Hội chứng trào ngược họng thanh quản là gì? Có nguy hiểm không?

Hội chứng trào ngược họng thanh quản (LPR) xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, vòm họng và thanh quản. Khác với trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng này thường không gây ra các triệu chứng điển hình như ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng,… Vì vậy có rất nhiều trường hợp mắc bệnh đều chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị.

Hội chứng trào ngược họng thanh quản
Hội chứng trào ngược họng thanh quản xảy ra khi dịch vị trào ngược lên thực quản, vòm họng và thanh quản

Hội chứng trào ngược họng thanh quản là gì?

Hội chứng trào ngược họng thanh quản (Silent Reflux/ Laryngopharyngeal reflux/ LPR) xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và đi vào cổ họng, dây thanh quản và đường mũi.

Tuy nhiên hội chứng trào ngược họng thanh quản hầu như không gây ra các triệu chứng điển hình như trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát khi niêm mạc của các cơ quan bị tổn thương do tiếp xúc với axit dạ dày trong thời gian dài.

Triệu chứng nhận biết trào ngược họng – thanh quản

Trào ngược họng thực quản thường không gây ra triệu chứng hoặc có làm phát sinh một số triệu chứng rất mơ hồ, bao gồm:

  • Thường xuyên cảm thấy đắng trong cổ họng
  • Khó khăn và nghẹn khi nhai nuốt
  • Thường xuyên đằng hắng
  • Khàn tiếng
  • Đau và nóng rát ở cổ họng
  • Khó thở
  • Có cảm giác nước mũi chảy vào cổ họng
  • Ho kéo dài

Trong trường hợp bệnh lý xảy ra ở trẻ nhỏ, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:

Hội chứng trào ngược họng thanh quản
Trẻ bị LPR thường có xu hướng quấy khóc, chán ăn, chậm tăng cân, khàn tiếng,…
  • Chậm hoặc không tăng cân
  • Khàn giọng
  • Viêm tai
  • Ho
  • Buồn nôn
  • Đau họng
  • Chán ăn
  • Hay quấy khóc

Mặc dù có cơ chế bệnh sinh tương tự như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nhưng hội chứng này không gây ra các triệu chứng điển hình do trào ngược axit như ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, đầy bụng,…

Nguyên nhân gây trào ngược họng thanh quản

Thông thường thức ăn sẽ đi từ miệng xuống thực quản và dạ dày. Sau đó dạ dày sẽ bài tiết dịch vị nhằm tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng. Quá trình co bóp của dạ dày khi tiêu hóa có thể đẩy thức ăn trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên cơ vòng ở thực quản thường có xu hướng đóng chặt để ngăn chặn hiện tượng trên.

Tuy nhiên ở những người bị LPR hay GERD, cơ vòng của thực quản có thể bị suy yếu, không thể đóng chặt hoàn toàn khiến thức ăn và dịch vị trào ngược lên thực quản.

Hội chứng trào ngược họng thanh quản
Thói quen hút thuốc lá trong thời gian dài là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược họng thanh quản

Ngoài ra hội chứng này có khả năng phát triển ở những đối tượng sau đây:

  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học
  • Thường xuyên dùng rượu bia và hút thuốc lá
  • Phụ nữ mang thai
  • Cơ thắt thực quản bị biến dạng
  • Người thừa cân – béo phì
  • Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh (Vì cơ thắt thực quản ở trẻ thường không đủ mạnh để ngăn chặn lượng thức ăn trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên hiện tượng này thường có xu hướng thuyên giảm khi trưởng thành)

Hội chứng trào ngược họng thanh quản có nguy hiểm không?

Hội chứng trào ngược họng thanh quản có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó bệnh lý này kéo dài còn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng của LPR đối với trẻ em:

  • Rối loạn hô hấp
  • Chậm phát triển
  • Khàn tiếng vĩnh viễn
  • Viêm phổi
  • Ho mãn tính
  • Rối loạn khoang miệng
  • Viêm thanh quản tái phát nhiều lần

Trong khi đó với người trưởng thành, LPR kéo dài có thể gây tổn thương mô lót thực quản, dây thanh quản và cổ họng. Theo thời gian, các biến chứng như xuất hiện sẹo ở mô, loét thực quản và tăng nguy cơ ung thư thanh quản có thể xảy ra.

Chẩn đoán trào ngược họng thanh quản

Trong trường hợp nghi ngờ mắc LPR hoặc GERD, bạn nên đến bệnh viện để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết sau đây.

