Nguyên nhân trẻ bị ngứa hậu môn và cách khắc phục tận gốc
Trẻ có thể bị ngứa hậu môn do vệ sinh cơ thể không đúng cách, táo bón kéo dài, nhiễm giun kim hoặc do hẹp hậu môn bẩm sinh. Hiện tượng ngứa hậu môn thường không nguy hiểm nhưng có thể khiến trẻ bứt rứt, quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ và chậm phát triển.
Vì sao trẻ bị ngứa hậu môn?
Ngứa hậu môn là hiện tượng vùng da bên trong và xung quanh cơ quan này bị kích thích và tổn thương, gây ra hiện tượng ngứa ngáy và khó chịu.
Triệu chứng ngứa hậu môn không chỉ xuất hiện ở người lớn mà còn xảy ra ở trẻ em với nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định nguyên nhân cụ thể sẽ giúp phụ huynh dễ dàng trong việc khắc phục triệu chứng này ở con trẻ.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây khiến trẻ bị ngứa hậu môn:
1. Nhiễm giun kim
Nhiễm giun kim được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng ngứa ngáy và khó chịu hậu môn ở trẻ nhỏ. Hiện tượng ngứa hậu môn do giun kim xảy ra chủ yếu vào ban đêm vì lúc này giun cái bò xuống hậu môn đẻ trứng và tiết ra dịch gây ngứa dữ dội.
Trong trường hợp do nhiễm giun kim, bạn có thể nhận thấy trẻ hay cáu bẳn, mất ngủ, dễ bực dọc và thường xuyên đưa tay gãi hậu môn. Để xác định liệu trẻ có nhiễm giun kim hay không, phụ huynh có thể dùng đèn soi sẽ thấy giun kim và các nang trứng nằm bên trong nếp gấp hậu môn.
2. Táo bón lâu ngày
Trẻ nhỏ dễ bị táo bón do thói quen ít uống nước và ăn rau xanh. Táo bón là tăng áp lực lên niêm mạc hậu môn và dễ gây ra hiện tượng ngứa ngáy, khó chịu và đau rát.
Nếu tình trạng táo bón kéo dài, trẻ có thể bị nứt kẽ hậu môn hoặc thậm chí là mắc bệnh trĩ.
3. Vệ sinh kém
Vệ sinh hậu môn không đúng cách có thể khiến phân và bụi bẩn tích tụ, gây ra hiện tượng ngứa ngáy và khó chịu. Ngứa hậu môn do vệ sinh kém là nguyên nhân dễ cải thiện và khắc phục nhất.
Tuy nhiên nếu để kéo dài, vùng da ở hậu môn có thể nhiễm trùng, áp xe và hoại tử.
4. Hẹp hậu môn
Hẹp hậu môn là dị tật bẩm sinh do khiếm khuyết từ gen di truyền. Trẻ bị hẹp hậu môn thường gặp khó khăn khi đi đại tiện và dễ gặp phải các triệu chứng như đau rát, sưng viêm, ngứa ngáy, chảy máu,…
5. Viêm da tiếp xúc
Làn da của trẻ nhỏ thường nhạy cảm với các tác nhân kích thích. Trong trường hợp hậu môn ma sát với tã, quần áo hoặc tiếp xúc với xà phòng có độ tẩy mạnh, vùng da này có thể bị ngứa, viêm và chảy dịch.
6. Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn xảy ra khi hậu môn xuất hiện các vết nứt sau khi đi đại tiện. Bệnh lý này có thể khởi phát do táo bón kéo dài hoặc do vùng da hậu môn bị khô.
Ban đầu nứt kẽ hậu môn chỉ gây ngứa và kích thích nhẹ. Tuy nhiên khi vết nứt đi sâu vào niêm mạc, trẻ có thể quấy khóc do đau hậu môn, chảy máu, tụ mủ,…
7. Dị ứng thực phẩm
Việc thu nạp các thực phẩm có khả năng dị ứng cao như mực, tôm, hải sản, nấm,… có thể gây tiêu chảy và ngứa hậu môn ở trẻ nhỏ. Ngoài ra trẻ ăn thực phẩm có tính nóng (ớt, tỏi, tiêu,…) cũng có thể bị ngứa rát hậu môn khi đại tiện.
Hiện tượng ngứa hậu môn ở trẻ em có nguy hiểm không?
Ngứa hậu môn ở trẻ nhỏ là tình trạng khá phổ biến và hiếm khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu triệu chứng xảy ra với tần suất dày đặc và mức độ nặng nề, trẻ có thể rơi vào tình trạng bực dọc, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ và chậm phát triển.
Hơn nữa tổn thương ở hậu môn cũng có thể tiến triển theo chiều hướng xấu, gây đau rát và nhiễm trùng. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng ngứa hậu môn ở trẻ, phụ huynh nên chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục.
