Nguyên nhân gây cảm giác buồn nôn ở cổ họng và cách xử lý
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng là triệu chứng đặc trưng của các bệnh lý về đường tiêu hóa. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng này có thể là dấu hiệu mang thai, đau nửa đầu, cơ thể mất nước hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị.
Các nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn ở cổ họng
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng thường gây khó chịu, nôn mửa và thiếu tập trung. Ngoài ra triệu chứng kéo dài còn gây ra tình trạng chán ăn, ăn không ngon khiến cơ thể suy nhược và giảm sức đề kháng.
Tuy nhiên trước khi tiến hành điều trị, bạn cần xác định nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn để áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe có thể gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa:
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng buồn nôn và nôn mửa. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng dạ dày tăng tiết acid và có xu hướng trào ngược lên thực quản, cổ họng,… Ngoài triệu chứng này, trào ngược dạ dày còn gây ợ hơi, ợ chua, nóng rát bụng, đau thượng vị, chướng bụng, đầy hơi,…
2. Viêm thực quản
Viêm thực quản là hiện tượng niêm mạc ở cơ quan này bị viêm và sưng. Bệnh lý này xảy ra do trào ngược dạ dày kéo dài, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, dị ứng thực phẩm,… và một số nguyên nhân khác.
Hiện tượng viêm ở thực quản là nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đau rát khi ăn, nghẹn vướng khi nhai nuốt, chán ăn, mệt mỏi,… Viêm thực quản thường không quá nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể gây hẹp thực quản, ung thư và một số biến chứng khác.
3. Ung thư thực quản
Ung thư thực quản xảy ra khi tế bào ở cơ quan này phát triển bất thường, gây loạn sản và hình thành khối u ác tính. Loại ung thư này phổ biến thứ 3, chỉ sau ung thư dạ dày và ung thư đại – trực tràng. Bệnh khởi phát do biến chứng của hội chứng trào ngược dạ dày, béo phì, hút thuốc lá, viêm thực quản tái phát nhiều lần,…
Ung thư thực quản có thể gây buồn nôn ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, đi kèm với hiện tượng nôn mửa, người sụt cân nhanh chóng, mệt mỏi, khó thở, đau thắt ngực,…
4. Loét thực quản
Loét thực quản là giai đoạn tiến triển của viêm thực quản. Vì vậy bệnh lý thường có mức độ nghiêm trọng và làm phát sinh nhiều triệu chứng như đau cổ họng, nghẹn khi nuốt, có cảm giác buồn nôn, ói mửa sau khi ăn,…
Trong những trường hợp phát hiện muộn, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như hẹp thực quản, xuất huyết đường tiêu hóa trên, vỡ thực quản, ung thư thực quản,…
5. Dấu hiệu mang thai
Buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mang thai ở tuần thứ 4 – 6. Đây là triệu chứng đặc trưng của tình trạng ốm nghén ở bà bầu. Ngoài cảm giác buồn nôn, ốm nghén còn biểu hiện thông qua hiện tượng đầy hơi ở bụng, nôn ói khi nghe mùi thực phẩm lạ,…
Nếu buồn nôn do mang thai, bạn có thể nhận biết thông qua dấu hiệu chậm kinh, cân nặng có thay đổi, người mệt mỏi, thiếu sức sống,…
6. Co thắt thực quản
Co thắt thực quản là hiện tượng rối loạn hoạt động của cơ trơn thực quản, gây gián đoạn và cản trở quá trình vận chuyển thức ăn uống cơ quan tiêu hóa.
Bệnh lý này gây ra triệu chứng tương tự các vấn đề sức khỏe ở thực quản như có cảm giác buồn nôn, nôn mửa, khó nuốt, hôi miệng, ợ nóng, thở khò khè,…
7. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng xảy ra khi niêm mạc vòm họng xuất hiện khối u ác tính. Bệnh lý này có thể khởi phát do yếu tố di truyền, sinh sống trong môi trường ô nhiễm hoặc do nhiễm virus Epstein Barr.
Ban đầu, ung thư vòm họng chỉ gây ra một số triệu chứng nhẹ như đau họng, có cảm giác buồn nôn, nôn ói, khàn tiếng,… Sau một thời gian, khối u có thể phát triển và gây ra các triệu chứng nặng nề như sưng cổ, đau đầu, chảy nước mũi có máu, ho ra máu, người sụt cân bất thường, mệt mỏi, thiếu tập trung,…
8. Ung thư dạ dày
Tương tự như ung thư vòm họng, ung thư ở dạ dày cũng có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn ở cổ họng. Sự xuất hiện khối u ác khiến dạ dày tăng tiết dịch vị và đẩy acid ngược lên vòm họng, thực quản,…
Ngoài triệu chứng này, ung thư dạ dày còn có thể gây nôn ói ra máu, đầy hơi, đau thượng vị, ăn không ngon, giảm cân bất thường,…
9. Hội chứng Zollinger-Ellison
Hội chứng Zollinger-Ellison xảy ra khi tá tràng và tuyến tụy xuất hiện các khối u tiết gastrin. Khi nồng độ gastrin được tạo ra quá mức, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị, từ đó tăng nguy cơ trào ngược acid và loét dạ dày – tá tràng.
Triệu chứng do hội chứng này gây ra thường không có tính đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác, như: Có cảm giác buồn nôn ở cổ họng, chán ăn, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau âm ỉ thượng vị,…
10. Uống quá nhiều rượu
Sau khi say rượu, cơ thể sẽ phát sinh một số triệu chứng và cảm giác khó chịu như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, hôi miệng, mệt mỏi, bất an, cáu kỉnh, tăng nhịp tim,… Phần lớn các triệu chứng này đều thuyên giảm sau khoảng 24 giờ.
