Chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt – Hướng dẫn A-Z
Áp dụng cách chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt có tác dụng điều hòa khí huyết ngũ tạng, kích thích nhu động ruột và hoạt động co bóp của dạ dày. Cách chữa này khá an toàn, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều đối tượng.
Chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt có tác dụng gì?
Xoa bóp bấm huyệt là thủ thuật điều trị sử dụng bàn tay để tác động đến các huyệt vị nhằm điều hòa khí huyết, tăng cường lưu thông và giải phóng ứ trệ. Thủ thuật được áp dụng để điều trị các chứng đau nhức xương khớp, chóng mặt, tiểu ít, thận yếu và đầy bụng khó tiêu.
Theo y học cổ truyền, đầy bụng khó tiêu thuộc chứng vị quản thống – tức là do đau dạ dày mà thành. Triệu chứng này phát sinh do khí và huyết trong vị quản bị ứ trệ. Do đó tác động từ xoa bóp và bấm huyệt có thể điều hóa khí huyết và giải phóng khí đầy trệ bên trong.
Ngoài ra tác động từ xoa bóp, bấm huyệt còn kích thích nhu động ruột và hoạt động co bóp của dạ dày. Tác động này góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng tiêu cực ở đường ruột như tiêu chảy, táo bón,…
Việc xoa bóp bấm huyệt chỉ có vai trò hỗ trợ điều trị triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Nếu triệu chứng này xuất phát từ các bệnh lý như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm hang vị dạ dày,… bạn cần kết hợp với các biện pháp chuyên sâu khác.
Hướng dẫn chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt
Để phương pháp này phát huy tác dụng, cần xoa bóp và bấm huyệt vào những vị trí quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với cơ quan tiêu hóa.
1. Xoa bóp
Xoa bóp là thuật ngữ tổng hợp các động tác như xoa, vuốt, day, ấn… nhằm kích thích tuần hoàn máu và làm nóng cơ thể. Xoa bóp thường được thực hiện trước nhằm chuẩn bị cho quá trình bấm huyệt.
Với chứng đầy bụng, khó tiêu, bạn nên xoa bóp vào kinh Tam tiêu. Tam tiêu phân ra 3 vị trí: Hạ tiêu, Trung tiêu và Thượng tiêu. Khi thực hiện xoa bóp, cần nằm trên giường và hai chân co nhẹ.
Thực hiện xoa bóp trị đầy bụng khó tiêu:
- Xoa Hạ tiêu: Tay thuận nắm lại, tay còn lại úp lên trên để tăng lực. Xoa lên phần cuống dạ dày (Hạ tiêu) theo hình tròn từ 10 – 20 lần và thực hiện theo chiều ngược lại từ 10 – 20 lần.
- Xoa Trung tiêu: Thực hiện tương tự như động tác xoa Hạ tiêu.
- Vuốt cạnh sườn: Vuốt nhẹ từ xương sườn cụt đến mỏm xương ức, mỗi bên thực hiện 10 lần.
- Xoa Thượng tiêu: Để lòng bàn tay áp lên ngực, dùng tay còn lại chồng lên để tăng áp lực. Xoa vòng trên ngực từ 10 – 20 lần và thực hiện theo chiều ngược lại từ 10 – 20 lần.
- Vuốt bụng: Sau đó nắm hai bàn tay lại và vuốt từ vùng Hạ tiêu đến Trung tiêu rồi Thượng tiêu từ 5 – 10 lần. Động tác này có khả năng điều hòa khí huyết các cơ quan ngũ tạng và tăng cường cơ bụng.
Khi xoa bóp, cần thực hiện vào buổi sáng và buối tối. Nên xoa bóp đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả như mong muốn.
2. Bấm huyệt chữa chướng bụng đầy hơi
Bấm huyệt sử dụng ngón tay cái (hoặc ngón tay có lực mạnh nhất) để tác động sâu đến các huyệt vị. So với xoa bóp, bấm huyệt có khả năng điều hòa khí huyết, giảm đau và chữa đầy hơi hiệu quả hơn. Tuy nhiên tránh tình trạng bỏ qua bước xoa bóp và bấm huyệt trực tiếp. Điều này có thể khiến các huyệt vị đau nhức và bầm tím nặng nề.
Khi bấm huyệt, bạn nên ngồi co chân lại và tác động vào các huyệt vị sau:
- Huyệt Túc tam lý: Huyệt nằm ở mặt ngoài đầu gối, dưới bánh xương chè khoảng 3 thốn. Huyệt Túc tam lý có tác dụng thông kinh lạc, bổ hư nhược, lý tỳ vị và điều trung khí. Tác động vào huyệt vị này có khả năng chữa đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, nôn mửa,…
- Huyệt Công tôn: Huyệt nằm ở mặt trong bàn chân, nơi tiếp nối của thân và đầu xương ngón chân cái. Huyệt vị này có tác dụng ích tỳ vị, có khả năng điều trị viêm ruột và các chứng do dạ dày hư yếu.
- Huyệt Hợp cốc: Huyệt nằm ở chỗ lõm giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái. Huyệt vị này có tác dụng khu phong, giải nhiệt, thanh tiết phế khí và thông giáng trường vị.
- Huyệt Thái xung: Huyệt nằm giữa khe bàn chân ngón cái và ngón trỏ. Tác dụng của huyệt Thái Xung là ký huyết, tức can dương, bình can, chủ trị các chứng phù thũng, tiêu hóa.
