Mẹ bị nhiễm HP dễ lây cho con, làm sao phòng ngừa?
Hầu hết các mẹ bị nhiễm vi khuẩn HP đều rất lo lắng căn bệnh sẽ lây sang con và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Vậy mẹ bị HP có lây cho con không? Làm sao để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất? Câu trả lời sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Mẹ bị HP có lây cho con không?
Theo số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm vi khuẩn HP giữa các cặp vợ chồng với nhau là 60%. Bên cạnh đó, nếu mẹ hoặc bố bị nhiễm HP dễ lây cho con và tỉ lệ lây nhiễm khoảng 40%. Tại Việt Nam, tỉ lệ những bệnh nhân bị lây nhiễm vi khuẩn HP đang ở mức đáng báo động (thủ đô Hà Nội 70%, thành phố Hồ Chí Minh 90%).
Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm từ người sang người bằng nhiều con đường khác nhau. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc phải nhất. Những trẻ em nhiễm vi khuẩn HP bắt nguồn từ những người thân trong gia đình. Do đó, nếu mẹ bị nhiễm HP thì khả năng lây lan sang cho con là rất cao. Do đó, cha mẹ cần phải thận trọng với căn bệnh này.
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Bàng (Khoa Nhi – Đại học Y Hà Nội) cho biết, tỉ lệ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em là 35 – 50%. Trong đó, trẻ em dưới 1 tuổi là 20 – 35%, từ 3 – 10 tuổi là 45 – 50%, từ 15 – 18 tuổi là 75 – 80%. Căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hấp thụ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
Khi trẻ mắc bệnh sẽ bị thiếu máu trầm trọng, kém ăn, cơ thể suy nhược, chậm phát triển. Một số trường hợp trẻ bị loét dạ dày gây chảy máu, thủng dạ dày, tiêu chảy, đau bụng liên tục, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch,… Căn bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ nếu không được tiến hành điều trị và kiểm soát kịp thời.
Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em
Theo các chuyên gia cho biết, vi khuẩn HP lây lan trong môi trường tập thể, những vùng có y tế kém, gia đình đông con,… Loại vi khuẩn này thường lây nhiễm từ dạ dày người này sang người khác thông qua con đường miệng. Cụ thể các con đường lây nhiễm vi khuẩn như sau.
+ Đường Phân – Miệng: Nếu không rửa sạch tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, vi khuẩn HP có trong phân người bệnh sẽ nhanh chóng lây lan sang người khác. Bên cạnh đó, nếu thức ăn không được đậy kỹ, vi khuẩn HP sẽ nhanh chóng lây nhiễm sang các vật thể trung gian như ruồi, chuột, gián,… Những con vật này sẽ mang vi khuẩn HP và tiếp tục tấn công người khác.
+ Đường Dạ dày – Miệng: Với những bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua, các axit cùng các chất dịch sẽ nhanh chóng bị trào ngược lên trên vùng miệng. Nếu bạn tiếp xúc với người bệnh thông qua đường miệng hoặc nước bọt thì nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP là rất cao.
+ Đường Dạ dày – Dạ dày: Với những bệnh nhân có vi khuẩn HP sau khi tiến hành nội soi ở các cơ sở y tế tại bệnh viện sẽ có thể lây bệnh sang cho người khác. Hầu hết bác sĩ đều tiến hành nội soi dạ dày bằng đầu dò nội soi. Tuy nhiên, nếu vật dụng này không được sát trùng sạch sẽ thì vi khuẩn HP vẫn còn tồn tại trong đó, nếu tiếp tục thực hiện cho người tiếp theo thì khả năng mắc bệnh sẽ rất cao.
+ Đường Miệng – Miệng: Con đường lây nhiễm này xuất hiện chủ yếu ở trẻ em. Khi bố mẹ hoặc ông bà ôm hôn, mớm thức ăn cho trẻ sẽ khiến bé rất dễ lây nhiễm vi khuẩn HP. Ngoài ra, nếu sử dụng bát đũa và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày sẽ càng khiến cho vi khuẩn HP có cơ hội lây nhiễm sang cho người khác. Ngoài những con đường lây nhiễm trên, trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP có thể do tiếp xúc với dịch nôn của các trẻ khác.
Cách phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP cho trẻ từ cha mẹ
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu ra loại vắc xin phòng ngừa vi khuẩn HP. Căn bệnh này có thể lây lan cho bất cứ thành viên nào trong gia đình. Do vậy, cha mẹ cần phải chủ động phòng ngừa, tránh lây nhiễm bệnh sang cho con cái. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm, mọi người có thể áp dụng.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sử dụng riêng các vật dụng như bàn chải đánh răng, ly, cốc,…
- Đảm bảo chế độ ăn uống cho các bé, cho trẻ ăn chín, uống sôi
- Vệ sinh các dụng cụ ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng
- Không được sử dụng chung các dụng cụ ăn uống. Mỗi thành viên trong gia đình phải có một dụng cụ ăn riêng, kể cả tô canh, chén nước chấm cũng phải dùng riêng.
- Vệ sinh sạch sẽ tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Không được mớm các loại thức ăn cho trẻ nhỏ
- Không nên hôn trẻ nhỏ vì dễ lây bệnh cho bé
- Những người có vi khuẩn HP không nên hắt hơi trực tiếp ra môi trường xung quanh gần trẻ nhỏ.
- Khi mẹ hoặc cha nhiễm vi khuẩn HP thì cần tiến hành điều trị dứt điểm, tránh bệnh lây nhiễm sang cho con
- Cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám, xét nghiệm vi khuẩn HP định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần phải cho trẻ uống thuốc đúng liều và thực hiện đầy đủ các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Với những thông tin trên, hy vọng sẽ giúp các bậc phụ huynh giải đáp được thắc mắc: Mẹ bị hp có lây cho con không? Vốn dĩ tình trạng lây nhiễm từ bố mẹ sang con cái ngày càng tăng nên mọi người cần phải thận trọng. Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu chán ăn, chậm lớn, nôn, buồn nôn, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen,… thì cần đưa bé tiến hành thăm khám, điều trị bệnh sớm. Đây là căn bệnh nguy hiểm có thể gây xuất huyết tiêu hóa, viêm dạ dày tá tràng, ung thư,… nên cha mẹ cần phải thận trọng.