Hội chứng trào ngược họng thanh quản
Hội chứng trào ngược họng thanh quản thường được chẩn đoán bằng cách nội soi và chụp X-Quang
  • X-Quang: Hình ảnh từ X-Quang có thể giúp bác sĩ kiểm tra biểu hiện và tình trạng của thực quản và dạ dày.
  • Nội soi: Để quan sát rõ biểu hiện bên trong cơ quan tiêu hóa trên, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi. Nội soi được thực hiện bằng cách đưa ống nội soi chứa camera vào trong cổ họng để quan sát biểu hiện của các cơ quan bên trong.

Điều trị hội chứng trào ngược họng thanh quản

Hội chứng trào ngược họng thanh quản thường được điều trị bằng cách sử dụng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để ngăn chặn biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

1. Sử dụng thuốc

Tương tự GERD, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ức chế và kháng axit dạ dày đối với trường hợp LPR. Các loại thuốc này có tác dụng giảm hàm lượng dịch vị được bài tiết, từ đó ngăn chặn tình trạng thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Hội chứng trào ngược họng thanh quản
Sử dụng thuốc chẹn H2, thuốc kháng axit,… có thể giảm các triệu chứng do trào ngược họng thanh quản gây ra

Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị LPR, bao gồm:

  • Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm lượng dịch vị dư thừa và giảm nhanh các triệu chứng do trào ngược axit gây ra. Thuốc kháng axit thường được sử dụng trước khi ăn hoặc ngay sau khi triệu chứng phát sinh. Các loại thuốc kháng axit phổ biến, bao gồm Yumangel, Varogel, Phosphalugel,…
  • Thuốc chẹn H2: Nhóm thuốc này ức chế chọn lọc thụ thể histamine H2 ở tế bào viền của dạ dày nhằm làm giảm quá trình sản xuất dịch vị. Tuy nhiên dùng thuốc chẹn H2 trong thời gian dài có thể làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn như giảm ham muốn tình dục, bất lực, mệt mỏi, táo bón, nhức đầu, tiêu chảy,…
  • Thuốc ức chế bơm proton: Nhóm thuốc này có tác dụng tương tự thuốc chẹn H2. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế proton ở tế bào viền nhằm giảm lượng axit được bài tiết khi có kích thích. Thuốc ức chế bơm proton có thể gây loãng xương, tăng nguy cơ bị viêm đại tràng giả mạc,… khi sử dụng trong điều trị dài hạn.

Sử dụng thuốc có thể ngăn chặn quá trình bài tiết dịch vị và giảm nguy cơ trào ngược. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc trong một thời gian dài có thể làm phát sinh các rủi ro và tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn nên phối hợp các biện pháp y tế với chế độ chăm sóc và lối sống lành mạnh.

2. Thay đối lối sống

Song song với việc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi một số thói quen thiếu khoa học. Việc xây dựng lối sống lành mạnh có thể giảm tần suất và mức độ của các triệu chứng do trào ngược họng thanh quản gây ra.

Hội chứng trào ngược họng thanh quản
Xây dựng chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý có thể hỗ trợ quá trình điều trị trào ngược họng thanh quản
  • Nên ăn từng bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Thói quen này có thể làm giảm áp lực lên dạ dày và giảm nguy cơ trào ngược dịch vị.
  • Tuyệt đối không ăn uống trong ít nhất 3 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ.
  • Nên sử dụng gối cao khi ngủ nhằm hạn chế nguy cơ dịch vị trào ngược lên thực quản.
  • Hạn chế một số loại thực phẩm gây tăng tiết dịch vị như thực phẩm chứa acid, dầu mỡ, gia vị,… Ngoài ra cần kiêng cử đồ hộp, đồ ăn vặt, bánh kẹo,…
  • Không sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá hay nước ngọt có gas.
  • Uống nhiều nước (2 – 3 lít nước/ ngày)
  • Giảm căng thẳng bằng cách ngủ sớm, ngủ đủ giấc và dành thời gian thư giãn.
  • Tập luyện thường xuyên có thể giảm nguy cơ phát sinh các triệu chứng do trào ngược họng thanh quản gây ra.
  • Ăn nhiều rau xanh để trung hòa dịch vị dạ dày, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và trao đổi chất của cơ thể.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân – béo phì.
  • Có thể dùng trà gừng hoặc trà mật ong để làm giảm đắng miệng và đau rát cổ họng.

3. Phẫu thuật

Trong trường hợp hội chứng trào ngược họng thanh quản không có đáp ứng với việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nhằm cải thiện chức năng cơ thắt. Bên cạnh đó phẫu thuật cũng được cân nhắc nếu LPR đã gây ra biến chứng (Barrett thực quản, u thực quản, ung thư thanh quản,…).

Hội chứng trào ngược họng thanh quản là tình trạng sức khỏe ít phổ biến. Tuy nhiên nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy nếu nghi ngờ mắc phải bệnh lý này, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.