Tuy nhiên uống quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc và tử vong ở một số trường hợp. Do đó nếu nhận thấy triệu chứng nặng nề hơn (ói mửa liên tục, nhịp thở chậm và không đều, lên cơn co giật,…), cần gọi cấp cứu để được khắc phục kịp thời.
11. Cơ thể mất nước
Ít người biết rằng, mất nước cũng có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn ở cổ họng. Nước là yếu tố duy trì hoạt động của các tế bào bên trong cơ thể.
Vì vậy khi mất nước, nồng độ điện giải thường có xu hướng mất cân bằng và giảm hoạt động của các cơ quan. Ngoài ra, mất nước cũng có thể khiến dạ dày tăng tiết acid và gây ra buồn nôn, đau thượng vị,…
12. Chứng đau nửa đầu
Đau nửa đầy (đau nửa đầu Migraine) đặc trưng bởi hiện tượng đau một bên đầu không cố định. Trước khi triệu chứng này xảy ra, cơ thể sẽ báo hiệu thông qua hiện tượng buồn nôn, thị giác giảm, sợ ánh sáng, căng thẳng,…
Ngoài ra, bệnh lý này còn tăng sản xuất serotonin, tác động đến hệ thần kinh trung ương và gây ra cảm giác buồn nôn kéo dài.
13. Hạ đường huyết
Lượng đường trong máu giữ vai trò điều chỉnh nồng độ hormone trong cơ thể. Khi đường huyết giảm đột ngột, các hormone như epinephrine, glucagon,… sẽ có dấu hiệu tăng bất thường. Hiện tượng này gây áp lực lên dạ dày và làm phát sinh cảm giác buồn nôn ở cổ họng.
Với những người bị hạ đường huyết đột ngột (do sử dụng thuốc hoặc uống bia rượu), các triệu chứng phát sinh sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn như tim đập nhanh, choáng váng, mệt mỏi, đổ mồ hôi bất thường. không thể đi lại, co giật và hôn mê.
14. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị, ví dụ thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, kháng sinh,… Những loại thuốc này có thể gây kích thích dạ dày và khiến cơ quan này giải phóng acid dịch vị nhiều hơn bình thường.
15. Các nguyên nhân ít gặp khác
Ngoài những nguyên nhân nói trên, cảm giác buồn nôn ở cổ họng có thể khởi phát do một số yếu tố khác:
- Dị ứng thực phẩm
- Viêm loét dạ dày tá tràng
- Lo lắng hoặc căng thẳng quá mức
- Suy thượng thận
- Ngộ độc thuốc giảm đau gây nghiện
- Nhồi máu cơ tim
- Hội chứng tiền kinh nguyệt
- Viêm túi mật
- Tác dụng phụ sau phẫu thuật
- Say tàu xe
- Đau ruột thừa
- Viêm tụy
Có thể thấy, cảm giác buồn nôn ở cổ họng bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy ngoài triệu chứng này, bạn nên xem xét những triệu chứng đi kèm để khoanh vùng các bệnh lý có khả năng mắc phải.
Cách xử lý cảm giác buồn nôn ở cổ họng
1. Thăm khám và điều trị
Việc xác định bệnh thông qua triệu chứng cơ năng và triệu chứng toàn thân có thể gây ra tình trạng sai lệch và nhầm lẫn. Vì vậy nếu triệu chứng buồn nôn kéo dài trên 3 ngày, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.
Nếu nguyên nhân do mang thai hoặc tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn một số cách giảm buồn nôn tại nhà. Tuy nhiên trong trường hợp triệu chứng khởi phát do các bệnh lý nguy hiểm, bạn cần tiến hành điều trị để tránh các rủi ro và biến chứng phát sinh.
2. Giảm buồn nôn tại nhà
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng thường không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu, bứt rứt. Vì vậy bên cạnh những phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm buồn nôn ngay tại nhà:
- Ngậm 1 – 2 lát gừng tươi khi có cảm giác buồn nôn có thể cải thiện tình trạng nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy, tinh chất beta-zingiberen trong gừng có khả năng giảm buồn nôn và hạn chế ói mửa.
- Uống trà mật ong ấm có thể làm giảm buồn nôn hiệu quả– đặc biệt là trong trường hợp buồn nôn do hạ đường huyết. Ngoài ra, trà mật ong còn làm dịu niêm mạc thực quản, giúp giảm đau rát và nghẹn vướng khi nuốt.
- Uống nhiều nước giúp cân bằng nồng độ điện giải, trung hòa acid dịch vị và loại bỏ lượng acid trào ngược lên vòm họng, thực quản.
- Ăn trái cây có mùi thơm dễ chịu như cam, quýt, dâu,… có thể giảm cảm giác buồn nôn do mang thai và say tàu xe. Tuy nhiên cách này không phù hợp với người gặp vấn đề về thực quản và dạ dày.
- Có thể ăn bánh mì tươi để thấm hút dịch vị dư thừa và giảm cảm giác buồn nôn, nôn mửa ở cổ họng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm thêm tinh dầu bạc hà nhằm đem lại cảm giác thư thái, dễ chịu và giảm cảm giác buồn nôn, khó chịu.
- Trong trường hợp nôn mửa kéo dài, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc chống nôn như Bismuth, Metoclopramide, Chlorpromazine,…
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng là triệu chứng thường gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng kéo dài, bạn nên chủ động thăm khám để bác sĩ chẩn đoán và tiến hành điều trị trong trường hợp cần thiết.