Dấu hiệu Trẻ Sơ Sinh bị Tiêu Chảy & Cách Trị An toàn, Hiệu quả
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở những trẻ ăn ngoài sữa mẹ, gặp một số bệnh lý về hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch,… Nếu không được chăm sóc điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, thậm chí là tử vong. Dưới đây là những thông tin về tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, mẹ có thể tham khảo để có các biện pháp chăm sóc bé tốt nhất.
Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đang ở giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên chất thải không giống với người bình thường, rất khó để nhận biết tình trạng tiêu chảy. Vì vậy, mẹ cần chú ý đặc biệt để có thể nhận biết sớm tình trạng sức khỏe của con.
Tuy nhiên, khi bị tiêu chảy trẻ sơ sinh thường có những đặc điểm:
- Đột nhiên bé đi ngoài nhiều hơn những ngày khác.
- Phân lỏng, có thể loãng chỉ toàn là nước, phân có bọt, tóe nước, có nhầy, màu sắc thay đổi, mùi tanh
- Nếu trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường tiêu hóa thì phân có thể lẫn cả máu, kèm theo các biểu hiện khó chịu, quấy khóc, bú kém, có thể sốt, nôn ói
- Trẻ không muốn ăn, thấy khó chịu, có dấu hiệu lả người, mệt mỏi, không vui đùa như ngày thường
- Biểu hiện thiếu nước như khô hoặc không đi tiểu
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
Nhiễm trùng đường ruột: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các loại virus, vi khuẩn xâm nhập hoặc là do nhiễm ký sinh trùng. Loại virus gây tiêu chảy phổ biến ở trẻ sơ sinh là virus Rota, đây cũng là loại virus gây ra bệnh viêm dạ dày, viêm ruột và một số bệnh nhiễm trùng khác.
Không dung nạp lactose: Lactose là thành phần có bên trong sữa công thức, sữa bò và cả sữa mẹ. Nếu cơ thể trẻ sơ sinh không sản xuất đủ enzim lactase để tiêu hóa lactose. Lúc này, hàm lượng Lactose bị tích tụ ở ruột gây ra các vấn đề về đường ruột, dẫn đến tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non yếu, chưa được phát triển hoàn thiện nên rất nhạy cảm với những thay đổi dù là nhỏ nhất. Nếu trẻ đang bú sữa mẹ nhưng chuyển sang sữa công thức cũng sẽ khiến bé bị tiêu chảy.
Dị ứng với sữa mẹ: Bé bị tiêu chảy có thể do dị ứng với một vài thành phần bên trong sữa mẹ, do chế độ ăn của mẹ chưa hợp lý. Nếu mẹ sử dụng các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng, thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, cà phê, thuốc lá,… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?
Nếu trẻ bị tiêu chảy do virus gây ra và không bị các bệnh miễn dịch, có thể khiến trẻ khó chịu trong 1 – 2 ngày sau đó tự hết. Những trường hợp trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng hoặc là ký sinh trùng, bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn kháng sinh để điều trị cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc sau đây:
- Cho bé bú sữa mẹ như bình thường để bù nước cho bé, có thể cho trẻ uống thêm từ 100 – 200ml nước sôi để nguội, đã được diệt khuẩn, có độ ấm nhẹ mỗi ngày.
- Với trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở lên có thể cung cấp một số loại nước ép rau củ an toàn để bổ sung vitamin, chất xơ và khoáng chất cho bé.
- Cho bé uống khoảng 50 – 100ml oresol sau khi đi ngoài nếu đượcbác sĩ cho phép. Mẹ tuyệt đối không được cho bé sử dụng các loại thuốc tiêu chảy dùng cho người lớn.
- Nếu bé bú sữa công thức thì mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ các loại thức uống đặc biệt có chứa chất điện phân và đường để bổ sung cho bé. Đối với những trẻ ăn dặm, mẹ có thể tham khảo một số món ăn điều trị tiêu chảy cho bé.
- Cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để nhanh chóng lấy lại sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Tuyệt đối không cho trẻ nhịn ăn hoặc giảm khẩu phần ăn, sẽ khiến ruột chậm phục hồi, tiêu chảy kéo dài.
- Bổ sung kẽm cho trẻ làm giảm thời gian và tình trạng tiêu chảy, đồng thời giúp trẻ giảm nguy cơ bị tiêu chảy trong thời gian tiếp theo.
- Tiêu chảy do vi khuẩn virus rất dễ lây, mẹ nên rửa tay với nước ấm và xà phòng cho bé để ngăn ngừa sự lâu nhiễm.
- Tiêu chảy gây mất nước nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, suy hô hấp và tử vong. Do đó, mẹ nên chú ý đến các biểu hiện sức khỏe của con để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Lưu ý: Nếu trẻ bị tiêu chảy hơn hai ngày hoặc là trẻ có những dấu hiệu dưới đây, bạn nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Khô da khô môi
- Mệt mỏi, bơ phờ, khóc không ra nước mắt
- Tay và chân đổi màu, nước tiểu có màu vàng đặc
- Tả ướt ít hơn bình thường
- Sốt cao không ngừng
- Tiêu chảy mà phân nhiều máu
- Tiêu chảy nặng, bé đi hơn 8 lần tỏng 8 giờ
- Tiêu chảy kèm nôn ói liên tục
- Tiêu chảy tái phát khi vừa khỏi bệnh
Biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh
Mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, trong sữa mẹ có chứa đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cho sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ phát triển toàn diện, phòng chống các bệnh tật. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít bị tiêu chảy hơn.
Đảm bảo môi trường sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch và vệ sinh sạch sẽ khi nấu ăn cho trẻ hoặc cho trẻ uống nước. Người lớn khi tiếp xúc với trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là khi cho trẻ ăn và khi thay tả.
Mẹ cũng nên điều chỉnh lại chế độ ăn đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu đang cho con bú, mẹ nên ăn những loại thức ăn ít đạm, ít béo, có khả năng dung hòa tốt, dễ tiêu hóa như chuối, gạo, bánh mì, táo,…
Cần tiêm phòng sởi cho trẻ, vì virus sởi có khả năng gây tiêu chảy cho người bệnh sau khi các nốt phát ban đã lặn đi. Ngoài ra, nên kết hợp tiêm phòng Rotavirus cho trẻ, vì đây là một loại virus gây nên tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa, mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng cách.
Chuyên gia khuyến cáo
Trẻ sơ sinh có thể đi ngoài vài lần trong ngày, màu sắc phân đôi khi cũng có sự khác nhau nên mẹ dễ nhầm con gặp vấn đề tiêu hóa. Nếu trẻ vẫn bú khỏe thì đây là hiện tượng bình thường.
Mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh, giúp xác định nguyên nhân và sớm nhận biết khi trẻ bị tiêu chảy. Từ đó, có các biện pháp chữa trị và chăm sóc đúng cách, giúp bé nhanh chóng hồi phục.
Khi trẻ sơ sinh bị đi ngoài là rất hiếm và khó chẩn đoán, mẹ không nên tự ý chữa cho con tại nhà. Khi thấy những dấu hiệu bất thường thì nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách. Mẹ không nên tự ý cho con uống thuốc tiêu hóa, thuốc cam,… có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trên đây là những chia sẽ của chúng tôi về bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bé. Từ đó, có các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, để bé có thể phát triển một cách toàn diện.