Chảy máu dạ dày – Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Chảy máu dạ dày là một tình trạng y tế nguy hiểm thường khởi phát khi dạ dày gặp tổn thương nặng. Nếu không kịp thời can thiệp, tính mạng của người bệnh có thể sẽ bị đe dọa.

chảy máu dạ dày
Chảy máu dạ dày là tình trạng nguy hiểm cần can thiệp kịp thời

Tình trạng chảy máu dạ dày nguyên nhân do đâu?

Chảy máu dạ dày còn được biết đến với tên thuật ngữ y khoa quen thuộc là xuất huyết dạ dày. Đây là tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa kích hoạt ngay tại niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân trực tiếp của vấn đề là dạ dày bị tổn thương nặng.

Dưới đây là các yếu tố liên quan:

1. Sử dụng thuốc kháng sinh quá liều

Hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những tác dụng ngoại ý nhất định. Nhất là làm ảnh hưởng gây tổn thương các cơ quan tiêu hóa, trong đó có dạ dày.

Sử dụng kháng sinh với liều cao trong thời gian kéo dài sẽ khiến cho niêm mạc dạ dày bị kích ứng. Đồng thời thuốc còn tiêu diệt các lợi khuẩn trong dạ dày, tạo điều kiện cho tác nhân gây hại tấn công. Từ đó có thể khiến niêm mạc dạ dày tổn thương và chảy máu.

Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid hay thuốc chống đông máu là những tác nhân chính gây ra tình trạng chảy máu dạ dày.

2. Viêm loét dạ dày tá tràng

Thống kê cho thấy, viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày, chiếm tới hơn 40% tổng số trường hợp. Bệnh thường khởi phát do nhiễm vi khuẩn Hp hay sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau thường xuyên. Ngoài ra, chế độ ăn không đảm bảo, stress, uống rượu bia, hút thuốc lá… cũng là những yếu tố liên quan.

Tình trạng chảy máu dạ dày thường sẽ phát sinh khi các ổ viêm loét phát triển mà không được can thiệp. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải đối diện với các hệ quả nghiêm trọng khác như thủng dạ dày, hẹp môn vị.

3. Ung thư dạ dày

Chảy máu dạ dày cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư dạ dày cần can thiệp kịp thời. Bệnh thường khởi phát khi các tế bào ở dạ dày phát triển mất kiểm soát tạo thành các khối u.

nguyên nhân xuất huyết dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những nguyên nhân tương đối phổ biến

Nguyên nhân gây bệnh thường là do các tổn thương tiền ung thư, vi khuẩn Hp, tiền sử phẫu thuật dạ dày. Bệnh thường diễn tiến rất âm thầm ở giai đoạn sớm. Chính vì thế mà người bệnh thường chỉ phát hiện ra khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn.

Chảy máu dạ dày đi kèm với những triệu chứng nôn ra máu hay đi ngoài phân đen là những triệu chứng ở giai đoạn muộn của bệnh.

4. Hội chứng Mallory weiss

Hội chứng Mallory weiss còn được viết tắt là hội chứng Mallory đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện vết rách ở lớp niêm mạc dạ dày thực quản. Tình trạng này thường phát sinh khi người bệnh nôn quá nhiều sau khi uống rượu.

Việc nôn nhiều chính là nguyên nhân khiến cho niêm mạc dạ dày thực quản tổn thương và dẫn đến chảy máu. Biểu hiện đặc trưng của hội chứng này là người bị nôn ra máu tươi hoặc dịch nôn nâu đen.

Hầu hết các trường hợp nôn ra máu đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, rất hiếm khi xảy ra chảy máu nặng. Và phần đa các trường hợp xuất huyết đều tự dừng lại mà không cần điều trị y khoa. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người bệnh cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị thiếu máu cơ tim cục bộ dẫn tới cơn đau tim.

Trên đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày. Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Hp, ăn uống kém lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia… đều là những vấn đề khiến tình trạng nghiêm trọng thêm.

