Có nên thụt mật ong cho trẻ sơ sinh? Cách thực hiện đúng
Trẻ sơ sinh không được dùng thuốc thụt. Do đó, nhiều phụ huynh dùng mật ong. Tuy nhiên việc thụt mật ong cho trẻ sơ sinh còn phải tùy vào từng trường hợp cụ thể và phải thực hiện đúng cách.
Các dạng táo bón ở trẻ sơ sinh
Trước khi tìm đáp án cho câu hỏi có nên thụt mật ong cho trẻ sơ sinh không và cách thực hiện ra sao, bạn cần tìm hiểu các dạng táo bón ở trẻ. Điều này giúp bạn biết được khi nào thì cân nhắc dùng phương pháp thụt cũng như các phương pháp điều trị khác tại nhà. Hoặc khi nào thì nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế điều trị.
Táo bón chức năng
Đa số trẻ sơ sinh bị táo bón chức năng. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không biết điều này và phát hoảng khi trẻ 1 – 2 ngày không đi ngoài. Khi bị tình trạng này, sức khỏe trẻ vẫn tốt nhưng gặp khó khăn khi đi vệ sinh. Phân sẽ cứng và khô. Bên cạnh đó, có thể trẻ sẽ hay khó chịu và quấy khóc. Đôi khi trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày cũng chỉ biểu hiện của táo bón chức năng
Nguyên nhân gây táo bón chức năng ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện hoặc do trẻ thiếu nước. Bên cạnh đó, chất lượng sữa mẹ không đảm bảo cũng có thể là nguyên nhân. Đặc biệt là ở những người mẹ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, ít chất xơ và uống ít nước.
Ngoài ra, tình trạng táo bón chức năng cũng rất hay gặp ở những trẻ sơ sinh dùng sữa công thức. Bởi đa số các loại sữa pha sẵn đều nhiều đạm, ít chất xơ và chứa nhiều thành phần gây khó khăn cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Táo bón do tổn thương thực thể, bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh
Cụ thể là các tình trạng như: hẹp hậu môn, suy tuyến giáp, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột do lồng ruột… Số trường hợp trẻ bị táo bón từ những nguyên nhân này rất hiếm gặp. Ví dụ như bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Cứ 5.000 trẻ sơ sinh sẽ có 1 trẻ mặc tình trạng này.
Trẻ bị táo bón do tổn thương thực thể, bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh thường thể hiện triệu chứng trong 24 – 48 giờ sau sinh. Các biểu hiện thường gặp là: không đi ngoài, bụng căng cứng, nôn mửa, vàng da, hay quấy khóc, vặn mình hoặc rút chân vào bụng khi khóc, lả người, vã mồ hôi và lười bú.
Trường hợp nên thụt mật ong cho trẻ sơ sinh
Trẻ bị táo bón chức năng có thể dùng cách thụt mật ong ở hậu môn. Tuy nhiên, đối với từng trường hợp cụ thể, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Muốn biết trẻ bị táo bón chức năng hay có nguyên nhân khác, bạn có thể căn cứ vào biểu hiện. Nếu biểu hiện không rõ ràng, tốt nhất nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Nếu bị táo bón có nguyên nhân từ tổn thương thực thể, bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh thì tuyệt đối không được dùng biện pháp thụt hậu môn. Việc bạn cần làm tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi tình trạng táo bón từ những nguyên nhân này diễn biến rất nhanh. Nó có thể gây nguy hiểm tính mạng hoặc ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển trí não và thể chất sau này.
Ngoài ra, một số trẻ phân quá cứng và to thì việc dùng mật ong thụt cần phải cân nhắc kỹ. Bởi điều này có thể khiến bé hoảng sợ, nứt kẽ hoặc chảy máu hậu môn. Nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.
Cách thụt mật ong cho trẻ sơ sinh
Sau khi tham khảo kỹ lưỡng ý kiến từ bác sĩ, bạn có thể thực hiện thụt mật ong cho trẻ để chữa táo bón như sau:
- Pha loãng mật ong với nước cất (hoặc nước tinh khiết) với tỷ lệ 1:3.
- Dùng tăm bông đã tiệt trùng thấm mật ong pha loãng và đút nhẹ vào hậu môn của trẻ.
Mật ong với vị ngọt và tính bình sẽ bôi trơn và kích thích nhu động ruột. Nhờ đó, bé sẽ đi ngoài dễ dàng hơn. Việc thụt hậu môn cho trẻ sơ sinh chữa táo bón có thể cho kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn không nên thực hiện nó nhiều lần. Tốt nhất chỉ nên thụt 1 lần. Nếu tình trạng táo bón không cải thiện thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra.
Thụt hậu môn trẻ quá nhiều lần, dù là dùng mật ong cũng ảnh hưởng không tốt. Bởi khi đó co thắt vòng hậu môn sẽ bị yếu dần. Hậu quả là trẻ sẽ đi ngoài không tự chủ. Người ta còn gọi là bệnh ị đùn. Mặc khác, có thể trẻ sẽ “nghiện” việc thụt hậu môn. Chỉ đi ngoài khi có tác động bên ngoài ở hậu môn.
Giải pháp an toàn chữa táo bón cho trẻ sơ sinh
Có rất nhiều cách cải thiện chứng táo bón cho trẻ sơ sinh. Thụt mật ong cho trẻ sơ sinh chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Ngoài nguyên nhân từ tổn thương thực thể, bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh, ba mẹ hoàn toàn có thể chữa khỏi táo bón cho trẻ sơ sinh bằng cách:
-
Tập thể dục và massage cho bé
Đa số các trẻ bị táo bón chức năng có nhu động ruột chậm. Bạn có thể giúp cho quá trình nhu động ruột bình thường trở lại bằng cách tập thể dục hoặc massage cho trẻ. Cách làm khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả đáng kể.
Đối với cách tập thể dục, bạn cần đặt trẻ nằm trên giường và quay chân về hướng bạn. Dùng tay di chuyển nhẹ nhàng chân trẻ theo động tác đạp xe đạp. Còn đối với động tác massage, bạn chỉ cần dùng 3 ngón tay xoa và ấn nhẹ bên trái rốn trẻ. Các động tác này cần thực hiện ngày 2 lần và mỗi lần khoảng 3 phút.
-
Cải thiện chất lượng sữa và tăng cường cho trẻ bú mẹ
Nguồn dưỡng chất dồi dào và quý hiếm trong sữa mẹ ngoài việc giúp bé lớn lên còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và phòng chứng táo bón. Thế nên, hãy tăng cữ bú cho trẻ. Bên cạnh đó, bạn nên chú ý chất lượng sữa thông qua chế độ ăn uống của người mẹ. Nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước.
Thụt mật ong cho trẻ sơ sinh bị táo bón không phải không có hiệu quả. Tuy nhiên xét về mức độ toàn diện và an toàn thì đây chưa hẳn là lựa chọn tối ưu nhất. Phương pháp dân gian hỗ trợ này chỉ có tác dụng trong thời điểm nhất định. Để con khỏi lâu dài, cha mẹ nên chú ý đến ăn uống và sinh hoạt của con. Đặc biệt nên theo dõi tình trạng của con thường xuyên và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi lựa chọn cách điều trị.
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ cho các bậc phụ huynh về thắc mắc có nên thụt mật ong cho trẻ sơ sinh không? Hi vọng câu trả lời đã giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này để chăm sóc và điều trị cho con một cách tốt nhất.