Cách điều trị ngứa hậu môn ở trẻ em
Trẻ bị ngứa hậu môn thường dễ cáu bẳn, mệt mỏi, chán ăn,… Vì vậy bạn có thể cải thiện triệu chứng này ở con trẻ với những biện pháp sau đây:
1. Vệ sinh cơ thể đúng cách
Khi nhận thấy con trẻ ngứa ngáy và khó chịu ở hậu môn, cần vệ sinh cơ thể cho trẻ đúng cách. Đối với những trẻ lớn hơn, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của thói quen vệ sinh cá nhân và hướng dẫn cho trẻ cách tự vệ sinh.
Khi vệ sinh cho trẻ, bạn chỉ nên sử dụng nước sạch hoặc nước muối pha loãng. Sử dụng xà phòng chứa chất tẩy mạnh có thể gây kích ứng và tổn thương da. Ngoài ra, cần lau khô hậu môn và vùng kín của trẻ trước khi mặc quần áo.
2. Cho trẻ uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh
Táo bón là một trong những nguyên nhân gây ngứa và đau rát ở hậu môn. Vì vậy bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ để hạn chế nguyên nhân này.
- Khuyến khích trẻ uống đủ 1.5 – 2 lít nước/ ngày. Nếu trẻ khó chịu khi uống nước lọc, bạn có thể cho trẻ uống nước ép trái cây để kích thích vị giác.
- Bổ sung rau xanh và trái cây trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Nếu trẻ không thích ăn rau, bạn có thể thay thế bằng các loại củ như khoai lang, khoai tây, cà rốt,…
- Nên chế biến thức ăn cho trẻ ở dạng lỏng như nấu canh, soup, cháo,… để tránh tình trạng táo bón và ngứa hậu môn.
- Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng và kích thích hậu môn như thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ, hải sản, đậu phộng,…
- Cho trẻ ăn đúng giờ, hạn chế tình trạng ép trẻ ăn quá nhiều. Nếu trẻ lười ăn, bạn nên tìm gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn và hướng dẫn cách khắc phục.
3. Tiến hành nong hậu môn
Với trường hợp ngứa ngáy và đau rát do hẹp hậu môn, phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám và tiến hành nong hậu môn.
Phương pháp này được thực hiện trong khoảng 6 – 12 tháng nhằm nới rộng không gian hậu môn và cải thiện các triệu chứng khó khăn khi đại tiện ở trẻ.
4. Tránh xa các tác nhân kích thích
Trẻ bị ngứa ở hậu môn có thể do viêm da tiếp xúc gây ra. Nếu do nguyên nhân này, bạn có thể cải thiện bằng cách loại bỏ các tác nhân kích thích xung quanh trẻ.
- Thay thế tã, nước xả vải, xà bông tắm,… nếu nghi ngờ các sản phẩm này là nguyên nhân khiến trẻ bị ngứa hậu môn.
- Mặc quần vừa kích cỡ với cân nặng của trẻ, đồng thời nên lựa chọn trang phục có chất liệu thông thoáng và mát mẻ.
- Thường xuyên thay tã để tránh hiện tượng ma sát gây ngứa hậu môn và hăm da.
5. Điều trị nhiễm giun kim
Nhiễm giun kim là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị ngứa ngáy hậu môn vào ban đêm. Vì vậy nếu nhận thấy giun kim và ấu trùng ở nếp gấp hậu môn, bạn nên cho trẻ thực hiện các biện pháp điều trị.
Các loại thuốc trị giun kim:
- Albendazole: Cho trẻ uống 1 viên thuốc (400mg) và nhắc lại sau 1 tháng.
- Mebendazole: Tương tự Albendazole, bạn cho trẻ uống 1 viên thuốc (500mg) và nhắc lại sau 1 tháng.
Các loại thuốc trị giun kim chỉ được sử dụng cho trẻ nhỏ trên 2 tuổi. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ dưới độ tuổi được quy định.
Với những trẻ dưới 2 tuổi, bạn có thể áp dụng một số mẹo trị giun kim từ dân gian như:
- Dầu dừa: Dầu dừa có tác dụng kháng khuẩn và ức chế hoạt động sinh sản của giun kim. Vì vậy bạn có thể vệ sinh hậu môn cho trẻ, lau khô, sau đó thoa dầu dừa lên vùng da này. Thực hiện từ 2 – 3 lần/ ngày có thể hạn chế hiện tượng ngứa ngáy và khó chịu.
- Nước ép tỏi: Tương tự dầu dừa, nước ép tỏi có khả năng sát trùng và kháng khuẩn mạnh. Sử dụng nước ép tỏi lên hậu môn có thể gây hư hại ấu trùng giun kim và giảm ngứa ngáy. Tuy nhiên nước ép tỏi có tính cay nồng, vì vậy chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi.
Trẻ bị ngứa hậu môn là tình trạng khá phổ biến. Khi nhận thấy trẻ có triệu chứng này, phụ huynh nên xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp. Tuy nhiên với những trường hợp có dấu hiệu chảy máu hậu môn kèm theo mủ/ dịch, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.