Khi nào cần nội soi đại tràng và thông tin cần biết
Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để chẩn đoán nhiều bệnh lý ở cơ quan này, trong đó có bệnh ung thư. Dưới đây những lưu ý khi nào cần nội soi đại tràng và một số thông tin hữu ích khác.
Nội soi đại tràng chẩn đoán bệnh thế nào?
Trước khi tìm hiểu khi nào cần nội soi đại tràng, bạn nên biết sơ quan kỹ thuật này được thực hiện thế nào và độ tin cậy đối với kết quả chẩn đoán ra sao.
Các bác sĩ dùng ống soi mềm để thực hiện nội soi đại tràng. Đường kính của nó khoảng 1,3cm và dài khoảng 1,7cm. Ống rỗng, bên trong chứa nguồn sáng và đầu camera. Để thăm khám đại tràng, ống soi sẽ được đưa vào từ hậu môn và qua toàn bộ chiều dài của ruột già.
Hình ảnh từ đầu camera được truyền về sẽ phóng to và hiển thị trực tiếp trên màn hình bên ngoài. Nhờ đó, các bác sĩ sẽ thuận tiện và dễ dàng chẩn đoán chính xác tình trạng bên trong của cơ quan này. Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện bất thường, các bác sĩ có thể lấy mẫu tế bào ngay vị trí đó. Sau đó, nó được đưa đi sinh thiết để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Nhờ kỹ thuật nội soi, các bác sĩ có thể phát hiện những tình trạng gồm: viêm loét đại tràng, polyp, khối u ác tính hoặc các tổn thương niêm mạc khác của ruột già. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những máy nội soi thế hệ mới có thể phát hiện các tổn thương nhỏ đến 2mm. Ngoài ra, khi nội soi, nếu phát hiện bên trong ruột già đang chảy máu, các bác sĩ có thể cầm máu và cắt polyp.
Các kỹ thuật nội soi đại tràng
Thời gian diễn ra kỹ thuật nội soi đại tràng giao động từ 15 – 30 phút. Người được nội soi có thể trở về nhà sau 1 -2 giờ. Hiện nay có hai kỹ thuật nội soi đại tràng là: không gây mê (soi tươi) và có gây mê.
Trong đó, kỹ thuật nội soi có gây mê được áp dụng phổ biến hơn. Bởi ngoài việc không gây đau người được nội soi, các bác sĩ còn có thể dễ dàng thăm khám hầu hết các bộ phận của ống tiêu hóa. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giảm thiểu các trường hợp tai biến.
Còn đối với phương pháp soi tươi, người bệnh sẽ bị đau tức ở bụng dưới (nhiều hoặc ít tùy từng người). Nhưng đổi lại, chi phí của nó thấp hơn. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trước và sau khi nội soi. Quan trọng hơn, phương pháp này loại trừ được trường hợp sốc phản vệ và có thể áp dụng cho những người bị dị ứng với thuốc mê.
Khi nào cần nội soi đại tràng?
Nội soi đại tràng nên thực hiện khi cơ quan này có những biểu hiện bất thường và gây các triệu chứng như:
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.
- Bị sụt cân nghiêm trọng không rõ nguyên nhân.
- Đau bụng kéo dài, các cơn đau có thể quặn thành từng cơn và lặp đi lặp lại với mức độ ngày càng nặng.
- Thiếu máu và thiếu sắt hồng cầu không rõ lý do.
- Phân lẫn máu khi đại tiện. Hoặc kết quả kiểm tra iFOBT dương tính (xét nghiệm máu ẩn trong phân).
- Viêm loét đại tràng mãn tính, bệnh Crohn.
Ngoài những trường hợp trên, nội soi đại tràng nên được thực hiện định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý liên quan đến hoạt động của cơ quan này. Đặc biệt là những trường hợp sau:
- Có tiền sử polyp hoặc ung thư đại tràng
- Trong huyết thống có người bị ung thư hoặc polyp đại tràng.
- Người trên 40 tuổi.
- Người hút nhiều thuốc lá và uống nhiều bia rượu.
- Phụ nữ có tiền sử bị ung thư buồng trứng, cổ tử cung hoặc tuyến vú.
Tăng khả năng tầm soát ung thư nhờ nội soi đại tràng
Mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 14.000 người phát hiện bị ung thư đại tràng. Đó là một con số không hề nhỏ và rất đáng lo ngại. Bệnh chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì khả năng sống sót sau 5 năm điều trị, thậm chí khỏi hoàn toàn có thể lên đến 90%. Một trong những cách hữu hiệu để tầm soát ung thư đại tràng đó là nội soi.
Thời gian để các polyp phát triển thành ung thư giao động từ 5 – 10 năm. Do đó, bạn nên định kỳ nội soi đại tràng 5 năm 1 lần ngay cả khi không bị thuộc 1 trong các trường hợp cần nội soi như đã liệt kê ở trên. Đặc biệt là từ độ tuổi 40 trở lên. Cùng với đó, trong các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, bạn nên làm xét nghiệm hồng cầu trong phân. Nếu kết quả iFOBT dương tính, bạn cần nội soi đại tràng ngay.