Các triệu chứng chảy máu dạ dày thường gặp

Tình trạng chảy máu dạ dày cần sớm phát hiện để can thiệp kịp thời. Bạn cần chú ý đến một số triệu chứng đặc trưng sau đây:

1. Vùng thượng vị đau dữ dội

Tình trạng xuất huyết thường diễn ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng. Đây chính là lý do mà dù cho máu chảy nhiều hay ít thì người bệnh vẫn sẽ bị đau dữ dội ở vùng thượng vị.

Ngoài ra, cơn đau còn lan tỏa trên diện rộng khiến bụng cứng rất khó chịu. Bạn còn có thể bị đau đến toát mồ hôi, mặt mũi tái xanh.

2. Nôn ra máu

Đây chính là triệu chứng đặc trưng nhất của tình trạng xuất huyết dạ dày. Thông thường, người bệnh sẽ nôn ra máu tươi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp máu có thể bị tụ lại ở dạ dày một thời gian rồi mới trào ra bên ngoài. Điều này khiến nhiều người bị nôn ra máu màu đen có lẫn cả thức ăn.

nhận biết chảy máu dạ dày
Nôn ra máu là triệu chứng điển hình nhất của xuất huyết dạ dày

3. Đi ngoài ra máu

Sau nôn ra máu thì đi ngoài ra máu cũng là một trong những triệu chứng rất thường gặp khi bị xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên tình trạng này sẽ không biểu hiện rõ ràng như ở xuất huyết đại trực tràng. Người bệnh có thể bị đi ngoài ra máu hay đi ngoài ra phân đen có dính máu.

4. Thay đổi sắc tố da

Khi sắc tố da thay đổi thì phần đa người bệnh sẽ không nghĩ đến tình trạng chảy máu dạ dày. Tuy nhiên đây cũng là một triệu chứng đi kèm mà mọi người cần chú ý để phát hiện bệnh chuẩn xác hơn.

Dạ dày bị chảy máu thì chức năng hoạt động cũng sẽ suy yếu. Điều này khiến cho quá trình chuyển hóa thức ăn thành các dưỡng chất đi nuôi cơ thể bị ngưng trệ. Chính vì thế mà người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, làn da trở nên nhợt nhạt, kém sức sống.

5. Thiếu máu

Đây là triệu chứng nhận biết đồng thời cũng là hệ quả, càng biểu hiện rõ ràng hơn khi tình trạng chảy máu dạ dày trở nên nghiêm trọng. Hiện tượng thiếu máu thường đi kèm với các triệu chứng điển hình như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, tụt huyết áp hay cơ thể đổ nhiều mồ hôi.

Chảy máu dạ dày nguy hiểm như thế nào?

Chảy máu dạ dày là một trong những vấn đề y tế nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không kịp thời can thiệp. Đặc biệt là khi tình trạng chảy máu diễn ra một cách đột ngột và tiến triển nhanh chóng.

Lúc này người bệnh có thể gặp tình trạng sốc với các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Hạ huyết áp mạnh
  • Không đi tiểu hay tiểu không thường xuyên
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở, tức ngực
  • Mất ý thức

Những điều này sẽ đẩy người bệnh đứng trước nguy cơ tử vong. Và thống kê cũng cho thấy rằng, số lượng người tử vong vì chảy máu dạ dày đang có nguy cơ tăng lên mỗi năm.

Các phương pháp chẩn đoán chảy máu dạ dày

Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ cần thăm khám và chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân. Trước hết, dựa vào những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu.

Tiếp đến, một số can thiệp chuyên sâu hơn sẽ được thực hiện. Mà điển hình nhất là tiến hành nội soi dạ dày tá tràng. Bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi, phần dầu có gắn camera. Từ từ đặt ống vào trong cổ họng và di chuyển dần theo đường tiêu hóa xuống dạ dày tá tràng.

chẩn đoán xuất huyết dạ dày
Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để quan sát những bất thường trong dạ dày

Từ hình ảnh nội soi bác sĩ sẽ quan sát mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày cũng như đánh giá sơ bộ tình trạng xuất huyết. Ngoài ra, để hỗ trợ thêm cho việc chẩn đoán thì những xét nghiệm khác cũng có thể được chỉ định.

