Đau bụng đi cầu ra máu – Lý do bạn cần đi khám ngay

Rối loạn tiêu hóa, bệnh trĩ, táo bón kéo dài,… là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng đau bụng đi cầu ra máu. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như viêm túi thừa đại tràng, ung thư đại – trực tràng,…

dau bung di cau ra mau la benh gi
Đau bụng đi cầu ra máu – Lý do bạn cần đi khám ngay!

Đau bụng đi ngoài ra máu là bệnh gì?

Đau bụng đi ngoài ra máu là dấu hiệu cho thấy cơ quan tiêu hóa bị rối loạn và tổn thương. Triệu chứng này thường xảy ra ở người có chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, ít vận động, giờ giấc sinh hoạt không ổn định,…

Dưới đây là một số bệnh lý có liên quan đến triệu chứng đau bụng đi ngoài ra máu:

1. Bệnh trĩ

Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị phình giãn quá mức do chế độ ăn ít chất xơ, lười vận động, thừa cân – béo phì, thường xuyên mang vác vật nặng,…

Bệnh không chỉ gây đau rát, khó chịu khi đi đại tiện mà còn có thể gây ra hiện tượng chảy máu kèm đau quặn bụng. Nguyên nhân là do búi trĩ ma sát với phân gây tổn thương niêm mạc và chảy máu. 

đau bụng đi ngoài ra máu là bệnh gì
Triệu chứng đau bụng đi ngoài ra máu là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh trĩ (lòi dom)

Bệnh trĩ có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Tuy nhiên nếu để kéo dài, búi trĩ có thể bị viêm nhiễm và phải can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ.

2. Viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt (viêm đại tràng mãn tính) xảy ra khi đại tràng co thắt bất thường, gây ra tình trạng đau quặn bụng kèm theo triệu chứng rối loạn đại tiện (tiêu chảy/ táo bón) có lẫn máu.

Tình trạng đi ngoài ra máu tươi do viêm đại tràng co thắt có thể khởi phát do phân kích thích niêm mạc trực tràng và gây chảy máu. Ngoài ra tình trạng chảy máu cũng có thể xảy ra do đại tràng co thắt dữ dội gây tổn thương niêm mạc và làm vỡ mao mạch.

3. Ung thư đại – trực tràng

Ung thư đại – trực tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất. Sự xuất hiện khối u ác tính ở đại – trực tràng có thể làm gián đoạn quá trình tiêu hóa và đào thải phân của cơ quan này.

đau bụng đi ngoài ra máu là bệnh gì
Ung thư đại – trực tràng có thể gây đau bụng, đi tiêu ra máu, suy nhược, chán ăn,…

Trong trường hợp khối u phát triển lớn, phân có thể làm tăng áp lực vào khối u và gây ra hiện tượng chảy máu. Chảy máu do ung thư đại – trực tràng có thể gây đau bụng dữ dội kèm theo hiện tượng đi ngoài ra máu tươi và buồn nôn.

4. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa được tạo ra từ hoạt động co thắt bất thường của các cơ quan tiêu hóa (dạ dày, tá tràng hoặc đại trực tràng). Rối loạn tiêu hóa đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng – cơn đau có thể phân cấp từ đau âm ỉ đến sình bụng, đau từng cơn và đau quặn bụng.

Ngoài ra khi cơ quan tiêu hóa bị rối loạn, tần suất đại tiện (chủ yếu là tiêu chảy) sẽ tăng lên một cách bất thường. Việc bài tiết phân quá nhiều có thể kích thích niêm mạc trực tràng – hậu môn và khiến cơ quan này bị chảy máu.

5. Áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn là một dạng nhiễm trùng cấp tính có mức độ nặng nề. Biểu hiện thực thể của bệnh lý này là hiện tượng niêm mạc hậu môn ứ mủ, sưng nóng và đau rát.

đau bụng đi ngoài ra máu
Áp xe hậu môn khiến vùng hậu môn sưng nóng, đau rát và có xu hướng chảy mủ/ máu khi đại tiện

Trong giai đoạn mới bùng phát, áp xe hậu môn có thể gây đau quặn bụng dưới đi kèm với hiện tượng đi cầu ra máu hoặc mủ. Bệnh có thể được điều trị dứt điểm bằng cách sử dụng kháng sinh và thuốc hỗ trợ. Tuy nhiên nếu để kéo dài, áp xe hậu môn có thể chuyển sang giai đoạn rò hậu môn và tăng nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

6. Táo bón mãn tính

Táo bón mãn tính là tình trạng phân khô, vón cục và cứng kéo dài trên 6 tuần. Táo bón thường gây đau rát, khó chịu và chảy máu khi đại tiện.