- Huyệt Tam âm giao: Huyệt nằm ở mặt trong xương chày, từ đỉnh mắt cá nhân đo lên khoảng 3 thốn. Huyệt có tác dụng kiện tỳ, hóa thấp, sơ can, ích thận và thông khí trệ. Tác động vào huyệt vị này có khả năng chữa trướng bụng, liệt dương, suy nhược, rối loạn tiêu hóa,…
- Huyệt Trung quản: Huyệt cách rốn khoảng 4 thốn đi thẳng lên và nằm giữa hai bên bờ sườn. Tác dụng điều thăng giáng, hóa thấp trệ và hòa vị khí. Bấm huyệt Trung Quản có tác dụng trị đầy hơi, tiêu chảy, ăn không tiêu, ợ chua, nôn mửa,…
- Huyệt Nội quan: Huyệt nằm ở mặt trong cổ tay, đo từ cổ tay lên 2 thốn. Huyệt Nội quan có tác dụng an thần, định tâm, trấn thống và lý khí. Ngoài tác dụng trị các triệu chứng do dạ dày, huyệt vị này còn trị hồi hộp và say tàu xe.
- Huyệt Đản trung: Huyệt nằm ở giữa bờ xương ức với đường ngang nối 2 đầu núm vú. Huyệt Đản trung có tác dụng trị đau ngực, ít sữa, hen suyễn và đầy bụng.
- Huyệt Phong long: Huyệt nằm trên đỉnh mắt cá chân ngoài, đo lên khoảng 8 thốn. Huyệt vị này có tác dụng hóa đờm thấp, hòa vị khí, chủ trị các chứng suyễn, ho đờm, ngực trướng, khó tiêu,…
- Huyệt Hạ quản: Huyệt nằm cách rốn 2 thốn đo thẳng lên. Hạ quản có tác dụng tiêu khí trệ, trợ vận hóa trường vị, chủ trị các chứng bụng đau, dạ dày đau, cổ trướng, ăn không tiêu, đầy hơi,… Tuy nhiên huyệt vị này không được thực hiện ở phụ nữ mang thai từ tháng thứ 5 trở lên.
- Huyệt Toàn cơ: Huyệt nằm ở giữa hai bờ của xương quai xanh. Tác dụng trị ho suyễn, đầy hơi, chướng bụng,…
- Huyệt Thượng quản: Huyệt nằm cách lỗ rốn 5 thốn đo thẳng lên. Tác động vào huyệt vị này có tác dụng hóa đàm trọc, hóa thấp, lý tỳ vị, sơ khí,… chuyên chủ trị các chứng về dạ dày và tim.
- Huyệt Nội đình: Huyệt nằm giữa ngón chân thứ 2 và thứ 3. Tác dụng tiết nhiệt, hóa trệ, hóa trường, thông giáng vị khí, chủ trị chứng ruột viêm, dạ dày đau, đầu đau,…
- Huyệt Vị du: Huyệt nằm bên dưới gai đốt sống lưng thứ 12, đo ngang khoảng 1.5 thốn. Huyệt có tác dụng tiêu trệ, điều vị khí và hóa thấp. Đây là huyệt vị chuyên điều trị các chứng viêm dạ dày, loét dạ dày, sa dạ dày, liệt cơ bụng và tiêu chảy mãn tính.
- Huyệt Dương lăng tuyền: Huyệt nằm ở mặt ngoài bắp chân, nằm ở chỗ lõm dưới đầu nhỏ của xương mác. Huyệt vị này có tác dụng trị nôn mửa, ợ chua và viêm túi mật.
- Huyệt Tỳ du: Huyệt nằm dưới gai sống lưng thứ 11, đo ngang khoảng 1.5 thốn. Tác dụng trị liệt cơ bụng, viêm loét dạ dày và tiêu chảy mãn tính.
- Huyệt Chương môn: Huyệt nằm ở đầu xương sườn thứ 11. Tác động đến huyệt vị này có tác dụng hông sườn đau tức, viêm gan, tiêu chảy và tiêu hóa kém.
Những lưu ý khi bấm huyệt giảm đầy bụng
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị dựa trên cơ chế điều hòa khí huyết. Phương pháp này không sử dụng thuốc nên có thể phù hợp với nhiều đối tượng và ít gây ra tác dụng phụ.
Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao khi thực hiện, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Phải xác định đúng huyệt vị trước khi thực hiện. Nhằm hạn chế rủi ro khi áp dụng, bạn có thể liên hệ với bác sĩ khoa y học cổ truyền để được hướng dẫn cụ thể.
- Khi bấm huyệt và xoa bóp, cần điều phối lực từ bàn tay phù hợp. Tránh tình trạng dùng lực quá mạnh khiến huyệt vị đau tức và bầm tím.
- Tránh bấm huyệt cho phụ nữ mang thai. Nếu có ý định thực hiện, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn bấm các huyệt vị phù hợp.
- Nên cắt móng tay và vệ sinh tay sạch sẽ trước khi xoa bóp bấm huyệt.
- Không tác động lên huyệt vị bị lở loét, nhiễm trùng hoặc đang sưng viêm.
- Xoa bóp bấm huyệt chỉ mang lại hiệu quả tức thời. Vì vậy cần thực hiện theo liệu trình và phối hợp với nhiều phương pháp khác.
- Để tránh đầy hơi chướng bụng tái phát, bạn nên thiết lập chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt chỉ có tác dụng đối với những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa và viêm dạ dày nhẹ. Với những bệnh nhân bị khó tiêu, đầy bụng do ngộ độc thực phẩm hoặc xuất huyết dạ dày, bạn cần đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Bài viết chỉ cung cấp thông tin mang tính chất tham khảo. Vui lòng hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cách chữa này!