Các xét nghiệm hỗ trợ có thể là:

  • Xét nghiệm máu
  • Sinh thiết mẫu phân
  • Chụp động mạch
  • Xét nghiệm hình ảnh

Điều trị chảy máu dạ dày

Đối với tình trạng xuất huyết dạ dày dù là nặng hay nhẹ thì cũng cần đến bệnh viện ngay lập tức. Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân kích hoạt vấn đề cũng như biểu hiện triệu chứng.

1. Sử dụng thuốc

Chảy máu dạ dày là tình trạng diễn ra từ bên trong nên việc điều trị sẽ phức tạp và khó theo dõi hơn. Đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc cầm máu ngay lập tức để ức chế triệu chứng.

Tiếp đến, bác sĩ tiến hành làm sạch dạ dày cùng với nước muối hòa adrenalin. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc trung hòa acid tại chỗ hoặc thuốc kháng acid. 

Trong trường hợp, tình trạng xuất huyết vẫn diễn ra thì bác sĩ sẽ chỉ định việc tiêm Cimetidin ống 200ml trực tiếp vào bắp với tần suất khoảng 6 giờ/lần.

Nếu tình trạng chảy máu dạ dày là do vi khuẩn Hp gây ra thì sau khi cầm máu người bệnh buộc phải sử dụng kháng sinh trong khoảng 10 – 14 ngày. Cùng với đó là quá trình điều trị với thuốc để chữa lành vết loét ở niêm mạc dạ dày kéo dài trong khoảng 6 – 8 tuần.

2. Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp việc điều trị bằng thuốc không thể đáp ứng thì bác sĩ buộc phải cân nhắc điều trị ngoại khoa để nhanh chóng ức chế triệu chứng. Điều này đảm bảo rằng người bệnh sẽ không bị đe dọa tính mạng khi tình trạng chảy máu dạ dày trở nên nghiêm trọng.

điều trị chảy máu dạ dày
Trường hợp bị chảy máu dạ dày nặng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để điều trị

Can thiệp ngoại khoa có thể tiến hành với các phương án sau:

  • Phương pháp nội soi: Dùng tia laser, dầu nhiệt hay kẹp cầm máu… để ức chế tình trạng xuất huyết và giúp dạ dày dần ổn định trở lại.
  • Phẫu thuật: Áp dụng cho những trường hợp bị xuất huyết quá nặng. Bác sĩ sẽ truyền thêm máu cho người bệnh để ngăn ngừa khả năng mất nhiều máu và giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thành công.

3. Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ

Một số biện pháp chăm sóc sau đây sẽ giúp hỗ trợ quá trình chữa lành tổn thương dạ dày. Đồng thời ngăn ngừa tình trạng chảy máu dạ dày tái diễn.

  • Bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể bằng những thực phẩm lành tính. Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và các thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Ưu tiên việc chế biến các thực phẩm mềm, chín kỹ khi dạ dày đang tổn thương.
  • Hạn chế tối đa các nhóm thực phẩm tạo áp lực cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Có thể kể đến như thức ăn nhanh, đồ chiên xào, cay nóng, đồ chế biến sẵn, rượu bia…
  • Ăn chậm, nhai thật kỹ, không nên ăn quá nhiều một bữa. Chú ý chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày.
  • Giảm công việc mỗi ngày, giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, tránh xa stress, căng thẳng.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và tránh thức khuya.
  • Thường xuyên tập thể dục, đi bộ, yoga… để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và tăng cường đề kháng.

Chảy máu dạ dày là tình trạng nguy hiểm cần điều trị ngay lập tức để tránh đe dọa đến tính mạng. Ngoài việc tuân thủ chỉ định từ bác sĩ thì bạn cần thực hiện tốt những biện pháp chăm sóc hỗ trợ.