Khám đại tràng không cần nội soi được không, khám ở đâu?
Thăm khám lâm sàng, chụp X quang, siêu âm đại tràng, xét nghiệm phân và máu là các kỹ thuật khám đại tràng không cần nội soi. Các kỹ thuật này thường được thực hiện trong chẩn đoán ung thư đại tràng, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích,… và một số bệnh lý khác.
Khám đại tràng không cần nội soi bằng phương pháp gì?
Nội soi là thủ thuật chẩn đoán chủ yếu các bệnh lý ở dạ dày, tá tràng và đại tràng. Tuy nhiên ở một số đối tượng không thể thực hiện nội soi, bác sĩ có thể tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán sau đây:
1. Thăm khám thực thể và triệu chứng lâm sàng
Thăm khám lâm sàng và thực thể là kỹ thuật chẩn đoán sơ bộ. Thông qua các biểu hiện thực thể và triệu chứng cơ năng, bác sĩ có thể khoanh vùng các bệnh lý mà bạn có khả năng mắc phải.
Vì vậy khi thăm khám, bạn nên trình bày với bác sĩ các triệu chứng như táo bón, đau quặn bụng, có máu trong phân, tiêu chảy,… Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi về tính chất, thời điểm và mức độ của các triệu chứng mà bạn gặp phải.
Ngoài ra, bạn có thể trình bày với bác sĩ tiền sử bệnh lý và một số thói quen có liên quan đến vấn đề ở đại tràng như bệnh tiểu đường, rối loạn nội tiết tố, lạm dụng rượu bia, thường xuyên hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, huyết áp cao,…
Sau khi nắm bắt triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể bằng cách sờ nắn vùng bụng để xem xét có biểu hiện bất thường hay không. Kết thúc chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ khoanh vùng những bệnh lý bạn có nguy cơ mắc phải và chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.
2. Chụp X Quang
Chụp X Quang là xét nghiệm hình ảnh cần thiết cho việc chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp và tiêu hóa. Với bệnh nhân khám đại tràng, bác sĩ có thể yêu cầu X Quang với trường hợp có dấu hiệu của viêm loét đại tràng, teo đại tràng và có khối u ở cơ quan này.
Trước khi chụp X Quang đại tràng, bác sĩ sẽ thụt tháo qua đường hậu môn nhằm giúp đại tràng thông thoáng. Ngoài ra trước khi chụp từ 1 – 2 ngày, bạn cần ăn ít chất xơ và sử dụng các thực phẩm dễ tiêu hóa để tránh ứ đọng chất thải tại ruột già.
Các kỹ thuật chụp X Quang đại tràng phổ biến:
- Chụp cản quang đơn: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách bơm vào đại tràng 2 lít nước hòa với baryte. Sau khi chụp lần đầu tiên, bạn cần đi vệ sinh và chụp thêm lần thứ 2 để lấy phim xả.
- Chụp X Quang sử dụng thuốc cản quang tan trong nước: Kỹ thuật này được áp dụng với những trường hợp nghi ngờ thủng đại tràng hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm.
3. Siêu âm đại tràng
Siêu âm sử dụng sóng có tần số cao nhằm quan sát cấu trúc các cơ quan bên trong cơ thể. Siêu âm đại tràng ít khi phát hiện được sự hiện diện của khối u do cơ quan tiêu hóa có thể cản trở sóng siêu âm.
Tuy nhiên thủ thuật này có thể cho phép bác sĩ chẩn đoán một số tình trạng như tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột hoặc thành đại tràng dày.
4. Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm nhiễm. Mẫu phân được thu thập và bảo quản trong ống nghiệm. Sau đó bác sĩ sẽ nuôi cấy theo phương pháp truyền thống nhằm xác định sự hiện diện của khuẩn gây nhiễm trùng.
Ngoài ra việc xác định được chủng vi khuẩn gây tổn thương đại tràng có thể giúp bác sĩ dễ dàng trong việc xây dựng kháng sinh đồ cho từng trường hợp cụ thể.
5. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu thường được áp dụng với những trường hợp có các triệu chứng rối loạn đại tiện như máu lẫn trong phân, táo bón, tiêu chảy,… Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một ít máu để đánh giá số lượng tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu.
Số lượng tiểu cầu cho phép bác sĩ đánh giá khả năng đông máu. Trong khi đó số lượng bạch cầu cho biết tình trạng miễn dịch và nhiễm trùng của cơ thể. Nếu đại tràng có viêm nhiễm, số lượng bạch cầu thường có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, số lượng hồng cầu thu được trong xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ định lượng máu xuất huyết qua phân.
6. Chụp CT hoặc MRI
Chụp CT (cắt lớp vi tính) và MRI (chụp cộng hưởng từ) có thể được thực hiện nhằm quan sát rõ hơn các mô mềm bên trong ổ bụng.
Thông qua hình ảnh từ các xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định được phạm vi ruột già bị ảnh hưởng và phát hiện biến chứng của các bệnh lý về đại tràng.
