Qua hình ảnh của máy nội soi, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát được các dấu hiệu bất thường ở ống tiêu hóa trên.
Bằng phương pháp này, những tổn thương nhỏ chỉ khoảng vài milimet cũng dễ dàng bị phát hiện. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp hay sinh thiết để tầm soát ung thư.
Ngoài ra, kỹ thuật nội soi dạ dày còn được áp dụng với mục đích theo dõi quá trình điều trị các vấn đề về dạ dày. Điển hình như tổn thương, nhiễm khuẩn, viêm loét hoặc xuất huyết dạ dày.
Dựa vào mục đích nội soi mà y khoa chia thủ thuật này ra làm 2 hình thức như sau:
- Nội soi chẩn đoán:Hình thức này được áp dụng với mục đích để phát hiện ra các loại vi khuẩn có hại trong dạ dày. Từ đó lấy mô để chẩn đoán vi trùng và đưa ra kết luận.
- Nội soi can thiệp: Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ luồn vào dây soi để can thiệp trực tiếp vào dạ dày. Mục đích là để tiến hành các thủ thuật điều trị như cột chích, cột thắt, đốt cầm máu trong thực quản – dạ dày, gây xơ hóa…
Nội soi dạ dày có bị lây bệnh thông qua thiết bị không?
Nội soi dạ dày thường sẽ cho kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao hơn so với một số thủ thuật khác như siêu âm hay chụp X-quang. Tuy nhiên, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc việc có áp dụng thủ thuật này hay không.
Không ít người bệnh đặt ra câu hỏi, liệu nội soi dạ dày có nguy cơ bị lây bệnh thông qua thiết bị hay không? Vấn đề thắc mắc này được các chuyên gia lý giải như sau:
Vấn đề an toàn trong y tế đang ngày càng được đề cao. Chính vì vậy mà những rủi ro như lây nhiễm trong quá trình thực hiện các kỹ thuật y khoa như nội soi dạ dày thông qua thiết bị là rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ được hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua hình thức này.
Cho đến nay đã có rất nhiều các báo cáo ghi nhận rằng có khoảng hơn 50 loại vi sinh vật gây bệnh có khả năng lây qua trung gian là máy nội soi. Trong đó, một số loại điển hình liên quan đến bệnh đường tiêu hóa phải kể tên như xoắn khuẩn Hp hay trực khuẩn mủ xanh.
Hằng năm vẫn có nhiều trường hợp ghi nhận về vấn đề rủi ro lây nhiễm qua thiết bị khi thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày. Nguyên nhân chính là do sơ suất từ phía cơ sở y tế trong quá trình xử lý máy. Trong khi thiết bị nội soi dạ dày là một dụng cụ sử dụng chung tương đối khó xử lý.
Phần lớn những ca nhiễm bệnh thông qua thiết bị nội soi dạ dày thường tiến triển âm thầm. Và nhiều trường hợp chỉ phát bệnh nhiều tháng hay nhiều năm sau đó. Đôi khi người bệnh đã hoàn toàn lãng quên về việc đã từng đi thực hiện nội soi khi nào và ở đâu.
Cách ngăn ngừa lây bệnh thông qua thiết bị khi nội soi dạ dày
Chính nguy cơ lây nhiễm thông qua thiết bị khi nội soi dạ dày đã khiến rất nhiều người bệnh hoang mang. Bởi chính họ không thể nào tự mình kiểm soát được tình trạng này.
Vậy làm thế nào để có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua thiết bị khi thực hiện nội soi dạ dày? Dưới đây là các giải pháp cần chú ý:
– Đối với người bệnh:
- Nên lựa chọn kỹ càng về cơ sở khám chữa bệnh. Chỉ nên tin tưởng ở những cơ sở có chuyên khoa nội soi uy tín. Bởi ở đây không chỉ có đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao mà khâu vô trùng máy móc thiết bị cũng sẽ được thực hiện nghiêm ngặt. Từ đó tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh hay gặp phải các vấn đề rủi ro khác trong quá trình nội soi.
- Nên thông báo chính xác cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bản thân. Nhất là khi bạn đang mắc các bệnh xã hội dễ lây nhiễm. Từ đó bác sĩ sẽ có phương án can thiệp phù hợp để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.
- Đừng nên nội soi quá nhiều lần ở nhiều các cơ sở y tế khác nhau. Tốt nhất bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín để thăm khám và nội soi ở đây mỗi khi cần thiết.
– Đối với cơ sở y tế:
- Cần đặt sự an toàn trong y tế lên hàng đầu. Thực hiện nghiêm ngặt khâu vô trùng các thiết bị y khoa, đặc biệt là các thiết bị khó xử lý như nội soi dạ dày.
- Đội ngũ y bác sĩ cần làm việc có lương tâm và trách nhiệm, tránh tình trạng dùng thiết bị chưa qua xử lý chung cho nhiều người bệnh.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc nội soi dạ dày có bị lây bệnh thông qua thiết bị không? Đồng thời đưa ra các giải pháp giúp ngăn ngừa tình trạng này. Người bệnh cũng đừng nên quá lo lắng, bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua thiết bị nội soi là rất thấp, hiếm khi xảy ra.