Tuy nhiên ở những người bị táo bón nặng, lượng phân trong lòng ruột có thể ứ đọng trong nhiều ngày gây đầy trướng và đau bụng. Cơn đau này có thể tăng lên khi bạn cố gắng “rặn” trong quá trình đại tiện.

7. Viêm túi thừa đại tràng

Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị phình và giãn, tạo thành cấu trúc hình túi. Thông thường các túi thừa đại tràng này không gây đau hay làm phát sinh bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên khi túi thừa bị viêm nhiễm do vi khuẩn, bạn có thể bị đau bụng dưới kèm buồn nôn, sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi,…

đau bụng đi ngoài ra máu
Viêm túi thừa đại tràng không chỉ gây đau bụng mà còn làm phát sinh hiện tượng đi ngoài ra máu

Trong một số trường hợp viêm túi thừa nghiêm trọng, phân có thể tăng áp lực lên cơ quan này và gây chảy máu khi đi cầu.

Ngoài ra, triệu chứng đau bụng đi ngoài ra máu còn có thể khởi phát do một số bệnh lý khác như viêm ruột thừa cấp, bệnh Crohn, viêm loét dạ dày, nứt kẽ hậu môn,…

Đau bụng đi cầu ra máu tươi – Lý do bạn cần thăm khám ngay!

Đau bụng đi cầu ra máu tươi là biểu hiện của nhiều bệnh lý ở đường tiêu hóa. Phần lớn trường hợp gặp phải triệu chứng này đều khởi phát từ các bệnh lý thường gặp như rối loạn tiêu hóa, táo bón mãn tính, bệnh trĩ, áp xe hậu môn…

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể khởi phát do ung thư đại – trực tràng, viêm túi thừa đại tràng,… So với những bệnh lý trên, ung thư và viêm túi thừa là các bệnh lý có mức độ nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị từ sớm.

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, các bệnh lý nói trên còn gây ra nhiều khó khăn và bất lợi trong đời sống sinh hoạt và làm việc. Do đó khi nhận thấy triệu chứng kéo dài hơn 3 ngày, bạn nên tiến hành thăm khám để kịp thời kiểm soát và điều trị bệnh.

Phòng ngừa triệu chứng đau bụng đi cầu ra máu

Bạn có thể giảm nguy cơ bị đau bụng đi cầu ra máu với các biện pháp sau:

đau bụng đi cầu ra máu tươi
Duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ và vitamin có thể giảm thiểu nguy cơ bị đau bụng đi cầu ra máu tươi
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều chất xơ và vitamin. Đồng thời nên bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và có khả năng làm mềm phân như khoai lang, đu đủ chín, rau mồng tơi, rau dền, rau khoai,…
  • Uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày nhằm duy trì lượng nước bên trong lòng ruột và giảm nguy cơ táo bón.
  • Vệ sinh hậu môn đúng cách để tránh nguy cơ viêm nhiễm và áp xe.
  • Ăn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời cần nấu chín thực phẩm trước khi ăn. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm tươi sống như hàu, cá, trứng gà, mực,…
  • Vệ sinh tay trước và sau khi ăn.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống dễ gây đau bụng và táo bón như hải sản, đồ hộp, thức ăn nhanh, snack, thức ăn nhiều gia vị, cà phê, bia rượu,…
  • Tập thói quen đi đại tiện đúng giờ và cần đi cầu ngay khi cơ thể có nhu cầu.
  • Vận động từ 15 – 30 phút/ ngày nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường nhu động ruột. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giảm nguy cơ táo bón và các bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn,…
  • Tránh lạm dụng các loại thuốc gây tác dụng phụ lên cơ quan tiêu hóa như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau,…

Đau bụng đi cầu ra máu – Khi nào cần gặp bác sĩ?

Có thể thấy triệu chứng đau bụng đi cầu ra máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy bạn cần sắp xếp để tìm gặp bác sĩ chuyên khoa trong thời gian sớm nhất.

đau bụng đi cầu ra máu tươi
Chủ động gặp bác sĩ nếu triệu chứng đau bụng đi cầu ra máu tươi kéo dài hơn 3 ngày

Tuy nhiên trong một số trường hợp, bạn nên chủ động đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Đau quặn bụng dữ dội
  • Lượng máu lẫn trong phân nhiều và có mùi khó chịu
  • Cơ thể xanh xao và mệt mỏi
  • Sụt cân bất thường
  • Hậu môn sưng nóng, đau rát và gây khó khăn khi ngồi
  • Choáng đầu
  • Nôn mửa kéo dài và có kèm theo dịch màu nâu

Hiện tượng đau bụng đi cầu ra máu có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định bệnh lý thông qua triệu chứng lâm sàng và biểu hiện thực thể có thể gây nhầm lẫn. Vì vậy trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau 3 ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.