7. Điện giải đồ
Điện giải đồ thường được chỉ định với người gặp phải triệu chứng tiêu chảy kéo dài do nghi ngờ viêm đại tràng cấp tính. Thông thường, tiêu chảy kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nồng độ điện giải trong cơ thể. Vì vậy bác sĩ có thể xét nghiệm điện giải đồ nhằm xác định nồng độ clorua, kali và natri.
Có nên thực hiện các biện pháp thăm khám đại tràng không cần nội soi?
Nội soi đại tràng là thủ thuật chẩn đoán chính xác và hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên khi thực hiện thủ thuật này, bạn có thể gặp phải tình trạng đau rát hậu môn, buồn nôn và khó chịu. Vì vậy một số trường hợp đã từ chối nội soi trong quá trình chẩn đoán.
Tuy nhiên phần lớn các biện pháp thăm khám đại tràng không cần nội soi đều ở mức tương đối. Vì vậy nếu không nằm trong các đối tượng chống chỉ định với nội soi, bạn nên thực hiện các kỹ thuật thăm khám theo yêu cầu của bác sĩ để kết quả chẩn đoán được chính xác và minh bạch nhất.
Các bệnh viện có thăm khám và điều trị bệnh lý về đại tràng
1. Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ khám chữa bệnh quen thuộc với người dân khu vực miền Bắc. Bệnh viện được thành lập vào ngày 9 tháng 3 năm 1945. Với nhiều năm hình thành và phát triển, hiện nay bệnh viện là nơi đi đầu trong quá trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc chẩn đoán và điều trị.
- Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội
- SĐT: 0243 8693 731
- Thời gian làm việc: Thứ Hai – Thứ Bảy (6:30 – 12:30 và 13:30 – 18:00)
2. Bệnh viện Quân đội nhân dân Việt Nam 103 (Viện Quân y 103)
Bệnh viện Quân đội nhân dân Việt Nam 103 là đơn vị trực thuộc Học viện Quân y của Bộ Quốc Phòng. Được thành lập từ năm 1950, đến nay bệnh viện đã có gần 70 năm hoạt động và phát triển.
Tại khoa nội Tiêu hóa, bệnh nhân có vấn đề về Đại tràng sẽ được tư vấn cụ thể về các phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
- Địa chỉ: 261 Đường Phùng Hưng, Văn Quán, Huyện Hà Đông, Hà Nội
- SĐT: 0243 3115 689
- Thời gian làm việc: Thứ Hai – Chủ Nhật (8:00 – 12:00 và 13:30 – 16:30)
3. Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh đa khoa thuộc cấp trung ương nằm tại TP HCM. Bệnh viện có khoảng 66 khoa khác nhau, do đó có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu thăm khám và điều trị của người dân.
Được thành lập vào năm 1900 và có hơn 100 năm hoạt động, bệnh viện Chợ Rẫy trở thành địa chỉ khám chữa bệnh uy tín đối với người dân ở khu vực miền Nam.
- Địa chỉ: 201B Đường Nguyễn Chí Thanh, Phương 12, Quận 5, TP HCM.
- SĐT: 028 3855 4137 – 028 3856 3534 – 028 3855 4138
- Thời gian làm việc: Thứ Hai – Thứ Sáu (7:00 – 16:00) và Thứ Bảy (7:00 – 11:00)
4. Bệnh viện Nhân dân 115
Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng I, trực thuộc sở Y tế TP HCM. Tại Khoa Nội tiêu hóa gan mật, bệnh nhân có các triệu chứng về đại tràng có thể đến thăm khám và điều trị.
- Địa chỉ: 88 Đường Thành Thái, Phường 12, Quận 10, TP HCM
- SĐT: 028 3865 4249
- Thời gian làm việc: Thứ Hai – Thứ Sáu (6:30 – 11:30 và 13:00 – 16:00), Thứ Bảy (7:00 – 11:30 và 13:30 – 15:30), Chủ Nhật (7 – 11:30)
5. Bệnh viện 175
Bệnh viện 175 là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Bệnh viện được thành lập năm 1975 với tên gọi Viện quân y 175. Hiện nay bệnh viện không chỉ thăm khám cho thương binh, liệt sĩ mà còn tiếp nhận khám chữa bệnh cho người dân.
- Địa chỉ: 786 Đường Nguyễn Kiệm, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP HCM
- SĐT: 096 983 1010
- Thời gian làm việc: Thứ Hai – Thứ Sáu (7:30 – 16:00)
Ngoài ra bạn cũng có thể thăm khám các bệnh lý đại tràng ở những phòng khám tư nhân để tránh tình trạng phải chờ đợi. Tuy nhiên cần lựa chọn phòng khám uy tín để tránh trường hợp bác sĩ chẩn đoán sai và áp dụng các biện pháp điều trị không phù hợp.
Bài viết đã tổng hợp một số phương pháp khám đại tràng không cần nội soi và giới thiệu một số bệnh viện uy tín. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc có thể dễ dàng hơn trong việc thăm khám và điều trị bệnh.